Vai trò toàn cầu mới của Đức

Trong hai thập niên qua, vai trò của Đức trên thế giới đã trải qua một sự biến đổi đáng kể. Sau sự thống nhất hòa bình năm 1990, Đức đã trên đà trở thành người khổng lồ kinh tế với chính sách đối ngoại không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nước Đức ngày nay là một cường quốc châu Âu thu hút không ít lời khen tiếng chê. Điều này đúng cả về cách nước Đức ứng phó với lượng người tị nạn tăng vọt gần đây – nước này đã đón nhận hơn một triệu người trong năm ngoái – lẫn việc xử lý khủng hoảng đồng euro.

Khi sức mạnh gia tăng, Đức càng có nhu cầu để giải thích chính sách đối ngoại một cách rõ ràng hơn. Lịch sử gần đây của nước Đức là chìa khóa để hiểu cách Đức nhìn nhận vị thế của mình trên thế giới. Từ năm 1998, tôi đã phục vụ đất nước với tư cách là thành viên của bốn nội các và lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội. Trong suốt thời gian đó, Đức không hề tìm kiếm vai trò mới trên trường quốc tế.

Thay vào đó, Đức nổi lên như một chủ thể trung tâm bằng việc duy trì sự ổn định trong khi thế giới xung quanh nó biến đổi. Khi Hoa Kỳ choáng váng từ những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Iraq và EU vật lộn trong một loạt các cuộc khủng hoảng, Đức vẫn giữ vững vị trí của mình. Tự vực dậy từ khó khăn kinh tế, Đức giờ đây đang gánh trên vai trách nhiệm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Về mặt ngoại giao, Đức cũng góp phần đem đến giải pháp hòa bình cho nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu: tiêu biểu nhất là ở Iran và ở Ukraine, ngoài ra còn ở Colombia, Iraq, Libya, Mali, Syria, và các nước Balkan. Những động thái này buộc Đức phải diễn giải lại các nguyên tắc định hướng chính sách đối ngoại của mình trong hơn nửa thế kỷ. Nhưng Đức là một cường quốc không ngừng suy ngẫm: ngay cả khi đang thích nghi, niềm tin vào tầm quan trọng của sự kiềm chế, cân nhắc, và đàm phán hòa bình cũng sẽ tiếp tục chỉ đường dẫn lối cho những tương tác của Đức với phần còn lại của thế giới.

Ông lớn của châu Âu

Ngày nay, cả Mỹ lẫn châu Âu đang vật lộn nhằm thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đã làm tổn hại vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới. Sau khi lật đổ tổng thống Saddam Hussein, bạo lực giáo phái đã chia cắt Iraq, và sức mạnh của Hoa Kỳ trong khu vực bắt đầu suy yếu. Chính quyền George W. Bush không chỉ không tái lập được trật tự khu vực bằng vũ lực, mà các chi phí chính trị, kinh tế, và quyền lực mềm của cuộc phiêu lưu này còn làm suy yếu vị thế tổng thể của Hoa Kỳ. Ảo tưởng về một thế giới đơn cực đã phai mờ.

Khi nhậm chức năm 2009, Tổng thống Barack Obama bắt đầu nghĩ lại rộng hơn về cam kết của Hoa Kỳ đối với Trung Đông và với toàn cầu. Phe chỉ trích ông cho rằng Obama đã tạo ra khoảng trống quyền lực mà các chủ thể khác, trong đó có Iran và Nga, luôn sẵn sàng lấp đầy. Những người ủng hộ ông, trong đó có tôi, phản bác rằng Obama đã ứng phó một cách khôn ngoan trước một trật tự thế giới đang thay đổi và bản chất đang biến đổi của sức mạnh Hoa Kỳ. Ông đang tìm cách điều chỉnh các phương tiện và mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho phù hợp với năng lực của đất nước và những thách thức mới mà nước này phải đối mặt.

