Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh (trong ảnh) sẽ tham gia vào chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông từ tháng Năm năm nay. Sự góp mặt của lực lượng hải quân Anh ở vùng Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với Bắc Kinh. Ảnh: Naval News
Tân Phong – Việt Tân|
“Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum – Nếu bạn muốn Hòa Bình thì hãy chuẩn bị Chiến Tranh.” – Publius Flavius Vegetius Renatus
Những “kỳ thủ” mới trên bàn cờ địa chính trị quân sự Biển Đông
Sự xuất hiện những “kỳ thủ” mới trên bàn cờ địa chính trị quân sự ở Biển Đông khiến cho vùng biển đang chực chờ những cơn bão lớn thêm phần căng thẳng, náo động. Ba nước Đức, Anh, Pháp đã tham gia cuộc chơi và gửi đến đây những chiến hạm mang biểu tượng sức mạnh quân sự lớn nhất của mình. Hàng không mẫu hạm đắt đỏ của người Anh HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi nhóm tàu gồm khu trục hạm Type 45 và hộ tống hạm Type 23, một tàu ngầm hạt nhân và tàu tiếp liệu lớp Tide, tàu hậu cần RFA Fort Victoria đã có mặt ở Thái Bình Dương. HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia vào chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông từ tháng Năm năm nay.
Nhóm tàu tác chiến hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth.
Trong quá khứ người Anh vốn dĩ không có duyên nợ với Biển Đông; nhưng vương quốc “mặt trời không bao giờ lặn” lại có “những đứa con ngoài giá thú” trong lịch sử thuộc địa của mình ở Châu Á như Hong Kong và Myanmar. Nước Anh có những ràng buộc và cả lợi ích hiện tại lẫn tương lai lâu dài ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Với tư cách là cựu đế quốc hùng mạnh và hiển nhiên vẫn là sức mạnh hải quân đáng gườm nhất ở Châu Âu. Việc “vuốt mặt không nể mũi” của Trung Quốc khi xé bỏ thỏa ước Trung – Anh trong vấn đề Hong Kong, cũng như hậu thuẫn đảo chính quân sự ở Myanmar,… khiến “sư tử Anh” khó lòng nuốt nhục làm ngơ.
Là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong hầu hết các chính sách liên quan đến việc duy trì sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của hai cường quốc, Anh sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh suốt 300 năm qua. Chính nhờ sức mạnh về hải quân vượt trội, nước Anh đã từng là cường quốc biển số 1 và những lý thuyết địa chính trị quân sự của Alfred Thayer Mahan từ hơn 100 năm trước vẫn đang là sách gối đầu giường cho các tướng lĩnh hải quân Trung Quốc. Sự góp mặt của lực lượng hải quân Anh ở vùng Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với Bắc Kinh.
Người Pháp đang trở lại Đông Nam Á sau 7 thập kỷ lu mờ ở Châu Á dù vẫn còn những vùng lãnh thổ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Macron – vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử đương đại của nước Pháp – đã khẳng định được tài trí tuyệt vời của mình vượt qua những biến động bất ổn chính trị và xã hội trong nước ở nhiệm kỳ đầu tiên đầy sóng gió và đang hướng đến việc tái lập lại tầm vóc toàn cầu cho xứ Gaulois. Tham vọng đó đang được giới tinh hoa dõi theo những động thái của người được kỳ vọng là một Napoléon mới. Pháp đã “góp vui” cùng với “Bộ Tứ Kim Cương” những chiến hạm hiện đại và mạnh mẽ. Tàu sân bay trực thăng Tonnerre và hộ vệ hạm Surcouf sẽ cùng tham gia diễn tập quân sự bên cạnh lực lượng của Mỹ – Úc – Nhật Bản và Ấn Độ. Trước đó, tàu ngầm hạt nhân tấn công SNA Emeraude tới Biển Đông đầu tháng Hai năm nay.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp đến Biển Đông, tháng 2/2021.
Trong số những “kỳ thủ” đến từ Châu Âu thì Đức là nhân tố mới và “lạ” nhất. Đức không có thuộc địa ở Châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Là quốc gia từng bị ám ảnh bởi các học thuyết của Mackinder, Karl Haushofer, người Đức chưa bao giờ quan tâm tới Đông Nam Á. Đồng thời, có thể nói Đức là đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc ở Châu Âu. Các tập đoàn công nghệ của Đức được săn đón, rải thảm đỏ để đầu tư vào Trung Quốc. Trong 3 nhiệm kỳ của mình, Thủ Tướng Angela Merkel đã đưa nước Đức trở thành thế lực kinh tế trụ cột, khuynh loát ở Châu Âu già cỗi bằng chính sách kinh tế – ngoại giao mềm dẻo nhưng cũng đầy thủ đoạn thao túng. Mối quan hệ của Đức – Trung một thời gian dài dưới triều đại Merkel vẫn luôn là “tuần trăng mật.”
