Trạng Thái Bình Thường - và Đáng Ngại - của Trung Quốc

Hôm Thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội của Trung Quốc chỉ tiêu 7% cho tăng trưởng kinh tế. Từ chuyện đó, giới quan sát quốc tế cho là Trung Quốc đang đi vào một giai đoạn gọi là "tân thường thái", một trạng thái bình thường mới, với đà tăng trưởng thấp hơn. Sự thật có khi còn đen tối hơn vậy, như chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa sẽ trình bày sau đây.

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hôm Thứ Năm vừa qua, Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc vừa họp kỳ thứ ba để thông báo các quyết định từ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản. Trong báo cáo của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra chỉ tiêu cho năm nay là tăng trưởng 7% thay vì 7,5% như năm ngoái và gia tăng khối tiền tệ lưu hành là 12%, một con số thấp nhất từ nhiều thập niên. Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang khởi sự một chu kỳ mới, với sức tăng trưởng thấp nhất kể từ mấy chục năm qua. Theo dõi loại tin tức này từ đã lâu, ông nhận xét ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng về bối cảnh thì lãnh đạo Trung Quốc đang có hai hội nghị của hai cơ chế chấp hành chính sách do Bộ Chính trị đề ra. Một là cơ chế tư vấn gọi là Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay Chính Hiệp; hai là Hội nghị Đại biểu Nhân dân hay Nhân Đại, là Quốc hội hay cơ chế lập pháp của Trung Quốc. Hội nghị năm nay quan trọng vì lãnh đạo xứ này đã mất nhiều năm chuẩn bị việc chuyển hướng kinh tế và nay thực hiện kế hoạch cho năm năm sắp tới, từ 2016 đến 2020.

    Tình trạng mới của kinh tế Trung Quốc sẽ là một đà tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ 10% xứ này đã đạt được trong ba thập niên kể từ khi khởi sự cải cách. Ít ai ngạc nhiên về sự kiện ấy, dù là chỉ tiêu của Bắc Kinh cứ giảm mỗi năm mà vẫn còn lạc quan hơn kết quả thực tế

    Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Khi Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra một số chỉ tiêu về kinh tế và ngân sách lẫn chính sách để thi hành, giới quan sát quốc tế đều nói đến trạng thái bình thường mới, hay "tân thường thái", là khái niệm được ông Lý Khắc Cường đưa ra năm ngoái tại thượng đỉnh kinh tế Davos bên Thụy Sĩ. Người ta kết luận là tình trạng mới của kinh tế Trung Quốc sẽ là một đà tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ 10% xứ này đã đạt được trong ba thập niên kể từ khi khởi sự cải cách. Ít ai ngạc nhiên về sự kiện ấy, dù là chỉ tiêu của Bắc Kinh cứ giảm mỗi năm mà vẫn còn lạc quan hơn kết quả thực tế. Tuy nhiên, kỳ này chúng ta cần đi xa hơn vậy để thấy ra sự thật còn đáng ngại hơn những con số biểu kiến nói trên.

Việt Long: Xin hỏi ông ngay một câu là kinh tế Trung Quốc đã có triệu chứng sa sút mà ông cho rằng thực tế lại còn đáng ngại hơn vậy, lý do là tại sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là từ đã lâu người ta quá lạc quan về kinh tế Trung Quốc như đã đánh giá sai kinh tế Liên bang Xô viết trước khi Liên Xô bất ngờ tan rã vì lý do kinh tế. Từ bên trong, lãnh đạo Trung Quốc thì biết rõ nhiều nhược điểm nội tại và rất e ngại kịch bản sụp đổ như Liên Xô hay khủng hoảng như Nhật Bản. Nhưng cho dù biết và thật ra muốn tránh, họ cũng khó xoay trở vì nhiều đặc tính hay thuộc tính của hệ thống chính trị. Vì họ cứ lần lữa mãi mà ngày nay Trung Quốc đang đối mặt với thực tế khắt khe của kinh tế xã hội.

- Đấy là về đại thể. Đi vào chi tiết thì các chỉ tiêu vừa ban hành vẫn che giấu nhiều vấn đề nguy kịch mà chương trình chuyên đề của chúng ta phải ghi nhận. Trước hết là về mức tăng trưởng. Từ gần 10 năm trước, lãnh đạo xứ này nói đến nhược điểm bốn không của kinh tế là không cân đối, không phối hợp, không công bình và không bền vững, nhưng vẫn đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu là 8% một năm, nếu không là xã hội bị động loạn vì nạn thất nghiệp. Sự thật thì đà tăng trưởng còn sụt mạnh hơn vậy và từ ba năm nay, chỉ tiêu chính thức cứ giảm dần mà vẫn bị thực tế qua mặt. Đây là ta chưa nói đến tính chất mơ hồ khó tin của thống kê chính thức.

