Thủ Thiêm: cuộc sinh tử của những “bố già Đỏ”?

Những ngày qua, báo chí truyền thông “lề phải” đồng loạt đăng tin “sai phạm nghiêm trọng” của Tất Thành Cang – phó bí thư thường trực, phó chủ tịch thành phố HCM. Ông Cang bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc quản lý đất đai, nguyên tắc dân chủ… lạm quyền, vượt quyền không tuân thủ qui trình đấu thầu trong các dự án xây dựng 4 tuyến đường đắt nhất hành tinh ở dự án Thủ Thiêm, bán rẻ đất công cho doanh nghiệp…

Những tờ báo mạng “quân xanh, quân đỏ” của hệ thống truyền thông cũng “thập thò” thông tin về nhiều tài sản chìm nổi của Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua,… với ý đồ rõ ràng. Theo “qui trình” quen thuộc “truyền thông đi trước một bước”, hệ thống báo chí của ban tuyên giáo lần này ồ ạt tấn công vào Tất Thành Cang với chứng cứ rõ ràng nhất là người đã ký hợp đồng BT với Đại Quang Minh với mức giá xây dựng phá vỡ mọi kỷ lục thế giới mà chỉ có ở xứ CSVN mới có từ trước tới nay.

Xem ra, lần này Sáu Cang khó có thể trụ vững như hồi tháng 7.2018 khi ông ta vẫn được nhận kỷ niệm chương “vì sự nghiệp đối ngoại” của TW Đảng ngay lúc vụ Phước Kiển vỡ lở. Kỳ án “Thủ Thiêm” sau 20 năm bị lãnh đạo thành phố “thiếu sót” trong việc để 160 ha quĩ đất tái định cư “bốc hơi”, đẩy hàng ngàn hộ gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất, khánh tận cùng cực, có người đã hóa điên, tự vẫn, oan khiên ngút trời… Cuối cùng, những kẻ thủ ác có danh xưng “đày tớ của nhân dân” cũng cúi đầu xin “người dân tha thứ cho chính quyền” và nhận hình phạt… “tự kiểm điểm tập thể ban lãnh đạo thành phố”, chấp nhận thỏa thuận đền bù với người dân Thủ Thiêm. Dường như, “công lý” đã được thực thi và người dân Thủ Thiêm sẽ được minh oan và trả lại sự công bằng?

“Công lý” ở đất nước này nếu như có một khuôn mặt, thì hẳn là đó là một khuôn mặt nham nhở, đê tiện nhất. Nó có thể nhổ ra và liếm lại, giết người cướp của, đẩy hàng chục ngàn người vào địa ngục trần gian… và rồi vẫn tự mình vỗ ngực “ta là đạo đức, ta là văn minh”. Những nỗi đau mà người dân Thủ Thiêm nói riêng và hàng chục vạn dân oan ở “thành phố mang tên xác người” này đã vượt qua mọi giới hạn của sự chịu đựng, không còn bút nào tả xiết.

Và rồi, những kẻ tận cùng đốn mạt, tận cùng tham tàn sau khi đã phè phỡn chia chác nhau hàng chục tỷ USD, lại nhăn nhở cười cợt và diễn những vai “đạo đức, lắng nghe, thấu hiểu” kệch cỡm như một sự nhạo báng Lương tri. Nụ cười khả ố của Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi làm việc với người dân Thủ Thiêm đã được nhận một cái guốc, hay những giọt nước mắt của con cá sấu Lê Thanh Hải… có lẽ là ví dụ trực quan sinh động nhất cho thứ “đạo đức Hồ chí Minh” và “Công lý” ở xứ này.

Cần phải hiểu rằng, bất cứ một dự án BĐS nào có bàn tay gớm ghiếc của những “tư bản Đỏ” thân hữu thò tay vào, thì nơi đó hàng ngàn, hàng vạn người dân bị tước đoạt gia sản, bị ép phải nhận đền bù rẻ mạt, đẩy vào những nghịch cảnh khôn cùng. Mọi tỉnh thành, mọi huyện thị, làng xã hang cùng ngõ hẻm trên mảnh đất hình chữ S này, những câu chuyện như Văn Giang ở Hà Nội, Cồn Dầu ở Đà Nẵng, hay Thủ Thiêm ở thành Hồ… sao có thể kể hết?

