“Khi mặt trận Donbass bị vỡ thì chiến tranh sẽ chấm dứt“

Leonhard Landes (WELT)
 
Marcus Keupp cho rằng Ukraine sẽ tạo đột phá, đánh thẳng xuống Biển Đen, phía nam Zaporizhia, qua Meletopol
Về nhân vật: Marcus Keupp là giảng viên tại Học viện Quân sự ETH Zurich. Sinh ra ở Đức, ông di cư sang Thụy Sĩ năm 2004
Theo chuyên gia kinh tế quân sự Marcus Keupp tại trường ETH Zurich thì Nga sẽ thua cuộc chiến tranh ở Ukraine trong tháng 10 này. Ông đã giải thích về dự đoán của mình trong một cuộc phỏng vấn của báo WELT. Theo đó Ukraine đang dương đông kích tây, tung tin thất thiệt để gây nhiễu loạn ở Nga, trong khi Moscow đang có sự tranh giành quyền lực.
 
WELT: Quân đội Ukraine tung tin đã giành được lãnh thổ ở phía nam Bakhmut hôm thứ tư. Yevgeny Prigozhin, ông chủ của Wagner, nói binh lính chính quy Nga đang tháo chạy. Tình hình thực hư thế nào, thưa ông?
Marcus Keupp: Chúng ta đều biết Prigozhin lắm chiêu trò, hay làm ầm ĩ. Nhưng lần này ông ta đúng. Cuộc tấn công diễn ra ở sườn phía nam của Bakhmut, không phải trong thành phố. Có thể Ukraine đang đánh vu hồi, thốc vào hai bên sườn. Nhìn vào bản đồ ta thấy quân Nga đang thọc sâu vào mặt trận Ukraine. Ukraine cho đến nay đã trấn giữ rất thành công, nay muốn băng qua lính đánh thuê Wagner và khép vòng vây. Nhưng tôi không nghĩ rằng lúc này họ có khả năng về mặt hậu cần để thực hiện ý đồ này.
 
WELT: Liệu cuộc tiến công ở hai bên sườn là một phần trong nỗ lực tổng tấn công của Ukraine, điều mà thiên hạ đã nói rất nhiều ?
Keupp: Tôi không nghĩ vậy. Lúc này mọi người đều biết Wagner chiến đấu như thế nào. Những kẻ ở tuyến đầu chỉ là vật hy sinh, họ là tốt thí. Sau các làn sóng thứ tư, thứ năm mới xuất hiện quân thiện chiến, bọn này được đào tạo bài bản, được trả lương cao gấp bốn, năm lần. Song lần này thì khác. Trong một video của lữ đoàn Ukraine, người ta thấy quân Nga đã thực sự tháo chạy. Điều này cho thấy trên mặt trận này không có lực lượng chủ lực thiện chiến. Trong khi đó lính đánh thuê Wagner lại tập trung ở thị trấn Bakhmut và bảo vệ cánh trái cho quân đội chính quy của Nga. Người ta tự hỏi: Lính Wagner lúc này mạnh đến đâu? Điều này trong thực tế không được phép xẩy ra. Quân đội phải có lực lượng dự bị ở tuyến sau để sẵn sàng đánh trả những mũi thọc sâu của quân địch.
 
