Khủng hoảng bãi Tư Chính: Bước ngoặt mới cho Việt Nam

Nguyễn Quang Dy - Viet-Studies
 
 Biển Đông khủng hoảng “lần 2” tại bãi Tư Chính là tiền đề cho một cuộc “khủng hoảng kép” về đối ngoại và đối nội của Việt Nam. Nửa cuối năm 2019 sẽ chứng kiến một bước ngoặt mới cho Việt Nam khi đất nước phải “tái cân bằng” quan hệ chiến lược với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chuẩn bị đổi mới thể chế để cải cách kinh tế và chính trị cởi mở hơn.

Bước ngoặt và “khủng hoảng kép”

Về đối ngoại, đối đầu và triển vọng có thể mất bãi Tư Chính buộc Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược và tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc để bớt lệ thuộc hơn. Dự kiến chuyến thăm Mỹ của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2019 (theo David Hutt) là thời điểm hệ trọng để điều chỉnh chiến lược, trước khi quá muộn.

Về đối nội, diễn biến mới tại bãi Tư Chính và triển vọng điều chỉnh chiến lược buộc Việt Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, để tháo gỡ ách tắc đang làm triệt tiêu những tiềm năng và động lực phát triển đất nước. Việt Nam cần tiếp tục chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu đang thao túng làm triệt tiêu động lực cải cách.  

Nếu Việt Nam không tháo gỡ được hai vấn đề lớn nói trên đúng lúc (trước năm 2021) thì không chỉ mất bãi Tư chính mà còn có thể mất luôn chủ quyền quốc gia. Kinh nghiệm trong mấy thập kỷ qua cho thấy cơ hội mới đang đến, nhưng có thể tuột khỏi tay. Với tính cách thất thường của tổng thống Trump, cửa sổ cơ hội để điều chỉnh chiến lược đang khép lại.

Trong một thế giới bất an với những hệ lụy bất ổn, quốc gia nào cũng phải dựa vào nội lực là chính, trên cơ sở chủ nghĩa dân tộc. Nhưng trong trật tự thế giới mới khó lường, không một quốc gia nào (kể cả Mỹ và Trung Quốc) có thể sống biệt lập mà không cần đồng minh và đối tác. Tuy đối ngoại là sự nối tiếp của đối nội, nhưng nó làm đòn bẩy cho đối nội.

Đếm ngược bom nổ chậm

Trung Quốc đủ mạnh để chiếm được bãi Tư Chính và kiểm soát được Biển Đông mà Mỹ và các nước đồng minh không làm gì được (ít nhất là cho tới lúc này). Nhưng Trung Quốc cũng có “gót chân A-sin” và giới hạn của quyền lực. Liệu Trung Quốc có thực muốn giành được bãi Tư Chính để đánh mất Việt Nam và các nước bạn bè còn lại hay không?

Trung Quốc đủ mạnh để chiếm được Hong Kong và biến thành một tỉnh của Trung Quốc mà Mỹ và các nước đồng minh không làm gì được. Nhưng liệu Trung Quốc có thực sự muốn vậy không, vì kiểm soát Hong Kong (như Thượng Hải) có thể đánh mất Hong Kong như “con ngỗng đẻ trứng vàng”. Cái giá Trung Quốc phải trả cho việc này quá lớn.
Nói cách khác, bãi Tư Chính và Hong Kong là hai quả bom nổ chậm, mà Trung Quốc đã châm ngòi dây cháy chậm. Cửa sổ cơ hội để tháo gỡ quả bom nổ chậm đang khép lại (trong gần 2 tháng tới). Trong khi đối đầu tại bãi Tư Chính đang kéo dài nguy hiểm, khủng hoảng chính trị tại Hong Kong đang xô đẩy cả hai bên vào “cái bẫy Thiên An Môn”.

Trong khi Trung Quốc đau đầu đối phó với chiến tranh thương mại với Mỹ (hay “chiến tranh lạnh kiểu mới”) với hệ quả khó lường, thật là nguy hiểm nếu ông Tập Cận Bình chơi trò “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) tại bãi Tư Chính và Hong Kong cùng lúc. Không rõ lãnh đạo Trung Quốc vừa họp tại Bắc Đới Hà có ủng hộ điều đó hay không.