Trong khi đó, EU đang vật lộn với các cuộc đấu tranh của chính mình. Năm 2004, nó kết nạp thêm 10 quốc gia thành viên mới, cuối cùng cũng chào đón các nước cộng sản Đông Âu trước đây. Nhưng ngay cả khi mở rộng, nó vẫn bị mất đà trong những nỗ lực làm sâu sắc thêm những nền tảng chính trị của một liên minh chính trị. Cùng năm đó, nó đã trình bày với các thành viên một bản dự thảo hiến pháp đầy tham vọng, biên soạn bởi một nhóm dẫn đầu là cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing . Nhưng khi cử tri Pháp và Hà Lan, hai trong số các quốc gia sáng lập EU, bác bỏ dự thảo, cuộc khủng hoảng theo sau đã thôi thúc người dân châu Âu đặt câu hỏi về sự cần thiết của một “liên minh ngày một gắn kết hơn.” Kể từ đó nhóm này đã dần lớn mạnh hơn, trong khi những người theo chủ trương tăng cường hội nhập đã rút lui.

Ngày nay, trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ và châu Âu góp phần tạo ra và duy trì sau Thế chiến II – một trật tự tạo ra tự do, hòa bình, và thịnh vượng ở phần lớn thế giới – đang phải chịu áp lực. Một số quốc gia ngày một yếu đi – và, trong một số trường hợp, sụp đổ hoàn toàn – đã làm mất ổn định toàn bộ khu vực, đặc biệt là châu Phi và Trung Đông, khơi mào xung đột bạo lực, và gây ra những làn sóng di cư hàng loạt với quy mô lớn hơn bao giờ hết. Đồng thời, các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đang ngày càng bất chấp hệ thống đa phương dựa trên luật lệ vốn gìn giữ hòa bình và ổn định từ trước tới nay. Sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ tạo ra các trung tâm quyền lực mới đang làm thay đổi cục diện quan hệ quốc tế. Việc Nga sáp nhập Crimea đã gây ra rạn nứt nghiêm trọng với châu Âu và Hoa Kỳ. Cuộc đối đầu giữa Iran và Ả-rập Xê-út ngày càng thống trị Trung Đông, khi trật tự nhà nước ở khu vực xói mòn và Nhà nước Hồi giáo, hay ISIS, đang ra sức hủy diệt hoàn toàn mọi biên giới.

Trong bối cảnh ấy, nước Đức vẫn vô cùng ổn định. Đây là thành tựu không hề nhỏ, nếu xem xét vị thế của đất nước này năm 2003, khi những rắc rối của Hoa Kỳ và EU chỉ mới manh nha. Ở thời điểm đó, nhiều người gọi Đức là “người bệnh của châu Âu”: tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm ở mức trên 12%, nền kinh tế trì trệ, các hệ thống xã hội quá tải, và lập trường phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã thách thức ý chí quyết tâm của nước này và gây phẫn nộ tại Washington. Tháng 3 năm đó, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder đã có bài phát biểu trước Bundestag, Quốc hội Đức, với nhan đề “Can đảm vì hòa bình và can đảm để thay đổi,” trong đó ông kêu gọi các cuộc cải cách kinh tế lớn. Mặc dù đủ dũng khí để phản đối chiến tranh Iraq, các thành viên đảng Dân chủ Xã hội của ông hầu như không có khao khát đổi thay. Các cải cách của Schröder về thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội được Quốc hội Đức thông qua, nhưng bản thân ông phải trả một cái giá chính trị rất đắt: ông thất bại trong các cuộc bầu cử sớm vào năm 2005.

