Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Thành ngữ VN
Nhà báo Phạm Đoan Trang vừa viết một stt ngắn khiến rất nhiều người hoá ... tâm tư:
Ngày hôm qua, 25/7/2018, Toà thượng thẩm Berlin ra phán quyết, chính thức khẳng định Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam tổ chức bắt cóc, trong đó họ đưa ra một số cáo buộc, nôm na là: Ý tưởng và mệnh lệnh đưa ra là của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm là người triển khai ý tưởng, Đường Minh Hưng trực tiếp điều phối.
Như vậy, nếu cảnh sát Đức chỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với người trực tiếp chỉ huy chiến dịch mà lại không truy nã người có ý tưởng và người trợ giúp triển khai ý tưởng thì thật không công bằng. Truy nã tướng Hưng mà lại không truy nã tướng Lâm và Tiến sĩ Trọng, anh em tâm tư.
Ngay bên dưới stt thượng dẫn là ý kiến của nhà văn Nguyễn Tường Thụy: “Thật là mình cũng rất ‘tâm tư’. Nó chả công bằng tẹo nào.” Tôi đang rảnh, rất rảnh, nên cũng đâm ra hơi băn khoăn (chút xíu) nhưng không phải vì lẽ “công bằng” mà vì đôi ba chuyện bèo nhèo, và eo sèo khác.
Thoibao.de (13/04/2018) trích dẫn nguồn tin từ Cộng Hòa Séc cho biết “đã có từ 10 đến 20 triệu Euro được phía Việt Nam chuyển sang thông qua văn phòng MoneyGram của ông Nguyễn Hải Long trong khu chợ Sapa của người Việt tại Séc ... có lẽ phía Việt Nam đã chuyển từ 10 đến 20 triệu Euro để chi cho trả cho toàn bộ chiến dịch bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như các khoản phí khác.”
Sao mà tốn kém dữ vậy cà? Điệp vụ Berlin chỉ được thực hiện bởi vài cái xe thuê, một cái máy bay mượn, và nhân sự đều là người ăn lương của nhà nước hết trơn mà – theo như lời khai của phu nhân ông Trịnh Xuân Thanh, bà Trần Dương Nga (“Nhiều Cán Bộ Cao Cấp Bộ Công An Việt Nam Liên Quan Bắt Cóc Ông Trịnh Xuân Thanh”) trước toà án Đức:
1.Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; 2.Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; 3.Trung tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V); 4.Phạm Văn Hiếu; 5.Lưu Trung Việt; 6.Vũ Quang Dũng; 7.Vũ Hồng Minh; 8.Phạm Minh Tiến; 9.Đào Công Duy; 10.Vũ Trung Kiên; 11.Đặng Tuấn Anh; 12.Nguyễn Thế Đôn.
Thôi cứ tính cho nó gọn là 15 triệu Euro, hay khoảng 17 hay 18 triệu USD, đi. Chi phí mọi thứ, dù cho vứt tiền qua cửa sổ chăng nữa, e cũng khó đến 5 hay 6 triệu MK. Phần còn lại, nếu chia đều, mười hai vị có tên tuổi thượng dẫn mỗi người được lãnh “thêm” cỡ một triệu đô la. Lợi tức trung bình hằng năm của một người dân Việt chưa đến ba ngàn (chính xác và cập nhật là USD 2.546) mà cán bộ đi công tác vài ngày, hay vài tháng, lại “ẵm” cả triệu thì e hơi quá lố.
Đây là tiền thưởng chăng?
Hãy xem qua cách thực hiện “Điệp Vụ Bá Linh” coi họ xứng đáng được “tưởng thưởng” cắc bạc nào không?
Tờ Der Spiegel (Tấm Gương) – tuần báo lớn nhất, có uy tín đứng nhất nước Đức và phát hành khắp thế giới – có một bài tường thuật dài 3 trang với nhiều chi tiết mới mà trước đây chưa hề được các nhân viên điều tra của Đức tiết lộ. Xin được ghi lại đôi ba đoạn:
“Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 7, bầu trời u ám. Đúng 10 giờ 39 phút cặp nhân tình rời khỏi khách sạn và đi bộ trong công viên Tiergarten (Vườn thú).
Vụ bắt cóc diễn ra không đầy một phút. Những người đàn ông tóm lấy cô gái, cô ta đã chống cự kịch liệt đến nỗi các nhân chứng tưởng rằng cô ấy đang bị động kinh. Trịnh Xuân Thanh cũng đấm đá dữ dội, ngay cả khi ông ta bị đẩy xuống sàn xe bắt cóc VW Multivan màu ánh bạc mang biển số 2AB-3140. Kính râm và điện thoại Iphone 7 của ông bị rơi trên vỉa hè. Khi người qua đường nhặt nó lên, thì hình ảnh của một bông hoa hiện ra trên màn hình...
