Thương nhau cho lắm để rồi hại nhau

Nguyễn Doãn Đôn

Sau khi nước Đức thống nhất, số người từ Việt Nam sang xin tị nạn ngày một đông. Những người này đại đa số là do điều kiện kinh tế mà phải ra đi. Chứ không phải là tị nạn Chính trị nên nước Đức không cấp giấy lưu trú hợp pháp.
 
„Cái khó ló cái khôn“. Người Việt tuy không có những cái tài lớn lao, sáng láng; Nhưng mưu mô, thủ đoạn, dùng chiến thuật „du kích“, tìm ra cách „đánh“ liều lĩnh, táo bạo, để miễn sao tự giải phóng cá nhân mình để có nguồn lợi tối ưu, còn ai chết chóc, thương đau ra sao không cần quan tâm, thì họ vào loại siêu nhất nhì Thế giới.
 
Trước đây còn dễ, thì để có giấy tờ được ở lại hợp pháp, họ mua hộ chiếu của người về với giá rất đắt. Sau đó họ thay ảnh mình vào và đổi tên của họ trùng với tên trong hộ chiếu; Có trường hợp qua đường dây hối lộ nhà chức trách để làm giấy tờ. Ngoài ra còn rất nhiều thủ đoạn manh nha khác. Trong đó phải nói đến dịch vụ kết hôn với người có giấy tờ đề „ăn theo“. Biến không thành có, biến khó thành dễ là được phổ biến rất nhiều. Trong những vụ hôn nhân này phần nhiều là những vụ giả tạo. Nhiều vụ thành công một cách ngoạn mục, làm cho nhà chức trách có mắt mà như mù. Mãi sau này mới biết. (Và cũng chính vì thế mà bây giờ tôi mới viết ra bài này, vì viết sớm hơn nhiều người sẽ trách).
 
Nhiều người mặc dù trả giá rất đắt cho việc lo giấy tờ, nhưng sau này được gặp may. Họ lại cần cù, chăm chỉ, thông minh, biết sở trường, sở đoản của mình, không ngừng học hỏi lớp đàn anh đi trước, nên họ rất thành đạt. Thậm chí thành công hơn cả lớp đàn anh đã thành „cộng mốc“ từ lâu ở bên này. Vì họ tránh được rất nhiều "thuế ngu".
 
Có cặp vợ chồng ở đây đã lâu, giấy tờ đầy đủ, nhưng vì tham tiền nên giả vờ bỏ nhau, họ làm hôn thú với người tị nạn để kiếm tiền. Rất tiếc nhiều vụ từ dạng giả lại biến thành dạng thật. Tiền không kiếm được mà gia đình tan nát. Chồng tự nhiên có vợ mới trẻ măng một cách hợp pháp.
 
Vơ có khi đen đủi lại vớ phải ông chồng nghiện ngập đã già lại mắc bệnh dở hơi, nên không dại gì mà chuyển thành thật được.
 
Nên đành đi yêu người nước ngoài, tiếng Đức ít vốn, văn hóa bất đồng nên không phải gia đình nào cũng êm ấm cả.
 
Lại có bà chị ruột thương em, vất vả ở quê nghèo, nên tìm cách „cẩu“ sang bên này bằng mọi giá. Khi em sang thì bàn với chồng để em trú ngụ tạm nhà mình. Khổ nỗi trong lúc chưa kịp cho em đi nhập trại, chưa tìm ra phương cách gì giúp cụ thể được; Thì chồng mình nhanh chân hơn đã tìm ra „cách giúp" trước mình rồi.
 
Chả là bà chị thì bận rộn một mình bán hàng dưới quán, ở nhà cô em gái tí táu với chồng mình lúc nào không hay. „Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra“, nhưng giẻ bọc tinh vi và nhiều lớp quá nên vài tháng mới biết. Khổ nỗi khi bắt được quả tang „cái kim“ của chồng đang ái ân với em ruột lại chính trên cái giường ở trong phòng ngủ mà bao nhiêu năm nay hai vợ chồng đã thêu nguồn hạnh phúc. Biết được để tránh thì quá muộn, chỉ còn lại một sự đau lòng, xấu hổ và nhục nhã.
 
Gia đình của chị bỗng chốc trở lên điêu đứng, hạnh phúc tan hoang; „làm ơn nên tội“. Điên lên vì chồng và em nên chị đành đuổi em ra khỏi nhà, cô em đành phải đi kẹp bồ với ông khác. Hóa ra lại cũng là ông mà quen biết với chồng mình, rồi nó lại làm cho gia đình của ông bạn đang bán hoa xấu số kia thêm một phi vụ nữa.
 
