"Made in Vietnam"
Minh Châu - (VNTB)
“Tôi nghĩ rằng các quan chức cấp cao của Bộ Chính trị cần tỉnh táo và trung thực để nhìn nhận chủ quyền về kinh tế hiện nay của Việt Nam, thực ra đang nằm ở… ngoài Việt Nam. Đừng tự ve vãn nhau kiểu ‘thương hiệu ôtô Việt đầu tiên ra thế giới’. Xin đừng lừa nhau nữa!”
Luật gia Nguyễn Thu Trang nhận xét như vậy, nhân việc Bộ Công thương đang đưa ra lấy ý kiến về dự thảo lần 1 của bộ tiêu chí quy định thế nào là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa.
Cứ mãi mị dân!
Việc xây dựng bộ tiêu chí này được Bộ Công thương đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá, nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, “made in Vietnam” hay hàng Việt… để “áp” doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá.
Hạ tuần tháng 9 năm ngoái, trên hầu hết các mặt báo đều đưa tin với giọng văn kiểu ‘tụng ca’ được trích từ thông cáo báo chí được Vingroup gửi đến: “Hai mẫu ôtô đầu tiên (Sedan và SUV) do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) sản xuất, sẽ xuất hiện tại sự kiện Paris Motor Show, diễn ra từ ngày 2-10 ở Pháp”.
Dĩ nhiên là những bản tin này được đăng tải kèm theo là ‘chuyện phải quấy’ của loạt hợp đồng quảng cáo giữa Vingroup với các tờ báo đó. Lý do, công nghệ luyện kim của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam chưa có, thì làm sao tự sản xuất xe hơi để mà mang triển lãm quốc tế?
Dường như Vingroup đã gian lận phần xuất xứ đầu vào cho thành phẩm. Điều đó tương tự như thép của Formosa Hà Tĩnh thực ra là thép Trung Quốc (đăng ký quốc tịch Đài Loan khi đầu tư vào Việt Nam) dán nhãn mác Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu. Chính điều này dẫn tới việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ các nguồn này đã giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Đài Loan và Hàn Quốc.
Nền kinh tế không minh bạch
Dường như domino của hệ lụy thiếu minh bạch đang tiếp tục. Chuyên gia về phân tích thị trường của tổ chức BSA, ông Phan Tường đã có một trao đổi nhanh quanh một vụ việc đang nóng trong ngành bán lẻ, đó là việc Big C (Tập đoàn Central Group, Thái Lan) bất ngờ thông báo ngưng bán, trả hàng may mặc Việt Nam. Hôm 3-7, hàng loạt doanh nghiệp hoang mang gọi nhau kéo đến trụ sở Big C để phản đối.
“Gặp trực tiếp một số doanh nghiệp, ai cũng méo mặt không biết sẽ đi đầu về đâu. Có chủ cơ sở may mặc nói như muốn khóc, không biết lo sao cho công ăn việc làm của mấy trăm công nhân, một nửa tổng số thợ (doanh số Big C chiếm gần 50%). Các doanh nghiệp bức xúc nhất trước tương lai gần quá bấp bênh, chứ chưa kịp thấm cảm giác của việc bị đối xử thiếu tôn trọng.
Big C chắc là sẽ khéo với truyền thông, nhưng họ làm gì cũng đã tính kỹ với đội ngũ luật sư hùng hậu... nên các doanh nghiệp Việt cần phải tỉnh hơn, phải chấp nhận một sự thật là sẵn sàng đối mặt mọi rủi ro, bấp bênh, chèn ép khi hợp tác với những nhà bán lẻ đến từ ngoài biên giới. Big C hay những nhà bán lẻ ngoại khác, một khi họ muốn làm thì đã kiểm tra kỹ về luật, họ sẽ không sai về lý, cho nên doanh nghiệp Việt chỉ còn cách phải cẩn thận và biết tự lo cho mình”. Ông Phan Tường, nhận định.
Ở đây còn là một chủ đề tầm vĩ mô: chủ quyền bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam còn không? Nếu còn thì có vững chắc như cách mà quan chức Việt Nam nghĩ không? “Có lẽ chẳng khó để mà đánh giá. Không cực đoan để đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhưng phải thật sự tỉnh táo để biết ngành bán lẻ nước nhà đang ở đâu, thực lực thế nào, cần có chính sách và phương pháp quản lý nào, đừng mị nhau, ru nhau bằng ảo tưởng nữa!”. Ông Phan Tường kết luận.
Chuyện mị nhau đó, tiếc thay trong nhiều trường hợp lại được đại ngôn từ chính người đứng đầu chính phủ. “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: VinFast là minh chứng rằng, người Việt Nam chúng ta có thể làm được những điều mà thế giới làm được”, là nội dung rất nhiều bài báo khi đưa tin về lễ khánh thành nhà máy VinFast hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi.
Dẫu sao thì VinFast cũng có ông chủ là người Việt Nam. Các quan chức chóp bu từ cấp chính phủ đến Bộ Chính trị còn mặc định hàng Việt là hàng sản xuất tại Việt Nam, mà không quan tâm đến chủ thương hiệu, chủ doanh nghiệp sản xuất đó là nước ngoài hay chăng?.
Như ngành bia. Trước khi Bia Sài Gòn được bán cho người Thái, kệ hàng có hơn 60% là của các thương hiệu như Heineken, Tiger, Sapporo… Các thương hiệu này đều sản xuất tại Việt Nam cả, nhưng nói đó là hàng Việt thì thiệt khó nghe vì đó quả thật là một sự đánh tráo khái niệm quá ư kỳ cục.
Rồi khi người Thái thâu tóm Bia Sài Gòn, giờ đây 80% kệ hàng (và thị phần nữa) là của các doanh nghiêp nước ngoài. Người Việt hầu như chẳng còn gì trong một là những ngành hàng tỷ đô như bia. “Chủ quyền” ngành bán lẻ của Việt Nam, tình huống này đã mất.
Cần có một nền kinh tế minh bạch là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Và để làm được điều đó, nền tảng là người dân phải thực sự có đầy đủ các quyền tự do dân sự, cũng như quyền tự do chính trị theo Hiến định (các điều 6, 14, 25, 28 Hiến pháp 2013).
04.07.2019
Minh Châu - (VNTB)