Ngay từ lúc nắm được chính quyền trên cả nước, đảng CSVN đã không ngần ngại bộc lộ ý đồ thiết lập một bộ máy cai trị tồn tại suốt đời. Do đó qua nhiều đại hội đảng gần đây, vấn đề đào tạo nhân sự bao giờ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu được nhắc đi nhắc lại trong các nghị quyết trung ương.
Hình: wikimapia
Để chuẩn bị đại hội XIII vào năm 2021, đảng CSVN nhấn mạnh đến nhiệm vụ làm sao đào tạo một đội ngũ kế thừa vừa có đủ bản lĩnh cộng sản vừa có khả năng nắm được quyền hành tuyệt đối. Họ gọi đó là nhiệm vụ chiến lược, cho thấy tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công mà đảng vẫn ra sức hô hào.
Thông thường trong công tác nhân sự của Ban tổ chức trung ương, quá trình xét duyệt, chọn lựa cán bộ đưa lên nắm quyền lãnh đạo các cấp bao giờ cũng gói gọn trong ba chữ “hồng hơn chuyên”. Nói một cách dễ hiểu, người được chọn ưu tiên là đảng viên tuyệt đối trung thành với đảng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đảng giao trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Kiến thức chuyên môn, trình độ học vấn đều đứng sau sự trung thành với đảng, thậm chí không cần thiết để trở thành lãnh đạo. Do cách tuyển chọn ấy, người ta thấy trước đây trong bộ máy đảng cũng như trong hệ thống chính quyền đã xuất hiện quá nhiều những cán bộ bất tài trong vị trí lãnh đạo.
Hồng thì thật đậm đà nhưng chuyên thì chẳng thấy đâu, hoặc chỉ căn cứ vào những mảnh bằng thạc sĩ online mua được từ các trường đại học mang tên các hòn đảo trên Thái Bình Dương. Chẳng những thiếu kiến thức quản lý kinh tế lẫn hành chánh, lòng tham đã biến đám cán bộ tạp nham này thành những tay vô đạo đức, tham ô hạng nặng để cuối cùng phá vỡ tất cả những gì họ nắm trong tay.
Để có được người vừa ý, ông Trọng và phe đảng đang bày trò “luân chuyển” và “uốn nắn” cho một số cán bộ gọi là kế thừa. Hiện nay do tình trạng đấu đá trong đảng diễn ra không ngừng, kế hoạch luân chuyển cũng nhằm mục đích là loại đi một số đảng viên không cùng phe cánh hay những đảng viên tỏ ra bất phục tùng nhóm cầm quyền hiện nay mà chiến dịch đốt lò chưa tìm thấy. Luân chuyển cũng chính là dịp tốt nhất chọn ra được những người ăn cánh với phe mình, làm nền tảng cho một triều đại vững chắc kế tiếp “Trọng mà không có Trọng”.
Vì chỉ cần một lời phê phán “có lập trường, tư tưởng chính trị không vững vàng, không có phẩm chất đạo đức tốt” lập tức cán bộ giỏi cũng biến thành dở mà cơ hội cuối cùng là thành kẻ đứng bên lề. Nói một cách khác, ông Trọng sau 2 năm đốt lò bây giờ là lúc ông gom các củi non để chăm sóc chúng với hy vọng biến thành gỗ tốt xài lâu dài chứ không phải củi cháy như các thái tử Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh vừa qua…
Tuy nhiên trong công tác đào tạo cán bộ kế thừa hiện nay, ông Trọng đang gặp phải hai vấn đề nhức nhối mà biện pháp giải quyết chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Đó là hiện tượng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” do tác động của cái mà đảng gọi là “diễn biến hòa bình”.
Cụ thể như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã từng thú nhận “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước…”
Tự diễn biến không có gì khác hơn là khi cán bộ được ngồi ở những trách vụ lãnh đạo cao đã không ngần ngại để tay nhúng chàm, dùng quyền lực bảo vệ tham ô. Họ coi như đó là chuyện bình thường vì nhìn quanh ai cũng làm giống mình. Thử hỏi cán bộ làm sao không nhúng chàm khi đồng lương quá thấp, lại nắm trong tay tiền tỷ. Họ được vẽ vời để làm những dự án tiêu tiền như rác mà ngay chính họ cũng biết chắc là không hiệu quả bởi guồng máy quan liêu, làm ít nhưng báo cáo láo rất hay.
Tự chuyển hóa là cán bộ đã thấy ra được các nghị quyết, các khẩu hiệu hô hào đảng đưa ra đều rổng tuếch, không thực tế, trong khi đời sống người dân ngày càng bị bần cùng hóa một cách tinh vi và đất nước ngày càng gặp nhiều nghịch lý. Từ đó tâm trạng cán bộ đâm ra hoang mang và nghi ngờ về cái gọi là tiến lên xã hội chủ nghĩa, trong khi mô hình này chưa bao giờ thành công ở các nước cộng sản ngay cả ở thành trì cách mạng Liên Xô.