Hai gia đình ở Berlin này đang yên ấm, có vợ, có chồng hẳn hoi bỗng trở lên bất hạnh chỉ vì một người phụ nữ quê mùa từ nơi nghèo khổ sang đây. Ai mà ngờ như vậy?
 
Ở Việt Nam thì người ta chịu khó hiền lành, sang đây lại biến thành hổ, thành rắn được thả trong rừng. Thật không biết đâu mà lần. Một anh bạn nói với tôi là: Người Việt mình sống khổ thì còn „ngoan“, vì họ quen suốt bốn nghìn năm rồi, chứ cho họ sướng là „dở hơi“ ngay. Không biết có đúng không?
 
Lại còn chuyện :„Mía ngon đánh cả cụm“. Mặc dù ở xứ lạnh như Đức này không ai nhìn thấy cây mia đâu cả, nhưng hiện tượng các anh, các chú người Việt cố ý đánh cả khóm để thưởng thức một mình cho komplett thì theo con số thống kê cũng đáng „nể“. Tỷ số cho thấy còn cao hơn ở trong nước. Đó là chưa kể những quả „hạ cánh an toàn“ kín đáo, không ai biết. Vợ vẫn cười tươi như hoa mỗi sớm mai về.
 
Đó là trường hợp gần đây có một chị ở quận Marzahn - Berlin cho em gái sang cùng làm cửa hàng ăn với gia đình mình ở trong chợ giao hàng. Ông chồng giúp đỡ cô em nhanh chóng quá, mấy tháng đã „béo“ lên, bụng vượt qua mặt, rồi cuối cùng là sinh hạ ra một cậu con trai kháu khỉnh.
 
Nhà đang làm ăn khá giả chỉ thiếu mỗi „thằng chống gậy“. Mải làm ăn không đi cầu tự mà Trời lại tự nhiên ban cho một điều không tưởng ngay trong vòng máu mủ và ruột thịt nhà mình. Thế mới "tuyệt cú mèo".
 
Thế nên ông chồng ân hận thì ít mà vui lại nhiều hơn. Những cơn ghen của hai chị em ruột càng trở nên gay gắt, họ chửi bới nhau tàn tã, may mà không xảy ra án mạng. Cuối cùng ông chồng cậy quyền là chủ quán, để yên thân nên không cho vợ làm cùng nữa. Bà chị không sống nổi với chồng đành phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận ra đi. Cô em cưới chồng của mình và chiếm quán ăn luôn. Giấy tờ nghiêm chỉnh và trở thành bà Hoàng.
 
Từ một người „khố rách áo ôm“, cô em đen gầy ngày nào mới sang, nay da dẻ trắng phau, đi giầy cao gót. Quần áo mốt bó sát người, chỗ kín chỗ hở; Vòng nào ra vòng đó. Cánh đàn ông vào nhậu no say rồi mà thằng nào cũng vẫn thèm nhỏ dãi.
 
Nàng được ông anh rể hóa thân thành chồng chỉ trong gang tấc mà có tất cả. Lúc nào cũng được chiều chuộng mua kem bôi và son phấn đắt tiền làm cho Nhan sắc càng thêm hấp dẫn. Cô ta có giọng nói ngọt ngào tựa như mía lùi. Khi ra tiếp bàn nhiều khách cứ hếch mũi lên nghe và ngắm, nên có khi thức ăn trong miệng mà không biết mình đang nhai gì. Thậm chí cũng không thèm hiểu nội dung cô ta nói gì nữa, cứ gật đầu lia lịa, thích thú và cười toe toét với đôi mắt khát khao.
 
Vì vậy quán của họ càng trở lên đông khách, mặc dù chất lượng món ăn có khi kém hơn ngày mà bà chị cả còn ở đây. Mới hay đấng mày râu chúng ta, trừ khi ngồi bên cạnh vợ và „được“ nàng „quan tâm“ nhìn thẳng vào mặt, theo dõi, thì may ra còn biết ăn bằng miệng; Chứ không thì phần lớn anh em chúng ta nhường chức năng ăn này cho mắt.
 
Một vụ khổ hơn nữa là cũng ngay tại Berlin này có bậc cha chú lại ươm củ khoai lang của mình vào ngay mảnh đất mới tươi của cả cháu gái ruột vợ mình. Âu cũng là do bà vợ thương cháu quá, mà bảo lãnh nó sang để biết một Thiên đường, nhưng cháu tham quá, cháu lại muốn biết hai. Chú cháu tí táu, tí mẻ thế nào mà chả cần ai dạy lại biết đường ăn ngủ yêu đương được với nhau, để cô mải làm nuôi hai chú cháu lại đếch biết gì. Đến lúc cháu cho ra sản phẩm cô mới bàng hoàng. Cái khó là không biết xưng hô thế nào cho đặng? Chú thì tóc bạc bơ phờ, mà cháu đun xe đẩy con đi bên cạnh thì trẻ như Nữ sinh mới học hết cấp III.
 
