songchi's blog
Trước đây chỉ một vài tuần thôi, một số nhà bình luận chính trị quốc tế dự đoán rằng Taliban có thể sẽ chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 6 tháng đến 1 năm, bây giờ khi Taliban đã chiếm thêm được một số vùng lãnh thổ, trong đó có Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan và đã kiểm soát hơn hai phần ba đất nước, thì một số người dự đoán thời hạn đó có thể chỉ còn 90 ngày, rồi 30 ngày, và cuối cùng là không biết liệu thủ đô Kabul có còn an toàn cho tới ngày 31.8 hay không!
Đứng ở góc độ người Mỹ, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được quyết định rút quân khỏi Afghanistan của chính phủ Mỹ, nhất là khi cuộc chiến này đã kéo dài tới 20 năm, dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ nào lên nắm quyền, thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, cũng sẽ phải làm như vậy, trước sức ép của dư luận và công chúng Mỹ.
Nhưng có những quyết định của nước Mỹ mà phải nhiều năm sau mới thấy thực ra là đúng hay sai, mới thấy hết được hậu quả của nó. Việc Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trước đây cũng vậy. Lịch sử không có chữ “nếu” nhưng rõ ràng nếu VNCH vẫn còn và quân đội Mỹ vẫn còn ở Nam Việt Nam thì Trường Sa, Hoàng Sa đã không mất, và Trung Cộng vốn không có một mảnh đất cắm dùi trên Biển Đông, đã không thể có được chỗ đứng để từ đó mở rộng lãnh hải trên Biển Đông và hoành hành như bây giờ. Không có biển, sức mạnh của Trung Cộng giảm rất nhiều, ai cũng biết như vậy.
Khi Mỹ tấn công Afghanistan, Al-Qaeda đã mất hầu hết các trại huấn luyện, các căn cứ hoạt động, kể cả Bộ Tư lệnh của họ tại đây. Hàng nghìn tay súng và nhiều thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị tiêu diệt hoặc bắt giam. Hoạt động của Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan đã giảm hẳn trong những năm gần đây. Bây giờ, khi Mỹ quyết định rút khỏi Afghanistan, và nếu Taliban chiếm được Afghanistan, thì Al-Qaeda lại có được căn cứ để hoạt động mạnh trở lại và biết đâu chỉ 5 năm nữa thôi, Mỹ lại đau đầu với những vụ khủng bố ngay trên đất Mỹ!
Hiện tại Taliban hứa hẹn rằng sẽ không để cho bất cứ một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan nào sử dụng đất nước Afghanistan để từ đó tấn công Mỹ và các nước phương Tây, rằng mục tiêu của họ chỉ là xây dựng một quốc gia Hồi giáo trên đất nước Afghanistan. Nhưng, tin lời Taliban thì có khác gì tin lời mấy ông Việt Cộng ngày xưa khi họ hứa hẹn nếu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam thì hòa bình sẽ được thiết lập ở VN, VNCH và VNDCCH mạnh bên nào lo xây dựng quốc gia đó?
Tất nhiên, nhiều người sẽ bảo không lẽ Mỹ cứ phải đổ tiền đổ của cho Nam Việt Nam hay Afghanistan mãi? Số phận của nước nào thì người dân nước đó phải tự lo. Nhưng trong thế giới toàn cầu, không có một quyết định nào ở khu vực này mà không ảnh hưởng liên đới đến những khu vực khác, một quyết định ở một quốc gia xa xôi như Nam Việt Nam hay Afghanistan nhiều năm sau lại quay ngược trở lại đe dọa đến sự bình yên của chính nước Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, như chúng ta đã, đang và sẽ thấy.
Những ngày này, trong khi người dân Afghanistan hoảng loạn, trong khi quân Taliban trên những chiếc xe cam-nhông, thậm chí trên xe máy, vác những khẩu súng to đùng trên vai, tiến chiếm các thành phố như vào chỗ không người, thì người Mỹ cùng với Nga, Trung Quốc, Pakistan và các nước, các tổ chức quốc tế đã bắt đầu đàm phán với đại diện của Taliban và chính phủ Afghanistan tại Doha, Qatar. Nhưng liệu có đạt được bất cứ thỏa thuận hòa bình nào khi Taliban cho rằng họ đang chiến thắng và sẽ đòi hỏi nhiều hơn, còn ưu tiên số một của người Mỹ là bảo đảm những công dân Mỹ được rút khỏi Afghanistan an toàn. Còn nguyện vọng của người dân Afghanistan có ai đếm xỉa đến?
Không khác gì VNCH trước kia, với Hiệp định Paris…
Những người Việt từ miền Nam nhìn tình cảnh Afghanistan và người dân Afghanistan bây giờ với cái nhìn ngậm ngùi thấu hiểu và nhớ lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến VN 46 năm trước…
Tuy nhiên, theo cảm nhận của người viết bài này, vẫn có những cái khác giữa tình huống của VNCH khi đó và Afghanistan bây giờ:
1. Cuộc chiến ở Afghanistan là một cuộc nội chiến giữa Taliban, một lực lượng chính trị-tôn giáo với chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Còn VNCH và VNDCCH là 2 quốc gia riêng biệt, và khi quân đội Bắc Việt tiến chiếm miền Nam có nghĩa là một quốc gia xâm lược một quốc gia có chủ quyền, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
2. Mỹ đã ở Afghanistan 20 năm, dài hơn gấp đôi thời gian ở Nam VN và khi rút lui, Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí quân sự, tài chính cho chính phủ Afghanistan chứ không phải như với VNCH.
3. VNCH đã cố gắng chiến đấu tới 2 năm sau khi quân Mỹ rút mới thất thủ, trong tình trạng nguồn viện trợ bị cắt giảm thê thảm năm 1974 rồi đầu năm 1975, cuối cùng phải "gãy súng" vì không còn đủ đạn dược, xăng dầu...trong khi quân đội Bắc Việt vẫn được trang bị và hậu thuẫn không giới hạn từ Liên Xô, Trung Cộng. Ngược lại ở Afghanistan, quân đội Mỹ và NATO mới rút đi chưa bao lâu mà chính phủ Afghanistan đã sắp thua đến nơi rồi. Liệu họ có giữ được cho tới ngày 31.8?
Nhưng dù có những điểm khác nhau, vẫn có những điểm chung lớn nhất:
1. Số phận của những quốc gia nhược tiểu luôn luôn là những con chốt thí trên bàn cờ chính trị của các nước lớn.
2. Mỹ bao giờ cũng chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ, và với Mỹ không có đồng minh mãi mãi cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Điều mà ai cũng biết.
3. Số phận của người dân Afghanistan không biết có tệ hại hơn người dân miền Nam VN sau ngày 30.4.1975 theo nhiều nghĩa hay không, nhưng cả hai dân tộc chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nếu không phải chịu thảm họa Taliban hay cộng sản.
Điều cuối cùng chốt lại, mỗi dân tộc phải tự chiến đấu cho tương lai, cho số phận của chính mình. Không ai khác có thể làm thay điều đó. Liệu bài học này có được người Việt Nam hôm nay ghi nhớ?
Song Chi