Cập nhật về bãi Tư Chính

Theo nguồn tin dầu khí, Việt Nam đã hợp tác với Sumitomo và Idemitsu (Nhật Bản) để khai thác dầu khí tại Mỏ Sao Vàng-Đại Nguyệt (lô 05-1b và 05-1c) tại bể Nam Côn Sơn của Việt Nam, làm Trung Quốc tức giận điều tàu thăm dò HD-8 và tàu hải cảnh tới bãi Tư Chính để ngăn cản. Khi tàu HD-8 rời bãi Tư Chính (6/8/2019) để tiếp liệu tại đá Chữ Thập, chân đế dàn khoan đã được chuyển tới mỏ Sao vàng tại bãi Tư Chính (12/8/2019) và hạ đặt thành công (18/8/2019). Tàu HD-8 và nhóm tàu hải cảnh đã trở lại bãi Tư Chính (13/8/2019).

Cùng ngày (18/8/2019) Việt Nam điều tàu hộ vệ “Quang Trung” (HQ-016) là một trong 4 tàu hộ vệ mang tên lửa (thuộc lớp “Gepard” 3.9) đến bãi Tư Chính để bảo vệ dàn khoan. Tàu HQ-016 là chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, được trang bị hệ thống vũ khí chống hạm, chống ngầm, và phòng không mạnh. Nói cách khác, Việt Nam đã “quân sự hóa” vụ đối đầu với Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, sau hơn một tháng các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư nhỏ hơn của Việt Nam phải đối phó với đội tàu hải cảnh hiện đại của Trung Quốc. 

Tuy đây không phải lần đầu tiên Việt Nam dùng tàu hải quân để bảo vệ chủ quyền biển, nhưng động thái này đã làm thay đổi cuộc chơi (a game changer), đẩy Trung Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu Trung Quốc điều tàu hải quân (hay dàn khoan) đến khu vực bãi Tư Chính để bắt nạt Việt Nam và khẳng định chủ quyền thì sẽ làm tăng khả năng đụng độ vũ trang trên biển. Dù muốn hay không, đối đầu tại bãi Tư Chính đang leo thang nguy hiểm.
Cùng ngày (18/8/2019) đại tướng David Goldfein (tham mưu trưởng Không quân Mỹ) và đại tướng Charles Brown (tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương) đã đến thăm Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Goldfein nói Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Hà Nội liên quan đến việc tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Chúng tôi kịch liệt phản đối các hoạt động thách thức chủ quyền của Việt Nam”.

Ngày 20/8/2019, John Bolton (Chủ tịch NSC) nói “Leo thang gần đây của Trung Quốc đe dọa các nước đang khai thác tài nguyên tại Biển Đông là đáng lo ngại…Mỹ quyết ủng hộ các nước chống lại thái độ cưỡng ép và bắt nạt đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”. Ngày 22/8/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam chống lại cố gắng của Trung Quốc đang đe dọa các nước muốn khai thác tài nguyên tại Biển Đông”. Cùng ngày, Việt Nam tuyên bố (lần đầu tiên) tham gia tập trận hải quân với Mỹ và ASEAN.      

Ngày 22-23/8/2019, Thủ tướng Úc Scott Morrison đến thăm Việt Nam. Thời điểm của chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, tuy Canberra đến nay vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Là thành viên của “Bộ Tứ” (trong tầm nhìn Indo-Pacific) Úc cần có vai trò tích cực hơn, và là đối tác chiến lược của Việt Nam từ 3/2018, Việt Nam mong muốn Úc ủng hộ (như Mỹ) tại Biển Đông. Trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội (23/8) cả hai thủ tướng đều bày tỏ “lo ngại sâu sắc” nhưng tránh nói đến Trung Quốc. Ông Morrison nói, “Tôi không đến đây để lên án hay làm điều gì đó như vậy. Chúng tôi không chọn bên nào” (We do not take sides).    

Trung Quốc tại bãi Tư Chính   

Để độc quyền hay “cùng khai thác” dầu khí tại Biển Đông, Trung Quốc phải tìm cơ hội để kiểm soát và khẳng định chủ quyền (vô lý) của họ bằng “đường chín đoạn”, bất chấp luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS) và phán quyết của PCA 2016. Để biến bãi Tư Chính (trong vùng EEZ của Việt Nam) thành “khu vực tranh chấp”, Trung Quốc đang dùng tàu thăm dò HD-8 và đội tàu hải cảnh quấy phá và ngăn cản hoạt động của Việt Nam và đối tác (Nga và Nhật). Trung Quốc có thể ngăn Việt Nam và ExxonMobil khai thác mỏ khí “Cá Voi Xanh” (lô 128).

