Đinh Hoàng Thắng
Chuỗi hoạt động quốc tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước [TBT - CTN] Tô Lâm từ 30/9—7/10 bao gồm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland và Pháp, đồng thời tham dự Hội nghị cấp cao Francophonie lần thứ 19.
Nội hàm “kỷ nguyên mới” là gì?
Đợt công tác kéo dài của ông Tô Lâm diễn ra ngay khi hiệu ứng tích cực từ chuyến thăm Mỹ và Liên Hợp Quốc [21–27/9] vẫn đang được cảm nhận. Tần suất hoạt động ngoại giao quốc tế liên tiếp và dày đặc này không chỉ thể hiện một nỗ lực quan trọng trong chủ trương đối ngoại của Việt Nam, mà còn làm nổi bật vai trò của ông Tô Lâm trong bối cảnh chuyển giao quyền lực trên thượng tầng. Các chuyến thăm cấp nhà nước này không chỉ nhằm củng cố các mối quan hệ chiến lược quan trọng với những đối tác then chốt, mà còn phản ánh định hướng sâu xa của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Qua những động thái này, dường như lãnh đạo Việt Nam muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế và nhân dân trong nước rằng Việt Nam đang sẵn sàng bước vào một "kỷ nguyên mới". Đấy là thời kỳ mà đất nước không chỉ tích cực tham gia các vấn đề toàn cầu, mà vẫn duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa trong nội bộ, tiếp tục gắn kết các mục tiêu quốc tế với chiến lược phát triển trong nước.
Trước mỗi chuyến công du quốc tế, ông Tô Lâm thường có những động thái nội trị nhằm tạo dấu ấn. Trước khi sang Mỹ, ông đã cho công bố bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới". Bài viết nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ các cán bộ, đảng viên trong nước, theo TTXVN [1], coi đây là định hướng quan trọng cho giai đoạn chuyển mình của Đảng. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, bài viết này lại chưa tạo được ảnh hưởng lớn. Các nhà quan sát chính trị trong và ngoài nước đã có những phản ứng trái chiều. Theo buổi hội luận trên VOA ngày 18/9/2024 [2], một số ý kiến cho rằng bài viết còn thiếu những điểm đột phá trong tư duy lãnh đạo và không đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý từ quốc tế. Trước chuyến thăm đến khu vực Á – Âu, vào ngày 29/9, ông Tô Lâm, với vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, đã có chuyến làm việc với Tổng cục II [Tổng cục Tình báo]. Ông đã ghi nhận những thành tựu quan trọng của lực lượng tình báo quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao năng lực hoạt động tình báo trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp [3].
Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực trên thượng tầng, ông Tô Lâm đã khéo léo tận dụng các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Thượng đỉnh Tương lai, và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ để khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, đồng thời đối mặt với những thách thức nội bộ. Các chuyến thăm này không chỉ nhằm củng cố vị thế của ông trên trường quốc tế, mà còn thể hiện năng lực điều hành và kiểm soát tình hình trong nước, đặc biệt khi cuộc đấu tranh quyền lực trong Đảng vẫn tiếp diễn. Trên phương diện đối ngoại, ông Tô Lâm đã khéo léo giữ được sự cân bằng quan hệ chiến lược với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong khi vẫn duy trì được mối quan hệ truyền thống với các quốc gia như Trung Quốc. Những động thái này vừa khẳng định dấu ấn cá nhân của ông, vừa phản ánh sự chuyển dịch chính trị sâu sắc bên trong Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chuỗi hoạt động ngoại giao dày đặc và sự xuất hiện liên tục của ông trên trường quốc tế, từ Tây bán cầu đến Á – Âu, đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và tạo nên một dấu ấn quan trọng cho thời kỳ chuyển giao quyền lực này [4].
Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong việc định hình nội hàm “kỷ nguyên mới” dường như vẫn chưa đạt được thành công rõ ràng. Dù có một bộ phận dư luận hy vọng rằng các bài phát biểu của ông, cả trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, có thể hé mở khả năng dân chủ hóa đất nước, nhưng kết quả thực tế lại chưa thể hiện rõ điều này. Trước đó, ông Tô Lâm từng khẳng định tại Đại học Columbia [Mỹ]: "Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại" [5], làm dấy lên kỳ vọng về những thay đổi tiến bộ. Tuy vậy, một số chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng các cải cách nửa vời hoặc những thay đổi ngôn từ có thể khiến dư luận tạm thời yên lòng mà không thực sự giải quyết các vấn đề cấu trúc sâu sắc. Một bình luận trên VOA ngày 24/9 đã nhấn mạnh: Những thay đổi chỉ mang tính bề mặt có thể tạo ra ảo giác về sự tiến bộ, nhưng nếu người dân nhận ra sự thật này và mất niềm tin, hệ quả có thể rất nghiêm trọng [6]. Điều này gợi mở rằng, những nỗ lực của ông Tô Lâm, dù có những động thái tích cực, vẫn có thể không đạt được kỳ vọng của cả trong nước lẫn quốc tế.
