Von Eduard Steiner (Welt)
Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)
Với cuộc tấn công xâm lược Ukraine, Nga đã mất đối tác thương mại chính là châu Âu. Ba quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ điều này. Các nước này ngày càng có thể áp đặt các mức giá và điều kiện đối với Điện Kremlin, và đang thu lợi từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Đầu tiên phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, không chỉ hướng tới thành công trong vai trò này. Thổ nắm bắt cơ hội của cuộc chiến tranh và hậu quả của nó để trục lợi nhiều nhất có thể.
Theo hãng tin Bloomberg Thổ Nhĩ Kỳ đang có các cuộc thương lượng mua khí đốt của Nga, muốn ép Nga giảm giá hơn 25% cho việc giao hàng trong năm hiện tại và một phần của năm ngoái. Mặt khác, muốn trả chậm vào năm 2024.
Theo truyền thống Thổ là khách hàng khí đốt lớn thứ ba của Nga sau Đức và Ý. Thổ hiện có các lợi thế không thể tốt hơn. Do Nga hạn chế xuất khẩu sang Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga (45% lượng tiêu thụ trong nước). Đây là con át chủ bài của Thổ trong các cuộc đàm phán. Thổ khoe trong tương lai gần, có thể tự cung cấp cho mình từ mỏ khí đốt lớn ở Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt lớn của Nga mà còn đóng vai trò trung gian xử lý khí đốt từ Turkmenistan giàu tài nguyên cạnh tranh với các mỏ của Nga.
Ngoại thương của Nga đã rơi vào tình trạng phụ thuộc vào Thổ, đây là điều chưa từng xấy ra. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Nga bất ngờ là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế Đức.
Nga không chỉ bị phụ thuộc vào Thổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh Thổ Nga còn bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc và cả Ấn độ. "Trong khi Nga và đối tác thương mại truyền thống quan trọng nhất là châu Âu luôn có sự phụ thuộc lẫn nhau, nước này hiện đang rơi vào tình trạng phụ thuộc đơn phương vào một số quốc gia", Mikhail Krutichin, đối tác của công ty tư vấn năng lượng RusEnergy có trụ sở tại Moscow, giải thích trong một cuộc phỏng vấn.
Trong khi phương Tây (đặc biệt là các nước EU, mà Nga hiện mô tả là không thân thiện) chiếm khoảng 55% khối lượng ngoại thương của Nga trước chiến tranh, thì tỷ lệ này đã giảm xuống 45% trong một năm - trước khi lệnh cấm vận dầu mỏ có hiệu lực vào đầu tháng 12. Ngược lại, tỷ lệ các quốc gia được gọi là thân thiện không tham gia các biện pháp trừng phạt hoặc vẫn giữ thái độ trung lập đã tăng lên khoảng 55%.
Chỉ riêng năm đối tác thương mại quan trọng nhất (Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và Belarus) đã tăng thị phần của họ trong khối lượng ngoại thương của Nga từ tổng số 32,4% lên 43%.
Sự xoay chuyển từ tây sang đông của Nga tương đương với một sự thay đổi kiến tạo. Và mặc dù nó đã được công bố và theo đuổi nhiều năm trước chiến tranh, nhưng tốc độ và chất lượng hiện tại của nó không phải là điều mà Điện Kremlin dự kiến.
Một mặt, thị trường bán các nguồn năng lượng và nguyên liệu của Nga ở châu Âu sinh lợi hơn nhiều. Mặt khác, sự mất mát các công nghệ phương Tây do các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được thay thế ở một mức độ khiêm tốn, nếu có. Đặc biệt Nga từng đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ của Trung Quốc, nhưng ngày càng nhận ra giới hạn của điều này. Trung Quốc cẩn thận để không vi phạm lệnh trừng phạt.
Trung Quốc có thể giúp Nga thay thế rất nhiều thứ, nhưng họ không dẫn đầu về công nghệ như phương Tây
Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi thực tế Trung Quốc đã mở rộng đáng kể vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Chỉ trong mười tháng đầu năm trước, trao đổi hàng hóa đã đạt giá trị kỷ lục 153,9 tỷ đô la, tăng 33%.
Điều quan trọng là không chỉ có thêm dầu và khí đốt chảy sang Trung Quốc, mà ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đang tăng vọt. Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện Kinh tế Chuyển đổi tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan, cho biết: Nếu Trung Quốc đảm nhận khoảng 1/4 hàng nhập khẩu của Nga trước chiến tranh, thì tỷ lệ này hiện phải là "hơn 1/3, có thể là 40%".
Theo Korhonen, điều này có nghĩa là không có quốc gia nào phụ thuộc vào Trung Quốc về nhập khẩu như Nga, nhiều nhất là Triều Tiên. Và sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.
Thổ Nhĩ Kỳ không thể theo kịp quy mô này. Nhưng với tư cách là một nhà xuất khẩu sang Nga, Thổ đã vượt qua Đức và hiện đứng thứ ba sau Trung Quốc và Belarus.
Ấn Độ là khách hàng mới của dầu mỏ Nga
Ấn Độ thực sự không có gì để cung cấp và không đóng vai trò là nhà cung cấp cho Nga. Quốc gia châu Á khổng lồ này ngày càng nổi bật với tư cách là khách hàng mới của dầu mỏ Nga. Ngay sau khi chiến tranh nổ ra, Ấn Độ đã lợi dụng việc Nga phải đưa dầu của mình ra thị trường với giá thấp hơn đáng kể để tìêu thụ.
Ấn Độ đã mua với một khối lượng lớn dầu mỏ của Nga. Cuối cùng đạt mức độ mua hơn một triệu thùng mỗi ngày, tương ứng với 1/10 sản lượng dầu của Nga. Nga đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh Iraq và Saudi Arabia tại thị trường Ấn Độ.
Nga ngày càng phải giảm giá bán dầu cho Trung Quốc và Ấn độ . Đặc biệt kể từ khi EU áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển và áp dụng trần giá vào đầu tháng 12, châu Á càng đòi giảm giá gay gắt hơn.
Trung Quốc và Ấn Độ có thể quyết định về giá với Nga
Trung Quốc và Ấn Độ lấy cớ tuyến đường vận chuyển dầu dài hơn, nên tốn kém hơn do đó ép Nga phải hạ giá dầu hơn nữa.
Chuyên gia năng lượng Kruticin cho biết: “Trung Quốc và Ấn Độ có thể định giá cho Nga vì họ có các nhà cung cấp thay thế”. Thậm chí các doanh nghiệp Nga hiện phải cạnh tranh với nhau để giành khách hàng.
Chính phủ Nga hy vọng khoản giảm giá sẽ "giảm dần theo thời gian." Tuy nhiên, vào ngày 5 tháng 2, lệnh cấm xuất khẩu của phương Tây đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực, mang lại cho Trung Quốc và Ấn Độ đòn bẩy mới chống lại Moscow.
Bởi vì cuối cùng, theo dự báo của các nhà phân tích, hai quốc gia cũng sẽ tận dụng hoàn cảnh khó khăn của Moscow để gây sức ép. Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ với khí đốt./.
(Lược dịch)