Nhưng chính những cải cách đó đã đặt nền móng cho sự trở lại của sức mạnh kinh tế Đức, một sức mạnh kéo dài cho đến tận ngày nay. Và phản ứng của Đức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thực chất đã củng cố chỗ đứng kinh tế của nước này. Các doanh nghiệp Đức tập trung vào lợi thế của mình trong ngành chế tạo và đã nhanh chóng khai thác những cơ hội lớn tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Giới công nhân Đức đã sáng suốt ủng hộ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Nhưng người Đức không nên thổi phồng sự tiến bộ của đất nước họ. Đức chưa trở thành một siêu cường kinh tế, và thị phần xuất khẩu thế giới trong năm 2014 của nó đã thấp hơn so với năm 2004 – và thậm chí còn thấp hơn thời điểm thống nhất nước Đức. Đức chỉ đơn giản là giữ vững vị thế của mình tốt hơn so với hầu hết các nước ngang hàng khi cạnh tranh gia tăng.

Cường quốc hòa bình của châu Âu

Sức mạnh kinh tế tương đối của Đức là một thế mạnh rõ ràng. Nhưng một số nhà phê bình cho rằng sự kiềm chế quân sự của Đức là một điểm yếu. Dưới thời Thủ tướng Schröder, Đức đã phải chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh (ở Kosovo và Afghanistan) và kiên quyết phản đối phát động cuộc chiến thứ ba (ở Iraq). Sự can dự quân sự ở Kosovo và Afghanistan đánh dấu một bước tiến lịch sử của quốc gia từng tìm cách cấm hoàn toàn từ “chiến tranh” khỏi ngữ vựng của mình. Tuy nhiên, Đức mạnh lên bởi nó coi trọng trách nhiệm của mình đối với sự ổn định của châu Âu và liên minh với Hoa Kỳ. Trước đây cũng như bây giờ, các quan chức Đức có chung một niềm tin sâu sắc rằng an ninh của Đức gắn bó chặt chẽ với an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hầu hết đều phản đối việc Mỹ xâm lược Iraq, bởi họ coi đó là cuộc chiến có thể tránh được, với tính chính đáng đáng ngờ và rất có khả năng châm ngòi cho những cuộc xung đột khác. Ở Đức, sự phản đối này vẫn được nhiều người coi là một thành tựu lớn – thậm chí còn nhận được sự đồng tình của cả một số rất ít những người ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Trong những năm sau đó, các nhà lãnh đạo của Đức luôn cẩn trọng cân nhắc xem có nên can dự vào các cuộc xung đột tiếp theo, giám sát những quyết định đó ở một mức độ kỹ lưỡng đến mức thường xuyên khiến các đồng minh nổi giận. Ví dụ, mùa hè năm 2006, tôi đã giúp trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Li-băng nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah. Tôi tin Đức phải ủng hộ thỏa thuận này thông qua sức mạnh quân sự nếu cần thiết, dù tôi biết quá khứ của chúng tôi, thủ phạm của cuộc diệt chủng Holocaust, sẽ khiến việc triển khai lính Đức trên biên giới Israel trở thành một vấn đề hết sức tế nhị. Trước khi lựa chọn phương án quân sự, tôi đã mời ba ngoại trưởng tiền nhiệm gần đây nhất đến Berlin để được tư vấn. Họ đã cùng nhau mở lòng chia sẻ 31 năm kinh nghiệm của mình. Lịch sử nước Đức đè nặng nhất lên người cao tuổi nhất trong chúng tôi, Hans-Dietrich Genscher, một cựu chiến binh Thế chiến II, người phản đối đề xuất này. Tuy nhiên, hai người tiền nhiệm trẻ tuổi hơn đã tán thành với tôi, và đến nay, các tàu chiến của Đức đã tuần tra trên bờ Địa Trung Hải nhằm kiểm soát việc chở vũ khí tới Li-băng với tư cách là một phần của Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Li-băng – một sự dàn xếp được Israel chấp thuận và hậu thuẫn.

