Sự việc Bộ 4T của ông Trương Minh Tuấn đăng thông cáo phản bác kết luận của Tổng Thanh tra Nhà nước về vụ Mobifone-AVG, rồi bị các báo đồng loạt gỡ bỏ khỏi các trang mạng theo chỉ đạo của ai đó, là bài học đích đáng dành cho các quan chức quen thói tước đoạt quyền của công dân, để rồi đến lượt mình lại bị chính quả “gậy ông đập lưng ông”.
Ảnh: Trái Đinh La Thăng - Trương Minh Tuấn
Chuyện đó nhắc nhớ đến câu chuyện của Thương Ưởng, tể tướng nước Tần đời Chiến quốc bên Trung Hoa. Sử sách chép thế này:
Năm 337 TCN, Tần Hiếu công qua đời. Thế tử Tứ lên nối ngôi, tức Tần Huệ Văn vương. Thái phó Công tử Kiền vốn giận Thương Ưởng cắt mũi mình, bèn tâu với vua là Thương Ưởng muốn làm phản. Thương Ưởng bỏ trốn, giữa đường muốn vào ở nhà trọ. Chủ nhà trọ nói theo phép của Thương Quân phải có giấy chứng nhận mới cho vào ở. Thương Ưởng đành bỏ đi và than thở về sự tệ hại của sắc lệnh do mình đặt ra.
Không chỉ Trương Minh Tuấn, một nhân vật khác cũng đang trả giá cho tình trạng vô pháp của chính thể này, đó là Đinh La Thăng. Lúc ở cương vị Bí thư thành uỷ thành hồ, ông ra lệnh trấn áp các cuộc biểu tình của người dân vì môi trường một cách tàn bạo, bất chấp luật pháp.
Giờ đây Đinh La Thăng trả giá bằng hai vụ xử án về tội danh “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghêm trọng” theo Điều 165 của Bộ luật hình sự cũ. Điều đáng nói là tội phạm đó không còn bị trừng trị theo luật hình sự mới. Ở các nước văn minh, không ai có thể bị truy tố về tội danh đã bị bãi bỏ, bởi đó là nguyên tắc Bất hồi tố của hình luật.
Do vậy, xét về phương diện chuẩn mực pháp lý, gánh chịu hai bản án về một tội danh không còn tồn tại là sự oan ức tột cùng của một con người. Tuy nhiên, ông Thăng có thể kêu cứu ở đâu bây giờ khi đang sống dưới một chính thể vô pháp mà ông từng hò hét bảo vệ và lợi dụng nó?
Thân phận của Thăng, và sắp tới của Tuấn, là hồi chuông nhắc nhở các quan chức nên học cách sống và làm việc tôn trọng pháp luật và quyền của công dân, bởi đó chính tấm khiên che chở họ lúc sa cơ lỡ vận mai sau.
FB Lê Công Định