Ý: Virus lan mạnh. Âu châu lo ngại

Từ Thức|

Codogno trở thành một Vũ Hán nhỏ. Hai vùng quan trọng của Ý, Venise và Milan, trở thành trung tâm conoravirus của Âu Châu . Những biện pháp khó tưởng tượng cách đây vài ngày đã được thi hành: ngưng khẩn cấp carnaval Venise, những trận đá banh và tất cả những sinh hoạt văn hoá, thể thao tượng trưng cho nước Ý, nguồn ngoại tệ lớn nhờ du lịch. Các check-points đã được thiết lập như một xứ có chiến tranh.

KINH TẾ Ý NGUY NGẬP

Khi tôi bắt đầu gõ bài này, Ý có 3 người chết. BBC đang loan tin vừa có thêm nạn nhân thứ tư, và khi viết xong bài, thêm người thứ 5 tử nạn.Trong 3 ngày, dịch conora đã bộc phát và lan nhanh ngoài sức tưởng tượng: 160 người bị nhiễm dịch, hàng ngàn người bị tình nghi, trong đó có hàng trăm bác sĩ, y tá đang bị cách ly.

Những nơi bị đe doạ nhất là Lombardie (vùng Milan) và Vénétie (vùng Venise). Hai ổ virus chính là Codogno ở Lombardie và Vo’Euganeo ở Vénétie đã trở thành những thành phố chết.

Ngay từ khi có nạn nhân đầu tiên cách đây 3 ngày, chính phủ Ý đã ban hành những biện pháp khẩn cấp: cô lập 11 thành phố.

Tại các thành phố này, trường học, chợ búa, rạp hát, thư viện, bảo tàng viện và các khu thương mại được lệnh đóng cửa. Những sinh hoạt văn hoá, xã hội, chính trị, thể thao đều bị hủy bỏ

Tại Venise, carnaval bị ngưng nửa chừng, những cuộc diễn hành thời trang nổi tiếng như Armeni diễn ra không 1 người được phép tham dự, chỉ trực tiếp truyền hình trên TV, YouTube.

Nhiều xe lửa đã bị cấm ra vào. Nước Áo hủy bỏ các chuyến xe lửa tới Ý.
Chung quanh 11 thành phố bị cô lập, những check-points đã thiết lập để kiểm soát, chỉ để ra vào những người có nhiệm vụ y tế hay tiếp tế lương thực. Trong những giờ tới, có thể quân đội sẽ tiếp tay với cảnh sát.

Conora sẽ có hậu quả trầm trọng tới kinh tế Ý, đã gặp khó khăn từ những năm gần đây. Venise và Milan là trung tâm du lịch và kỹ nghệ của miền Bắc Ý.

Cũng chính vì kinh tế khó khăn, Ý, cùng với Hy lạp là hai nước Tây Âu Châu đã cộng tác với kế hoạch ‘’Nhất đái, nhất lộ’’ của Tàu, với số người Tàu tới định cư, làm việc đáng kể.

Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích chính phủ vẫn duy trì các chuyến bay trực tiếp với Tàu khi coronavirus bắt đầu bùng nổ.

Tại Pháp, bộ Y tế cho hay chính phủ đã dự trù các kế hoạch để nước Pháp không rơi vào thảm trạng của Ý, trong khi phe đối lập đòi đóng cửa biên giới với Ý.

TÀU: THÊM 150 NGƯỜI CHẾT

Tại Tàu, thông cáo chính thức cho hay có thêm 150 người chết, nâng tổ số lên gần 2600 nạn nhân.

Ngoài nước Tàu, Nam Hàn là nơi dịch hoành hành dữ dội nhất, với 161 trường hợp nhiễm dịch mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên gần 800 với 7 người chết.

Conora không yếu đi như người ta mong đợi, trái lại đang lan tràn mạnh. Ngoài Iran, với 12 người chết, virus đã lan sang Do thái, Ai Cập, Koweit, Barheim, Afghanistan vv.

Tại Phi Châu, tới nay con số người bị nhiễm conora không được công bố, vì y tế quá yếu, Phi Châu không có phương tiện chẩn bệnh, nhưng WHO cho hay nhiều nước đang trang bị phương tiện chẩn bệnh, nhất là những nước có đông người Tàu tới lập nghiệp, khai thác hầm mỏ, dầu lửa, nông nghiệp.

VN: LẠC QUAN HAY VÔ TRÁCH NHIỆM ?

Khi người ta thấy cả thế giới báo động, lo ngại, thi hành những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn virus, người ta kinh ngạc thấy VN, nơi người Tàu ra vào như đi chợ, vẫn tiếp tục giấu giếm, đóng vai lạc quan.

Chính phủ Nam Hàn, một quốc gia tiến bộ gấp trăm VN, kiểm soát di dân, du khách chặt chẽ, đã công khai nhìn nhận thất bại trước virus.

Các nước Âu Châu, với phương tiện và hệ thống y tế hoàn hảo nhất thế giới, vẫn có người chết và số người nhiễm độc càng ngày càng cao.

Một thí dụ về cách phòng ngừa của thiên hạ: Hong Kong báo cho London biết một người Anh bị nhiễm dịch đã về nước. London điều tra, báo cho Paris biết người đó đã sang Pháp. Cảnh sát Pháp kiếm được đương sự, và hai nước Anh, Pháp đã tìm ra tất cả những người ông ta đã tiếp xúc để chẩn bệnh, quan sát, theo dõi.

Mặc dầu vậy, con số nhiễm dịch ở Âu châu vẫn cao hơn ở VN, và ở VN chỉ có một người chết vì bệnh…não, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về sự chính xác của thống kê, và mức độ lương thiện, tinh thần trách nhiệm của tập đoàn cầm quyền đối với đại hoạ trước mắt./.