Con đường trở nên quyết đoán hơn về mặt quân sự của Đức chưa và sẽ không bao giờ suôn sẻ. Đức không tin rằng thảo luận tại hội nghị bàn tròn sẽ giải quyết mọi vấn đề, và việc nổ súng cũng vậy. Các biện pháp can thiệp quân sự ở nước ngoài thành có bại có trong 20 năm qua là một lý do để thận trọng. Trên tất cả, Đức có một niềm tin sâu sắc bắt nguồn từ lịch sử rằng đất nước họ nên sử dụng năng lượng chính trị và tài nguyên để củng cố pháp quyền trong các vấn đề quốc tế. Kinh nghiệm lịch sử của chúng tôi đã phá vỡ niềm tin vào chủ nghĩa biệt lệ quốc gia – của bất kỳ quốc gia nào. Bất cứ khi nào có thể, chúng tôi cũng lựa chọn luật pháp (Recht) thay vì quyền lực (Macht). Kết quả là, Đức đã nhấn mạnh sự cần thiết của tính chính danh trong việc đưa ra quyết định ở cấp độ trên quốc gia và đầu tư vào chủ nghĩa đa phương do Liên Hợp Quốc dẫn đầu.

Mỗi lần triển khai quân đội, Đức phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt của công chúng và phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội. Đức luôn tìm cách cân bằng trách nhiệm bảo vệ những nước yếu với trách nhiệm kiềm chế. Nếu các đối tác và đồng minh của Đức tăng cường nỗ lực ngoại giao và đàm phán, người Đức muốn chính phủ của họ gắng sức gấp đôi, đôi khi trong sự thất vọng của các đối tác. Điều đó không có nghĩa là Đức đang sửa chữa sai lầm cho quá khứ hiếu chiến của mình một cách thái quá. Đúng hơn, là một cường quốc luôn suy tư, Đức đang đấu tranh để hòa giải những bài học của lịch sử với những thách thức của ngày nay. Đức sẽ tiếp tục đóng khung lập trường quốc tế của mình chủ yếu về mặt dân sự và ngoại giao và sẽ chỉ viện đến can thiệp quân sự sau khi đã cân nhắc mọi rủi ro và phương án khả thi.

Tiếp nhận vai trò toàn cầu

Sức mạnh kinh tế tương đối và cách tiếp cận thận trọng trong việc sử dụng vũ lực của Đức vẫn luôn được duy trì do môi trường khu vực và toàn cầu đã trải qua những thay đổi triệt để. Quan hệ đối tác của Đức với Hoa Kỳ và việc hội nhập vào EU là trụ cột trong chính sách đối ngoại của nước này. Nhưng khi Hoa Kỳ và EU vấp ngã, Đức vẫn giữ vững lập trường của mình và nổi lên như một cường quốc, nhưng phần lớn là do các cường quốc khác gặp trở ngại.

Trong vai trò này, Đức đã nhận ra nó không thể thoát khỏi trách nhiệm của mình. Do Đức nằm ở trung tâm châu Âu, cô lập hay đối đầu đều không phải là một lựa chọn chính sách thận trọng. Thay vào đó, Đức cố gắng sử dụng đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hòa bình và chấm dứt xung đột.

Hãy xem xét vai trò mới của Đức ở Trung Đông. Trong nhiều thập niên, cuộc xung đột Ảrập-Israel đã thống trị cục diện chính trị khu vực. Trong những thập niên sau Thế chiến II, Đức cố ý né tránh vai trò đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bế tắc. Nhưng ngày nay, khi các cuộc xung đột lan rộng, Đức đang can dự ở phạm vi rộng hơn trên toàn khu vực. Kể từ năm 2003, khi những nỗ lực đa phương nhằm ngăn cản Iran chế tạo bom hạt nhân bắt đầu, Đức đã đóng một vai trò trung tâm, và là một trong những nước ký kết thỏa thuận đạt được vào năm 2015. Đức cũng can dự sâu vào việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria.

Đức cũng không né tránh trách nhiệm giúp xây dựng một cấu trúc an ninh mới trong khu vực – một tiến trình mà rất có thể thỏa thuận với Iran là sự khởi đầu. Lịch sử của châu Âu đã để lại một số bài học bổ ích. Hội nghị Helsinki năm 1975 đã giúp khắc phục những chia rẽ Chiến tranh Lạnh của lục địa này thông qua việc thành lập Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Nếu các chủ thể khu vực chọn cách xem xét ví dụ này, họ sẽ tìm thấy những bài học hữu ích có thể hỗ trợ họ trong việc giải quyết những cuộc xung đột hiện tại.

