(Ảnh: Từ trái qua: ông Phạm Bá Hải, Tổng lãnh sự Mary Tarnowka, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Đại sứ Daniel Kritenbrink, Luật sư Lê Công Định, bà Pam Pontius, Nhà báo Phạm Chí Dũng.)
Vào buổi chiều ngày 18/1/2018, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – ông Daniel Kritenbrink – đã đến thăm thân mật Bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại tư gia.
Cùng đi với Đại sứ Daniel Kritenbrink là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM – bà Mary Tarnowka và tùy viên chính trị – bà Pam Pontius. Dĩ nhiên có cả vệ sĩ.
Một số nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền cùng dự buổi tiếp đoàn Mỹ: ông Phạm Bá Hải – điều phối viên Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Luật sư Lê Công Định – điều phối viên Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Nhà báo Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một nhà đấu tranh nhân quyền nổi bật và thuộc lớp đầu tiên ở Việt Nam. Ông đã được trao Giải Nhân quyền Raoul Wallenberg năm 1994, Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy năm 1995, Giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) năm 2002, Giải Nhân quyền Heinz R. Pagels năm 2004, và Giải Nhân quyền Việt Nam 2004 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Nhiều lần ông được cử làm ứng viên cho Giải Nobel về hòa bình; gần đây nhất ông được Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ed Royce cùng bảy Thượng nghị sĩ đề cử cho giải Nobel này cho năm 2004. Tháng 4 năm 2016 ông được công bố được Giải nhân quyền Gwangju (Hàn Quốc).
Cùng với Linh mục Phan Văn Lợi, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế hiện là đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên mà Đại sứ Daniel Kritenbrink tạo ra là khác với người tiền nhiệm Ted Osius, ông không tỏ vẻ quan cách ngoại giao hoặc vận dụng một cách thái quá thủ pháp lẫn ngôn từ ngoại giao trong những nội dung trao đổi về nhân quyền Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những nhà hoạt động xã hội dân sự, Daniel Kritenbrink dành phần lớn thời gian để trao đổi về chủ đề nhân quyền, về chiến dịch bắt bớ người hoạt động nhân quyền xảy ra trong suốt 16 tháng qua kể từ tháng 6/2016. Ông cũng bộc lộ mối quan tâm không che giấu về thảm họa ô nhiễm ở miền Trung do Formosa gây ra và số phận của hàng trăm ngàn nạn nhân nơi đây.
Những câu hỏi và cách thức biểu cảm của Đại sứ Daniel Kritenbrink cho thấy ông là nhân vật ngoại giao duy lý và hành động, cùng vẻ hài hước lẫn mỉa mai kín đáo.
Trước khi trở thành đại sứ ở Việt Nam, Kritenbrink là một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, có bề dày và kinh nghiệm ứng phó với Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên lại là một quốc gia “đồng chí” với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong quá khứ và ngay cả hiện tại. Cùng với lực lượng Hồi giáo IS, chế độ chính trị Bắc Triều Tiên đang bị dư luận quốc tế xem là cực đoan và tàn ác nhất thế giới, đồng thời là một trong những nguy cơ rất tiềm tàng mà có thể dẫn đến chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Daniel Kritenbrink hẳn đã có những triết lý riêng của ông về Bắc Triều Tiên và kinh nghiệm đối phó với chế độ này, bao gồm cả hành vi vi phạm nhân quyền. Những nguyên tắc và kinh nghiệm như thế phác ra hy vọng rằng Daniel Kritenbrink có thể trở thành một vị đại sứ quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền và sẽ cứng rắn hơn trước các vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và ngày càng dày đặc của nhà cầm quyền Việt Nam, kể cả xem xét lại quá trình chính thể này lọt vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ tháng 11 năm 2013 và thường tỏ ra rất tự hào về điều đó.
Vào tháng 5/2016, khi còn là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink được VOA dẫn lời: “Nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương Mỹ – Việt tiến về phía trước”, và “Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Tháng 5/2016 cũng là thời điểm mà nước Mỹ đã làm một cử chỉ đặc biệt kể từ năm 1995 khi Mỹ – Việt bình thường hóa quan hệ: dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Nhưng dù đã mở lòng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, Tổng thống Obama đã phải nhận một cú sốc chưa từng có: Có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Obama bị công an cấm cửa đến gặp ông.
Bảy tháng sau vụ công an Việt Nam thẳng tay chặn khách mời của Tổng thống Obama tại Hà Nội, đến lượt ngoại trưởng của Obama là ông John Kerry cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Bầu không khí dân chủ mà giới quan chức chính phủ và ngoại giao Hoa Kỳ cảm nhận được ở đất nước họ, lại đã bị biến thái một cách lộn ngược tại quốc gia cựu thù. Những gì mà chính quyền Obama đã hy vọng sẽ làm cho giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi về não trạng nhân quyền lại chỉ nhận được kết quả hầu như công cốc sau hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Còn giờ đây là thời của Donald Trump và Daniel Kritenbrink. Không biết lời cảnh báo của Daniel Kritenbrink về mua bán vũ khí có “linh” hay không, chỉ biết rằng đã một năm rưỡi trôi qua kể từ tháng Năm năm 2016, giới quân sự Việt Nam vẫn chưa mua được một thứ vũ khí mang hiệu quả sát thương đáng kể nào từ phía Mỹ.
Rất có thể khác và khác hẳn với Ted Osius, Daniel Kritenbrink có nhiều việc phải xử lý tại Việt Nam.
Daniel Kritenbrink – người có gương mặt và chiều cao khá giống với nhân vật Andy Dufresne, một nhân viên ngân hàng bị án oan và đã kiên nhẫn đến hàng chục năm để đào một đường hầm trong nhà tù ShawShank để đào thoát và tìm lại tự do cho mình – có thể trở thành một đại sứ thực tâm hơn với nhân quyền Việt Nam so với Ted Osius, và cũng chẳng luôn nở nụ cười cầu toàn như Ted trước tư thế ngả ngớn đu dây của Hà Nội giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo vietnamthoibao.org