'Đặt Đảng trước Xuân là trò lố bịch'

Một nông dân trồng hoa đào ở ngoại ô Hà Nội.

Chủ trương hay thói quen?

Từ mấy chục năm qua, cứ dịp Tết đến Xuân về thì người dân cả nước, từ thôn quê cho đến thành thị đều thấy những băng rôn, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” treo khắp nơi, từ phố phường, cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học…

Mấy năm gần đây giới trí thức bắt đầu lên tiếng về việc tại sao để Đảng trước Xuân, và năm 2016, trên trang báo điện tử của ĐCS có bài viết ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’. Khẩu hiệu năm đó được thay bằng ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’.

Người dân có lẽ đã khấp khởi mừng thầm rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe, và từ nay họ không còn phải thấy khẩu hiệu chướng mắt mừng đảng rồi mới tới mừng Xuân nữa. Nhưng chỉ được một năm, đến mùa Xuân 2017 thì mọi việc trở lại như cũ.

Ông Trần Bang, một người dân Sài Gòn cho rằng việc đặt đảng lên trên hết là đã có chủ trương từ mấy chục năm qua:

Mình không biết trong nội bộ như thế nào nhưng theo cảm nhận của tôi thì từ những năm 1970 đã có bài hát “đảng đã cho ta một mùa Xuân”. Rõ ràng họ có chủ trương xuyên suốt từ ngày xưa, từ thời ông Tố Hữu đã cho rằng đảng là đẹp hơn tất cả so với đất trời, so với đất nước. Có lẽ đó là chủ trương tuyên truyền trong bộ máy tuyên giáo của đảng từ ngày xưa tới bây giờ vẫn giữ như vậy.

Giáo sư Hoàng Dũng từ Sài Gòn thì lại nhận định không có chủ trương gì hết mà tất cả là do một chế độ độc đảng toàn trị, nên cái gì cũng có bóng dáng của đảng, kể cả tự nhiên, thiên nhiên. Đó là cái nếp tư duy mà sau này càng lúc người dân càng thoát ra khỏi cái tư duy đó, bởi người ta thấy nó kỳ cục, nhưng với nhà cầm quyền thì khó mà thay đổi được cái tư duy đã ăn quá sâu:

“Thực ra cũng chẳng có một cái chủ trương, một cái quyết định hay một cái văn bản gì bắt phải đặt đảng trước hay Xuân trước đâu. Tôi tin như thế. Chẳng qua là cái nếp nghĩ đảng là toàn diện nó ăn sâu rồi. Nếu có thay đổi thì mấy hôm sau nó lại trở lại. Khó mà thay đổi được. Cái quan trọng là người dân càng lúc họ càng thấy buồn cười. Cái đầu óc nào mà cứ gắn như thế thì chỉ làm cho người ta cười thôi.”

Còn với Giáo Sư Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội thì cái tư duy đảng trên hết là tư duy mà theo ông là của ‘kẻ cướp’:

Tư duy đó là tư duy của kẻ cướp. Đảng luôn luôn giành lợi ích dân tộc đem về cho mình, kể cả giành xương máu của nhân dân, của đồng bào về để tô son vẽ phấn cho đảng. Tức là đảng không phải là người đem lại quyền lợi cho dân tộc, mà bắt dân tộc hy sinh đổ xương đổ máu để tô điểm cho cái gọi là vinh quang hão của đảng.”
 

Xuân phải trên Đảng

Công nhân chăm sóc hoa trang trí Tết 2018 cho thành phố Hà Nội. AFP

Kể từ khi ra đời vào năm 1930, đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là đảng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức được công bố thì ĐCSVN là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. ĐCSVN lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng ĐCSVN được nhà cầm quyền đặt trên cả đất nước, cả thiên nhiên của Đất Trời. Giáo sư Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng từng nhận định với RFA:

“Chuyện này không hợp lý và nhiều người cũng đã nói rồi. Thí dụ như Xuân là Xuân của Đất Trời. Xuân về là vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Và con người là một sinh vật rất nhỏ bé được tạo hóa ban ơn. Lẽ ra mỗi buổi sáng mở mắt ra là chúng ta phải cảm tạ Thượng Đế. Như vậy thì đầu năm, chúng ta phải mừng Xuân trước rồi mới mừng đất nước, rồi sau đó là cái gì nữa thì nó mới hợp lý, theo lẽ thường tình.”

Có một sự trùng hợp là ngày thành lập đảng lại gần vào dịp Tết nên sinh nhật đảng đôi khi lại trùng vào ngày Tết, thế nên mừng đảng và mừng Xuân hay đi cùng.

Vào năm 2011, ngày thành lập đảng lại rơi đúng vào mùng một Tết Tân Mão. Trong cuộc trò chuyện với VTCNews, nhà báo Hữu Thọ lập luận rằng với những kỳ tích mà ĐCSVN đã làm được trong hơn 80 năm lãnh đạo nhân dân thì việc gắn Đảng với mùa Xuân không có gì là lạ, nhưng ông thừa nhận khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước” là không hợp lý mà nên sắp xếp lại thành “Mừng Xuân, mừng Đất nước, mừng Đảng”.

Ông lý luận rằng khi Tết đến Xuân về, theo lẽ tự nhiên, mỗi người sống trong nhân gian phải mừng Xuân mới trước, sau đó, với tư cách là một công dân của một tổ quốc thì phải mừng Đất nước. Cuối cùng mới là mừng Đảng.

Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện đặt Đảng trên Xuân, nhà văn Phạm Đình Trọng cho rằng làm như vậy là lố bịch, không còn biết đến Trời Đất, không còn biết đến lẽ phải, nếu không muốn nói đây là một sự ngang ngược của người cộng sản. Ông kết luận:

Tất nhiên là không đúng rồi bởi vì thiên nhiên của đất nước. Thiên nhiên thì đã có từ khi khai thiên lập địa rồi; đất nước thì cũng đã có ngàn tuổi rồi. Còn đảng thì mới có mấy chục năm. Họ tự đề cao như thế là không được. Nó lố bịch. Đây là sự huyễn hoặc, tự đề cao một cách quá đáng.   

Một thời đảng quá hợm hĩnh, quá ngạo mạn, tự đề cao mình như thế. Đây là cái mà có lẽ đến bây giờ nó vẫn chưa chấm dứt, và kéo dài kể từ khi xuất hiện người cộng sản đến giờ. Việc tự cho mình là cứu đất nước, mang mùa Xuân đến cho “dân tộc, rồi “mừng đảng, mừng Xuân”, tức cái gì cũng đều đưa đảng lên trên cả. Đấy là một sự ngang ngược, ngạo mạn của người cộng sản.”

Một trong những điều mà mỗi đảng viên ĐCS phải có trách nhiệm thực hiện là phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng. Nhưng với Giáo Sư Hoàng Dũng thì những lời tuyên truyền hay các khẩu hiệu ngày càng ít tác dụng, bởi cuộc sống người dân ngày càng khốn khó, từng ngày chứng kiến những chuyện trái tai gai mắt, những hành xử coi thường pháp luật của chính quyền, dù rằng pháp luật cũng không hoàn thiện, khiến tất cả những câu ca ngợi đảng thành ra mỉa mai và những câu khẩu hiệu càng ngày càng ít tác dụng.