Đôi khi người Đức chúng tôi cũng cần những người khác nhắc nhở về tính hữu dụng của lịch sử. Ví dụ, năm ngoái tôi đã có một cuộc trò chuyện đầy cảm hứng với một nhóm trí thức nhỏ ở Jeddah, Ả-rập Xê-út. Một trong số họ nhận xét, “Chúng tôi cần một nền hòa bình kiểu Westphalia cho khu vực của mình. Thỏa thuận mà các nhà ngoại giao ở Münster và Osnabrück thảo luận vào năm 1648 với mục đích ngăn cách tôn giáo khỏi sức mạnh quân sự đã truyền cảm hứng cho các nhà tư tưởng ở Trung Đông cho đến ngày nay; đối với một người Westphalia bản địa như tôi, có lẽ không có lời nhắc nhở nào tốt hơn chính sức mạnh giáo dục của quá khứ.

Đối mặt với thách thức

Ngay gần Đức thôi, cuộc khủng hoảng Ukraine đã thử thách vai trò lãnh đạo và các kỹ năng ngoại giao của Đức. Kể từ khi chế độ của tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych sụp đổ và Nga sáp nhập Crimea đầu năm 2014, Đức và Pháp đã đi đầu trong những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế và cuối cùng là giải quyết cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị này. Khi chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào những thách thức khác, Đức và Pháp đã đảm nhận vai trò là những nước đối thoại chính với Nga về những vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu và sự sống còn của nhà nước Ukraine.

Đức không tự ép mình vào vị trí đó, và cũng không có ai chỉ định Đức vào vai trò đó. Mối quan hệ kinh tế và chính trị bền chặt với Nga và Ukraine khiến Đức theo lẽ tự nhiên trở thành trung gian cho cả hai bên, bất chấp sự ủng hộ rõ ràng của Berlin đối với các nạn nhân của sự hung hăng của Moskva. Cuộc tranh luận chính trị căng thẳng diễn ra ở Đức về việc làm thế nào để ứng phó với thách thức này chỉ làm tăng uy tín của Berlin, bằng cách cho thế giới thấy chính phủ Đức không hề xem nhẹ các quyết định của mình. Thỏa thuận Minsk mà Đức và Pháp làm trung gian vào tháng 2 năm 2015 nhằm ngăn chặn những hiềm khích chưa thể coi là hoàn hảo, nhưng chắc chắn một điều là nếu không có nó, cuộc xung đột có thể đã sớm vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng ra ngoài khu vực Donbas của Ukraine. Tiếp đến, Đức sẽ tiếp tục làm những gì có thể để ngăn chặn căng thẳng leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Trong khi đó, trong cuộc khủng hoảng đồng euro, Đức buộc phải đối đầu với sự nguy hiểm gây ra bởi mức nợ quá đáng của một số quốc gia EU vùng Địa Trung Hải. Đa số các thành viên của khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ủng hộ các kế hoạch yêu cầu những nước như Hy Lạp áp đặt kiểm soát ngân sách và những cải cách kinh tế và xã hội vốn gian nan nhưng không thể tránh khỏi nhằm đảm bảo tính đồng đều về lâu dài của các nền kinh tế trong khu vực đồng euro. Nhưng thay vì đặt trách nhiệm tạo ra những thay đổi đó vào tầng lớp tinh hoa của các nước này, nhiều người châu Âu lại muốn đổ lỗi cho Đức vì cho là nước này đã đẩy nhiều khu vực ở Nam Âu vào cảnh nghèo đói, phục tùng, và sụp đổ.

