Sở hữu đất đai và tập quán, thói quen cố hữu của nông dân hai nước có sự khác biệt. Một khi thể chế chất lượng kém sẽ như cả một bầu khí quyển u ám thiếu ánh mặt trời thì giống có tốt, nước có đủ và phân có phù hợp cây vẫn khó phát triển.
Hình: công nghệ tưới nước từ không khí của Israel
Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi đã tự hỏi nhiều lần, nhất là mỗi lần ra nước ngoài là vì sao nước ta không học được những tinh hoa của nền nông nghiệp tiên tiến của Israel? Ở các nước có trình độ gần na ná với ta thì câu trả lời đôi khi dài, nhưng so với trường hợp phát triển cao như Nhật, Israel,..thì câu đáp trở nên ngắn gọn, đơn giản là họ làm nông nghiệp bằng công nghệ cao.
Có công nghệ cao thì họ khống chế được tất mọi trở ngại tự nhiên, thậm chí nuôi, trồng hoàn toàn nhân tạo (trong nước, trên giá thể, ...không cần đất). Nông sản của họ làm ra bằng chất xám, còn của ta bằng cơ bắp nên phải "trông trời, trông đất, trông mây".
Nếu bàn sâu hơn, công nghệ cao có thể giúp mang lại năng suất nhưng chi phí cho công nghệ đó lại rất đắt. Có rất nhiều công nghệ có thể giải quyết được nhiều vấn đề nhưng nó cũng gắn liền với chi phí. Tiền đâu ra mà mua công nghệ. Đó là rào cản lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà ngay cả với nông dân Israel nữa.
Ngay cả khi có tiền để mua công nghệ thì cũng phải tính đến hiệu quả đầu tư. Công nghệ của Israel sẽ mang lại năng suất cao hơn nhưng nông sản của mình càng sản xuất ra nhiều, giá sẽ càng thấp thì liệu có lỗ vốn? Vậy thì làm sao có thể áp dụng công nghệ được, mà áp dụng để làm gì? Xin lưu ý ngay cả tại Israel người ta phát triển ra công nghệ chủ yếu là để xuất khẩu công nghệ đấy chứ không phải mục đích để sản xuất ra nông sản rồi bán ra thị trường.
Hơn nữa công nghệ của Israel được phát triển chủ yếu dựa trên những vấn đề của Israel đó là thiếu nước nên công nghệ đó chưa được phù hợp với điều kiện của nước ta. Ở Việt Nam, tài nguyên nước vẫn không phải là vấn đề quá lớn như ở Israel. Tất nhiên, nhiều nơi ở Việt Nam vào mùa khô cũng bị thiếu nước nhưng những nơi đó lại chủ yếu là vùng trung du, miền núi đa phần dân nghèo không có tiền để đầu tư công nghệ của Israel,
Theo công nghệ Israel, điều quan trọng là nguồn nước tưới. Nếu không có nước thì dù cho có tiền để mua công nghệ tưới nhỏ giọt thì cũng vô nghĩa thôi. Thường thì công nghệ của Israel tích hợp cả việc tưới nước tiết kiệm với bón phân và phun thuốc hiệu quả theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng nhưng dù ít hay nhiều thì vẫn phải có nguồn nước để tưới trong khi đó những nơi ở Việt Nam khô hạn cũng là nơi cũng không có nguồn nước để mà tưới.
Israel làm nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ cao và do doanh nghiệp thực hiện. Tại Israel không có khái niệm khu hay vùng công nghệ cao mà cả nước là quốc gia công nghệ cao. Nền nông nghiệp Israel phát triển dựa trên nền tảng doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp thương mại công nghệ của các nhà khoa học và tạo nên liên kết doanh nghiệp và khoa học tự nguyện (nhà khoa học giới thiệu công nghệ, doanh nghiệp xem xét và quyết định phối hợp nghiên cứu hoàn thiện nếu là ý tưởng và mua/trả bản quyền công nghệ nếu là công nghệ hoàn chỉnh).
Tuy nhiên, để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ nhận từ nhà khoa học là một lĩnh vực rủi ro cao. Do vậy, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu này. Phương thức hỗ trợ thường căn cứ vào thực tế là việc thương mại hóa một công nghệ mới thường là một quá trình dài. Nhà nước sẽ hỗ trợ khoản đầu tư cho giai đoạn ban đầu của tiến trình nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ, khi chúng luôn gắn với mức rủi ro cao. Như vậy, chính phủ Israel chấp nhận chia sẻ rủi ro cùng các nhóm sáng chế công nghệ mới, hỗ trợ giúp biến các ý tưởng công nghệ thành những công nghệ có thể thương mại và trợ giúp cho tới khi chúng nhận được vòng đầu tư đầu tiên từ các nhà đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, nhà nước cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, quản trị, dịch vụ quản lý hành chính (thư ký, kế toán, pháp lý), tư vấn định hướng và xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp, hỗ trợ trong thương mại hóa. Như vậy, nhà nước Israel “bơi cùng Doanh nghiệp” chứ không phải đứng trên bờ chỉ chỏ hoặc đi đâu, đến đâu cũng vẫn âm vang điệp khúc hỏi địa phương “nuôi con gì, trồng cây gì” và không chịu trách nhiệm như ở nước ta.
Nhà nước Israel đóng vai trò tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án/công nghệ/ý tưởng công nghệ để chúng có tiềm năng sẽ thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong tương lai. Trong đó, thu hút đầu tư tư nhân được coi là đích đến cho các dự án này và các nhà đầu tư tư nhân cũng có thể tham gia song hành cùng doanh nghiệp ngay trong quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ. Vốn của nhà nước phục vụ cho sự hỗ trợ này được sử dụng từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Như vậy, cái ngăn cản chúng ta chính là thể chế và tư duy thị trường. Nhiều việc người ta không nói ra, nhưng chứng tỏ nhiều lãnh đạo của chúng ta đã tách rời dân nhiều quá. Thực tế, các văn kiện chính trị của nhà nước ban cho những lời hoa mỹ trong quan hệ xã hội, nhưng chưa được xác định cho một chỗ đứng tự thân trên thị trường, vẫn là đứng sau những yếu tố khác. Có lần, tôi nghe thấy trên đài nói "Các văn kiện của chúng ta từ nay phải viết hoa chữ nhân dân mỗi khi chúng ta viết từ này"! Ngạc nhiên và buồn, vì chỉ thấy đây là một phản ứng hốt hoảng của những con người đã quên dân, và chỉ nhớ tới quyền lợi ích kỷ của mình thôi.
Ngay cả lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) nghe thì hay, nhưng tam nông vẫn loanh quanh “Nông” với “Nông” là thứ khẩu hiệu để cấp trên nhìn xuống đó mà bày ra kế hoach ban phát, không phải khẩu hiệu đề “Nông” tự mình bước ra thị trường.
Nước ta có phần thuận lợi hơn Israel (đất, nước, lao động,...), muốn học họ thì chỉ còn cách là nhà nước có chính sách đúng để áp dụng công nghệ cao, sản xuất lớn, giảm chi phí, nâng chất lượng và cải tiến áp dụng công nghệ tiên tiến để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
T.V.T.
Theo boxitvn.blogspot.de