Chu Mộng Long: Báo chí và dư luận đang xôn xao vụ một giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Phạm Đình Quý, bị bắt và dẫn độ về Đăk Lăk để điều tra tội vu khống lãnh đạo. Theo BBC, vị giảng viên đó từng công khai bằng chứng 3 chương luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk Bùi Văn Cường đạo đến 70% các công trình đã xuất bản.
Chưa biết sự thật đến đâu, nhưng tôi nghe mà giật mình sợ hãi đến mức như Kiều hứa trước Tú Bà: "Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa". Có nghĩa là từ nay, hễ thấy ăn cắp, dù là ăn cắp vặt đến tham nhũng, ăn cắp vật chất đến ăn cắp trí tuệ cũng phải im lặng cho an thân. Và cũng từ nay, ai tuyên truyền cho tôi, dạy con tôi chống tham nhũng, tôi đều bảo: "Tôi và con tôi không ăn cứt gà"!
Thông tin tương đối đầy đủ về sự vụ trên BBC. Copy lại cho mọi người tỏ:
-------------
Giảng viên tố cáo bí thư Đắk Lắk bị ‘mời làm việc’ hay bị bắt cóc?
Ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng được xác nhận bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk mời làm việc.
Công an đã bất ngờ bắt giữ tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, liên quan đến việc ông này tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nhiều người tố cáo công an đã hành xử không đúng pháp luật khi "bắt cóc" công dân.
Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đạo nhái luận án tiến sĩ đã bị công an tỉnh Đắk Lắk mời làm việc. Tuy nhiên, gia đình ông Quý cho rằng đây là cuộc bắt cóc.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường
Tuổi Trẻ đưa tin, tối 23/9, khi ông Phạm Đình Quý đang đi ăn cùng vợ tại TP HCM thì có cán bộ công an đến gặp và "mời phối hợp cung cấp thông tin". Công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Sau đó, ông Quý được đưa đến cơ quan công an TP HCM để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.
Gia đình ông Quý cho rằng đây là hành vi bắt cóc vì gia đình không nhận được bất kỳ thông tin gì về việc triệu tập cũng như không được phép gặp ông Quý.
Gia đình nói gì?
Trong đơn cầu cứu, ông Phạm Đình Phú thuật lại rằng em trai của ông là Phạm Đình Quý bị khống chế và vây bắt vào lúc 18g ngày 23/9 trong lúc đang đi ăn cùng vợ. Vợ ông Quý nói rằng bà bị bắt cùng với ông Quý nhưng đến 4g sáng ngày 24/9 thì được thả và bị buộc phải ký giấy cam kết là không được tiết lộ với người thứ ba về việc vây bắt này.
Ông Phạm Đình Phú viết rằng sáng 24/9 ông đã đến Phòng Cảnh sát hình sự quận 1 để tìm hiểu và xin được gặp em trai nhưng không được chấp nhận vì lý do "đang bị điều tra nên không được gặp". Ông Phú cho rằng đây là "vụ bắt cóc chứ không phải được mời để phối hợp điều tra" vì "cuộc vây bắt này không được thông báo hay mời làm việc theo quyết định tạm giam như luật pháp Việt Nam quy định".
Thông tư 46/2019 của Bộ Công an có quy định đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra. Theo đó, trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa và người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, ông Phú khẳng định tính tới thời điểm ông viết đơn, gia đình ông chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc em trai ông bị công an Đắk Lắk bắt giữ.
Gia đình ông Quý còn cho biết thêm, từ hôm bị bắt, ông Quý vẫn không liên lạc với gia đình hay nơi ông công tác.
Đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nơi Tiến sĩ Phạm Đình Quý đang công tác, cũng xác nhận với báo Tuổi Trẻ nhà trường hoàn toàn không có thông tin liên quan tới vụ việc.
"Đại diện gia đình của giảng viên Phạm Đình Quý đã đến liên hệ với nhà trường để hỏi thông tin. Chúng tôi đã trả lời đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa chính thức làm việc với trường về việc này", đại diện trường cho biết.
