Thường Sơn (VNTB) |
Hình trên: Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội CSVN và phái đoàn đi Cộng hòa Liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9. 2019.
Gần về cuối năm 2019, chính thể độc tài ở Việt Nam lại liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.
Một trong những ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đó được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9.
Cần ghi nhận đây có thể là lần đầu tiên ông Đỗ Bá Tỵ được xuất đầu lộ diện trên trường quốc tế, sau một thời gian dài chìm lắng ở cái ghế Phó Chủ tịch Quốc hội, mà theo nhiều luồng dư luận thì tướng Tỵ bị xem là ‘người của Nguyễn Tấn Dũng’.
Chuyến đi Đức của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)”, vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.
Liên quan đến EVFTA, giới chóp bu Việt Nam cũng cử “một đoàn đại biểu cấp cao” đi châu Âu tham gia Diễn đàn Kết nối Âu-Á do Ủy Ban Châu Âu (EC) tổ chức, dẫn đầu bởi quan chức Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương dẫn đầu, trong đó có nhiệm vụ thúc giục Châu Âu sớm phê chuẩn hiệp định thương mại này.
Sự thúc giục trên xuất hiện trong bối cảnh một bức thư ngỏ đề ngày 25 tháng 9 gửi cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Nghị viện Châu Âu cùng các nghị viên Châu Âu kêu gọi hoãn xem xét việc phê chuẩn hiệp đinh mậu dịch tự do với Việt Nam.
Thư ngỏ trên được ký bởi các tổ chức dân sự xã hội và đảng phái độc lập cả trong và ngoài nước gồm những tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Bầu Bí Tương Thân, Đảng Việt Tân…
Nội dung thư nêu rõ EVFTA là một thỏa ước thương mại tự do tham vọng nhất tính đến lúc này; và điều thiết yếu là hiệp định phải cổ xúy cho các giá trị nhân quyền của EU thông qua mậu dịch.
Tuy nhiên cho đến nay, những hứa hẹn từ phía Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ là lời hứa suông. Sau khi đàm phán dự thảo của hiệp định vào năm 2016, chính phủ Hà Nội tiến hành chiến dịch kiên trì đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo công dân, và những nhà hoạt động vì môi trường.
Minh chứng rõ nhất cho lời hứa suông và thậm chí còn làm ngược lại là mới đây khi một phái đoàn của Bộ Tư Pháp Đức đến Sài Gòn và mời một số luật sư gặp gỡ để nghe ý kiến về tình hình luật pháp ở Việt Nam, một trong số khách mời đó là luật sư Đặng Đình đã bị công an Việt Nam cấm cửa không cho đi gặp đoàn Đức.
Trong khi đó ở châu Âu, đoàn của Phó chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn “coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực” và “Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức đang trên đà phát triển mạnh mẽ”, mà không cần chút liêm sỉ nào, dù chỉ ở mức tối thiểu.
Vậy thực chất ‘quan hệ đối tác chiến lược Việt Đức ra sao?
Sự thật trần trụi là cho tới nay, Nhà nước Đức vẫn giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quyết định này được Đức tung ra vào tháng 9 năm 2019 sau khi mật vụ Việt Nam công khai và trắng trợn bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin./.