Đức cũng chịu chỉ trích tương tự trong cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra. Mùa thu năm ngoái, Đức đã mở cửa biên giới đón người tị nạn, chủ yếu là từ Iraq và Syria. Chính phủ các nước Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia lo ngại rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bằng cách khuyến khích thêm nhiều người tị nạn tràn vào đất nước họ với hy vọng sau này sẽ vượt biên được sang Đức. Tuy nhiên, cho đến nay, những lo ngại như vậy vẫn tỏ ra vô căn cứ.

Vẫn chưa rõ châu Âu sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này khi nào và ra sao. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ngay cả một quốc gia tương đối mạnh như Đức cũng không thể làm điều đó một mình. Chúng tôi không thể nhượng bộ cho những mong muốn ngày càng mạnh mẽ của một số nhóm cử tri nhất định để đưa ra phương án ứng phó chỉ ở phạm vi quốc gia, bằng cách đặt ra những giới hạn tuỳ tiện về việc chấp nhận người tị nạn chẳng hạn. Đức không thể và sẽ không lấy các giải pháp hứa hẹn sửa chữa nhanh chóng, nhưng trong thực tế là phản tác dụng, bất luận là xây tường hay gây chiến, làm căn cứ cho chính sách đối ngoại của mình.

Một chính sách đối ngoại cân đối đòi hỏi liên tục cân nhắc kỹ càng những lựa chọn khó khăn. Nó cũng đòi hỏi sự linh hoạt. Hãy xem xét thỏa thuận tị nạn gần đây mà Đức đã giúp EU đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận này, EU sẽ trả lại Thổ Nhĩ Kỳ bất kỳ người di cư nào đến Hy Lạp bất hợp pháp và đổi lại sẽ mở ra một con đường hợp pháp cho người Syria để họ có thể sang EU trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này cũng bao gồm các điều khoản về hợp tác sâu hơn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp những diễn biến gây tranh cãi tại Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như sự leo thang bạo lực ở các khu vực người Kurd và việc quấy rối các phương tiện truyền thông và phe đối lập ngày càng gia tăng, Đức vẫn công nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc khủng hoảng và sẽ không có bất cứ tiến triển bền vững nào nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây không ai có thể nói trước liệu mối quan hệ mới này về lâu dài có được phát huy nữa hay không. Nhưng sẽ không có sự quản lý nhân đạo hay bất cứ tiến bộ nào về biên giới ngoài EU trừ khi các nhà lãnh đạo châu Âu làm việc nghiêm túc với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của họ.

Một số chính trị gia, như cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski, đã mô tả Đức là “một quốc gia không thể thiếu” của châu Âu. Đức không tham vọng đạt tới vị thế đó. Nhưng hoàn cảnh đã buộc Đức phải đảm nhận một vai trò chủ chốt. Có lẽ không một quốc gia châu Âu nào lại có số phận liên quan mật thiết đến sự tồn tại và thành công của EU đến thế. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đức sống trong hòa bình và hữu nghị với Pháp, Ba Lan, và phần còn lại của châu lục. Điều này phần lớn là nhờ vào sự từ bỏ chủ quyền hoàn toàn và sự chia sẻ tài nguyên mà EU đã khuyến khích trong gần 60 năm nay. Bởi vậy, giữ vững liên minh đó và chia sẻ gánh nặng lãnh đạo là những ưu tiên hàng đầu của Đức. Cho đến khi EU xây dựng được khả năng đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trên thế giới, Đức sẽ cố gắng hết sức để giữ lập trường của mình – vì lợi ích của cả châu Âu. Đức sẽ là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm, biết kiềm chế, và không ngừng suy ngẫm, được chỉ dẫn chủ yếu bởi những bản năng châu Âu của mình.

Biên dịch: Vũ Thành Nam & Vũ Hồng Trang | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn: Frank-Walter Steinmeier, “Germany’s New Global Role,” Foreign Affairs, 13/06/2016.

http://nghiencuuquocte.org/2017/02/02/vai-tro-toan-cau-moi-cua-duc/