Thông tin về việc một nhóm người được mệnh danh là Hiệp sĩ đi bắt cướp, bị cướp tấn công lại, 2 người bị đâm chết và 3 người bị thương nặng phải vào bệnh viện vào đêm 13/5/2018 đã đặt lại một vấn đề mà bấy lâu nay đã có nhiều tiếng nói phản ứng, nhưng nhà nước bỏ ngoài tai: “Hiệp sĩ”.
Câu chuyện đã được đặt ra từ lâu, khi một số người dân hăng hái đi săn bắt trộm cướp trên đường, sau đó được khen thưởng tặng bằng khen… Thậm chí có những nơi nhà nước còn ra văn bản thành lập các “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” với những quy chế cho họ thay công an làm việc của ngành công an, tặng bằng khen cho những người tự tổ chức đi bắt cướp.
Điều này, đã đặt ra cho dư luận xã hội những vấn đề: Tính pháp lý, hiệu quả và hậu quả của việc đó ra sao?
Trước hết, cần nói rằng việc người dân tham gia hỗ trợ việc bảo đảm an ninh là việc đáng khuyến khích. Ngày xưa, cha ông ta vẫn dạy: “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” để khuyến khích tính tự giác của cộng đồng, của người dân với những điều xấu, điều ác gây cho cộng đồng, cho xã hội.
Thế nhưng, ngày nay vấn đề đã khác.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay, người dân ngày càng trở nên vô cảm, thờ ơ trước đau khổ của đồng loại.
Người ta sẵn sàng giữ chặt cái túi của mình, im lặng tránh xa tên móc túi trên ô tô. Bởi vì nếu nói ra, họ sẽ bị bọn trộm cắp trả thù và nhận được câu “dại”. Bởi nói ra, không được gì, lại phải chịu hậu quả là bị trả thù, và khi đó, chẳng ai dám lên tiếng bênh vực.
Người dân sẵn sàng để người bị tai nạn giao thông hoặc một người chẳng may bị trúng gió, bị ốm ngất xỉu bên vệ đường mà không cứu giúp. Bởi đơn giản một điều: Nếu họ cứu giúp, đưa người đó vào bệnh viện, rất có thể “không phải đầu cũng phải tai”. Chẳng hạn, đưa nạn nhân vào bệnh viện, trước hết là họ trả tiền taxi, vào bệnh viện, phải nộp ngay mấy triệu đồng thì bác sĩ mới làm thủ tục nhập viện. Và rồi nếu chẳng may, người đó chết, thì biết đâu người có tinh thần nghĩa hiệp kia, sẽ phải rắc rối với ngay chính gia đình nạn nhân và cơ quan luật pháp.
Vì người ta không thể tin được ngày nay lại có người tốt đến mức bỏ công việc, bỏ tiền để cứu giúp nạn nhân không quen biết dọc đường.
Thế nên, nạn nhân cứ nằm im chịu chết trước việc mọi người đi qua, hoặc dừng lại chụp ảnh, quay video đưa lên mạng… và chỉ thế.
Người ta có thể đứng im, nhìn nhà hàng xóm cháy để quay phim, bình luận… đúng nghĩa đen và nghĩa bóng câu của cha ông đã phê phán cái thói: “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”.
Vì sao vậy?
Tại sao truyền thống cha ông từ ngàn xưa đến nay đã dạy tinh thần nghĩa hiệp, không chấp nhận cái xấu, cái ác nay người dân Việt lại sẵn sàng bỏ qua những tội ác hiển hiện ngay trước mắt mình?
Điều này, chỉ có thể giải thích rất nhanh chóng và rõ ràng là bởi thể chế xã hội Cộng sản ngày nay, đã làm tha hóa và đạo đức xã hội suy đồi đến mức tận cùng.
Khi mà cả xã hội đua nhau kiếm tiền bằng mọi giá, bằng mọi cách, đầu độc nhau bằng đủ loại thực phẩm bẩn, cơ quan nhà nước tiếp tay cho việc buôn bán thuốc chữa bệnh giả, nhà nước tìm mọi cách để thu thuế, còn sinh mạng người dân không cần quan tâm, mạng người không đáng để kể đến, thì việc chết thêm dăm bảy người cũng chỉ là chuyện bình thường.