Nhưng quan điểm địa chính trị của nước Đức thì không như Bắc Kinh mong muốn. Còn nhớ, năm 2014, Merkel đã tặng cho Tập Cận Bình bức bản đồ cổ “Trung Hoa đích thực” được vẽ bởi nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville và một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Trong tấm bản đồ đó, không những “Trung Hoa đích thực” không có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà cũng không có cả Tân Cương, Mãn Châu, Hải Nam, Đài Loan. Đó là thông điệp ẩn ý của người Đức trước những yêu sách ngang ngược về lãnh thổ của Trung Quốc khi đưa ra bản đồ “lưỡi bò.” Đức cũng không muốn Trung Quốc vươn ảnh hưởng thao túng tới Châu Âu thông qua “nhất đới, nhất lộ,” xâm nhập, phá hoại khối Liên Minh Châu Âu bằng những “con ngựa thành Troy” như Hy Lạp, Rumani, Hungary.
Tấm bản đồ cổ “Trung Hoa đích thực” không bao gồm các vùng lãnh thổ Tân Cương, Mãn Thanh, Đài Loan và Hoàng – Trường Sa mà Thủ Tướng Đức Merkel tặng Tập Cận Bình năm 2014.
Là cựu thành viên của Phong Trào Thanh Niên Tự Do Đức (Đông Đức), Angela Merkel chắc hẳn hiểu rõ thuật “vừa đánh vừa đàm” của Mao Trạch Đông, những thủ đoạn thâm độc và tham vọng của Trung Quốc. Nhưng việc lợi dụng được nhau tới lúc nào thì vẫn lợi dụng. Người phụ nữ sánh ngang với chính trị gia huyền thoại Margaret Thatcher này đã làm cho nước Đức hồi sinh mạnh mẽ, trở lại vị thế số 1 ở Châu Âu, gần như không còn bị ràng buộc bởi những chính sách hạn chế phát triển lực lượng quân sự sau Thế Chiến 2 và đang khẳng định vai trò quốc tế, tham gia vào các hoạt động duy trì hòa bình và trật tự thế giới. Đức sẽ không đóng vai trò nào trực tiếp trong cuộc đối đầu quân sự ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng sức mạnh tình báo, kinh tế và công nghệ quân sự của người Đức là vô cùng đáng gườm. Việc Đức cử chiến hạm đến Biển Đông là một thông điệp chung bảo vệ về tự do hàng hải, không mất lòng Hoa Kỳ và đồng minh trong khối Nato nhưng sẽ tiếp tục duy trì đường lối ngoại giao mềm mỏng để vẫn làm ăn với Trung Quốc.
Bao giờ “vạc dầu Biển Đông” bùng cháy?
Có vẻ như dưới thời kỳ mới của chính quyền Tổng Thống Joe Biden, chiến lược chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có được sự ủng hộ đông đảo của những cường quốc Châu Âu. Sự góp mặt các lực lượng quân sự của Đức – Anh – Pháp cùng với “bộ tứ kim cương” sẽ tạo ra một sức mạnh áp đảo so với lực lượng hải quân Trung Quốc dù đang lớn mạnh nhanh chóng về qui mô, được hiện đại hóa nhanh nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật quân sự cũng như trình độ tác chiến thực tế. Sự răn đe sức mạnh quân sự rất quan trọng trước sự hung hăng và “chiến thuật vùng xám” của Bắc Kinh.
Một liên minh vững chắc của các cường quốc Phương Tây chia sẻ chung các lợi ích và giá trị xã hội nền tảng Tự Do – Dân chủ có ý nghĩa quyết định vì đây không là một cuộc đối đầu Trung – Mỹ riêng lẻ. Đây là một cuộc chiến tranh giữa hai luồng ý thức hệ và những giá trị cốt lõi giữa hai thế giới Tự Do và Toàn trị. Các quốc gia Dân chủ trên thế giới không chỉ đối mặt với một con rồng đỏ Trung Hoa hung bạo đang trỗi dậy mạnh mẽ, mà bên cạnh đó phải luôn dè chừng với một “Sa hoàng Nga” Putin đầy thủ đoạn, luôn khao khát quyền lực, ôm ấp mộng phục hồi đế chế Liên Xô trước đây. Sự kết hợp giữa hai thế lực Nga – Trung, dù bất cứ thời điểm nào, cũng trở thành một đe dọa mang tính hủy diệt thế giới hiện nay.
Tháng Ba, 2021, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM) đã trình kế hoạch đầu tư cho tài khóa 2020-2027 lên Quốc Hội Mỹ. Theo đó tài khóa 2022, được đề nghị ngân sách 4,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với 2,2 tỷ USD tài khóa 2021 và gần bằng khoản ngân sách 5 tỷ USD mà Mỹ chi hàng năm để đối phó với Nga. Khoản tiền 27,4 tỷ USD trong 6 năm tới cũng tăng 36% so với khoảng thời gian trước đó. Một hệ thống phòng thủ tên lửa chính xác được xây dựng dọc theo chuỗi đảo thứ nhất gồm Đài Loan, Okinawa, Philippines để bảo vệ các đồng minh và duy trì áp lực quân sự mạnh mẽ trong khu vực. Đây là một trong những chi tiêu đắt đỏ nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa sau chiến tranh lạnh.
