10 sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm 2018

Năm 2018 sắp qua đi với nhiều biến động làm xoay chuyển cục diện thế giới và ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình Việt Nam. Mời quý độc giả theo dõi 10 sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm qua, do BBT Web Việt Tân bình chọn.

BBT Web Việt Tân

***


Vào tháng 9 năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thuế hải quan 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và sẽ tăng 25% vào đầu năm 2019. Để trả đũa, Trung Quốc cũng áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Trận chiến áp thuế mà ông Trump tung ra chỉ là bề nổi của chiến lược ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc muốn qua mặt Mỹ trở thành cường quốc số 1 với các thủ đoạn gián điệp, ăn cắp sở hữu trí tuệ, v.v…

Trong cuộc chiến này, Mỹ sẽ phải đối mặt với một số rủi ro lớn như thị trường các sản phẩm trong nước, đặc biệt là xe hơi, vốn được vận hành từ sản phẩm Trung Quốc, ngoài ra vì xuất khẩu lớn về nông sản, nông dân Mỹ sẽ bị thiệt hại. Về phía Trung Quốc, bị ảnh hưởng nhiều là mặt hàng về thiết bị gia dụng, điện tử, công nghệ thông tin, v.v. Nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là tâm lý của người dân Trung Quốc bị chao đảo, lo sợ khi thấy Mỹ và các quốc gia phương Tây phong tỏa kinh tế Trung Quốc. Hậu quả là thị trường chứng khoán của Trung Quốc liên tục bị suy thoái.

Để giải quyết những căng thẳng của trận chiến mậu dịch, tại cuộc họp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Argentina hôm 1/12, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận và xúc tiến hai nỗ lực: 1) Mỹ sẽ tiếp tục giữ 10% áp thuế trên 200 tỷ Mỹ Kim hàng hoá sau ngày 1/1/2019; 2) Trung Quốc có 90 ngày để điều chỉnh lại chính sách mậu dịch và bỏ kế hoạch “Made in China 2020.”

Vào ngày 12 tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã trao đổi cái bắt tay lịch sử tại Singapore. Sự kiện này được coi là hy hữu vì ít ai nghĩ là nó sẽ xảy ra khi thái độ và lập trường giữa hai phía như nước và lửa trong nhiều thập kỷ qua. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn đã ký một văn bản chung với bốn điểm chính là: 1) Cam kết thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Bắc Hàn; 2) Nỗ lực để có hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Hàn Quốc; 3) Bắc Hàn cam kết sẽ nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc; 4) Bắc Hàn cam kết hồi hương hài cốt của quân đội Mỹ mất tích trong chiến tranh Hàn Quốc (1950 – 1953).

Mấu chốt chính của cuộc gặp gỡ là vấn đề Bắc Triều Tiên có thành tâm trong việc chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên hay không. Cho đến nay phía Bắc Hàn chỉ trao trả lại cho Mỹ một số hài cốt của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến năm 1953, còn các bàn thảo về nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc đang khựng lại. Bắc Hàn đòi hỏi Mỹ cũng phải tháo gỡ các vũ khí hạt nhân đang giữ tại Nam Hàn trước khi Bắc Hàn giải giới vũ khí hạt nhân của họ.

Sau khi bồi lấp xong các bãi đá chìm và hoàn tất việc xây dựng phi đạo, thiết lập các dàn hỏa tiễn, Trung Cộng bắt đầu đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích ra khu vực bồi đắp thực tập tác chiến và bắn đạn thật. Trong khi đó, Mỹ và một số quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc cũng đã đưa tàu chiến tiến đến khu vực bãi đá chìm của Trung Cộng như một sự khiêu khích.

Trong năm 2017 và 2018 đã xảy ra hơn 18 lần “chạm trán” giữa lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Cộng. Đặc biệt vào tháng 9 vừa qua, một tàu chiến thuộc lớp Lữ Dương II (Type 052C) đã ngăn cản và khiêu khích khu trục hạm USS Decatur của Mỹ khi tuần tra quanh khu vực bãi đá Ga Ven và đá Gạc Ma. Qua sự kiện này, ông John Bolton, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định là Mỹ sẽ không bỏ qua các hành động đe dọa của Trung Quốc trên vùng biển quốc tế.

