Trung Quốc đặt trạm tên lửa cố định ở Hoàng Sa

RFA

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cơ sở phòng không của Trung Quốc được đặt tại quần đảo Hoàng Sa. Các nhà phân tích nhận định rằng điều này cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có tên lửa đất đối không sẵn sàng đặt ở mức cố định tại cả hai quần đảo đang tranh chấp với các nước láng giềng ngoài Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ và quản lý là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến hồi năm 1974.

Trường Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Một hình ảnh vệ tinh mới được đăng trên Twitter hồi tuần này cho thấy dường như một tiểu đoàn tên lửa mới xây đã hoàn thành trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hình ảnh thuộc Maxar Technologies được cho là chụp vào tháng 4 năm ngoái cho thấy có bốn toà nhà với mái có thể tháo rời tại Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa.

Một trong số các toà nhà này có mái mở bán phần cho thấy các giàn phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở bên trong.

ImageSat International - một công ty về thông tin tình báo không gian - đã phát hiện lần đầu sự xuất hiện của các giàn phóng tên lửa HQ-9 SAM trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016.

Hình ảnh vệ tinh mới mà RFA chưa thể xác định một cách độc lập cho thấy quân đội Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cơ sở phòng không giống như những cơ sở đã được nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã hoàn toàn quân sự hoá trước đó.

Các cấu trúc tương tự với mái được tháo rời cũng được phát hiện ở Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, theo chuyên gia Tom Shugart thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới viết trên Twitter.

Các cơ sở cố định này có thể được dùng để chứa các tên lửa tầm xa giúp Trung Quốc mở rộng tầm với của mình tới các vùng đang tranh chấp.