Trung Quốc Lo Ngại Liên Minh Quân Sự Mỹ - Nhật
Radio CTM (Thanh Thảo): Trong tuần vừa qua có hai sự kiện xảy ra liên quan đến tình hình an ninh biển Đông. Sự kiện thứ nhất là Tân Hoa Xã đưa tin vào lúc 10 giờ 18 phút sáng ngày 30/4/2015, đúng vào lúc CSVN tổ chức lễ mừng 40 năm cưỡng chiếm Miền Nam, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan Hưng Vượng từ thành phố cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đến biển Đông hoạt động. Theo tin tức thì Hưng Vượng tối tân hơn giàn khoan HD 981, hoạt động ở độ sâu 1.500 mết, độ sâu tối đa của giếng khoan là 7.600 mét, trọng tải là 5.000 tấn.
Sự kiện thứ hai là Thủ tướng Abe của Nhật Bản đã được Hoa Kỳ tiếp đón hơn cả thượng khách trong chuyến công du vào đầu tháng 5 vừa qua. Ông Abe là người lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên có bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội với những tràng pháo tay ủng hộ của các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ về tình hình an ninh khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Sự đón tiếp đặc biệt của Tổng thống Obama đối với Thủ tướng Abe đã khiến cho Trung Quốc quan tâm và theo dõi vì qua chuyến đi này, rõ ràng là Nhật đang trở thành đồng minh quân sự của Hoa Kỳ tại Á Châu.
Dưới đây là nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, về các sự kiện nói trên:
Thanh Thảo: Trước hết việc Tân Hoa Xã thông báo Giàn khoan Hưng Vượng đang được Bắc Kinh cho tiến vào biển Đông vào lúc này mang ý nghĩa gì thưa ông?
Lý Thái Hùng: Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông ở thời điểm mà cách nay 1 năm đã tạo ra không biết bao nhiêu sóng gió về vụ giàn khoan HD 981, đã nói lên hai điều:
Thứ nhất, Bắc Kinh đã và đang chạy đua việc kiểm soát Biển Đông để đặt Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ vào chuyện đã rồi. Việc lập căn cứ quân sự ở Hoàng sa và Trường sa hiện nay cũng như đưa các giàn khoan vào tìm dầu ở biển Đông là động thái có chủ mưu.
Thứ hai, Bắc Kinh phải gia tăng các hoạt động trên biển Đông để chứng minh với Tòa Trọng Tài Tối Cao Liên Hiệp Quốc rằng biển Đông thực sự là của họ và gián tiếp phủ nhận việc kiện tụng của Phi Luật Tân về chủ quyền đường lưỡi bò chín đoạn mà Bắc Kinh chủ trương, trong lúc tòa án đang nghe giải thích các bên và sẽ ra phán xét vào tháng 6/2016 sắp đến.
Nói tóm lại, vụ đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông trong lúc tình hình còn có quá nhiều căng thẳng chứng tỏ là Bắc Kinh bằng mọi giá muốn kiểm soát biển Đông.
Thanh Thảo: Dư luận quốc tế đang lên tiếng chống đối việc Trung Quốc cho lấp nhiều bãi đá chìm để lập khu quân sự trên quần đảo Trường Sa, nay Bắc Kinh lại cho giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông cho thấy là Trung Cộng không quan tâm gì đến những phản đối của các nước như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Nhật Bản. Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị thế đối đầu không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Trung Quốc ngày một có thái độ hung hăng như chị đề cập là vì Bắc Kinh biết là Phi Luật Tân, CSVN và cả Hoa Kỳ đều không muốn xảy ra tình trạng đối đầu trên Biển Đông.
Thứ nhất là Hoa Kỳ tuy tuyên bố xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương để ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, nhưng trong mấy năm qua Hoa Kỳ chỉ muốn liên kết một số quốc gia đồng minh để gây áp lực lên Trung Cộng rồi thôi. Lý do là ngoài những bận tâm phải giải quyết về tình hình khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông, bản thân Tổng thống Obama là người rất lo ngại để xảy ra những xung đột vũ trang với Trung Cộng vào lúc này. Chính ông Obama rất ngại đối đầu với Bắc Kinh thì làm sao xảy ra chuyện đối đầu trên biển Đông với Trung Cộng.
