Phạm Chí Dũng - VOA|
Trong khi vẫn chưa biết nguyên nhân nào đã khiến Trung Quốc rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính vào ngày 7/8/2019, một ẩn số kèm thách thức mới dành cho giới chóp bu (chứ không phải người dân) Việt Nam là Hải Dương 8 sẽ ‘một đi không trở lại’ và đặt dấu chấm hết cho chiến dịch ‘tống tiền’ của Bắc Kinh đối với các lô dầu khí ngon lành mà Việt Nam cùng các đối tác Tây Ban Nha và Nga đang khai thác ở Bãi Tư Chính, hay chỉ là chiến thuật rút tàu tạm thời để rồi sau đó hoặc cho tàu Hải Dương 8 quay trở lại Bãi Tư Chính, hoặc thay thế tàu này bằng một tàu khảo sát địa chất khác có tầm vóc tương đương hoặc vượt trội Hải Dương 8.
Rút tàu hay chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ?
Hay ứng với kịch bản được cho là tồi tệ nhất hiện nay, nếu chưa tính đến kịch bản Trung Quốc gây ra một cuộc xung đột quân sự trên biển với lực lượng tàu chiến áp đảo hải quân Việt Nam, là tàu Hải Dương 8 sẽ được thay thế bằng một giàn khoan lớn, tức ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của Việt Nam’ chẳng còn muốn ngụy trang bằng việc thăm dò khảo sát địa chất biển nữa, mà sẽ lao thẳng vào Bãi Tư Chính nhằm ăn cướp dầu - nguồn tài nguyên thên nhiên gần như duy nhất còn lại để chính thể độ tài ở Việt Nam dùng để nuôi đảng…
Vẫn chưa có gì đáng để giới chóp bu Việt Nam ăn mừng trước tin tức Trung Quốc rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính.
Nếu kịch bản tồi tệ trên xảy ra, những quan chức Việt vẫn tụng niệm ‘Bốn Tốt’ và Mời sáu Chữ Vàng’ sẽ đối phó ra sao? Nếu chỉ với tàu Hải Dương 8 mà hải quân Việt Nam còn bất lực và Bộ Chính trị Việt Nam còn lúng túng như gà mắc tóc trên cả trường quốc tế lẫn quốc nội, thì làm cách nào có thể đẩy đuổi cả một giàn khoan khổng lồ được hộ vệ bởi hàng trăm tàu chiến của Trung Quốc?
Kịch bản tồi tệ trên không phải chỉ là một dự báo mang tính phòng xa, mà trong thực tế đã có những cơ sở khá gần về tính nguy cơ và về mặt địa lý.
Đông Phương có tái hiện Hải Dương 981?
Vào tháng 4 năm 2019, Trung Quốc đã thình lình tung ra động thái đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Đông Phương vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông. Giàn khoan này nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá và không thua kém gì giàn khoan Hải Dương 981 mà đã ngự trị ở Biển Đông trong năm 2014. Vụ Đông Phương hờm sẵn kịch bản tái hiện hải Dương 981 hiện ra trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ (nhưng cũng vào tháng 4 đó, ông Trọng bất thần bị một cơn bạo bệnh tại Kiên Giang nên chuyến đi Mỹ của ông ta phải dời lại).
Vào thời điểm trên, chiến thuật ép và lấn từng bước của Trung Quốc là quá dễ nhìn ra: tùy thuộc vào thái độ của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình ra sao và liệu Trọng có ‘đi Trung trước, Mỹ sau’ hay không mà giàn khoan Đông Phương hoặc nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014 - như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Song trong vụ Hải Dương 981, nguồn cơn chính yếu lại là ‘chiến tranh dầu khí’. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với những đối tác nước ngoài là Repsol (Tây Ban Nha) tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, và với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Biến cố Hải Dương 981 đã kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng trong lúc toàn bộ đảng này không hề dám có một phản ứng ra mặt nào mà chỉ im thin thít, còn quốc hội cũng không phát ra nổi một nghị quyết về Biển Đông mà chỉ nói như vẹt về từ ngữ ‘tàu lạ’, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã rùng rùng phẫn nộ xuống đường biểu tình để phản kháng cú khiêu khích của Trung Quốc thông qua Hải Dương 981. Khi đó, một lần nữa châm ngôn ‘hèn với giặc, ác với dân’ đã ứng nghiệm: làn sóng biểu tình này đã bị chính quyền và công an Việt Nam đàn áp thô bạo và dã man.
Trong suốt thời gian hai tháng trời phải đối mặt với Hải Dương 981, phía Việt Nam đã chỉ ‘vận động thuyết phục’ và đánh võ miệng trên mặt trận ngoại giao, nhưng không dám có bất cứ hành động đủ mạnh mẽ nào nhằm đẩy đuổi giàn khoan Trung Quốc. Thậm chí, cơ hội quá đầy đủ cho việc kiện Trung Quốc theo Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển UNCLOS 1982 cũng không được giới chóp bu Việt Nam tận dụng. Rốt cuộc là giới lãnh đạo Bắc Kinh đã nắm thóp được não trạng chưa đánh đã sợ và tâm lý tác chiến đến mức ‘đái ra quần’ của những đồng chí tốt ở Việt Nam.
Nhân đà đó, Hải Dương 981 đã có một màn khiêu vũ lòng vòng ở biển Đông, hết nằm một chỗ lại di chuyển vòng quanh nhưng chưa chịu ra khỏi vùng chồng lấn. Chỉ sau một thời gian diễu binh như thế, giàn khoan này mới thực sự rút về nước.
Giờ đây, kịch bản Hải Dương 981 hoặc Đông Phương vẫn có thể tái hiện sau vụ tàu Hải Dương 8.
Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì
Một cách ‘nhẹ nhàng’ nhất, cho dù tuyên bố rút Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính, Trung Quốc vẫn có thể cho tàu địa chất này xuất hiện trở lại vào bất kỳ lúc nào, hoặc thay thế Hải Dương 8 bằng những tàu Hải Dương khác, cho đến khi nào chán thì thôi. Trong lúc đó, các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu thương mại dân sự vẫn thả sức chơi trò ‘vờn tàu’ với phía hải quân và ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ được trang bị hàng chục ngàn lá cờ của Việt Nam, và nếu hứng thú thì tổ chức xịt vòi rồng hoặc đâm va…
Đó là một kiểu hành hạ tinh thần giới chóp bu Việt Nam, hệt như cái cách chính quyền và công an Việt Nam đã hành hạ tinh thần và thân xác nhiều người dân bất đồng chính kiến lên tiếng phản đối vô số bất công của chế độ cầm quyền và dám xuống đường chống Trung cộng.
Một khi bộ phim Bãi Tư Chính đã được Trung Quốc công diễn đến 3 lần trong ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu cuốn phim này sẽ được tái diễn vào những năm sau, đều đặn mỗi năm một lần hoặc có thể đến hai lần.
Còn nếu Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ - như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, đó sẽ là một thảm họa với Bộ Chính trị đảng Việt Nam. Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì.
Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam mau mắn ra tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải’ - đồng thời với động thái hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào Biển Đông - đã cho thấy ‘nghĩa cử’ không còn lựa chọn nào khác của một chế độ ‘văn dốt võ dát’.