Chỉ ít ngày sau khi thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ – trùm bất động sản Vũ “Nhôm” – biến mất ngay trước mũi các tuyến trinh sát của Công an Đà Nẵng, Bộ Công an, vụ Vũ “Nhôm” đang có những dấu hiệu trở thành một vụ “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”.
Ảnh:Trịnh Xuân Thanh - Vũ Nhôm
Những tương đồng Vũ “Nhôm” – Trịnh Xuân Thanh
Một vài trang báo điện tử ngoài nước và một số trang facebook ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài bắt đầu đưa tin về vụ Vũ “Nhôm” đã tẩu thoát trót lọt, đã có thể ung dung ở một chân trời nào đó ngoài biên giới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không chỉ có thế, là một tình báo viên công an, Vũ “Nhôm” đang nắm trong tay một bản danh sách mạng lưới tình báo viên của công an Việt Nam ở nước ngoài và nhiều công ty “bình phong” của ngành công an. Nếu danh sách gián điệp này và các công ty “bình phong” bị Vũ “Nhôm” tiết lộ, sẽ xảy đến vô khối chao đảo trong nội bộ ngành công an…
Bầu không khí mô tả trên về “lợi thế so sánh” của Vũ “Nhôm” là tương đồng, hoặc chính xác hơn là rất tương đồng, với cách thức “dàn trận” của nhóm truyền thông lợi ích chỉ ít ngày sau 3Trịnh Xuân Thanh biến khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016, cũng là khoảng thời gian mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể đã hoảng hốt trước vụ Trịnh Xuân Thanh và cả tổng biên tập báo Petrotimes – đại tá an ninh Nguyễn Như Phong “phản thùng”, phải mở cả một hội nghị trung ương 4 để răn đe về hành vi “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Ai và thế lực nào đã báo tin và giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn?
Đó vẫn là nỗi đau không thể nói thành lời của Tổng bí thư Trọng.
Một điểm tương đồng, không biết chỉ là ngẫu nhiên hay mang tính chủ ý, giữa câu chuyện “ra đi tìm đường cứu nước” của Vũ “Nhôm” và Trịnh Xuân Thanh là cả hai nhân vật này dường như chỉ thoát khỏi vòng vây theo dõi vào khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng.
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, vào khoảng quý 3 năm 2016, Bộ Công an sùng sục khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh, báo chí nhà nước chạy theo tường thuật sôi động, nhưng đột nhiên tất cả đều im bặt. Trịnh Xuân Thanh đã biến mất không một dấu vết.
Hơn một năm sau, đoạn phim trên được công chiếu lại. Vào buổi tối 21/12/2017, khi nhiều tờ báo nhà nước sôi nổi và ồn ào đưa tin “Bộ công an khám nhà Vũ “Nhôm””, thì lại không có tin tức hay hình ảnh nào về việc đại gia Phan Văn Anh Vũ này đã chính thức bị khởi tố bắt giam. Toàn bộ hình ảnh “khám nhà” mà báo chí nhà nước đăng tải chỉ là bề mặt ngôi nhà của Vũ “Nhôm” mà không hề thấy cảnh đại gia này bị công an áp sát hay tra tay vào còng ở trong nhà.
Nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”?
Sau khi Vũ “Nhôm” biến mất, các cơ quan công an đã tìm cách đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng và “việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất?”, Phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Dấu hỏi bật ra là cơ quan công an đã quan liêu đến mức không biết Vũ “Nhôm” đã xa chạy cao bay mà vẫn “khám nhà” như một thói quen, hay đã biết trước đó và đã phát sinh một cơn hoảng loạn trước đó trong nội bộ công an từ cấp thành phố Đà Nẵng đến Bộ Công an, để sau đó đành làm động tác khám nhà Vũ “Nhôm” như một thủ tục “cho có”?
Cần nhắc lại, cho đến tận bây giờ, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có bất cứ tin tức nào được công bố về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư. Hậu quả của vụ việc mà ai cũng hiểu là có xuất xứ từ “xung đột nội bộ” này là vụ “tàng hình” ấy chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ”, và thế lực giấu mặt này không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” thì tình thế sẽ “biến” đến thế nào?
Sau khi Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thành công vào năm 2016, những trang mạng thuộc phe Thanh hoặc ủng hộ nhân vật này đã đưa tin về việc Trịnh Xuân Thanh nắm trong tay nhiều tài liệu “chết người” – những tài liệu mà nếu bị bắt thì Thanh có thể “làm sụp đổ cả một vương triều”.
Tuy thực tế sau đó cho thấy Trịnh Xuân Thanh đã không công bố được tài liệu nào đủ mô tả chiều sâu về những bê bối cung đình của giới quan chức, cũng không có tài liệu nào vẽ ra bức tranh tài sản của giới quan chức như trang Chân Dung Quyền Lực đã tung ra như một cơn địa chấn vào cuối năm 2014 – đầu 2015, nhưng rõ ràng Trịnh Xuân Thanh vẫn là một hồ sơ sống rất có giá trị đối chứng, ít nhất trong vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam vào tháng 12/2017.
Còn giờ đây, tuy chỉ được đánh giá là một con chốt trên bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam, nhưng Vũ “Nhôm” lại rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là “tình báo hai mang” này.
Điều 263: cơ hội cư trú chính trị của Vũ “Nhôm” sẽ rộng mở?
Có một chi tiết “lạ” ứng với trường hợp Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ: trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Một luồng dư luận từ chính dư luận viên của đảng nhận định rằng khi lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ thể hiện tội danh “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ luật Hình sự, cơ hội cư trú chính trị của Vũ “Nhôm” sẽ rộng mở và như vậy việc bắt, di lý Vũ “Nhôm” sẽ khó khăn hơn. Và trong thực tế, cơ quan an ninh điều tra sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn nếu Vũ “Nhôm” đã xuất ngoại.
Một luồng dư luận khác ở hải ngoại lại cụ thể hóa luồng dư luận trên: do Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước, điều mà rất nhiều quốc gia sẽ chấp nhận cho Vũ được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhằm khai thác lợi thế này.
Thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ “Nhôm” rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…
Nhưng thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ còn có thể sở hữu nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật”, thậm chí “Tuyệt Mật” về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.
Và của cả những ngành khác…
Một chi tiết bên lề nhưng không thể bỏ qua là “không hiểu sao” chỉ ít ngày sau khi Vũ “Nhôm” bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên “Báo cáo tin tình báo”, trong đó đặc biệt đề cập về Vũ “Nhôm” và “phe cánh chính trị” không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến “trung ương”. Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào, nhưng địa chỉ phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) – Bộ Quốc phòng.
Khác nhiều với phong cách “nhanh chóng đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch” mà hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền thường tiến hành trong thời gian gần đây đối với một số thông tin trên mạng xã hội, cho tới nay người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác “Báo cáo tin tình báo” trên./.