Dư luận nói gì?
Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến:
"Về tố tụng, việc đưa người đi như vậy cần phải có các quyết định tố tụng được phê chuẩn bởi VKS, trừ trường hợp bắt phạm tội quả tang. Nếu không có các quyết định này, dù bổ sung sau đó, Công an Đắk Lắk không có quyền làm như vậy.''
''Lưu ý nữa, hành vi phạm tội ở đâu thuộc thẩm quyền của CA địa phương đó thụ lý, nếu TS Quý thực hiện những lời tố cáo ở TP HCM, thì CA Đắk Lắk không có quyền đến địa phương này để đưa người đi".
Theo luật sư Hưng, "hành động CA Đắk Lắk đến TP HCM để 'xử lý' TS Quý cũng khiến dư luận thắc mắc, có hay không sự khách quan, khi chính người bị tố cáo là cấp lãnh đạo của CA tỉnh này. CA Đắk Lắk cần công khai các hoạt động tố tụng đối với TS Quý, nếu sai 2 nội dung trên, các vị có thể bị xử lý ngược!", luật sư Hưng nêu.
Một người dùng Facebook tên Hưng Phạm Ngọc viết:
"Việc bí mật bắt tiến sĩ Quý, rồi sau đó phản ứng trước dư luận bằng cách chối bắt người, thay thế bằng 'mời làm việc' cho thấy ông bí thư Đắk Lắk có điểm yếu. Ông sợ dư luận chú ý đến vụ đạo văn, nhất là trước kỳ hội nghị trung ương tháng 10 sắp xếp nhân sự trình đại hội".
Một lần nữa, dư luận đặt dấu hỏi về nền tư pháp và quyền hạn của công an Việt Nam.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu bình luận trên Facebook cá nhân:
"Đơn của võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý cùng đồng nghiệp tố cáo ông Bùi Văn Cường được thực hiện công khai, gửi đến các cơ quan báo chí, và đã được các cơ quan báo chí đăng tải rộng rãi.''
''Nếu ông Bùi Văn Cường thấy mình bị vu cáo thì kiện võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý ra tòa án. Tại sao Công an Đắk Lắk vây bắt, áp giải võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý? Sao lại 'mời lên làm việc' theo cách vây bắt áp giải?"
Ông Chu còn chất vấn: "Nếu ông Bùi Văn Cường không phải là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thì Công an Đắk Lắk có thực hiện vây bắt võ - sư tiến sĩ Phạm Đình Quý không? Việc kiện tụng giữa võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý và ông Bùi Văn Cường là việc dân sự giữa 2 cá nhân, sao lại có Công an Đắk Lắk tham gia?"
Ông Phạm Đình Quý là ai?
Tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý quê Bình Thuận, công tác tại Khoa Khoa học Thể thao Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông đã tham gia giảng dạy, huấn luyện đội võ cổ truyền và múa của trường từ tháng 4/2019.
Vào khoảng cuối tháng 8/2020, vài tờ báo đã đăng tải bài viết của ông Phạm Đình Quý tố cáo ông Bùi Văn Cường "đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân".
Những bài viết ghi lại đơn tố cáo luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó.
Bài viết này chỉ ra bằng chứng ông Cường còn sao chép từ các công bố khác nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo. Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.
Các bài viết này hiện đã bị gỡ xuống.
Được biết, ông Phạm Đình Quý sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống võ thuật ở Bình Thuận. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng võ thuật các cấp, trong đó đoạt huy chương vàng hạng cân 51kg giải vô địch toàn quốc năm 2004 tại Tây Ninh.
Tháng 9/2007, ông trở thành giảng viên Trường Đại học Thể dục Thể thao TP HCM.
Đến năm 2010, ông bảo vệ thành công chương trình thạc sĩ thể thao tại Đài Loan.
Năm 2015, ông bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ thể thao tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
(Copy nguyên văn từ BBC)