Lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị kinh tế quân sự hiện nay, việc giành lại Hoàng Sa và những đảo đã mất của Trường Sa, trong thực tế, là một điều ngoài khả năng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều kiện để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán song phương, ngoài bằng chứng, tài liệu còn là khả năng làm cho đối phương nể sợ hay kính trọng. Cả hai vị thế đó đảng CSVN đều không có được.
Các xung đột biên giới giữa Trung Cộng và các nước láng giềng, từ các nước nhỏ như Tây Tạng, Nội Mông cho đến các nước lớn như Liên Xô trước đây hay Ấn Độ hiện nay cho thấy, một khi Trung Cộng đã nuốt vào thì khó nhả ra. Trung Cộng chỉ đàm phán khi biết không thể thắng bằng võ lực.
Không bao giờ CSVN có thể buộc Trung Cộng bước vào bàn hội nghị song phương hay đa phương bằng thái độ tương kính và bình đẳng. Chỉ có một Việt Nam văn minh, dân chủ, đoàn kết với một nền kinh tế cường thịnh, một quân đội trang bị bằng kỹ thuật chiến tranh tiên tiến là những phương tiện hữu hiệu trong đàm phán để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Cộng.
Giới cầm quyền CSVN quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Cộng cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức.
Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Cộng cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.
Kỹ thuật quân sự của Trung Cộng đã tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với CSVN tháng Giêng 1979, nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn trước.
Ngoài ra, các vấn đề tham nhũng, môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng, dân số già nua đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Cộng và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như cán cân thương mại quốc tế trong tương lai gần.
Khẩu hiệu quen thuộc CSVN hay dùng là “đột phá”, “đột phá tư duy”, “đột phá lý luận” để đuổi kịp các nước láng giềng. Nguồn lực chính của mọi đột phá phải là lòng yêu nước. Thế nhưng, khi Trung Cộng biến Hoàng Sa của Việt Nam thành một thành phố cấp huyện thì không một tờ báo nào được phép đăng dù chỉ mỗi một câu để nói lên lòng yêu nước của người dân thì làm sao có thể gọi là đột phá?
Việt Nam có ba triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, tinh hoa Việt Nam có mặt trong hầu hết các lãnh vực và trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ tổng hợp được.
Tất cả chỉ vì sự tồn tại của đảng CSVN.
Nhắc đến hai chữ “Cộng sản”, ngay cả những đảng viên có học chút ít cũng cảm thấy ngượng ngùng. Một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo nào trong nước được các tổ chức văn hóa, giáo dục nước ngoài mời sang nghiên cứu hay giảng dạy, nếu không phải là đảng viên, điều mà họ luôn nhấn mạnh một cách hãnh diện rằng họ không phải là đảng viên cộng sản. Đối với các đảng viên, khi ra nước ngoài một trong những điều làm họ khó chịu nhất là bị hỏi ông hay bà có phải là đảng viên cộng sản, dường như một câu hỏi như vậy là một sự xúc phạm đến tư cách con người họ.
Để giành lại Hoàng Sa, Việt Nam phải lớn mạnh thật nhanh, và muốn vậy, chọn lựa đầu tiên của Việt Nam là bước ra khỏi cỗ xe cộng sản già nua lỗi thời hiện nay.
Chuyến tàu mới có thể làm cho không ít người Việt cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng chắc chắn đầy triển vọng tương lai.
Một thuận lợi mà Việt Nam hơn hẳn Trung Cộng và đã được chứng nghiệm nhiều lần trong lịch sử dân tộc, đó là lòng yêu nước. Trung Cộng là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí nhiều trăm năm.
Nếu Việt Nam có được các điều kiện kinh tế chính trị, kỹ thuật quân sự tương xứng, hay cho dù có yếu hơn so với Trung Cộng, khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra chắc chắn Việt Nam sẽ thắng.
Việc giành lại Hoàng Sa và các đảo trong quần đảo Trường Sa là một khả năng, một triển vọng chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước hết phải tập trung sức mạnh dân tộc để dời cỗ xe ngựa già nua lạc hậu cộng sản hiện nay sang bên lề lịch sử.