Vĩnh biệt người lính già Vũ Cao Quận

Hình bìa cuốn “Gửi lại trước khi về cõi”, tác giả Vũ Cao Quận. Ông là một trong những nhà đối kháng đầu tiên ra sách và được Tiếng Quê Hương in, phát hành tại Hải ngoại).

Phạm Thanh Nghiên

 
Ông Vũ Cao Quận, một trong những cánh chim đầu đàn của Phong trào đấu tranh đòi Dân chủ tại quốc nội vừa qua đời lúc 19 giờ 40 phút ngày 19/1/2021, tức ngày 7 tháng Chạp năm Canh tý, hưởng thọ 88 tuổi.

Hình ảnh hai vợ chồng Ph

ạm Thanh Nghiên ra Hải Phòng và đến thăm Người Lính Già Vũ Cao Quận hồi tháng 8/2017. Thời gian này cụ còn ngồi dậy được. Những lần thăm sau cụ yếu hẳn, nằm một chỗ nên tôi không tiện đưa hình cụ lên.
 
Ông Vũ Cao Quận sinh ngày 16/4/1933 tại Hải Phòng. Tuổi thanh thiếu niên của Vũ Cao Quận gắn liền với những giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc. Mới 12 tuổi, cậu bé Quận đã tham gia vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, được “điều động” đến Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) để nghe ông Hồ Chí Minh đọc cái gọi là Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH.
 
Lớn lên, ông nhập ngũ và như bao thanh niên miền Bắc khác, ông mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và với trái tim yêu nước đi “giải phóng miền Nam”. Điều mà mấy chục năm sau ông mới vỡ lẽ ra mình bị lừa.
 
Đầu năm 1965, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Lan và sinh con gái đầu lòng vào cuối năm. Hai ông bà có tất cả 5 người con gái. Suốt mấy chục năm, Vũ Cao Quận gắn bó với đời binh nghiệp cho đến khi giải ngũ vào năm 1975, mang quân hàm Trung uý.
 
Sau khi giải ngũ, Vũ Cao Quận làm việc cho Hợp Tác Xã Ánh Sáng, chuyên sản xuất xà gồ, cửa sắt... Năm 1988, HTX giải thể, Vũ Cao Quận nghỉ việc.
 
Chính thời gian nghỉ ngơi, nhàn rỗi là cơ hội để người lính già Vũ Cao Quận nhận thức được thực trạng của chế độ. Không dừng lại ở việc nhận thức suông, Vũ Cao Quận đã biến lý tưởng của mình thành hành động cụ thể, ban đầu là “bỏ đảng”, sau đó là công khai chống lại nó. Tất nhiên, người ta không cho ông cái quyền “thoái đảng” mà giữ ông lại để... khai trừ, như một cách làm nhục ông và giữ thể diện cho đảng. Hành động này của Vũ Cao Quận hơn 20 năm về trước được ví như chuyện tày đình, “đại nghịch bất đạo”, gây chấn động cho nhiều đảng viên thời bấy giờ.
 
Trong nhiều bài viết và một số cuộc trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, Vũ Cao Quận đều khẳng định chủ nghĩa cộng sản, cuộc cướp chính quyền 1945, những cuộc chiến tranh “giải phóng” ... chỉ là “cuộc lừa vĩ đại vô song” như ông từng cay đắng thốt lên trong bài thơ “Ai!” nổi tiếng. Ông từng bị giam giữ 9 ngày trong tù vì các bài viết “chống đảng”, đòi hỏi dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Khi các “hoạt động đường phố” chưa xuất hiện, VCQ là một trong số ít cây viết khá nổi tiếng trong nước cùng với tướng Trần Độ, giáo sư Hoàng Minh Chính, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cựu Đại tá Lê Hồng Hà, nhà văn Hoàng Tiến, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.... Cuốn sách “Gửi lại trước khi về cõi” của ông được Tủ sách Tiếng Quê Hương in ấn và phát hành tại Mỹ là một đóng góp đáng kể của ông cho phong trào đấu tranh đòi tự do ở Việt Nam. Cuối năm 2007, khi cuộc biểu tình đầu tiên (và đúng nghĩa) sau 1975 do người dân tự tổ chức nổ ra tại Hà Nội nhằm chống lại sự xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Tàu cộng, Vũ Cao Quận có mặt. Năm ấy, ông đã bước sang tuổi 74.
 
Kể từ sau khi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và tôi Phạm Thanh Nghiên bị bắt (2008), ông Quận gần như bị giam lỏng tại nhà. Sức khoẻ và tinh thần ông giảm sút hẳn. Ông đã trải qua hai lần tai biến. Tuổi già, bệnh tật, nỗi buồn thế sự, niềm cô đơn, nhất là sự sách nhiễu của công an Hải Phòng, tất cả các yếu tố đó cộng lại khiến ông không thể gượng dậy. Hơn 1 năm nay, ông Quận phải nằm một chỗ sau cú ngã hồi tháng 6/2019. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đều có con gái phục vụ, chăm sóc. Vì ông quá yếu, không thể ngồi dậy được nên phải cắm ống dẫn tiểu, hàng tuần thuê bác sĩ đến kiểm tra, thăm khám.
 
Từ khi tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, mỗi khi có dịp ra Bắc vẫn ghé thăm ông. Lần gần đây nhất tôi gặp ông là hôm 19/11/2020 nhân dịp ra Hà Nội thăm mẹ của Đoan Trang. Tôi phải xưng tên 3,4 lần và nói thật to ông mới nhận ra. Ông thều thào: “Ai chứ con nhãi nhép Phạm Thanh Nghiên thì bác không bao giờ quên”. Một lát sau ông lại hỏi “Thế cháu mới ra tù hả?” Nghe đến là thương.
 
Đầu tháng 10/2020, tôi có viết một lá thư nhờ giúp đỡ, chỉ gửi cho một số bằng hữu với hy vọng qua sự sẻ chia đó, ông sẽ có thêm chút kinh phí chữa bệnh. Thật vui là lá thư tuy chỉ gửi trong phạm vi một vài người, nhưng đã được truyền tay đến nhiều người khác. Nhờ vậy, có thêm nhiều tấm lòng sẻ chia và bày tỏ sự thương mến với ông. Tôi còn chưa kịp viết một lá thư khác để cảm ơn những vị ân nhân giúp đỡ, thì đã nhận tin ông Vũ Cao Quận qua đời.
 
Vũ Cao Quận thích được gọi là Người Lính Già- một danh xưng rất khiêm nhường như tính cách của ông lúc sinh thời.
 
Người Lính già Vũ Cao Quận đã đi hết vòng tròn của một đời người với bao thăng trầm của lịch sử, của kiếp nhân sinh. Ông đã gánh vác và trọn vẹn với hai thân phận, thân phận của riêng ông và thân phận của đất nước Việt Nam khổ đau này.
 
Ônh đã dành cả cuộc đời để chiến đấu, để trăn trở với vận nước. Mong ông an nghỉ và xin nhận từ con “nhãi nhép” này (cách ông gọi tôi) một nén tâm hương bày tỏ sự yêu quý và kính trọng.
Xin vĩnh biệt ông.