Sao các nước để Ukraina chiến đấu một mình?

Nguyễn Tấn Thành

Đó là lời than của Tổng thống Ukraina, Volodymir Zelensky trong ngày đầu tiên Nga phát động cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự và phi phát xít Ukraina" 24/2/2022. Qua đó Ông Zelensky kêu gọi các nước thành viên NATO gần Ukraina chế áp điện tử để giảm sức không kích kinh hoàng của không lực Nga.

Không ít người thời điểm ấy, tuy đồng cảm và xót thương Ukraina, song cũng lấy làm lạ là... Cộng đồng quốc tế chỉ có thể hỗ trợ phần nào chớ không thể nhào vô "đỡ đạn" với Ukraina được. Nhưng khi hiểu ra người ta mới biết không phải nhưng không Zelensky than thở "vì sao thế giới để Ukraina chiến đấu một mình với quân Nga xâm lược". Đó chính là giác thư Pudapest ký giữa Mỹ, Anh, Nga và Ukraina. Qua đó Ukraina từ bỏ kho vũ khí nguyên tử lớn thứ ba thế giới do Liên Xô để lại để được bảo đảm nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraina. Để rồi sau đó chính Nga là nước ký giác thư Budapest quay lại xâm lược Ukraina.

Sau suýt soát 3 năm chống Nga xâm lược, với sự giúp đỡ của Mỹ, NATO và cộng đồng quốc tế, Ukraina đã bảo vệ được nền độc lập của mình, dù lãnh thổ chưa được toàn vẹn vì bị quân Nga chiếm 20% lãnh thổ tính từ năm 2014.

Thì ngày hôm qua Ukraina lại dậy sóng khi truyền thông quốc tế thả hết công suất chỉ trích Mỹ bỏ rơi Ukraina, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho rằng Ukraina (đòi) trở lại biên giới hồi 2014 và gia nhập NATO thời điểm này là không thực tế...

Làm dấy lên e ngại Ukraina sắp bị bỏ rơi? Tuy nhiên, lần này ngoài Ukraina còn các nước Âu Châu, dư luận quốc tế cùng phản ứng than vãn với Ukraina, rằng sao Mỹ nỡ làm lợi cho quân Nga xâm lược và bỏ rơi Ukraina, không chỉ để Ukraina chiến đấu một mình mà còn ép Ukraina ngưng chiến đấu bằng những thỏa thuận ngầm với Nga sau lưng Ukraina ?

Thực ra, suy cho cùng, nếu Mỹ có quay lưng với Ukraina thì vẫn còn đó các nước Âu Châu. Âu Châu không thể để Ukraina thua cuộc vì sự thua cuộc của Ukraina đồng nghĩa với hiểm họa chiến tranh xâm lược của Nga bén ngõ Châu Âu. Cho nên sẽ khó khăn rất lớn cho Ukraina khi Mỹ quay lưng, nhưng chắc một điều là Âu Châu sẽ gia tăng viện trợ bù đắp thiếu hụt từ Mỹ để giữ vững thành trì phòng thủ Ukraina cho an ninh Châu Âu. Nghĩa là vấn đề an ninh của Ukraina cũng chính là vấn đề an ninh Châu Âu, là vấn đề tiên quyết của mọi vấn đề liên quan đến an ninh lục địa già.

Câu chuyện đang nóng là, liệu Mỹ có bỏ rơi Ukraina ? Dẫu chuyện bỏ rơi đồng minh không phải là hạn hữu đối với người Mỹ. Chỉ cần cuộc chiến nào đó trở nên gánh nặng cho Mỹ không còn giá trị lợi ích thì Chú Sam dễ dàng phớt tỉnh phủi tay.

Nhưng trong cuộc chiến Ukraina Mỹ không tham chiến, không hao tốn nhân mạng, chỉ tốn tiền viện trợ. Hiện tại người Mỹ đã vận dụng đạo luật Lend Lease (cho thuê, cho mượn) và thỏa thuận đổi đất hiếm lấy viện trợ, thì Mỹ có tốn kém có mất mát gì đâu, đến mức phải buông bỏ Ukraina? Hơn nữa, hiện tại Nga bị sa sút không còn hùng mạnh như xưa để Mỹ phải lấy lòng bán đứng Ukraina nhằm đạt được lợi ích lớn hơn với Nga ?

Vì đó, có thể chắc chắn một điều, người Mỹ, chủ yếu là Tổng thống Trump, quyết tâm xúc tiến hòa bình Nga Ukraina là để tự khẳng định mình như là một bậc thầy đàm phán. Và dẩu Mỹ có mưu cầu lợi ích trong cuộc hòa đàm này thì nghiêng về Ukraina là có lợi hơn.

Do đó, đây là giai đoạn Donald Trump và bậu xậu của ông tìm cách tung hỏa mù để làm lung lay sự cố chấp của cả hai bên Nga và Ukraina để hai bên dễ tương nhượng nhau trên bàn đám phán sau này. Vì thế những phát ngôn gây sốc, những phát ngôn không nhất quán, tiền hậu bất nhất, nửa thật nửa giả từ Tổng thống Trump và các quan chức cao cấp của ông thời gian qua, nhất là hai ngày qua, chỉ nên xem là những đòn gió, tung hỏa mù, ném đá dò đường...