Mạnh Quân|
Giữa lúc người dân hàng ngày, hàng giờ căng mình chống chọi với nắng nóng như đổ lửa, không dám bật điều hòa vì mấy tháng nay hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba… Giữa lúc người dân mòn mỏi chờ công lý từ Thanh tra Chính phủ, nhằm trả lời câu hỏi vì sao khi EVN nhiều lần tuyên bố giá điện chỉ tăng trên dưới 8% mà số tiền phải trả hàng tháng đã tăng đột biến, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của đại đa số nhân dân… thì EVN, vốn vẫn như vậy, quen xài sang, sống xa hoa bằng được trên nỗi thống khổ của Nhân dân.
Số là, mấy tháng gần đây, các cơ quan ngôn luận, các nhà báo nhận được nhiều đơn thư tố cáo chủ trương đập phá hoàn toàn để xây lại tòa nhà 5 tầng tại 15 Phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội của EVN và Công ty Truyền tải điện. Theo dấu đơn thư, chúng tôi đã tìm cách “tham quan” toàn bộ tòa nhà và nhận ra sự lãng phí của EVN là không có điểm dừng.
Trụ sở EVN tại 15 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội. Photo Courtesy
Tòa nhà 15 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội, tọa lạc trên 2 mặt phố Phạm Hồng Thái và Cửa Bắc, diện tích đất gần 700 m2. Sàn xây dựng hơn 3.000 m2 được bố trí làm trụ sở của Công ty Truyền tải điện (Khoảng 150 người làm việc, bình quân mỗi người hơn 20 m2). Trụ sở này cũng vừa được EVN cho phép cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lại rất đàng hoàng với chi phí rất lớn. Nội thất, thang máy được đầu tư mới, đồng bộ hiện đại. Vậy nhưng, đã đàng hoàng phải đàng hoàng hơn, đã sang trọng, tiện nghi lại phải đẳng cấp, tiện nghi hơn… Thế là đập bỏ, xây lại.
Dự án trụ sở làm việc tại vị trí đắc địa nói trên, dự kiến sẽ khởi công nay mai, là rất hoành tráng, gồm 2-3 tầng hầm và 7 tầng nổi với hơn 6.000 m2 và chỉ là nơi làm việc cho khoảng 150 người. Trên đất nước này, ở đâu và ngành nào được làm việc trong môi trường rộng rãi, hào nhoáng và xa xỉ như ở đây?
Hầu hết đơn thư, người gửi không phản đối hành vi đập phá – xây lại tòa nhà mà lại tố cáo hành vi lãng phí, trái pháp luật khác. Đó là việc lựa chọn ví trí làm việc tạm thời trong 3-4 năm tới. Nơi dự định chuyển tới là khu chợ Việt Hưng, vốn được đầu tư xây dựng không phép. Cán bộ nhân viên hầu hết chỉ đi làm trong khoảng cách 4-5 km, giờ phải cách xa 15-20km. Thậm chí có trường hợp đi hơn 30 km. Đây là bất cập lớn gây khó khăn đặc biệt cho nhân viên.
Việc lựa chọn địa điểm này để thuê có nhiều khuất tất. Rất nhiều địa điểm rẻ hơn, thuận tiện hơn trong nội thành không được chọn, chỉ vì xa nhà vị lãnh đạo Công ty làm nghề kế toán trưởng. Giá thuê địa điểm này hàng chục tỷ/năm. Công ty Truyền tải cũng đã đầu tư vào đó gần chục tỷ nữa. Vậy mà đến ngày chuyển hạ tầng vẫn chắp vá, bệ rạc.
Mặc dù đơn thư (do nhân viên Công ty gửi) mong công luận vào cuộc chỉ để được làm việc tại chính nơi này, hoặc được chuyển về nơi gần hơn, thuộc nội thành để tiện đi lại, nhưng công luận, lẽ nào đồng tình để EVN ném hàng trăm tỷ (vốn là mồ hôi, nước mắt của nhân dân) một cách vô cảm như vậy? Hàng trăm tỷ này, nếu không bị ngăn chặn thì sẽ chảy vào giá điện trong nay mai.
Câu chuyện về sự lãng phí này sẽ là nỗi ai oán khi tới đây chẳng may, Thanh tra Chính phủ lại phừng phừng công bố: Giá điện vừa qua tăng là đúng quy trình!