Sau hai tháng Ba và Tư của nửa đầu năm 2018 le lói một chút tin tức về ‘Bộ Công an trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho người hoạt động nhân quyền’, mới đây đã có những xác nhận về vấn đề nhạy cảm này.
Một trong những xác nhận trên đến từ nhà báo Mạc Việt Hồng ở Ba Lan. Trên Facebook của mình vào ngày 11 tháng Năm năm 2018 – tức đúng này Nhân Quyền Việt Nam, bà Mạc Việt Hồng cho biết:
‘Một nhà hoạt động nữ, cựu tù nhân lương tâm sắp xuất cảnh qua châu Âu, tất nhiên là nàng đi rồi nàng lại về. Hộ chiếu, visa cũng như quyền xuất cảnh có được nhờ sự can thiệp của bộ Ngoại Giao Đức thông qua ĐSQ của họ tại Hà Nội.
Gần đây có những người đã bị thu hộ chiếu, bị cấm xuất cảnh nhưng với sự trợ giúp của ĐSQ Đức, những nhà hoạt động này đã được cấp lại hộ chiếu và xuất cảnh bình thường. Tháng trước, mình vừa gặp 1 trường hợp như vậy ở châu Âu và nghe kể về một số trường hợp khác.
VN đang có những nhún nhường nhất định với Đức. Hy vọng sẽ có những tù nhân lương tâm được giảm án hay phóng thích trước hạn, chứ ko phải là TXT. Thằng đó xứng đáng rũ tù, dù việc bắt cóc hắn là sai trái’.
Ở trong nước, cũng có những xác nhận khác về việc trong thời gian gần đây, Bộ Công an đã trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho một số nhà hoạt động nhân quyền, trở thành một hiện tượng ‘lạ’ trong đời sống chính trị và xã hội ở Việt Nam.
Đã từ nhiều năm qua, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu, hoặc cả hai động tác này, là một biện pháp rất được Bộ Công an và công an các tỉnh thành dùng đến để đối phó với tiếng nói bất đồng của nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền. Rất nhiều người hoạt động này đã bị cấm xuất cảnh, theo một danh sách được cho là có đến hàng vài ngàn người bị cấm xuất cảnh, trong đó có giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Từ đầu năm 2014, ở Việt Nam đã ra đời ‘Hội những người bị cấm xuất cảnh’, bao gồm hàng trăm cái tên của những người hoạt động nhân quyền. Nhiều người đã làm đơn khiếu nại đòi công an phải trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh, nhưng Bộ Công an và công an các tỉnh thành chỉ viện dẫn lý do ‘xâm phạm an ninh quốc gia’ hết sức mơ hồ mà không trưng dẫn ra được bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm phạm ấy, để không trả lời các đơn thư khiếu nại.
Một biên bản cấm xuất cảnh đối với Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong của Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội. Ảnh: BBC
Cho tới gần cuối năm 2017 – là năm mà chiến dịch bắt bớ nhân quyền đã lên dến cao điểm với gần ba chục người bị tống giam, vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền và công an nhượng bộ những yêu sách về cải thiện nhân quyền của cộng đồng quốc tế, trong đó có đòi hỏi về trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh.
Vào tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã lặng lẽ trả hộ chiếu và cho xuất cảnh một ít trường hợp là cựu tù nhân lương tâm – những nhà hoạt động là Nguyễn Phương Uyên, Trương Minh Tam, Việt Khang, Mục sư Nguyễn Công Chính.
Tin tức của nhà báo Mạc Việt Hồng và những nhà hoạt động nhân quyền trong nước về ‘Bộ Công an trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho người hoạt động quyền’ lại xuất hiện trùng thời gian diễn ra một sự kiện thu hút mối quan tâm của báo chí và dư luận ở châu Âu: Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, mà trong phiên tòa này đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều: Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo một tình tiết cực kỳ quan trọng: 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra sẽ chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) chưa biết chừng nào mới kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức, Slovakia và Séc.
Nếu Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện nhân quyền, chính quyền Việt Nam sẽ chơi lại ‘bài’ nới nhân quyền bằng cách dùng cơ chế trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho một số người hoạt động nhân quyền, và có thể thả một ít tù nhân lương tâm khỏi những song sắt tối tăm. Trịnh Xuân Thanh cũng vì thế sẽ có cơ may được phóng thích khỏi nhà tù cộng sản trong thời gian không quá lâu.
Vào những ngày này, đã có dấu hiệu Nguyễn Phú Trọng tỏ ý thực sự cần đến EVFTA và một cuộc đàm phán không công bố với Liên minh châu Âu để có được cái hiệp định cứu vãn kinh tế ấy.
Một lần nữa kể từ thời ‘vận động để tham gia Hiệp định TPP’ vào năm 2013, đang có những biểu hiện cho thấy chính quyền Việt Nam chơi lại ‘bài’ nới nhân quyền bằng cách dùng cơ chế trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho một số người hoạt động nhân quyền để nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
https://chantroimoimedia.com/2018/05/14/viet-nam-bat-dau-nhuong-bo-duc-v...