Mặt khác tuy nói rằng đảng chủ trương hiện thực, không màng giáo điều xơ cứng nhưng đảng viên cứ phải nghe “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê”, đồng thời hô hào tiến lên xã hội chủ nghĩa để từ chối đa nguyên đa đảng. Họ tự hỏi tại sao phải lên án đa nguyên đa đảng, là một thể chế kiến tạo sự phân quyền dân chủ và kiểm soát quyền lực tốt nhất, tránh mọi hình thức độc tài.
Điều này khiến đảng viên cán bộ mất niềm tin khi nhìn cổ máy nặng nề của đảng đang ra sức kéo lùi đất nước. Và họ tự chuyển hóa là chuyện đương nhiên phải đến.
Cán bộ có hoang mang hay không cứ hỏi tổng bí thư thì rõ. Bởi vì dù là một giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng, vùi đầu suốt đời trong kinh điển và luôn luôn trung thành với hệ tư tưởng Mác-Lê, ông Trọng cũng có lúc băn khoăn tự hỏi “đến hết thế kỷ này không biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” Huống chi những người cộng sản bình thường, có hiểu biết, có suy nghĩ độc lập họ không khỏi có sự so sánh sự tốt xấu giữa hai con đường độc quyền chính trị và đa nguyên dân chủ.
Trong thời đại bùng nổ các trang mạng xã hội, đảng cộng sản không thể giấu giếm đảng viên mình tin tức về hiện tình đất nước, tham nhũng trong đảng tràn lan, đấu đá nội bộ ngày càng gay gắt và nhất là những đe dọa đến sự tồn vong của đất nước đến từ Bắc Kinh. Ngay chính đảng cũng phải nhận thấy sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng của đa số đảng viên ngày nay là không tránh khỏi.
Nhưng thay vì chấn chỉnh sai lầm, đảng lúc nào cũng tích cực đổ thừa cho “các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục tăng cường chống phá dưới nhiều hình thức, nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Giống như một câu kinh nhật tụng nhàm chán mà đảng viên và người dân bị buộc nghe mãi bên tai. Do bế tắc trong lý luận, thế lực thù địch bao giờ cũng là con ngáo ộp cũ rích mà đảng cứ đem ra hù dọa mọi người.
Để ngăn chận sự “thoái hóa chính trị” trong tư tưởng cán bộ, Quy định 102 do ông Trần Quốc Vượng, cánh tay mặt của ông Trọng đã ký ban hành cuối năm 2017 theo đó, nếu đảng viên vi phạm về quan điểm chính trị sẽ bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức mà cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Cụ thể như đảng viên nào cũng dễ dàng bị khai trừ khi phạm vào tội đòi thực hiện “đa nguyên đa đảng”, đòi phi chính trị hóa quân đội, tham gia đảng phái chính trị phản động hay bôi nhọ lãnh tụ, nói xấu đảng…
Vì thế để đào tạo tầng lớp cán bộ kế thừa cấp chiến lược cho 5 năm tới, ông Trọng và phe đảng không thể làm gì hơn là nên dựa trên hai điều” Sự thật” và “Lòng dân”.
Sự thật sẽ đưa đến minh bạch và dân chủ trong bộ máy cai trị và lòng dân là thước đo sự hài lòng đối với mức độ dân chủ mà chính quyền có bổn phận tôn trọng thực hiện. Còn nếu cứ tiếp tục tư duy “Ý đảng” đi trước, “Lòng dân” phải phục tùng theo sau thì đảng chỉ thành công trong ảo tưởng của tuyên truyền ngụy biện.
Ông Trọng dù sao cũng là giáo sư ngành xây dựng đảng chẳng lẽ ông không biết điều sơ đẳng đó. Khi chọn “ý đảng” tức chọn bạo lực, đàn áp và khủng bố làm đường lối xây dựng pháo đài xã hội chủ nghĩa hoang đường thì làm sao dân tin và đảng viên tin. Chừng đó dù có xây được đội ngũ kế thừa thì đội ngũ ấy cũng không vượt khỏi tầm tay các thái tử đảng trong phe cánh ông Trọng.
Trong trường hợp này, tinh hoa kế thừa của đảng không mấy chốc trở thành một đám cặn bã xã hội, tiếp tục tàn hại và bán rẻ đất nước.
Phạm Nhật Bình
http://viettan.org/tinh-hoa-ke-thua-hay-can-ba-xa-hoi/amp/