WELT: Tuần trước Prigoschin nổi điên nổi khùng dọa sẽ lui quân của ông ta ra khỏi Bachmut, sau đó ông ta đã rút lại lời hăm dọa. Hôm thứ ba ông ta lại lu loa tấn công giới lãnh đạo quân sự Nga. Sự tranh giành quyền lực này thực sự nghiêm trọng đến mức nào?
Keupp: Có sự khác biệt cơ bản giữa tấn tuồng tuần trước và những gì Prigoschin vừa nói mới đây. Tuần trước Prigoschin la ó chủi bới bộ trưởng quốc phòng Schoigu, Gerasimov và ca cẩm, khiếu nại về việc cung cấp quá thiếu đạn dược cho quân đánh thuê của mình. Vở kịch mới đây thực ra là PR cho sự cạnh tranh chính trị. Trong hệ thống cai trị của Putin, có sự cạnh tranh để giành lấy sự ưu ái về vật chất và nguồn lực của "Dedushka", ám chỉ biệt danh của Putin. Putin sẽ là người quyết ai được gì. Trong video ngày 9 tháng 5, "Ngày Chiến thắng" của Nga, Prigozhin lần đầu tiên đã xúc phạm một cách thô lỗ "Dedushka", không rõ liệu đây có phải gã cố ý nói đến Putin hay không, nhưng mọi người đều hiểu như vậy. Nếu thế thì rủi ro sẽ rất lớn. Tôi đoan chắc Prigozhincó thể đã suy đoán những thay đổi chính trị có thể sớm diễn ra. Có lẽ anh ta đang kiếm chỗ, xếp hàng chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quyền lực tiềm ẩn. Dù sao thì ngày hôm qua anh ta đã công bố một “cuộc thăm dò ý kiến” trên kênh Telegram của mình, tự đôn mình là anh hùng chiến tranh và tự phong mình là chính trị gia Nga được yêu thích nhất sau Putin. Trong hệ thống của Nga luôn phải có một nhân vật nào đó có quyền sinh quyền sát.

WELT: Tức là một sự tranh dành quyền lực sau Putin?
Keupp: Không nhất thiết phải là sau Putin. Chỉ cần tỏ ra nghi ngờ Putin là đủ. Trong hệ thống của Nga luôn phải có một nhân vật đứng đầu, tiếng Nga gọi là "Nachalnik" dịch theo nghĩa đen là ông chủ hoặc người đứng đầu. Ngay khi có chút nghi ngờ "Nachalnik" không còn là "Nachalnik" nữa thì ngay lập tức dao đã kề cổ rồi. Đó là một chủ đề cổ xưa xuyên suốt lịch sử nước Nga. Và bất cứ khi nào có những biến động như vậy trong lịch sử nước Nga, chúng đều diễn ra nhanh chóng và dữ dội. Prigozhin có thể đang suy đoán hoặc hành động hướng tới điều gì đó như vậy. Có thể suy đoán, Prigozhin là một điểm yếu của Putin

WELT: Cách đây ít lâu, ông đã dự đoán về sự kết thúc chiến tranh. Cụ thể là Nga sẽ thua trong cuộc chiến vào tháng 10 tới.
Keupp: Tôi muốn nói một cách chi tiết hơn. Khi tôi nói Nga sẽ thua trong cuộc chiến này, không có nghĩa tất cả người Nga đã ra đi hoặc cuộc chiến đã kết thúc hoàn toàn ở mọi nơi. Tôi tin rằng một tình huống quân sự sẽ phát sinh mà Nga không thể cầm cự được nữa; tương tự như năm 1944 ở Châu Âu. Khi đó cuộc chiến bị thất bại về chiến lược và quân sự. Lựa chọn duy nhất còn lại là liệu những nguồn lực cuối cùng có bị hy sinh một cách vô nghĩa hay người ta tự nguyện rút lui. Năm 1944, Adolf Hitler đã chọn cách thứ nhất, kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Putin sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn tương tự.

WELT: Ông có thể đưa ra một bài toán để giải thích cho dự báo của mình?
Keupp: Tôi lấy xe tăng làm nền tảng. Theo ước tính từ các Viện như IISS hoặc Cơ quan Quốc phòng Thụy Điển FOI, tôi cho rằng sẽ có khoảng 2900 xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga hoạt động trước ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tỷ lệ tiêu hao trung bình đối với xe tăng chiến đấu chủ lực là năm chiếc mỗi ngày. Dữ liệu đến từ blog Oryx, trong đó tổn thất được tính bằng tài liệu ảnh hoặc video được định vị địa lý. Điều này cho phép người ta biết khi nào nguồn dự trữ sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, nguồn lực đang dần trở nên mỏng. Điều này cũng thể hiện qua cuộc duyệt binh ngày 9 tháng 5, cả ở Moscow và các thành phố khác của Nga, nơi vẫn còn tổ chức diễu binh.

