Vụ kiện “Tiếm danh”

Bối cảnh

Từ hơn 30 năm qua, CSVN thường xuyên tung ra nhiều chiến dịch nhằm xuyên tạc và phá hoại đảng Việt Tân (VT) ở trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, một đợt đánh phá quy mô nhắm vào VT được phát động với việc trình chiếu cuốn phim “Terror in Little Saigon” trên hệ thống truyền hình PBS tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 11, 2015. Người đồng sản xuất và cố vấn cho cuốn phim là Tony Nguyễn, một nhân vật có nhiều quan hệ với CSVN và từng công khai phản đối các nghị quyết chống cộng sản của cộng đồng người Việt tự do.

Cuốn phim không những đưa ra cáo buộc vô căn cứ đối với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (tiền thân của VT) về những cái chết bí ẩn của năm nhà báo gốc Việt tại Hoa Kỳ, mà còn chứa đựng thông điệp bôi nhọ tập thể người Việt tại đây.

 

Các cộng đồng người Việt tự do, các tổ chức, hội đoàn, cá nhân,… nhiều nơi trên thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối sự thiếu trung thực và đầy thiên kiến của cuốn phim. Ngay cả Giám Sát Viên (Ombudsman) độc lập của PBS là ông Michael Getler cũng phải lên tiếng chỉ trích và bầy tỏ sự thất vọng về cuốn phim này. Cuốn phim vì thế cũng không đạt được hiệu quả như nhóm làm phim mong muốn, và sau một thời gian, cuốn phim đã đi vào quên lãng.

 

Tiếp theo sau cuốn phim “Terror in Little Saigon” là sự xuất hiện của Nguyễn Thanh Tú (NTT), một nhân vật chính trong phim và cũng là con trai của một trong năm nhà báo bị sát hại. Núp dưới danh nghĩa đi tìm “công lý” cho cha, NTT liên tục xuyên tạc và đánh phá VT, cũng như một số cơ quan truyền thông và tổ chức hoạt động nhân quyền. Ngày 26 tháng Tám 2016, NTT ra thông cáo cho biết đã đăng ký tổ chức “Việt Tân”, tức “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”, với chính quyền California như một công ty, và yêu cầu đảng VT “tuyệt đối không được dùng tên ‘Việt Tân’ hay ‘Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng’ … trong bất kỳ trường hợp hay hoàn cảnh nào.” Trong thông cáo này, NTT còn đe dọa sẽ đưa VT ra tòa nếu không tuân thủ yêu cầu trên.

 

Việt Tân tiến hành vụ kiện “tiếm danh”

Danh xưng của một tổ chức là kết tinh của một quá trình nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển. Trường hợp của VT là một quá trình gian khổ lâu dài bao gồm những nỗ lực, đóng góp và hy sinh xương máu của rất nhiều chiến hữu đảng viên.

Khác với những đợt xuyên tạc và vu khống vẫn thường xẩy ra, việc NTT và phe nhóm tuyên bố ngăn cấm và đe dọa VT không được xử dụng danh xưng của chính mình là một hành động xúc phạm và tấn công vào những giá trị và biểu tượng nền tảng của tổ chức. Vì vậy, VT buộc phải tận dụng mọi biện pháp pháp lý nhằm chận đứng hành vi tiếm danh ngang ngược và bất chính này.

Ngày 20 tháng Giêng, 2017, VT đệ đơn kiện NTT và phe nhóm tại Tòa Sơ Thẩm Liên Bang khu vực Bắc California (U.S. District Court for the Northern District of California). Tuy nhiên, văn phòng luật sư đại diện VT chỉ có thể tống đạt giấy triệu tập của tòa án đến NTT vào ngày 11 tháng Tư, 2017, sau rất nhiều cố gắng, vì đương sự … thường vắng nhà một cách khó hiểu.

Mới đây, theo Thông cáo báo chí của đảng Việt Tân gửi ra ngày 5 tháng Giêng năm 2018, NTT và Michelle Dương cũng như luật sư đại diện cho họ đã không xuất hiện trong phiên tòa ngày 4 tháng Giêng 2018. Chánh án Haywood S. Gilliam, Jr. đã gia hạn thêm 2 tuần trong vòng tháng Giêng, 2018 để các bị cáo có cơ hội đáp ứng những yêu cầu từ tòa, trước khi tiếp tục thủ tục cuối cùng cho phiên xử sau đó.

Cũng theo thông cáo báo chí trên, hai tuần trước khi diễn ra phiên tòa vào ngày 4 tháng Giêng, 2018, Michelle Dương đã nộp đơn với tiểu bang California xin giải tán tổ chức mang tên “Viet Tan – Vietnam Reform Party Corp”, danh xưng đã bị Đảng Việt Tân kiện là tiếm danh. Trong một văn kiện đệ nạp trước đó với tòa, NTT cũng xác nhận là đã không còn là người quản trị tổ chức bị buộc tội tiếm danh này, từ tháng 3 năm 2017.

Con đường trước mặt …

Việc NTT và phe nhóm đơn phương giải tán tổ chức tiếm danh “Viet Tan Corp.” cho thấy các đương sự đang lo sợ về một quyết định bất lợi từ phiên tòa. Mặc dầu vẫn còn phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa Sơ Thẩm Liên Bang, nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng phán quyết này sẽ công bằng, khách quan và sẽ khẳng định rằng không một thế lực nào có thể tước đoạt quyền sở hữu danh xưng của người khác bằng những thủ đoạn bất chính. Vụ việc “tiếm danh” rồi sẽ được khép lại, nhưng những xuyên tạc và đánh phá từ phía CSVN vẫn còn tiếp tục xẩy ra như hơn 30 năm qua. Đây là điều mà một tổ chức đấu tranh như VT phải đối diện cho đến ngày chế độ CSVN hoàn toàn bị giải thể./.

https://chantroimoimedia.com/2018/01/11/vu-kien-tiem-danh/