Lựa chọn cải cách hay bảo thủ?
Chuyến công tác đến Mỹ, Pháp, và Ireland của TBT, CTN Tô Lâm là điều dễ hiểu, nhưng tại sao ông lại chọn thêm Cuba và Mông Cổ? Nếu đây chỉ là sự ngẫu nhiên, bởi vì hai nước này nằm trên lộ trình công tác, thì sự ngẫu nhiên ấy lại mang tính tất yếu. Việc nghiên cứu trên thực địa các mô hình khác nhau có thể mang lại cho ông Tô Lâm những góc nhìn đa chiều về sự thành công và thất bại trong quản trị quốc gia. Đặc biệt, sau khi cung cấp 10.000 tấn gạo cho Cuba, liệu ông có dám khuyến khích "người bạn vàng" này tiến hành đổi mới kinh tế sớm để người dân được hưởng lợi? Như Facebooker Nguyên Tống từng đề cập, nếu Cuba thực hiện cải cách, hàng ngàn công ty và văn phòng từ châu Âu, châu Á, và Mỹ có thể sẽ đến đây đầu tư, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống người dân, giống như Dubai. Tuy nhiên, đáng tiếc là Cuba vẫn giữ vai trò "tiền đồn" mà không thực sự tận dụng điều kiện tự nhiên và địa chính trị để phát triển. Họ tiếp tục chìm trong đói nghèo và mơ về một thiên đường không thực sự tồn tại [7].
Thăm Mông Cổ, nếu ông Tô Lâm chịu khó lắng nghe bài học chuyển đổi dân chủ trên đất nước thảo nguyên bất tận, thì quả là một đại phúc cho dân tộc Việt Nam [8]. Trong cuộc tiếp kiến ngày 30/9, ông Tô Lâm chắc hẳn biết rằng Tổng thống Khürelsükh, người vừa hội đàm với mình, là một thành viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) – Đảng Cộng sản của Mông Cổ trước đây. Điều đáng chú ý là MPRP đã chủ động tiến hành cải cách dân chủ và trở thành Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP), phù hợp với một Mông Cổ đã dân chủ hóa. Kể từ năm 1990, MPP đã giữ quyền lực trong hơn một nửa thời gian, và đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp mà Đảng này cầm quyền. Đáng ra, ông Tô Lâm nên chúc mừng Cuộc cách mạng Dân chủ của Mông Cổ, một cuộc cách mạng diễn ra mà không cần đổ máu. Liệu các bạn Mông Cổ có kể cho ông nghe về những khẩu hiệu đấu tranh từ những năm 90 như: “Thời cơ đã đến, hãy tỉnh dậy đi”, “Nhân dân… hãy leo lên lưng ngựa”, “Sự thật sẽ không được biết đến nếu nó bị che giấu”? Kết quả của sự thay đổi đó là ngày nay, Mông Cổ đang nổi lên như một trong những quốc gia tự do nhất châu Á [9].
Cho đến nay, giới quan sát vẫn chưa thể xác định chắc chắn liệu TBT, CTN Tô Lâm là nhà cải cách hay vẫn là một thành trì bảo thủ? Chuyến thăm Cuba và Mông Cổ của ông có thể không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại giao thông thường, mà còn là những phép thử chính trị nhằm tham khảo các mô hình phát triển và phương thức quản trị quốc gia. Mông Cổ, với sự thành công trong quá trình chuyển đổi dân chủ, và Cuba, nơi còn bị kìm hãm bởi ý thức hệ giáo điều, đều mang đến những bài học quý báu về lãnh đạo và cải cách. Hơn nữa, sự tự tin khi ông Tô Lâm thực hiện các chuyến công du dài ngày mà không lo ngại về việc mất quyền lực trong nước cho thấy vị thế lãnh đạo của ông hiện khá vững chắc. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể khẳng định được sự ổn định của chính trường Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp, vì thời kỳ quá độ này vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức nội bộ.
Tham khảo:
[1] https://baotintuc.vn/thoi-su/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-yeu-cau-tu-cap-chi-bo-den-trung-uong-20240919190700942.htm
[2] https://www.voatiengviet.com/a/7787781.html?withmediaplayer=1
[3] https://laodong.vn/thoi-su/xay-dung-luc-luong-tinh-bao-quoc-phong-tuyet-doi-trung-thanh-1400982.ldo
[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-trip-to-the-us-outcomes-09262024101648.html
[5] https://tuoitre.vn/toan-van-phat-bieu-chinh-sach-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-dai-hoc-columbia-202409241044401.htm
[6] https://www.voatiengviet.com/a/7796234.html
[7] https://baotiengdan.com/2024/09/30/tiec-cho-cuba-lam-tien-don-gac-cong-lam-chi/
[8] https://www.youtube.com/watch?v=HwH-JkLmtNk (Chuyển đổi dân chủ ở Mông Cổ 22-12-2015)
[9] https://www.luatkhoa.com/2017/08/anh-mong-co-da-chuyen-doi-dan-chu-khong-mot-tieng-sung-nhu-nao/