Việt Nam khiêu khích quốc tế về nhân quyền

Sau khi ngân hàng quốc tế và quỹ tiền tệ quốc tế ngừng cho Việt Nam vay lãi suất ưu đãi, thúc hối Việt Nam phải trả các khoản nợ đúng hạn. Nhà cầm quyền Việt Nam lập tức có những hành động trấn áp nhân quyền một cách cố tình gây chú ý của quốc tế.

Ví dụ như vụ gần đây nhất là tước quốc tịch Việt Nam của giáo sư Phạm Minh Hoàng và trục xuất ông khỏi Việt Nam ngay khi chủ tịch nước ký lệnh tước quốc tịch. Đây là một vụ việc trắng trợn, vô nhân đạo mà nhà cầm quyền Việt Nam làm một cách có chủ ý rõ ràng.

Chúng ta đều thấy rằng giáo sư Phạm Minh Hoàng từ khi ra tù đã mấy năm, ông về nước sinh sống từ năm 2000. Gần 20 năm sống ở quê hương, cuộc sống và gia đình ông đã gắn bó tại quê nhà. Giá như nhà cầm quyền tước quốc tịch ông lúc xử tù mấy năm trước lại đi một lẽ. Đằng này đợi đến mấy năm sau, tưởng mọi thứ yên bình thì họ ra quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông. Ngay sau đó họ nhanh chóng dùng vũ lực bắt cóc ông và tống ông lên máy bay. Một chuỗi hành động phi nhân tính, phi luật pháp được họ công khai thực hiện là nhằm ý đồ cho quốc tế thấy họ, như thể nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẵn sàng học theo Bắc Hàn ăn vạ quốc tế.

Liên tiếp chưa đầy nửa năm, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt hàng loạt những người hoạt động ôn hoà, trong đó có những phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ. Một sự chưa từng có trong lịch sử cộng sản Việt Nam, lẽ ra phải dấu việc bắt giữ thì một trang dư luận viên của chính phủ là trang Vietnamthoibao.org còn thống kê số người bị bắt do bất đồng chính kiến.

Tất cả nói lên một điều, cộng sản Việt Nam đang bế tắc trong quan hệ với phương Tây và đang làm mình mẩy để gây chú ý. Không có gì đổi chác, nhà cầm quyền buộc dư luận quốc tế áp lực lên những nguyên thủ quốc gia của họ , để khi gặp gỡ tiếp xúc, những nguyên thủ quốc gia này phải cất tiếng nhắc nhở Việt Nam vi phạm nhân quyền. Qua đó chính khách Việt Nam có cái để mà nói chuyện xin xỏ, nhờ vả.

Sự khó lường của Trump khiến nhà cầm quyền Việt Nam tạm gác bỏ trò chơi trao đổi nhân quyền với Mỹ, đổi lại họ chuyển hướng sang Châu Âu. Vì thế,  nếu chú ý thì những người bị bắt bớ và đối xử tàn bạo gần đây đều là những người từng có quan hệ  hoặc dính dáng đến các toà đại sứ Châu Âu. Cũng như việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp giáo dân, đánh đập giáo dân và linh mục Công Giáo do ảnh hưởng của Vatican tại châu Âu rất lớn.

Một phần nguyên nhân nữa là chủ trương xây dựng quyền lực của đảng CSVN của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một kẻ giáo điều bảo thủ, ông Trọng căm thù sự tư do, dân chủ từ những đòi hỏi của người dân. Dưới thời ông Trọng làm tổng bí thư, xuất hiện nhiều dư luân viên cuồng tín hơn bao giờ hết, những vụ dư luận viên thẳng tay đánh người đấu tranh đều được công an bảo vệ, che đỡ. Từ khi ông Trọng có nhiều quyền lực, các cuộc đàn áp ngày càng dã man đã khiến làn sóng dân chủ, phong trào dấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo xuống đi trông thấy, các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự đều bị bóp nghẹt và giảm đi rất đáng kể. Cho đến nay nhiều hội đoàn, nhóm chẳng còn thấy hoạt động mạnh như trước, có nhóm im bặt hoàn toàn.

Sử dụng đàn áp và bắt bớ để làm con bài trong quan hệ với phương Tây đã thành lỗi thời, hoặc những kẻ cầm quyền bây giờ chưa đủ trình độ để chơi những lá bài như vậy. Tuy nhiên dù không đạt được thoả thuận với phương Tây, cộng sản Việt Nam cũng thành công đáng kể trong việc làm giảm đi nhiều những hoạt động của các nhóm , tổ chức xã hội dân sự.

Nhưng thành công ấy, chỉ có lợi cho cá nhân những kẻ thích độc tài, thích quyền lực tuyệt đối như Nguyễn Phú Trọng. Còn thiệt hại cho đất nước khá lớn, vì ảnh hưởng đến chuyện hợp tác với các cường quốc kinh tế tiến bộ.

Đảng cộng sản Việt Nam cần phải có một tư duy mới rộng rãi và thoáng hơn để tạo ra những quan hệ với các cường quốc, làm tiền đề cho đất nước phát triển. Việc đặt trong tâm vào chuyện dùng bạo lực để  củng cố chế độ độc tài, sống bằng cách bán tài nguyên , phần tài sản của nhà nước cho những nhà đầu tư ở một vài nước châu Á lân cận không phải là giải pháp lâu dài.

Muốn thế trung ương đảng CSVN cần phải sớm loại bỏ Nguyễn Phú Trọng, vật cản lớn nhất trong quá trình phát triển đất nước.

Đối với những nhà hoạt động đấu tranh ở Việt Nam, cũng nên nhận ra rằng khi phong trào phát triển, có những hoạt động mạnh mẽ cũng là lúc chính phủ Việt Nam vay được tiền nước ngoài nhiều,  và cũng có nhiều những hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và các cường quốc khác. Cho nên việc phong trào đấu tranh bị sút giảm không có gì đáng buồn, bởi theo lẽ nào đó nó cũng tỷ lệ với việc cộng sản Việt Nam đang vào thế khó khăn.

Theo Người Buôn Gió - nguoibuongio´s blog