Để ép các nước ASEAN chấp thuận dự thảo “COC” của họ với 3 điều kiện vô lý, Trung Quốc đề nghị: (1) ASEAN không được đưa nội dung UNCLOS vào COC; (2) Không được tập trận chung với bất kỳ nước nào bên ngoài ASEAN, nếu không được sự đồng ý của tất cả ASEAN và Trung Quốc; (3) Không được tiến hành các hoạt động kinh tế với bất kỳ nước nào bên ngoài ASEAN mà không được sự đồng ý của tất cả ASEAN và Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, chưa có hồi kết, với hệ lụy khó lường. Những dấu hiệu bất ổn về kinh tế (như tốc độ phát triển chậm lại, dự trữ ngoại tệ và thị trường chứng khoán suy giảm), và về chính trị (như bất đồng quan điểm trong nội bộ gần đây tại Bắc Đới Hà), ngày càng làm bộc lộ “gót chân A-sin” tiềm ẩn của Trung Quốc, mà các chuyên gia (như David Shambaugh, Paul Krugman) đã cảnh báo.  

Trong cuộc đấu “bất đối xứng” tại bãi Tư Chính, Trung Quốc là “người khổng lồ chân đất sét” (theo Joseph Nye) trong khi Việt Nam nhỏ yếu hơn nhưng không khuất phục. Trong khi Trung Quốc dùng bãi Tư Chính làm nơi luyện tập cho các lực lượng tàu hải giám và dân quân biển (theo Derek Grossman), Việt Nam cũng dùng bãi Tư Chính để rút kinh nghiệm. Trong trò chơi này, Việt Nam không thể thiếu sự ủng hộ của dân chúng và quốc tế.

Việt Nam tại bãi Tư Chính

Bãi Tư Chính đối với Việt Nam còn quan trọng hơn cả Scaborough shoah đối với Philippines. Để mất Scarborough là một sai lầm lớn của Manila và Washington, nên họ phải cố giữ không để Trung Quốc quân sự hóa chỗ này (như “làn ranh đỏ”). Trong khi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính, họ cũng đang bắt nạt Philippines tại đảo Thị Tứ.
Chắc Hà Nội đã nhận ra rằng, dù ông Deterte có xoay trục theo Bắc Kinh, thì Trung Quốc vẫn bắt nạt và lấn chiếm Philippines như vậy. Vì vậy, Hà Nội đã rút kinh nghiệm và quyết giữ bãi Tư Chính bằng được (như “làn ranh đỏ”). Bãi Tư Chính không chỉ hệ trọng về vị trí chiến lược, mà còn có ý nghĩa sống còn về chính trị, vì để mất Tư Chính là mất hết.
Nếu Hà Nội càng nhân nhượng thì Bắc Kinh càng lấn tới, vì họ quyết lấn chiếm để từng bước thay đổi thực địa, biến Biển Đông thành cái ao của họ. Vì vậy, không ngạc nhiên nếu sắp tới Trung Quốc đưa dàn khoan vào bãi Tư

Chính để khẳng định chủ quyền. Chính sách ngoại giao pháo hạm (gunboat diplomacy) của Trung Quốc là “mềm nắn, rắn buông”.

Tuy khủng hoảng Biển Đông “lần hai” lặp lại khủng hoảng Biển Đông “lần đầu” (về quy luật), nhưng khác nhau (về tính chất). Trung Quốc gây ra khủng hoảng “lần hai” không chỉ để nắn gân Hà Nội và quốc tế xem phản ứng thế nào, mà còn là hành động “xâm lược mềm” hay “xung đột cường độ thấp” theo “chiến lược vùng xám” (grey area strategy).

Thay lời kết    

Theo một khảo sát của Pew Research (năm 2017), 64% người Việt được hỏi cho rằng kinh tế Trung Quốc phát triển xấu, trong khi 92% cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đe dọa Việt Nam. Tâm trạng này ngày càng tăng bởi tình hình gần đây tại bãi Tư Chính. Nay Hà Nội đã nhận ra rằng nhân nhượng Trung Quốc không có tác dụng, mà chỉ càng làm cho họ rắn hơn để triển khai các hành động xâm lược mới, nên Hà Nội đang cứng rắn hơn.
Trong bối cảnh Biển Đông khủng hoảng “lần 2” tại bãi Tư Chính, Việt Nam đứng trước bước ngoặt mới. Chuyến thăm Mỹ sắp tới của TBT&CTN Nguyễn Phú Trọng (dự kiến 10/2019) là thời điểm hệ trọng để Việt Nam xử lý cuộc “khủng hoảng kép”. Việt Nam cần điều chỉnh chính sách đối ngoại để “tái cân bằng” với Mỹ và Trung Quốc (cuối năm 2019), và chuẩn bị đổi mới thể chế toàn diện tại Đại Hội Đảng lần thứ 13 (đầu năm 2021). Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (20/8/2019) là một chuyển động đúng hướng (tuy hơi chậm).

NQD. 24/8/2019