Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan là một dạng độc tài của đa số, hiện tuợng lãnh đạo do đa số dân chúng bầu lên, rồi quay ra dùng quyền lực chính phủ để bóp mũi thiểu số, không cho ngóc đầu lên được.
Hitler ở Đức, Putin ở Nga, Erdogan ở Thổ, Maduro ở Venezuela, Hun Sen ở Cam Bốt… là những trường hợp điển hình.
Những nhà lập quốc Hoa Kỳ lo sợ điều này nên trong hiến pháp hầu hết các điều khoản là để bảo vệ thiểu số trong khi đất nước đang do đa số lãnh đạo.
Sau khi thắng bầu cử tháng 6/2018, Tổng thống Erdogan của Thổ hôm 12/9/2018 tự bổ nhiệm ông làm chủ tịch quỹ thịnh vượng quốc gia (Turkey Wealth Fund hay tiếng Thổ là Türkiye Varlık Fonu – TVF) và thay đổi toàn diện 7 thành viên trong hội đồng quản trị, với một thành viên mới là con rể của ông và cũng là bộ trưởng bộ tài chánh.
Bốn chữ ký trong công văn chính phủ (xem hình), từ người được đề cử, người chấp thuận, người ban hành đều là ông R. Tayyip Erdoğan.
Với quỹ này ở Thổ làm người ta nhớ đến quỹ 1MDB ở Mã Lai mà cựu thủ tướng Najib Razak tham nhũng tiền tỷ đôla.
Quỹ TVF trị giá $50 tỷ đôla, lập năm 2016 cho mục đích phát triển và làm nguồn tư bản đầu tư cho tài sản chiến lược quốc gia trị giá $200 tỷ đôla. Nó bao gồm hãng Turkish Airlines, các nhà băng lớn, công ty viễn thông Turk Telekom, các công ty dầu khí, bưu điện, thị trường chứng khoán, xổ số, đường ray.
Thổ có lãnh thổ khá rộng lớn (783.562 cây số vuông) lớn hơn nước Pháp (643.801 cây số vuông) và có vị thế địa chiến lược rất quan trọng, vừa nằm ngay giữa Hắc Hải và Địa Trung Hải, kiểm soát con đường thông thương giữa hai biển, vừa nối liền Âu-Á-Phi.
Thổ có 81 triệu dân, với khoảng 73% là người Thổ theo Hồi giáo và 19% là người Kurd. Tổng sản lượng GDP là $850 tỷ đôla năm 2017, gấp 4 lần Việt Nam cho một dân số gần xấp xỉ VN, nên lợi tức đầu người lên đến gần $27.000 đôla.
Thổ lập quốc năm 1923 từ những mãnh vỡ của đế quốc bại trận Ottoman, dưới sự lãnh đạo của Mustafa KEMAL.
Sau một thời gian độc đảng, Thổ chuyển sang đa đảng, năm 1950 đảng Dân Chủ đối lập thắng cử và chuyển quyền êm dịu.
Đa đảng phát triển mạnh, tuy thỉnh thoảng có xáo trộn như đảo chính quân đội (1960, 1971, 1980) nhưng Thổ vượt qua được nhờ quyền lực được trả về cho dân chúng.
Năm 1997 quân đội lại đảo chánh chính quyền Hồi giáo.
Ngày 15/7/2016 một nhánh trong quân đội đảo chánh và thất bại, có hơn 240 người bị giết, hơn 2.000 người bị thương do đụng độ giữa quân đảo chánh và dân chúng xuống đường. Sau đó chính quyền Erdogan bắt giam, cách chức, giải nhiệm hơn 100.000 viên chức an ninh, phóng viên, thẩm phán, trí thức, công chức bị cáo buộc có liên quan. Chính quyền tố cáo phong trào tôn giáo và xã hội Hồi giáo liên quốc gia âm mưu tổ chức (hàm ý có Mỹ đứng sau) và cho họ là khủng bố. Ông đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2017.
Chính quyền cho trưng cầu dân ý ngày 16/4/2017 để đổi chế độ từ đại nghị qua tổng thống chế. Ông Erdogan là thủ tướng trong chế độ cũ, ông đắc cử tổng thống tháng 6/2018.
Thổ can thiệp quân sự vào Cyprus năm 1974 để ngăn Hy Lạp chiếm đảo này và hiện nay vẫn còn đỡ đầu Bắc Cyprus, có tên “Turkish Republic of Northern Cyprus”, một quốc gia trên thực tế tuy không có nước nào công nhận.
Kurdistan Workers’ Party (PKK) là lực lượng phiến quân ly khai xuất hiện năm 1984, Mỹ coi là khủng bố, PKK đánh với lực lượng an ninh Thổ, có khoảng 40.000 người thiệt mạng. Hai bên điều đình năm 2013 nhưng đến năm 2015 thì đánh tiếp.
Thổ gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1945 và vào NATO năm 1952. Đến năm 1963 là thành viên dự bị của Cộng Đồng Châu Âu, đến 2005 Thổ bắt đầu thương thảo vào Liên Âu.
Năm 2015, 2016 Thổ bị khủng bố tấn công ở Ankara, Istanbul, và các vùng phía nam có đông người Kurds.
Thổ hiện đang có căng thẳng ngoại giao và tiền tệ với Mỹ, khiến tiền tệ bị mất giá đến 40% kể từ đầu năm 2018.
Bằng đòn tăng thuế đánh vào các mặt hàng, Mỹ gây sức ép kinh tế nặng nề với Thổ, làm đồng tiền lira rơi tự do và gần như sụp đổ hôm giữa tháng 8/2018. Ông Erdogan lên án Mỹ đâm dao sau lưng đồng minh và tuyên bố không bao giờ đầu hàng cuộc tấn công kinh tế.
TT Trump muốn làm vui lòng khối cử tri Tin Lành trước bầu cử Mỹ 6/11/2018 nên cương quyết đòi ông Erdogan thả mục sư Andrew Brunson đang bị ông Erdogan giam giữ liên quan đến đảo chánh 2016. Trong khi đó thì ông Erdogan càng ngày càng thân thiện với Nga và Iran hơn, mua hệ thống hoả tiển tối tân S-400 của Nga, tạo lỗ hổng trong khối NATO.
Ông Erdogan cũng đang xây thế chân vạc trong khối Hồi giáo ở Trung Đông cùng với Iran và Saudi Arabia.
Nếu Thổ thân Nga và Iran, lại là cường quốc chân vạc ở Trung Đông, rồi Nga và Iran giúp Assad khôi phục toàn diện lãnh thổ Syria như đang diễn ra, sau lưng các nước này lại có Trung Quốc hậu thuẩn, thì cán cân quyền lực ở Trung Đông bị nghiêng theo hướng bất lợi cho Mỹ.
Nhưng Trung Đông đâu còn là gót chân Achilles dầu lửa của Mỹ nữa đâu?