Việt Long: Đấy là về tốc độ tăng trưởng. Thưa ông, phải chăng vì vậy mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa dự báo mức tăng trưởng năm nay của Trung Quốc là 6,8%, là còn thấp hơn con số 7% do Bắc Kinh đề ra?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xưa nay, hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều có xu hướng lạc quan về Trung Quốc. Ta không quên rằng mới năm ngoái Quỹ IMF còn dự đoán là sản lượng kinh tế Trung Quốc vừa vượt mặt Hoa Kỳ nếu tính theo phương pháp PPP là sức mua thực tế của đồng bạc. Ngày nay, trước những sự thật hiển nhiên thì họ liên tục điều chỉnh lại các dự báo theo hướng thấp hơn. Nhưng sự thật còn đen tối hơn vậy nếu người ta rà soát lại cách đếm một số dữ kiện cơ bản.

Việt Long: Như vậy, xin đề nghị ông trình bày lại cách đếm các số liệu đó để thấy ra sự thật.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vừa rồi, ông nhắc đến tiêu chí do Bắc Kinh đưa ra về khối tiền tệ lưu hành là năm nay chỉ tăng thêm 12%. Nếu nhìn theo viễn cảnh dài thì Trung Quốc đã ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế với một số lượng cực lớn, là tăng hơn 370% kể từ năm 2006 và bình quân thì hơn 21% một năm kể từ ba chục năm qua. So với con số đó thì đà bơm tiền 12% năm nay thực tế là một quyết định ngược, là hãm đà in bạc và bơm tiền. Kết luận cần nhớ ở đây là thay vì bơm tiền để kích thích sản xuất thì Bắc Kinh đang có xu hướng khóa vòi bơm.

- Cũng trong mạch đó, chuyện thứ hai đáng nhớ là việc hạ lãi suất. Một ngày trước khi Quốc hội nhóm họp thì Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh đã cắt lãi suất ngắn hạn từ 7% xuống 5,5% tức là hạ 150 điểm cơ bản và là lần thứ ba trong có ba tháng. Người ta tưởng đấy là biện pháp kích thích sản xuất. Thực tế lại trái ngược nếu ta xét tới lãi suất thật mà khách nợ phải trả khi đi vay. Lãi suất thật là sự sai biệt giữa mệnh giá chính thức sau khi giảm trừ tác dụng của vật giá hay lạm phát. Từ năm 2011 đến nay, lãi suất ngắn hạn một năm mà các doanh nghiệp phải thanh toán đã thực tế tăng đến 800 điểm cơ bản, là 8%, làm mức lời kinh doanh bị sa sút. Trong thị trường ảm đạm ấy, so với lãi suất thật đã tăng đến 8% thì quyết định cắt lãi suất cực ngắn hạn tới mức 5,5% có ý nghĩa ngược, là Bắc Kinh đang hãm vòi tín dụng và xiết chặt thanh khoản của các ngân hàng và doanh nghiệp. Đấy là vấn đề thứ hai.

Việt Long: Những số liệu thật mà ông vừa nhắc đến xuất phát từ nơi nào để vẽ ra một bức tranh khác về thực tế kinh tế của Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên thị trường tài chính thế giới, nhiều tổ hợp đầu tư hay ngân hàng vẫn thường theo dõi các biến chuyển thực để cố vấn thân chủ về những nơi chọn mặt gửi vàng. Nếu họ tính sai thì bị lỗ và có khi mất việc chứ không được an toàn như các công chức của các định chế quốc tế.

    IMF và WB đều có xu hướng lạc quan về Trung Quốc. Ta không quên rằng mới năm ngoái Quỹ IMF còn dự đoán là sản lượng kinh tế TQ vừa vượt mặt Hoa Kỳ nếu tính theo phương pháp PPP là sức mua thực tế của đồng bạc. Ngày nay, trước những sự thật hiển nhiên thì họ liên tục điều chỉnh lại các dự báo theo hướng thấp hơn

    Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Theo chiều hướng đó, khi xét về thực tế kinh tế của Trung Quốc, người ta nên theo dõi tin tức, nhận định hay báo cáo của các ngân hàng như Deutsche Bank của Đức, UBS của Thụy Sĩ, Société Générale của Pháp, hay Bank of America-Merrill Lynch của Mỹ v.v... Số liệu thực của các tập đoàn ấy cho thấy một hình ảnh khá ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.