Thứ hai là Phi Luật Tân và CSVN tuy có ảnh hưởng trực tiếp đến những leo thang bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông nhưng cả hai cũng rất ngại trực tiếp đối đầu vì chỗ dựa của họ là khối ASEAN đang bị lủng phòng tuyến bởi sự khuynh loát của Bắc Kinh. Nói cách khác là khối ASEAN không những không đồng lòng với Phi Luật Tân và CSVN để đối đầu với Trung Cộng mà lại còn đang bị Bắc Kinh mua chuộc nên Phi Luật Tân và CSVN chỉ có thể loay hoay trên mặt truyền thông và ngoại giao mà thôi.
Thứ ba là bản thân Tập Cận Bình vào lúc này muốn có cuộc xung đột trên biển Đông xảy ra để giúp cho họ Tập hướng những rối rắm và khó khăn trong nội bộ Trung Quốc hiện nay - nảy sinh từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đang đe dọa sự tồn vong của phe nhóm họ Tập - ra bên ngoài, để làm lý cớ mở cuộc thanh trừng mới hầu xiết lại hàng ngũ.
Tuy tình hình hiện nay là như vậy; nhưng nếu Bắc Kinh không biết dừng lại ở mức giới hạn mà lại tiếp tục tung ra hàng loạt các kế hoạch lấn chiếm biển Đông thì chắc chắn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phi Luật tân sẽ không thể ngồi im.
Thanh Thảo: Sang một vấn đề khác là Tổng thống Obama đã dành một nghi lễ đặc biệt để đón tiếp Thủ tướng Abe của Nhật Bản vừa qua. Điều này phải chăng Hoa Kỳ thấy rõ thế đối đầu của Bắc Kinh nên đã nâng cấp Nhật Bản từ một đồng minh kinh tế thành đồng minh quân sự để chia xẻ gánh nặng an ninh trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương với Hoa Kỳ không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Nhật Bản là một đồng minh chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nhưng trong suốt nhiều thập niên qua, Nhật Bản chỉ nằm dưới dù an ninh của Hoa Thịnh Đốn và là đồng minh về mặt kinh tế hơn là quân sự.
Từ lúc Trung Quốc trổi lên thành một cường quốc Á Châu và nhất là bắt đầu muốn cạnh tranh với Nhật Bản để vươn lên kiểm soát Á Châu, chính quyền Tokyo không thể im lặng mà buộc phải cải thiện mặt quân sự để có thể đối đầu với Bắc Kinh.
Vụ xung đột quần đảo Senkaku với Bắc Kinh đã khiến Nhật phải thay đổi hàng loạt những chính sách về quốc phòng như tân trang vũ khí, cải sửa đạo luật về lực lượng tự vệ, cho phép lực lượng này hoạt động cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật.
Không chỉ đối phó với sự tăng cường lực lượng hải quân của Trung Quốc mà ngay cả những tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ Bắc Hàn, chính phủ Nhật Bản cũng đã có những chính sách hiện đại hóa quân sự đáng chú ý trong vòng 3 năm qua.
Thứ nhất là khai triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mục tiêu trực tiếp là nhắm chống lại các đe dọa từ kho vũ khí hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Thứ hai là đã xây dựng một chiến hạm lớn nhất của mình từ sau thế chiến thứ hai là chiếm hạm Izumo được coi như là tàu khu trục có chở trực thăng, nhưng cũng là hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ. Chiến hạm này có mục tiêu chống tàu ngầm và điều khiển, kiểm soát các hoạt động quân sự khi lâm chiến.
Những tân trang quân sự để đối phó với Trung Cộng và Bắc Hàn nói trên đã nghiễm nhiên đẩy Nhật Bản từ một đồng minh kinh tế bước sang đồng minh quân sự với Hoa Kỳ.
Điều này cũng dễ hiểu vì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ không còn ở vào thế ưu việt như quá khứ vì ngân sách cắt giảm và trải rộng trên quá nhiều mặt trận. Nhật Bản cũng không thể mãi mãi núp dưới bàn tay bảo vệ của Hoa Kỳ mà phải có trách nhiệm bảo vệ chính họ và xa hơn nữa là Á Châu Thái Bình Dương.
Do đó việc Tổng thống Obama đã đón tiếp Thủ tướng Abe hơn cả thượng khách vào đầu tuần qua cũng nói lên một điều quan trọng là Hoa Kỳ chính thức coi Nhật Bản là một đồng minh quân sự, để chia xẻ gánh nặng quân sự và an ninh với Mỹ tại vùng Á Châu Thái Bình Dương.
