Hai ngày sau khi phiên họp kỳ 5 của Quốc hội bế mạc, các lãnh đạo cộng sản, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri đã đua nhau phát biểu lên án cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6. Từ chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “Quốc hội lên án hành động lợi dụng dân chủ”, đến Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng theo đuôi khẳng định “Có âm mưu khích động, chia rẽ với Trung Quốc.”
Đó cũng là tuần lễ cao điểm mà Bộ Công an đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh chìm nổi bố ráp, bắt bớ ở các thành phố và các tỉnh. Mục đích của công an là ra tay trấn áp, không cho những cuộc biểu tình xảy ra như hôm Chủ nhật tuần trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã xuất hiện trong buổi tiếp xúc với cử trị quận Cầu Giấy, Hà Nội lên tiếng công kích cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 mà ông Trọng cho là lòng yêu nước của người dân bị “xúi giục làm loạn”. Ông Trọng đã nêu lên sự bức xúc rằng tại sao Bộ chính trị đã ra quyết định hoãn thông qua dự luật đặc khu hôm mồng 8 tháng 6, thế mà ngày 10 tháng 6 lại diễn ra cuộc biểu tình?
Trong cuộc tiếp xúc này, ông Trọng lý giải về chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế như sau:
– Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã có từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Ngay từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã đi khảo sát Vân Phong ở Nha Trang, Khánh Hòa.
– Đây là vấn đề khó, mới và nhạy cảm nên làm rất thận trọng. “Cho thuê đất 99 năm đâu phải bàn giao đất cho nước A, nước B nào rồi để người ta vào tự do. Luật đất đai hiện hành được cho thuê đến 70 năm, còn đây là đặc khu nên dự kiến khuyến khích không quá 99 năm và phải qua bao nhiêu quy trình…”
– Có người kích động chỗ này, cho rằng để cho Trung Quốc vào đây 99 năm thì mất nước, vì thế kêu gọi đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước. Rõ ràng sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng, kích động để chống đối. Trong sự việc này có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài.
Qua phát biểu này chúng ta thấy có ba điều đáng chú ý:
– Viêc lập đặc khu, chính quyền cộng sản đã có tính toán từ lâu. Tức khoảng 30 năm trước đặc khu đã là một kế hoạch kinh tế nhưng không tiến hành được vì nó “nhạy cảm”, nên qua hai đời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đã không làm. Đây có thể vì những lãnh đạo này nghi ngờ sự thành công trước một mô hình tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Và nhất là trong tình trạng một đất nước vừa tạm thời thoát khỏi cảnh đói nghèo, khả năng cán bộ quản lý là con số không hay chỉ mới chập chững bước vào kinh tế thị trường.
Thế nhưng tại sao bây giờ đảng lại cho xúc tiến việc thành lập cùng một lúc đến 3 đặc khu? Đặc biệt từ nhiệm kỳ 2 tổng bí thư của ông Trọng, kế hoạch nghiên cứu diễn ra rất mạnh. Vậy vấn đề đặc khu đã hết “nhạy cảm” hay sao? Điều đáng nói là từ năm 2016 qua các hội thảo, nghiên cứu, thăm dò về 3 đặc khu đều có bóng dáng của chuyên gia Trung Cộng. Báo chí được cho đi “tham quan” đặc khu Thẩm Quyến để về viết bài ca ngợi. Nhưng thật ra vào thời điểm này, các đặc khu kinh tế của Trung Cộng không còn hiệu quả bao nhiêu. Và dự thảo luật đã được đưa ra quốc hội lấy ý kiến lần đầu năm 2017 để chuẩn bị thông qua trong năm 2018.
– Vấn đề cho thuê đất 99 năm hay 70 năm không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính là những ưu đãi về thời gian cũng như thuế suất, nhất là quyền hạn mà luật đặc khu đã dành cho những đại gia nước ngoài. Chẳng hạn sau khi thuê đất dài hạn, họ có quyền thế chấp, sang nhượng và tạo thành một vùng tô giới riêng của họ. Luật cũng cho phép nước ngoài tham gia các tòa án bảo vệ thân chủ của họ khi cần. Đây mới là sự nguy hiểm thật sự đối với chủ quyền đất nước mà chính quyền cộng sản cố tình không nhìn thấy. Khi bênh vực Luật đặc khu ông Trọng không đứng trên lập trường dân tộc mà chỉ nhắm vào lợi ích của đảng cộng sản và quan thầy Bắc Kinh.
– Đối với người dân, từ lâu họ đã có đầy đủ nhận thức về lòng yêu nước. Đó không chỉ là tình tự quê hương, mà còn là cái quyền thiêng liêng của mỗi công dân. Khi cần, lòng yêu nước đó thể hiện một cách trọn vẹn, có thể hy sinh cả mạng sống đổi lấy tự do cho quốc gia.
Dù ông Trọng là người đứng đầu đảng CSVN và là nhân vật số 1 của chế độ đi chăng nữa, lòng yêu nước và quyền yêu nước của ông Trọng không hơn bất cứ một người nông dân, công nhân nào. Do đó ông Trọng không có quyền và không được xúc phạm lòng yêu nước của người khác. Ông đã tỏ ra khinh miệt người dân khi hồ đồ cho rằng họ là những “phần tử phá hoại” bị kích động chống đối và có thế lực bên ngoài xúi giục. Đây chính là một tuyên bố trốn tránh tránh nhiệm và phủi sạch tội bán nước, trút mọi tội lỗi vào cái gọi là “thành phần phản động”, chống đối lật đổ chế độ.
– Ông Trọng hãy nghe lại lời phát biểu của các đại biểu còn lòng tự trọng như Trương Trọng Nghĩa, Dương Trung Quốc… “Bởi vì có những quốc gia không có nhu cầu về lãnh thổ, họ cần về lợi ích kinh tế, họ đến rồi họ đi. Còn có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ, tài nguyên của nước khác, thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế, mà là lãnh thổ của nước khác. Họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, và thậm chí chi phối về chính trị, an ninh, quốc phòng”. Họ đã nói lên sự thật không thể chối cãi là Dự luật đặc khu dù không có một chữ nào của Trung Cộng hay có lợi cho nhóm lợi ích, nhưng sự xuất hiện Luật đặc khu vào lúc này – lúc mà Biển Đông đang nằm hết trong tay Trung Cộng – thì thử hỏi động lực phải là cho Trung Cộng hay cho dân tộc Việt Nam?
Quả thật, ông Trọng đang đạo diễn vở tuồng bán nước mà đảng CSVN ấp ủ hơn nửa thế kỷ và việc thông qua Dự luật đặc khu này không gì khác hơn để làm hài lòng họ Tập. Nhưng ông Trọng đã cay cú vì không ngờ bị người dân khuấy động, phản ứng mãnh liệt khiến trong lòng lo âu, không biết tháng 10 này quốc hội của chị Ngân có thông qua nổi hay không?
Tổng bí thư Trọng đang cay đắng và nhận ra rằng không phải lúc nào Bộ chính trị cũng có toàn quyền quyết định muốn bán nước lúc nào cũng được. Do đó gọi ông Trọng “trong héo ngoài tươi” là vì ngoài mặt ông tỏ ra lập trường cứng rắn nhưng trong lòng thì đau khổ như đang ngồi trên đống lửa./.
Nguồn: Web Việt Tân