Việt Long: Trong bối cảnh u ám của kinh tế Trung Quốc, người ta thường nói đến khối dự trữ cực lớn của xứ này, được ước tính là tương đương với gần bốn ngàn tỷ đô la. Nếu có một kho dự trữ như vậy thì liệu Bắc Kinh có thể vượt qua sóng gió hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi nói đến dự trữ bốn nghìn tỷ đô la thì ta cũng nên nhìn vào mặt kia của thực tế. Do chính sách ào ạt tăng chi và bơm tín dụng kể từ năm 2008 vì kinh tế thế giới bị Tổng suy trầm, các doanh nghiệp Trung Quốc chất lên một núi nợ mà chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng chưa biết là bao nhiêu và bên trong xấu tốt thế nào. Các trung tâm nghiên cứu ở bên ngoài thì ước lượng là trong tám năm qua, tổng số tín dụng lên tới 26 ngàn tỷ đô la, cao bằng 250% của Tổng sản lượng. Tổ hợp tư vấn kinh doanh McKinsey của Mỹ còn đưa ra con số cao hơn vậy, là 282% Tổng sản lượng, tức là có thể hơn 28 ngàn tỷ. So với núi nợ ấy thì dự trữ ngoại tệ gần bốn nghìn tỷ chỉ bằng có 14 hay 15%. Nếu số nợ xấu khó đòi và sẽ mất lên tới 20%, một kịch bản dù lạc quan cũng tương đương với hơn 5.000 tỷ, thì Bắc Kinh vẫn khó xoay trở để ứng phó. Huống hồ khối dự trữ này đã hết tăng mà bắt đầu giảm.

Việt Long: Ông vừa đề cập tới một chuyện cũng đáng chú ý là ưu thế tích lũy tài sản vào trong tay nhà nước Trung Quốc đang giảm dần khi mà mức lời của doanh nghiệp lại sa sút và dễ bị vỡ nợ. Sự thế ấy là như thế nào về thực tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên là Bắc Kinh vẫn giàng giá đồng bạc của mình vào tiền Mỹ theo một biên độ giao dịch nhất định và vì vậy cũng giàng số phận của mình vào kinh tế Mỹ.

Từ năm 2008 đến 2012, đô la sụt giá vì biện pháp bơm tiền của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh rất lo vì sợ tài sản tồn trữ dưới dạng đô la bị mất giá. Vì vậy, họ mua vào ngoại tệ và trả ra bằng đồng Nguyên, tức là cũng đã in bạc bơm tiền chẳng khác gì Hoa Kỳ.

    Từ nhiều năm qua, cả chính quyền trung ương lẫn các địa phương đều tăng chi bừa phứa để kích thích kinh tế mà số thu nhờ thuế khóa không tăng lại giảm vì lợi nhuận sa sút của các doanh nghiệp. Hậu quả là Trung Quốc bị bội chi ngân sách, là chi nhiều hơn thu

    Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Bây giờ, khi Mỹ kim lên giá mạnh thì họ bị sức ép vì đồng Nguyên lên giá so với nhiều ngoại tệ khác làm cho việc xuất khẩu bị mất sức cạnh tranh. Để ứng phó, họ đảo ngược chính sách, là bán đô la từ dự trữ ngoại tệ, là lại hút tiền vào. Hậu quả của sự kiện này gồm có hai mặt. Thứ nhất số thanh khoản trên thị trường đang cạn, là chuyện mình vừa nói. Thứ hai, dự trữ ngoại tệ hết tăng mà bắt đầu giảm. Theo Quỹ IMF thì sáu tháng qua đã giảm mất 300 tỷ. Chiều hướng ấy còn tiếp tục, trong khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng sẽ giảm dần. Sau cùng, ta còn cần thấy ra một sự thật cũng trái ngược về tình hình ngân sách của Trung Quốc.

Việt Long: Đấy là vấn đề mà thính giả cũng muốn biết vì Bắc Kinh vừa đưa ra kế hoạch cải cách ruộng đất và giải thích là vì một mục tiêu là ngân sách. Thưa ông, chuyện ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ nhiều năm qua, cả chính quyền trung ương lẫn các địa phương đều tăng chi bừa phứa để kích thích kinh tế mà số thu nhờ thuế khóa không tăng lại giảm vì lợi nhuận sa sút của các doanh nghiệp. Hậu quả là Trung Quốc bị bội chi ngân sách, là chi nhiều hơn thu. Vì vậy, lãnh đạo xứ này đang ráo riết giảm chi và xiết chặt ngân sách của các địa phương.

-  Việc họ tung ra chương trình thí điểm vể cải cách ruộng đất cũng nằm trong xu hướng hạn chế sự lạm dụng của địa phương khi ngang nhiên lấy đất của dân vì nhờ đó thu vào đến 40% ngân sách cho địa phương. Chương trình cải cách này phải mất chục năm mới có kết quả nhưng ngay trước mắt thì biện pháp giảm chi để chấn chỉnh ngân sách có nghĩa là các tỉnh sẽ thắt lưng buộc bụng và gặp cảnh ngộ khắc khổ kinh tế như Âu Châu trong mấy năm qua. Đấy cũng là một chuyện bất thường và đáng ngại của tình trạng gọi là "bình thường mới".

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về việc tổng hợp các dữ kiện thuộc về mặt trái của kinh tế Trung Quốc.

Theo rfa.org/vietnamese