Từ khi cái “lò” ông Trọng được kéo vào thành Hồ, sau “con mèo bự” Đinh La Thăng, “chuông sẽ gọi hồn ai”? Được coi là kho tiền, kho gạo, hàng hóa tiêu dùng của quốc gia, chiếm đến 21% GDP và 1/2 nguồn kiều hối cả nước, Hồ Chí Minh được coi là cái hũ vàng cho những con chuột chóp bu.

Nguyên tắc bất di bất dịch “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” của Đảng luôn đảm bảo mọi thành viên nằm lòng nguyên tắc “đừng bao giờ đi ăn một mình” bấy lâu nay. Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài… có mọc thêm một lá gan nữa cũng không dám qua mặt “bố già” Lê Thanh Hải và cả một hệ thống khổng lồ gia tộc Trương, Lê đã làm vua đất thành Hồ suốt gần 3 thập kỷ qua. Một Tất Thành Cang liệu có thể nuốt trọn Phước Kiển bán cho Quốc Cường Gia Lai hay hợp đồng BT 12.000 tỷ với Đại Quang Minh? Thật là hoang đường.

Người Ý có câu “mọi con đường đều dẫn tới Roma” ý nói Rome là trung tâm của thế giới cả về văn hóa, chính trị, quyền lực… thì ở thành Hồ có câu “mọi con đường đều dẫn đến Hai Nhựt”.

Từ một thợ hàn tham gia phong trào đoàn thể, với sự nâng đỡ của người chị vợ lúc đó là phó chủ tịch quốc hội Trương Mỹ Hoa cùng với khả năng luồn lách, thượng đội hạ đạp và tài đóng kịch thần tình, “bố già” Lê Thanh Hải đã có 10 năm cai trị quận 5 giàu có (nơi đông đảo người Việt gốc Hoa nắm giữ những đầu mối kinh tế quan trọng có khả năng chi phối cả nền kinh tế quốc gia). Sau đó Lê Thanh Hải chạy chọt để lần luợt nắm giữ những cái ghế quyền lực nhất trong thể chế từ chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch thành phố, cho đến Bí thư thành ủy thành Hồ, Ủy viên bộ Chính trị… từ năm 2000 cho đến 2015.

Thành Hồ 3 thập kỷ qua là bàn tiệc riêng của gia tộc Trương, Lê. Nghị quyết Đảng hay chủ trương đường lối của Bộ Chính Trị xem chừng còn phải nhìn mặt anh Hai. Thời kỳ vàng son của gia tộc Trương Lê kéo dài từ 1990 đến nay có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Không một gia tộc Đỏ nào ở mảnh đất hình chữ S này lại “hưởng phước lớn” đến như thế kể cả những gia tộc “đại công thần”.

Nếu so sánh với gia tộc Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang, gia tộc Trương, Lê ở đất thành Hồ, Tiền Giang có thể nói còn “sâu rễ, bền gốc” hơn một bực, nằm trong những “liên minh lợi ích” chằng chịt với giới tư bản Hoa Kiều Chợ Lớn, Hongkong, Đài Loan, Macau, Singapore. Việc ông em ruột Lê Tấn Hùng – tổng giám đốc công ty nông nghiệp Saigon vừa qua bị “cảnh cáo” vì sử dụng sai mục đích 13 tỷ đồng ngân sách chỉ có thể cho thấy những người cộng sản thần tình đến như thế nào trong việc “biến sai phạm to thành sai phạm nhỏ, biến sai phạm nhỏ thành không có” và biến những khối công sản khổng lồ trở thành… hư vô. 1900 ha đất nông nghiệp được bán rẻ, cho thuê và sử dụng sai mục đích, bị cắt bán chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhưng ngay cả “núi băng” khổng lồ cũng hoàn toàn trở thành vô hình qua cái lăng kính mang tên “Công lý” của người cộng sản.