Ngày 2 tháng 10, nhà báo Jamal Khashoggi đã bị một nhóm mật vụ của Ả Rập Saudi sát hại một cách dã man khi ông bước vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để lấy hồ sơ ly dị, hầu có thể kết hôn với bà Hatice Cengiz, người Thổ Nhĩ Kỳ ngồi chờ bên ngoài. Lúc đầu chính quyền Ả Rập Saudi phủ nhận; nhưng qua camera an ninh thu được lúc ông Khashoggi đi vào Tòa lãnh sự, thì đến ngày 20 tháng 10, Ả Rập Saudi mới thừa nhận ông Khashoggi bị giết chết trong Tòa lãnh sự.

Ông Khashoggi bị giết là vì Thái tử Salman nghi ngờ ông và cựu đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ là ông Bandar Bin Sultan đang lên kế hoạch lật đổ chính quyền vương triều Salman. Sự kiện ông Khashoggi bị giết ngay trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ vốn có những hiềm khích ngầm giữa hai nước từ lâu nên đã làm căng thẳng thêm quan hệ Ả Rập Saudi – Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 17 tháng 11, khoảng 280.000 người đã xuống đường trên khắp nước Pháp. Những người này đã dùng mạng xã hội để liên lạc và hẹn ngày giờ xuống đường mặc áo khoác vàng (gilets jaunes) để dễ nhận ra nhau. Ban đầu, họ xuống đường dựng chướng ngại vật khắp nơi công cộng để phản đối giá xăng và thuế tăng, làm tê liệt giao thông, trung tâm thương mại và các cửa hàng.

Riêng tại Thủ đô Paris, cảnh sát rất bất ngờ trước số lượng người được huy động, nên đã rơi vào tình trạng bị động và đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để ngăn đoàn người tiến vào Dinh Tổng thống. Đa số biểu tình ôn hòa, nhưng một số nhỏ bạo động đập phá các công trình công cộng, cửa tiệm và ném đá và lửa vào cảnh sát giữ trật tự, gây ra tình trạng náo loạn nhiều nơi, nhất là khu vực trung tâm Paris như Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs-Élysées.

Biểu tình không phải là điều xa lạ đối với xứ Pháp, nhưng với cách thức tổ chức và huy động qua mạng xã hội của nhóm lãnh đạo Phong trào Áo Vàng hiện nay đã làm cho chính quyền Macron lúng túng trong việc đối phó.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào ngày 6 tháng 11 đã có sức thu hút rất lớn, không chỉ đối với cử tri tại Mỹ mà còn cả thế giới. Đây là cuộc bầu cử hồi hộp nhất, tạo ra lằn ranh chống đối hay ủng hộ một cách dữ dội về các đề tài nóng bỏng của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump như vấn đề di dân, xây bức tường biên giới giữa Mexico và Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, bảo hiểm y tế. Với phong cách lãnh đạo và hành xử “rất lạ” của Tổng thống Trump cũng là đầu đề của những tranh cãi ồn ào trong suốt mùa bầu cử.

Kết quả của cuộc bầu cử cho thấy là Đảng Cộng Hòa của Tổng thống Donald Trump tiếp tục nắm đa số tại Thượng Viện. Trong khi đó, tại Hạ Viện thì Đảng Dân Chủ chiếm ưu thế nhờ “Làn sóng xanh” (Blue Wave) với nỗ lực vận động giới trẻ và cử tri di dân đi bỏ phiếu đông đảo kỳ này cho các ứng viên thuộc Đảng Dân Chủ. Tuy Đảng Dân Chủ chiếm ưu thế ở Hạ Viện nhưng sẽ không có tác động gì đến các chính sách áp thuế hay trừng phạt Trung Quốc hiện nay của chính quyền Tổng thống Trump. Kiểm soát Hạ Viện trong hai năm tới, Đảng Dân Chủ có thể sẽ tạo một số áp lực về các cuộc điều tra chung quanh Tổng thống Trump hiện nay và có thể gây nên những sóng gió mới cho chính trường nước Mỹ trong cuộc bầu cử vào năm 2020.

Để thực hiện quyền tự do hải hành trên Biển Đông và ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện 12 chuyến tuần tra từ năm 2015 đến nay. Riêng trong năm 2018 có 4 chuyến. Hai quốc gia Anh và Pháp cũng cổ võ cho quyền tự do hải hành tại Biển Đông. Pháp đã gửi chiến hạm Vendémiaire đến thăm Manila vào tháng Ba. Sau đó vào đầu tháng Năm, có hai chiến hạm của Anh đã đi tuần tra trong vùng. Chiến Hạm Albion đi tuần tra gần Trường Sa khi trên đường từ Brunei đến Nhật Bản, còn chiến hạm Sutherland đi ngang Biển Đông trên đường từ Nhật đến Singapore.