WELT: Có nhiều đánh giá bi quan hơn từ những nhân vật không bị nghi ngờ là tuyên truyền viên của Nga. Chẳng hạn, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông này cho rằng một cuộc chiến tranh có thể kéo dài "rất, rất, rất nhiều" năm. Liệu ông Stoltenberg có bỏ qua điều gì không?
Keupp: Tôi chỉ có thể nói rằng, mong ông Stoltenberg tiết lộ các dữ liệu và con số của mình. Dựa trên cơ sở nào mà ông tin điều này? Cần biết ông ấy lập luận trên cơ sở nào? Nếu không tôi cho dự báo này chỉ là một sự đoán mò, nói theo cảm giác. Đây là một một vấn đề tôi thấy nói chung hay diễn ra trong các cuộc thảo luận ở Đức, cũng như ở các quốc gia khác. Một khi ai đó đưa ra dự báo, thì hãy nêu ra cơ sở và đưa ra dữ liệu cho dự báo đó. Tôi đã làm điều này. Tất cả những gì tôi nói, người ta có thể tính toán và xác minh. Nếu ai đó đưa ra dự đoán về cuộc chiến mà không đưa ra bất kỳ số liệu nào, thì tôi thấy không cần mất công phải bàn cãi. Nhưng tôi cũng nói rằng lịch sử sẽ phán xét tôi. Có thể tôi sai hoặc dữ liệu tôi dựa vào chưa được chuẩn xác. Tôi đã sử dụng những gì tôi tin là đáng tin cậy và khả tín vì thế tôi tin rằng dự đoán mà tôi nêu ra sẽ trở thành sự thật.
"Ukraine bóp méo thông tin một cách rất chuyên nghiệp "

WELT: Nga vẫn có thể tăng năng lực của mình trong ngành công nghiệp vũ khí? Có báo cáo về hoạt động ba ca tại nhà máy chế tạo vũ khí Uralvagonzavod.
Keupp: Ở Nga, người ta thích kể chuyện cổ tích về những khả năng vô tận về nhân, vật lực. Nhưng rõ ràng là: một khi Nga huy động cả xe tăng chiến đấu T-55, tức là vũ khí từ thời chiến tranh Triều Tiên, thì chỉ có thể đưa ra hai kết luận hợp lý. Thứ nhất: họ không có xe tăng hiện đại hơn. Tôi nghĩ điều đó tương đối khó xảy ra. Hoặc thứ hai: Người Nga hiện có nhiều xe tăng hiện đại để trong kho, nhưng không có khả năng chỉnh trang, tu sửa chúng. Chúng ta đang nói về các hệ thống vũ khí đã không được hoạt động kể từ năm 1991, chúng nằm trong kho của quân đội. Nga có hai cơ sở bảo trì chính ở Nizhny Tagil và Chelyabinsk. Nếu chúng ta tính thật thoáng thì hai cơ sở này đạt công suất khoảng 160 xe tăng mỗi tháng. Điều đó không có nghĩa là các thành phần cần thiết đều có sẵn để giúp những chiếc xe tăng này sẵn sàng chiến đấu. Điều đó cho thấy Nga không thể có đủ xe tăng để mở các cuộc tấn công. Đây là một cái chết từ từ.

WELT: Hồi tháng 3, cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev khoe Nga sẽ chế tạo 1.500 xe tăng trong năm nay.
Keupp: Đó là cách tuyên truyền thông thường. Ở Nga có một khoảng cách lớn giữa lời nói hoa mỹ và thực tế cuộc sống. Người Nga thích đưa ra những mục tiêu phát triển to tát nhưng kết quả cuối cùng thường rất khiêm tốn. Đây là điển hình của triều đại Putin. Ông ta hứa sẽ cải thiện cuộc sống của dân Nga và phát triển kinh tế của Nga. Nhưng không có thay đổi là bao trong lĩnh vực này.

