Về dự án khu liên hợp gang thép ở Lộ Diêu

Chu Mộng Long
 
Theo lãnh đạo cơ quan chức năng và thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), "dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn được tỉnh cho chủ trương đầu tư ở thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) chỉ triển khai khi được sự đồng thuận cao của người dân". "Chừng nào dân đồng thuận thì mới làm. Quan điểm của địa phương là phát triển nhưng không đánh đổi, dân không đồng thuận thì có khi phải bỏ dự án". Lãnh đạo tỉnh Bình Định tuyên bố như vậy!
Hoan hô tinh thần đó!

Tôi là dân. Lãnh đạo trước và sau nghỉ hưu cũng là dân. Lợi ích cùng hưởng, tác hại cùng chịu. Công nghiệp hóa để phát triển đất nước là lợi ích chung. Tác hại đến tài nguyên và môi trường cũng là tác hại chung. Bầu trời không có ranh giới cho riêng ai để kẻ được hít thở không khí trong lành, còn người kia thì hít thở bầu không khí ô nhiễm. Biển cả cũng không có ranh giới cho riêng ai để kẻ thì được ăn tôm cá sạch, còn người kia thì phải ăn tôm cá bẩn. Đất có ranh giới về quyền sử dụng đất, nhưng rác thải khi chồng chất thành núi thì núi cũng có thể đè lên tất cả.

Trừ phi có sự tính toán với mưu toan nào đó, rằng khi làm lãnh đạo thì có lợi ích riêng, còn dân sống chết mặc bay; kể cả lợi ích của một quốc gia này thu được mà quốc gia khác thì phải gánh chịu.

Hỏi dân thì tôi tin khó có sự đồng thuận. Cá nhân tôi thì không thể đồng thuận, vì lợi bất cập hại.

Theo tôi, lãnh đạo ngoài hỏi dân, lắng nghe ý kiến đa chiều, nếu có tâm, có tầm thì còn phải tự tìm hiểu nhiều hơn về ngành công nghiệp thép. Đánh giá trên giấy tờ so với thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách. Dẫu có là cam kết vẫn cứ vi phạm cam kết, bởi nói như K. Marx, lợi nhuận đến 300%, kẻ ham lợi nhuận vẫn sẵn sàng đút đầu vào giá treo cổ. Nhiều công ty cam kết giấy trắng mực đen vẫn cứ ngấm ngầm xả thải, không thể kiểm soát được. Khi đưa được chúng vào giá t.reo c.ổ thì đã có vô số người bệnh tật và c.hết trước chúng, chưa nói, hậu họa kéo dài hàng trăm năm vẫn không khắc phục được.

Thông tin về ngành công nghiệp thép thì mênh mông. ChatGPT tóm gọn thế này:

Ngành công nghiệp thép có tác động lớn đến môi trường, đặc biệt là trong quá trình sản xuất và sử dụng các sản phẩm thép. Dưới đây là một số tác động môi trường của ngành công nghiệp thép:

Khí thải và ô nhiễm không khí: Các nhà máy sản xuất thép thải ra lượng khí thải lớn, gồm các chất độc hại như CO, CO2, SO2, NOx, hơi nước và các hạt bụi. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và khí nhà kính.

Ô nhiễm nước: Quá trình sản xuất thép tạo ra nước thải chứa các hợp chất hóa học như amoniac, phenol và các kim loại nặng như chì, cadmium và thủy ngân. Những chất này có thể gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến độc tố của nước.
Rác thải: Ngành công nghiệp thép tạo ra lượng lớn chất thải như thép thừa, cát thép và tro lò hơi. Việc xử lý chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nếu không được thực hiện đúng cách.

Tiêu thụ năng lượng: Ngành công nghiệp thép tiêu thụ lượng năng lượng lớn, đặc biệt là trong quá trình sản xuất. Sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo để sản xuất thép có thể dẫn đến sự suy giảm của các tài nguyên tự nhiên và tăng lượng khí thải.

Sử dụng nguyên liệu: Ngành công nghiệp thép sử dụng lượng lớn quặng sắt và cacbon để sản xuất thép. Việc khai thác và sử dụng các nguyên liệu này có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm sự mất rừng, suy thoái đất và ô nhiễm môi trường nước.

Do đó, việc giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp thép đến môi trường là rất cần thiết. Các biện pháp có thể bao gồm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất và xử lý chất thải đúng cách, cải thiện hiệu quả.
Không ngẫu nhiên mà các quốc gia giàu có chỉ lựa chọn nơi xa dân cư, xa biển, có thể là sa mạc, hoặc tìm đến một quốc gia nghèo khổ để đầu tư công nghiệp thép. Việt Nam có thể phát triển công nghiệp hiện đại, nhưng đâu phải thép là nhu cầu thúc bách? Có bao nhiêu thứ lạc hậu rất cần công nghiệp hỗ trợ như chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông cụ, y cụ... Mà thời đại này, cả thế giới đang phát triển kinh tế du lịch, tức công nghiệp xanh, đặc biệt phát triển kinh tế tri thức thay cho công nghiệp. Xuất khẩu tri thức có thể làm giàu hơn mọi ngành công nghiệp, như nhiều quốc gia đã và đang làm. Tại sao không đầu tư đào tạo, phát triển tài năng để xuất khẩu tri thức mà phải quẩn quanh với thép?

Chu Mộng Long