Dư luận nhiều khi rất không công bằng. Không ít ý kiến chê trách lực lượng chức năng ở sân bay Cam Ranh tại sao lại để người Trung Quốc mặc áo khoác khi nhập cảnh, để đến nỗi họ giấu được cả áo có đường lưỡi bò mặc bên trong.
Ai đã đi máy bay đều biết, hành khách chỉ bị cởi áo khoác khi làm thủ tục kiểm tra an ninh trước khi lên tàu bay chứ không phải cởi áo sau khi xuống sân bay bao giờ.
Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ khác. Tức là bọn Tàu cộng có hẳn chiến lược tấn công toàn diện ta trên mọi mặt trận, bằng mọi cách có thể, bằng mọi lực lượng. Nếu chỉ 1 người mặc áo có hình lưỡi bò thì chỉ mang tính cá nhân, nhưng đây là cả tập thể đồng phục, mặc áo và cởi áo theo hiệu lệnh, phô bày có tổ chức. Chúng không giấu diếm ý định chỉ cần xuất hiện trên đất Việt 1 phút thôi, có chụp ảnh ghi lại, thế là đạt mục đích. Chúng thừa hiểu những vi phạm như vậy sẽ bị đuổi về, bị trục xuất ngay nếu ở nước khác nhưng vẫn cứ làm bởi chúng biết đây là VN. Chúng cứ nhơn nhơn, biết tỏng nhà cai trị xứ này đang mềm mỏng, khôn khéo, không dám trị chúng thẳng tay.
Tới thời điểm này, không hề nghe nói bọn xâm lược bằng lưỡi bò đó đã bị xử lý như thế nào. Lỗi để lọt áo lưỡi bò không phải ở mấy anh an ninh sân bay mà là ở cấp cao hơn.
Đọc báo thấy nói nhà cầm quyền ở tỉnh Khánh Hòa đang lúng túng không biết xử lý ra sao với 14 người Tàu ngang nhiên mặc áo lưỡi bò trên đất ta, lại sực nhớ cách nay hơn chục năm, có một chiến dịch của nhà nước ráo riết truy quét những công dân Việt mặc áo hoặc đội mũ bảo hiểm in chữ "Hoàng Sa của Việt Nam". Cứ ai mặc áo ấy, đội mũ ấy đi ngoài đường là bị tóm liền, bị quy là phản động, thế lực thù địch. Rồi sau vài năm, cứ anh chị nào mặc áo có hình vẽ NoU với 2 cái gách chéo phản đối đường lưỡi bò của Tàu cộng cũng đều bị công an theo dõi, làm khó, thậm chí quy là thế lực thù địch, cho rằng mượn cớ yêu nước để chống đối chế độ.
Nói chung, chống Tàu xâm lược vi phạm chủ quyền Việt Nam rất khó, bị coi là nhạy cảm. Hình như chỉ cán bộ, đảng viên mới được thực hiện quyền này, còn dân phải đứng bên lề cuộc yêu nước khi nhà cai trị chưa cần tới xương máu họ.
Cuộc đời như sân khấu bi hài.