WELT: Giới lãnh đạo Ukraine hiện đang giảm bớt kỳ vọng về cuộc tấn công mùa xuân. Đừng mong đợi bất cứ điều gì to tát, bộ trưởng quốc phòng đã nói. Theo ông thì điều gì có thể xảy ra?
Keupp: Những tuyên bố này không nên được hiểu theo nghĩa đen. Ukraine đưa ra thông tin sai lệch rất chuyên nghiệp. Với mục đích gây nhầm lẫn cho người Nga. Nay họ nói thế này, mai thế khác. Đó là tuyên truyền. Họ không muốn để Nga, và cả thế giới biết cuộc tấn công chính xác sẽ diễn ra khi nào và ở đâu . Tôi đã nói nhiều lần rằng tôi trông đợi có bước đột phá của Ukraine.
Đội quân máy bay không người lái Ukraine

WELT: Ông trông đợi sẽ có một cú đột phá tới bờ Biển Đen, phía nam Zaporizhia, qua Melitopol.
Keupp: Các điều kiện địa lý và mục tiêu chiến tranh của Ukraine đã nói lên điều đó. Nếu Ukraine tiến đến bờ Biển Đen, họ có thể bắn phá Crimea bằng pháo phản lực. Khi đó Ukraine có thể hạ gục các căn cứ quân sự ở Crimea, hậu cần của Nga sẽ sụp đổ. Điều này có nghĩa là mặt trận phía nam không còn giữ được, và khi đó mặt trận Donbass cũng sẽ sụp đổ và chiến tranh sẽ kết thúc. Kịch bản này là một trong nhiều khả năng, không ai biết liệu cuối cùng nó có xảy ra hay không.

WELT: Ukraine phải tiến quân về phía nam chống lại các phòng tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Nga. Liệu mở đột phá ở đây có thực sự dễ dàng như vậy không?
Keupp: Tôi muốn đề cập về hai vấn đề ở đây. Trước hết, đây không phải là một cấu trúc liên tục, kết nối liên hoàn với nhau. Điều này thậm chí không thể so sánh với chiến lũy phía Tây hoặc Phòng tuyến Maginot trong Thế chiến II. Thứ hai, một câu hỏi đặt ra mà hầu như báo chí không đề cập: Cần có bao nhiêu binh sĩ để chiến đấu trong những chiến hào này? Ngoài ra đòi hỏi về vũ khí, pháo binh và các đơn vị cơ động. Thomas Theiner (nhà sản xuất phim và chuyên gia quân sự, lưu ý) ông ta đã sử dụng sổ tay của NATO để tính toán cần bao nhiêu binh sĩ để trấn giữ một chiến hào như vậy trước một cuộc tấn công của đối phương. Con số phải có là khoảng 54.000 quân lính cho tuyến đầu dài 30 km, chưa tính quân dự bị. Nhưng chiến tuyến giữa Zaporizhia và Donetsk dài gấp năm lần. Đây mới nói về nhân lực, phải kể đến thiết bị, pháo binh và các đơn vị cơ động v.v. Nói cách khác, đào chiến hào, một cảnh quan hùng vĩ nhưng chưa đủ. Chúng ta mới đang nói về chiến tranh cơ giới cổ điển. Còn có một khía cạnh của chiến tranh hiện đại mà nhiều người chưa hiểu và ít được đề cập. Đó là đội quân thiết bị bay không người lái của Ukraine. Họ đã đào tạo khoảng 10.000 người điều khiển, họ có thể biến máy bay không người lái thương mại cỡ nhỏ thành vũ khí. Đạn pháo, lựu đạn được gắn vào những chiếc máy bay không người lái này. Tọa độ địa lý của tất cả các công trình phòng thủ được biết đến từng mét. Ngồi trong một con mương như vậy gần như là tự sát. Máy bay không người lái bay tàng hình phía trên trận địa có thể hạ gục binh lính một cách chính xác. Chúng ta sẽ còn được nghe rất nhiều về hoạt động của máy bay không người lái khi cuộc tổng phản công nổ ra...
 

Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)