Thanh Thảo: Theo ông sự liên minh chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ như vậy thì Bắc Kinh hiện nay quan ngại Nhật Bản điều gì thưa ông?
Lý Thái Hùng: Khi Nhật Bản được tân trang để trở thành một cường quốc quân sự thì với hai khả năng vượt trội hiện nay về kỹ thuật và kinh tế, Nhật Bản sẽ không chịu ngồi im để nhìn Trung Quốc bành trướng sức mạnh ở Á Châu và nhất là đe dọa an ninh biển Đông nơi đang chi phối đến 75% lượng hàng hóa và dầu thô của Nhật di chuyển qua biển Đông.
Từ sau Thế chiến thứ II cho đến nay, Nhật Bản từ bỏ mộng quân phiệt và tập trung phát triển kinh tế. Nhưng bản chất của dân tộc Nhật là bành trướng và mở rộng lãnh thổ ở bên ngoài, do đó giấc mơ quân phiệt của Nhật có thể trở lại bất cứ lúc nào khi cơ hội đến.
Điều này càng khiến cho Trung Quốc và một số quốc gia Á Châu lo ngại hơn khi hàng năm từ Thủ tướng cho đến nhiều Bộ trưởng đang tại chức, viếng thăm đền Yasukuni, nơi tôn thờ những anh hùng tử sĩ Nhật Bản, trong đó có một số vị Tướng bị tòa án đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh trong thế chiến thứ hai.
Ngoài ra, Nhật Bản hiện nay không chỉ đầu tư tại Trung Quốc mà còn là quốc gia bán rất nhiều cho những công ty Trung Quốc về linh kiện có kỹ thuật tối tân để lắp ráp máy móc xuất cảng. Nếu xảy ra xung đột với Nhật, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Ngược lại, vì lo ngại sự xung đột leo thang với Bắc Kinh, các công ty Nhật bản đã từ từ rút đi những đầu tư quan trọng sang các quốc gia Đông Nam Á và Phi Châu.
Do đó khi Hoa Kỳ và Nhật Bản liên minh chặt chẽ hơn về mặt quân sự, Bắc Kinh rất sợ Nhật Bản ở hai điều.
Thứ nhất là lực lượng Nhật Bản sẵn sàng tấn công và đè bẹp lực lượng Trung Quốc nếu xảy ra cuộc xung đột chớp nhoáng.
Thứ hai là cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có tham vọng bành trướng nên sẽ khó tránh khỏi những xung đột ngầm.
Nói tóm lại sự liên kết mạnh mẽ hơn để trở thành đồng minh quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, là một bước tiến quan trọng và vì thế nó trở thành mối đe dọa cho Bắc Kinh là chuyện đương nhiên.
Thanh Thảo: Nếu như giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông như HD 981 đã từng làm, theo ông thì tình hình VN lần này sẽ như thế nào?
Lý Thái Hùng: Nếu như giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông và lập lại những gì mà giàn khoan HD 981 đã gây ra trong thềm lục địa Việt Nam như năm rồi, chắc chắn là tình hình sẽ rất căng thẳng và có thể tạo ra sự xung đột lớn.
Thứ nhất là lãnh đạo CSVN sẽ không im lặng, nhất là Nguyễn Tấn Dũng muốn “lấy lòng” dư luận để đăng quang lên làm Tổng bí thư đảng nên sẽ ra lệnh cho cảnh sát biển nổ súng và từ đó Dũng sẽ đăng đàng kêu gọi “chống” Bắc Kinh.
Thứ hai là Hoa Kỳ, Phi Luật Tân sẽ lên tiếng và có thể sẽ hậu thuẫn cho Nguyễn Tấn Dũng; nhưng sau đó yêu cầu hai bên kiềm chế; đồng thời sẽ làm phép thử khối ASEAN khi kêu gọi khối này lên tiếng chính thức để chống hành động hung hăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải tính toán lợi hại cho chính họ khi lập lại sự kiện này nếu tiếp tục đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông. Tuy Trung Quốc coi thường các chống đối nhưng chính Bắc Kinh cũng rất e ngại khi mà dư luận chống đối quá mạnh và làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế là điều Bắc Kinh phải cân nhắc.
Kết luận của tôi là Bắc Kinh tuy sẽ đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông nhưng họ sẽ cho hoạt động trong phạm vi biển Quốc tế mà thôi.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng./.
Nguồn: http://radiochantroimoi.com/thoi-su-vn/van-de-an-ninh-bien-dong-trong-tu...