Buổi sáng hôm đó cảnh sát đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo động của các nhân chứng. Một nhân chứng đã bám theo chiếc xe bắt cóc đến Cổng Brandenburg. Khi xe dừng ở đèn đỏ anh ta nhảy ra khỏi xe và chạy đến những nhân viên cảnh sát để báo động, nhưng chiếc xe VW bắt cóc đãphóng chạy mất. Đúng 11 giờ 13 phút, chiếc xe bắt cóc đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin-Treptow. Chiếc xe đã đỗ tại đây suốt 5 tiếng đồng hồ...
Trong vụ này, hầu như không có bất kỳ người tham gia nào cung khai, kể cả 2 nạn nhân bị bắt cóc dẫu rằng họ có thể nói. Mặc dù thế, các nhà điều tra Đức đã tái dựng được từng phút của vụ bắt cóc.
Công nghệ giám sát đã giúp họ: những chiếc xe do nghi phạm Nguyễn Hải Long thuê mướn đều có trang bị hệ thống định vị GPS. Nhờ đó mà họ biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây.
Các đoạn băng video thu từ các trạm xăng đã tiết lộ ai đã lái xe, chiếc xe nào và khi nào. Một hệ thống kiểm tra tự động biển số xe, gọi là hệ thống Kesy, được sử dụng trong bang Brandenburg nhằm chống trộm xe, đã cung cấp thêm thông tin. Từ đó, các nhà điều tra đã phát họa được một họa đồ di chuyển của các thủ phạm và những chiếc xe của họ...
Những kẻ bắt cóc cố gắng che giấu danh tính của họ, nhưng vô ích. Mặc dù họ đột ngột thay đổi khách sạn, trong thời gian ngắn họ hủy bỏ phòng đã được đặt trước và thanh toán bằng tiền mặt, nhưng khi đặt trước phòng ở khách sạn, họ lại lấy tên thật.” [Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch) Bản điện tử tóm tắt trên Der Spiegel online: http://www.spiegel.de/politik/deutschland/entfuehrung-in-berlin-vietname...
Ngoài những sai lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ vừa kể, những Điệp Viên 004 của Việt Nam còn phơi bầy cho mọi người nhìn thấy cái phương thức làm việc rất cẩu thả (và vô cùng tắc trách) theo đúng với “truyền thống của đám công an phường” ở xứ sở này.
Ông Voges, trưởng nhóm điều tra chuyên án Trịnh Xuân Thanh, đã khai trước tòa án Đức hôm 19.6 chi tiết sự việc như sau:
“Các hình ảnh Video ghi lại tại khách sạn Sheraton Berlin cho thấy, ông Trịnh Xuân Thanh và bà Đỗ Thị Minh Phương cùng nhau rời khỏi đây vào sáng Chủ nhật 23.7, sau 15 phút đã xẩy ra vụ bắt cóc ngay gần đó, tại công viên Tiergarten Berlin.
Tại phòng của bà Phương đã thuê ở khách sạn Sheraton qua hệ thống Booking.com, cảnh sát đã tìm thấy 2 chiếc bàn chải chải đánh răng, qua xác định bằng AND phát hiện một chiếc của bà Phương, chiếc còn lại của ông Thanh. Trong tủ quần áo cũng tìm được các bằng chứng ADN tương tự của 2 người. Dấu vết ADN của ông Thanh cũng được lấy từ căn hộ nơi ông và Vợ đang sống ở Berlin.
Đặc biệt trên chiếc xe VW T5 biển số Séc đã tìm thấy nhiều vết máu lớn, theo tường thuật của một cảnh sát điều tra ‘những vết máu này to như đồng 2 Euro và đều của ông Thanh, tại đây cũng tìm thấy nhiều sợi tóc và dấu vết ADN của bà Phương trên tựa ghế của xe.’ Ngay phía dưới ghế phụ đã phát hiện thêm 2 sợi dây siết bằng nhựa có dính vết máu của ông Thanh cùng 1 hộp xịt hơi cay.” (“Tường Thuật Từ Tòa Thượng Thẩm Tại Berlin Hôm 19.6.2018,” Trung Khoa - Thoibao.de)
Tuy để lại đủ thứ tang vật (bầy hầy) khắp mọi nơi như thế nhưng ngay tối hôm đó, nhóm Điệp Viên 004 vẫn thản nhiên đi “uống rất nhiều bia” để ăn mừng – như lời khai của ông Nguyễn Hải Long.
Theo Wikipedia tiếng Việt thì Thượng Tướng Tô Lâm có học hàm giáo sư Ngành Khoa Học An ninh và học vị tiến sĩ Ngành Luật Học. Còn Trung Tướng Đường Minh Hưng cũng có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ ... gì đó. Gì thì gì cả hai ông, rõ ràng, đều văn võ song toàn cả.
Tuy chưa bao giờ có hân hạnh được ngồi nghe hai vị “giáo sư” này giảng dậy lần nào nhưng cứ nhìn vào con số 20 triệu Euro chi phí cho Điệp Vụ Berlin thì tôi vẫn có thể (tạm) kết luận về họ như sau: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa!”
tuongnangtien's blog