Nó cũng như khi nhà nước độc tài chỉ biết thu thuế mà không cần biết chất lượng xăng dầu đối với người dân ra sao, thì chuyện cháy, nổ hẳn nhiên xẩy ra thường xuyên. Chẳng sao, bởi hậu quả người dân chịu.
Khi mà người ta cố chen nhau vào đảng, để kiếm cái ghế thật béo bở, và qua đó thì bóp nặn người dân, tham nhũng, cướp bóc… xảy ra ngang nhiên và sau đó thì huênh hoang về sự giàu có, lại được “kính trọng”, thì phản ứng đương nhiên của xã hội là “mạnh thằng nào thằng ấy chạy” và cái lý thuyết Mác – Lenin “Vật chất quyết định ý thức” được dịp thực hiện trên mọi phương diện.
Mặt khác, trên bình diện quản lý nhà nước thì với nhà nước độc tài Cộng sản, mọi ý kiến người dân không đúng ý đảng, chỉ bảo vệ dân đều bị đánh phá đủ mọi cách, đủ mọi mánh khóe. Mọi trò bẩn thỉu, vu cáo đủ điều bằng hệ thống truyền thông hùng hậu thì việc người dân quan tâm đến công việc chung, lợi ích xã hội là điều hết sức khó khăn và hiếm hoi.
Bởi bất cứ người dân nào, bất cứ ai cũng sẵn sàng trở thành “đối tượng phản động” và bị đánh cho te tua bằng đủ mọi cách từ công an giả danh côn đồ, bằng cách triệt hạ mọi đường sống. Thậm chí nhà tù luôn rộng cửa đối với những người biết yêu quê hương đất nước, biết đau đớn trước việc lãnh thổ và lãnh hải bị mất dần hay với những nạn nhân bị cướp đất.
Bởi khi những nạn nhân bị đầu độc bởi Thảm họa môi trườngdo Formosa gây ra có kêu gào, những người nghĩa hiệp giúp đỡ họ được cho vào tù thì chính nhà nước Cộng sản đã cố tình dập tắt sự nghĩa hiệp trong người dân.
Những người quan tâm đến xã hội, đến cộng đồng, đến quyền của mỗi con người trong đất nước, quan tâm đến cái chung luôn là đối tượng của nhà nước dập tắt bằng mọi giá thì chính nhà nước đã triệt tiêu tinh thần yêu nước, yêu dân của chính dân mình.
Nhất là khi nhà nước ngang nhiên chà đạp luật pháp, công bộc của dân chỉ lo bóp nặn dân, không chăm lo đến công việc phục vụ người dân đang nai lưng nuôi mình, thì chẳng ai lại thừa thời gian đi quan tâm việc cứu giúp người khác hoặc dính vào những việc không liên quan đến mình.
Và cứ thế, đất nước chìm vào sự vô cảm, mỗi người chỉ “chăm lo cho bộ da của mình” mà “quên đi những đau khổ đồng loại”.
Hiệp sĩ? Tại sao lại là Hiệp sĩ?
Khi nạn trộm cướp diễn ra hết sức trắng trợn ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là những vụ cướp táo tợn xảy ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam gay gắt trước sự bất lực của nhà nước, một số người dân đã buộc phải ra tay để tự bảo vệ mình. Thậm chí có một số người đã ra tay nghĩa hiệp cứu giúp những nạn nhân trên đường phố bị cướp giật. Trần Văn Hoàng, một Hiệp sỹ ở Quận Tân Bình, đã 20 năm qua anh đã tham gia bắt được 500 tên trộm cướp.
Thế là như vớ được vàng, nhiều nơi đã tìm mọi cách tận dụng những người này để lập ra cái gọi là “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” với những quy định riêng cho họ.
Điều mà lẽ ra, ai cũng phải hỏi khi biết đến việc đó là: Vậy thì sinh ra công an đủ loại, đầy nhung nhúc mỗi khi cần trấn áp dân khiếu kiện việc cướp đất, biểu thị lòng yêu nước, canh giữ người dân yêu dân chủ, tự do… thậm chí công an đứng đầy đường lo trấn lột, ăn mãi lộ mà thôi sao?
Vậy nhà nước mua đủ loại súng ống, quả nổ, đạn hơi cay, xe chống bạo động, chó nghiệp vụ… chỉ để cướp đất của dân, nhà tù hàng loạt đầy rẫy chỉ để nhốt người yêu nước sao?