Nếu suy diễn theo logic bình thường thì địa chỉ cuối cùng của cái “lò tôn” mà ông Trọng kéo vào thành Hồ hẳn phải là Hai Nhựt? Cũng giống như những đồn đoán mà sau khi Đinh La Thăng vào “lò”, người ta nghĩ ủy ban kiểm tra Đảng sẽ “gõ cửa” nhà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vô vàn chứng tích tàn phá khủng khiếp như Vinashin, Vinalines… và các chứng nhân “tội đồ” như Phạm Thanh Bình, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… đã được “xếp” sẵn trong “kho” hay “ủy ban kinh tế TW”. Thực tế, “đồng chí X” vẫn tận hưởng cuộc sống vương giả và hưởng phước ở lãnh địa Kiên Giang – Phú Quốc trù phú cùng cậu con trai lớn là bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị, bỏ mặc đám đàn em xếp lượt làm “củi”. Nếu ai đó vẫn hy vọng rằng những kẻ cả đời chỉ biết ăn tàn phá hại quốc gia này có một chút dũng khí hay liêm sỉ để có thể làm được một cuộc “trở cờ” thay đổi thể chế thì thật hoang tưởng. Công cuộc “đả hổ, diệt ruồi” phiên bản Việt mà ông tổng Trọng khởi xướng thực ra có những nguyên tắc riêng và khác với cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc do Tập Cận Bình thực hiện.

Thứ nhất, công cuộc “đốt lò” của ông Trọng luôn theo nguyên tắc “đánh chuột, không để vỡ bình”. Cái “bình” là sự đảm bảo an toàn cho thể chế chính trị độc tài Cộng sản được duy trì “muôn năm”. Một cuộc sát phạt không khoan nhượng ở thượng tầng chóp bu những kẻ từng nắm quyền lực cao nhất của “băng đảng”, chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”.
Có lẽ, “Sĩ phu Bắc Hà” đã đạt được một thỏa thuận và cam kết với tất cả các anh Ba, anh Hai… rằng việc “đốt lò” sẽ dừng lại ở những “con mèo béo” như Đinh La Thăng. Mục đích thâu tóm quyền lực, ngăn chặn ảnh hưởng của những “bố già” còn “tham vọng quyền lực” nhưng vẫn đảm bảo “tính nhân văn, đạo đức”. Cái mà ông Trọng cần là sự qui phục của những “bố già” và việc sắp đặt bàn cờ chính trị ở Việt Nam do ông ta một tay định đoạt.

Thứ 2, mục tiêu chính của “đốt lò” thực ra không tập trung nhiều vào vấn đề “tham nhũng”. Ông Trọng từng nói “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” hay “đến như Đường Tăng đi thỉnh kinh đến đất Phật mà còn phải hối lộ bát vàng”… cho thấy não trạng của “người đốt lò vĩ đại” coi chuyện tham nhũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có người cộng sản nào không tham nhũng đâu? Chống tham nhũng chỉ là cái cớ, điều quan trọng hơn của công cuộc “đốt lò” là việc “tìm và diệt” những “đồng chí” đã “tự diễn biến” sang khuynh hướng thân phương Tây và xa rời lý tưởng Xã hội chủ nghĩa.

Ông Trọng coi đó là mối nguy hại hơn cả. Và do đó, những cái kết cục thảm khốc của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh hẳn nhiên hoàn toàn không vì lý do “chống tham nhũng”. Cái giá phải trả quá đắt cho một “con cá lòng tong” Trịnh Xuân Thanh cũng không thể viện cớ “chống tham nhũng”. “Lò tôn” ông tổng Trọng là một cuộc thanh trừng những “đồng chí” xa rời ý thức hệ cộng sản và coi thường vai trò của “bậc nhân kiệt”.

Với bản chất của những anh Hai, anh Ba xứ Đàng Trong, vốn dĩ ưa thích tiền và gái hơn chính trị. Trước một “người miền Bắc có lý luận” lại tàn độc khôn lường như tổng Trọng, phe Nam cộng hoàn toàn không phải là đối thủ, cũng sẵn sàng quì lết xuống ôm chân “bậc nhân kiệt” theo đúng nghĩa đen để xin tha mạng. Gia tộc Lê Trương chỉ cần giải giáp qui hàng và chịu nhường lại “bàn tiệc” ở thành Hồ, giống như gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, mọi chuyện sẽ lại êm ấm.