Bên cạnh công tác tuần tra, Mỹ cũng nỗ lực thúc đẩy “Đối thoại an ninh Bộ Tứ”, bao gồm 4 quốc gia Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các quốc gia này đã gửi tàu chiến đến Biển Đông để tập trận chung với Mỹ và hải quân các nước trong vùng. Sự hiện diện thêm của các lực lượng hải quân nước khác bên cạnh hải quân Mỹ góp phần kiềm chế nỗ lực kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.

Bà Meng Wanzhou, phó Chủ tịch của tập đoàn công nghệ Huawei bị bắt tại Vancouver, Canada hôm 1 tháng 12 và đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Vụ bắt giữ bà Meng diễn ra cùng ngày với cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Bà Meng bị cáo buộc là đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua việc âm thầm bán công nghệ cho Iran, tức là vi phạm lệnh chế tài mà Mỹ đang áp đặt lên Teheran. Bà Meng là con gái của ông Ren Zhengfei, người sáng lập công ty công nghệ Huawei. Việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ bà Meng không liên hệ gì đến cuộc chiến mậu dịch hiện nay, nhưng đã hé mở một cuộc chiến mới khốc liệt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến sự chạy đua về công nghệ cao. Nỗ lực chính của Mỹ là ngăn chặn Huawei tung con chip 5G ra thị trường, đang thu hút nhiều quốc gia chạy theo kỹ thuật mới này, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia thống trị về công nghệ cao.

Bắc Kinh phản ứng gay gắt vụ bà Meng bị bắt và đã trả đũa bằng việc bắt giữ ba công dân Canada. Hiện nay bà Meng được tòa Canada cho tại ngoại với nhiều điều kiện theo dõi gắt gao và chờ phán quyết của tòa liên quan đến yêu cầu của Mỹ dẫn độ bà Meng về Mỹ trong vài tuần lễ trước mặt. Vụ bà Meng có thể sẽ là trung tâm điểm của những xung đột Mỹ – Trung trong năm 2019.

Vào đầu tháng 8 năm 2018, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một báo cáo cho biết có ít nhất một triệu người Uighur bị chính quyền Trung Quốc bắt giam. Bà Gay McDougall, thành viên của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Hội đồng Nhân quyền LHQ tuyên bố rằng: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc khi nhận được rất nhiều báo cáo đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã lấy lý do chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và duy trì ổn định xã hội để biến khu tự trị của người Uighur thành một khu vực giống như một trại giam khổng lồ và bí mật.”

Các biện pháp hành hạ người Uighur như nhốt trong một chiếc hộp kim loại, đưa xuống đáy giếng rồi đổ nước cho tới khi người này ngất đi vì lạnh, lính gác dùng găng tay tích điện cao thế để đánh đập những tù nhân đã cho thấy mặt trái của sự man rợ tập đoàn Tập Cận Bình. Tiết lộ của Liên Hiệp Quốc đã làm chấn động thế giới. Trung Quốc lúc đầu phủ nhận nhưng cuối cùng trước các chứng cớ và lời kể của các nhân chứng, Bắc Kinh buộc phải thú nhận về sự hiện hữu của trại tù khổng lồ này.

Bên cạnh dấu ấn để lại trong năm 2018 về cuộc gặp gỡ hy hữu giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong-un, một hy vọng khác có thể chớm nở tại bán đảo Triều Tiên là nền hòa bình ló dạng. Trong đó, hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là những người đóng vai trò lớn trong việc thay đổi cục diện khu vực.

Chỉ trong vòng 5 tháng, lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã dồn dập tổ chức tới 3 cuộc gặp thượng đỉnh: Cuộc gặp ngày 28 tháng 4 và 26 tháng 5 tại Bàn Môn Điếm, nhất là cuộc gặp ngày 18 tháng 8 tại thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Kết quả tích cực của hàng loạt động thái ngoại giao nói trên là hai bên thống nhất giảm các cuộc tập trận, gỡ bỏ các chốt canh gác gần khu phi quân sự, và bàn thảo về việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo Moon – Kim còn mang lại sự đổi mới cho quan hệ hai miền qua nhiều hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, đoàn tụ gia đình… Triển vọng hợp tác kinh tế liên Triều cũng được mở ra khi hai bên thống nhất kết nối bán đảo bằng đường sắt và thiết lập một văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong. Tuy dư luận chung đặt kỳ vọng vào các cuộc trao đổi giữa Nam và Bắc Hàn hiện nay, nhưng vẫn còn e ngại sự tráo trở và tính khí bất thường của lãnh tụ Kim Jong-un.

https://viettan.org/10-su-kien-noi-bat-tren-the-gioi-trong-nam-2018/

***