Vậy thì có nên giải tán cái Bộ Công an hiện tại để lập nên Bộ Hiệp sĩ thay thế hay không?
Những người gọi là “Hiệp sĩ” kia, họ là ai? Họ chỉ là những người dân bình thường, trong tay cũng không tấc sắt, không được trang bị thiết bị, vũ khí, không được huấn luyện đầy đủ để đối mặt với những tên cướp, những toán cướp nguy hiểm thì làm sao có thể an toàn cho họ?
Vậy những lực lượng cảnh sát hàng đàn, hàng lũ, đủ mọi lực lượng được huấn luyện chuyên nghiệp bao năm, với biết bao tiền của dân và đủ loại lương thưởng, thiết bị… sinh ra để làm gì?
Hay chỉ cần họ lập thành tích thay công an là đủ, còn tính mạng của ngay chính những hiệp sĩ này cũng chẳng có gì đáng để chú ý.
Mặt khác, những người dân bình thường thậm chí ít khi có đủ can đảm để đối đầu với bọn cướp, thường chỉ những người, những đối tượng đã dày dạn, nhẵn mặt trộm cướp hoặc có liên quan trộm cướp mới đủ liều để đương đầu. Vậy cũng sẽ trở thành Hiệp sĩ hay sao?
Và khi chẳng ai được học hành, đầy đủ nhận thức pháp luật, lại được giao cho việc đi bắt người tự do. Nếu các đối tượng nói trên, hành xử theo cách giang hồ, trả thù cá nhân, bắt bớ người vô tội vạ thì vẫn cứ bình thường sao?
Nếu như những phần tử bất hảo, lại xung phong là hiệp sĩ bắt cướp, lợi dụng các ưu ái kia để đi cướp của dân thì sao?
Vậy thì cái “nhà nước pháp quyền XHCN” nghĩa là có thể cho phép những người dân bình thường, mang danh Hiệp sĩ có quyền vượt mọi quy định của luật pháp sao?
Cần phải hiểu điều này: Việc bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân, người dân đã bỏ tiền thuế của mình ra để có một lực lượng chuyên nghiệp. Nếu lực lượng đó không làm tròn trách nhiệm vẫn rêu rao là “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi” thì chính lực lượng đó phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, thì Công an ngày càng đông, ngân sách nuôi cả đám đàn lũ công an đã quá sức nặng của người dân, nợ nước ngoài tăng vùn vụt cũng vì nuôi đám này.
Thế nhưng, việc tranh công, cướp công của dân cứ đều đều xảy ra, còn trộm cướp cứ hoành hành như chỗ không người, nhưng khi nếu có vụ công an bắt được tên trộm cướp nào, thì hết khen thưởng lại báo công… cứ như họ đang đi làm việc thuộc nhiệm vụ của ai khác. Còn trộm cướp và tội phạm không liên quan gì đến họ?
Và hôm nay, khi những “Hiệp sĩ” bị toán cướp đâm chết và bị thương nặng, người dân đến kêu công an cạnh đó hỗ trợ các “Hiệp sĩ” thì lập tức nhận được lời từ chối ráo hoảnh: “Ở Phường khác” một cách hết sức vô cảm, thờ ơ và mất tính người.
Rồi chính tên Công an suýt bị trộm mất chiếc xe máy mà các “Hiệp sĩ” đã liều mình chấp nhận chịu chết để bảo vệ cái xe cho hắn nhưng hắn không mảy may động lòng đến các “hiệp sĩ” đã chết thương tâm và những người trong bệnh viện kia.
Hắn coi chuyện các Hiệp sĩ phải bảo vệ xe cho hắn và chết thay hắn là chuyện đương nhiên. Thậm chí hắn còn kêu bạn bè đi liên hoan để “giải đen”, chính là điển hình của một thái độ không chỉ vô ơn, mà là sự vô cảm, vô nhân tính.
Và những hiện tượng đó chính là những hành động mà các chiến sĩ ngành công an đã làm để giết chết nốt chút tinh thần trượng nghĩa trong dân chúng.
Bởi họ sẽ rút ra bài học: Tại sao mình lại đi làm việc của những thằng công an để chịu thiệt thân trong khi chính chúng lại thờ ơ với ngay chính tính mạng của mình?
Còn chúng ta, câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải là Hiệp sĩ? Nuôi công an để làm gì?
Nguồn: RFA