Thật khôi hài khi nghĩ rằng có thể chống tham nhũng trong một hệ thống thể chế toàn trị được thiết kế lý tưởng cho việc tham nhũng và lạm quyền. Và Thủ Thiêm thực chất là một vở kịch với nhiều âm mưu đằng sau. Một cuộc chiến của những bố già Đỏ trong việc phân chia lại lợi quyền và cố kết lại một băng đảng bị phân rã bởi thói tranh đớp dành ăn trong nội bộ, mà bỏ rơi “lý tưởng cách mạng”.

Không khó có thể đoán định câu chuyện Thủ Thiêm sẽ có một kết thúc “có hậu” như đám đông mong đợi. “Công lý” sẽ được thực thi, người dân được đền bù theo giá thị trường (bất quá thì nhà máy in tiền quốc gia sẽ tăng thêm công suất vào dịp cuối năm) và một số quan chức liên quan sẽ bị làm “dê tế thần”. Nhưng chắc chắn, những anh Hai, anh Ba Nam Bộ chóp bu sẽ chẳng anh nào rụng một cái lông chân.

“Người đốt lò vĩ đại”, hơn bao giờ hết, được ngợi ca như bậc anh minh lỗi lạc “Bác Trọng ta đó còn hơn… bác Hồ”. Nhưng ít người thấy rằng, đằng sau câu chuyện Thủ Thiêm còn nhiều câu chuyện khác. Việc báo chí lề Đảng tập trung công kích vào “con dê béo” Tất Thành Cang, thực chất, mục đích đang được rẽ sang một hướng khác: Đại Quang Minh của Trần Bá Dương.

Hợp đồng BT xây dựng 4 tuyến đường với tổng chiều dài chỉ hơn 11 km vòng quanh khu đô thị mới và các hạ tầng cảnh quan của dự án BĐS Sala với trị giá 12.000 tỷ đồng để được đổi lại một mảnh đất kim cương rộng tới 79 ha quả là một miếng quá lớn. Chẳng khó khăn gì khi ai cũng nhìn thấy “liên minh ma quỉ” giữa quan chức thành Hồ và các đại gia thân hữu ở dự án béo bở này.

Tuy vậy, người xưa có câu “Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong”. Một bài báo “lề giữa” gần đây đã giựt một cái tít làm nóng mặt những “bố già Đỏ” xứ Đàng Ngoài “chỉ vẽ lại bản đồ Thủ Thiêm, các quan chức chia nhau 12 tỷ USD” hé lộ “miếng bánh” thẫm đẫm máu và nước mắt người dân Thủ Thiêm hấp dẫn Đảng như thế nào trong bối cảnh đói khát ngoại tệ. Thủ Thiêm được lựa chọn làm sân khấu chính cho vở kịch mang tên “Công lý” của ông Trọng một phần bởi lý do đó và một phần còn lại không phải do ý muốn của Đảng.

Đại Quang Minh sẽ ra sao khi “vụ áp phe thế kỷ” Thủ Thiêm bị phanh phui với những tội ác, sai phạm chồng chất 20 năm qua? Ông chủ của “giấc mơ phố Đông” bên bờ sông Saigon Trần Bá Dương, xuất thân từ một thợ cơ khí ô tô trở thành “vua” của thị trường ô tô nội địa với thương hiệu đình đám Thaco – thương hiệu chiếm đến 35,8% thị phần ô tô Việt Nam, với doanh số khoảng 2 tỷ USD/năm – hẳn nhiên sẽ không thể yên ổn trước cơn bão Thủ Thiêm đang ập đến.

Những con chuột tinh khôn dường như đã biết “con tàu” Đại Quang Minh sẽ trở thành tâm điểm của những âm mưu tàn độc nên đã rút hết cổ phần ở dự án béo bở này từ 2017 và trở về “đất ngàn năm văn vật” để tôn phù “người miền Bắc có lý luận”. Và nếu như Trần Bá Dương có “mệnh hệ” gì trong bữa tiệc máu Hồng Môn Yến mang tên Thủ Thiêm, thì thương hiệu Thaco và thị phần ô tô dày công vun đắp nhiều thập kỷ của “vua ô tô Việt” sẽ ra sao? Ngôi vị đó sẽ được nhường lại cho ai?

Tân Phong, ngày 17.11.2018
https://viettan.org/thu-thiem-cuoc-sinh-tu-cua-nhung-bo-gia-do/