Vấn để mà nhiều người muốn biết là tất cả những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự đầy tốn kém này rồi sẽ kết thúc như thế nào?
Rất nhiều người vẫn tin rằng, chiến tranh ở một thế giới mà tất cả các quốc gia đều bị ràng buộc trong một thế giới phức tạp, đa chiều và những phụ thuộc về kinh tế khăng khít là không thể. Những suy nghĩ như thế cũng chiếm đa số khi nhận định về khả năng bùng nổ chiến tranh Thế Giới Thứ Hai khi Đức gia tăng sức mạnh quân sự và tấn công Ba Lan, Tiệp Khắc. Loài người có đặc tính là mau quên trong khi bánh xe lịch sử thì thường lặp lại những vòng quay nghiệt ngã. Điều đáng tiếc là văn minh của loài người luôn gắn chặt với các cuộc chiến tranh tàn khốc.
Giới phân tích đang nhắc nhiều tới “Bẫy Thucydides” và nguy cơ chiến tranh tăng cao ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Thực ra, thế giới Tây Phương đã thua dài Trung Quốc nhiều thập kỷ qua về mọi mặt từ kinh tế và chính trị. Những nền tảng của thế giới Tây Phương đã và đang bị bào mòn và hủy hoại nhanh chóng bởi những sách lược thâm độc của những học trò Tôn Tử. Kể từ khi được tháo bỏ gông cùm từ 1979, Trung Quốc với chính sách của họ Đặng đã vươn lên mạnh mẽ và xây dựng một hệ thống toàn cầu khổng lồ chống lại Phương Tây dựa trên những đặc tính chủng tộc và tư tưởng thù hận của chủ nghĩa cộng sản.
Trung Quốc khiến cả thế giới phụ thuộc vào năng lực sản xuất và khả năng thương mại tuyệt vời trong khi dùng tiền và công nghệ của Tây Phương để xây dựng quân đội và phá hoại xã hội Tây Phương bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong cuốn sách “The coming China’s Wars” của Peter Navarro đều liệt kê những thủ đoạn tàn độc của Trung Quốc đã tiến hành để hủy hoại xã hội Hoa Kỳ, suy giảm sức mạnh kinh tế, xã hội và lũng đoạn truyền thông, chính trị. Nhưng có lẽ, điều tệ hại hơn cả là một cuộc phá hoại ngấm ngầm, tha hóa các giá trị nền tảng xã hội của thế giới Tự Do mà Trung Quốc đã tiến hành nhiều thập kỷ mà các nước Phương Tây vẫn còn rất mơ hồ.
Dù sao, lời cảnh báo và các hành động mạnh mẽ của Hoa Kỳ kể từ nhiệm kỳ của Donald Trump rất hữu ích, nó đã làm cho Phương Tây không còn ảo tưởng về mối quan hệ với Trung Quốc. Đó là sự thức tỉnh muộn màng nhưng “có còn hơn không.” Và giờ đây, không phải Trung Quốc mà là chính thế giới Phương Tây và Hoa Kỳ cũng nhìn thấy “khả năng” bùng phát một cuộc chiến tranh giới hạn tại Biển Đông để ngã ngũ và chấm dứt cuộc chiến tranh ngầm dai dẳng, thâm độc mà Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều thập kỷ qua chống lại thế giới Tây Phương. Nếu không, với một sức mạnh chủng tộc vượt trội, những chính sách thâm độc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan kết hợp với những tư tưởng đầy thù hận cộng sản, trong tương lai không xa, con rồng Trung Hoa sẽ dẫm nát thế giới hôm nay.
Những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông sẽ không dừng lại những hành động hù dọa, răn đe. Đó là cuộc chiến tranh Định Mệnh và thời điểm tuyệt vời cho điều đó bắt đầu sẽ xảy ra ngay trước khi Trung Quốc bước vào cuộc chiến quyền lực ở Trung Nam Hải tại đại hội đảng CS Trung Quốc tiếp tới. Đó chính là thời điểm tốt nhất để vạc dầu Biển Đông bùng cháy.
Dù con người không mong muốn nhưng Chiến Tranh và Hòa Bình cũng giống như Bóng đêm và Ban ngày và thế giới không chỉ có mỗi Hòa Bình hay ánh sáng, như câu nói của nhà sử học La Mã Publius Flavius Vegetius Renatus đã trở thành chân lý “Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum – Nếu bạn muốn Hòa Bình thì hãy chuẩn bị Chiến Tranh.”
Tân Phong
XEM THÊM:
- Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc
- Bộ Tứ họp bàn về trật tự thế giới hậu Covid và chiến lược đối phó Bắc Kinh