Những trường hợp như vậy, không biết là họ sẽ ăn nói sao đây với những người họ hàng ở quê nhà. Trời thì cao vời vợi mà cái Đức của con người thật là thấp hèn và bé nhỏ như thế này sao?
 
Còn những trường hợp „ nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà“ thì nhiều vô kể, Tiền giấu trong nhà gói ghém cẩn thận to như viên gạch, cho cháu ruột đến ở nhờ, nó tìm thấy ,cuỗm mất, tiếc quá rồi hóa điên. Nó gửi về quê mua đất, làm nhà to vật vưỡng rồi bỏ đi nhập trại mà không sao chứng minh được. Biết kiện ai? Giết nó à?
 
Nhiều người có học cũng bị mắc chuyện này. Có chú dẫn các cháu đi khám bệnh và làm phiên dịch, lúc đầu mục đích chỉ là để kiếm thêm chút tiền về khoe với vợ cho oai. Nhưng sau cũng vấp vào, cuối cùng không biết là do cháu lừa chú hay là chú lừa cháu nữa. „cháu mất chân giò, chú thò chai rượu“. Rượu cháu không biết uống. Nhà chú thì yên tĩnh, cô lại đi làm xa, tối đêm mới về. Hai chú cháu nhìn nhau lòng xốn xang, bồi hồi và xao xuyến, rồi cháu lim dim nhắm mắt chiều chú.
 
Trên chiếc ghế sa lông vừa nằm, vừa ngồi ấy, chú rót rượu nho mời ép cháu rồi xích lại gần, tiện tay vỗ vào mông tròn phúng phính của cháu, cháu nằm ệp xuống giả vờ chống cự qua loa một cách yếu ớt như một con chiên. Đôi „chân giò“ ngon lại tươi hồng và thơm tho phơi lên lộng lẫy, làm cho chú như lạc vào Thiên đường mơ mộng, rồi „Chai rượu“ ái ân của chú nhét vào lòng cháu lúc nào không hay.
 
Hai chú cháu hả hê, rên lên vì sung sướng. Từ đó cháu không còn mất tiền thuê phiên dịch mà chú được sài phở tươi ngon không mất tiền. Sản phẩm trao đổi đi lại như mắc cửi và càng trờ nên vui vẻ và diệu kì. Hơn nữa lại „của nhà làm ra“. Cuối cùng ngày qua tháng lại cũng ra sản phẩm. Đó là một „thằng cu“ hay „con đĩ“ gì đó.
 
Những quả ăn vụng không chùi được miệng ấy rất tai hại cho chú vì chú bảo phá thai, nhưng cháu đâu có thích, vì nhờ yếu tố có con này mà cháu có cớ ở lại hợp pháp với chú hay với ai đó sau này. Còn nhiều chuyện ly kì và hấp dẫn khác nữa nhưng không tránh khỏi u buồn.
 
Trong những năm qua cũng chính do nguồn tị nạn đáng thương và có những trường hợp đáng ghét ấy gây ra mà không biết bao nhiêu cảnh „chan tương, đổ mẻ“ vào mặt nhau giữa người Việt với nhau, gây nên những thảm họa khôn lường, nhiều vụ phải đổi giá bằng án mạng và biến thành tù khổ sai cho cả cuộc đời ở trên nước Đức tươi đẹp này.
 
Mới hay có lòng thương người, có tiền và có điều kiện mà muốn giúp được người để không bị phản tác dụng, nhiều khi lại đẩy mình vào thế hồi hộp, khó xử và bất hạnh đến không ngờ.
Viết bài này, Đối tượng mà tôi thương nhất vẫn là dành cho chị em phụ nữ chúng ta. Tôi không dám dạy khôn các bạn, nhưng có những câu chuyện mà tôi hư cấu lên viết ra đây là dựa trên cái cốt có thật mà tôi từng nghe và tiếp xúc được.
 
Nhân dịp "Mùa Xuân đã về trên cành lá: Tiếng chim kêu ngọt quá" chỉ biết chúc và cầu mong cho gia đình của các bạn bình an và thường xuyên không quên đề cao vai trò cảnh giác. „Biển trời bao la đẹp như gấm hoa“ mà để „nước non lại không một nhà“ thì không thể „vang tiếng cười chung“ được đâu.
 
Đây là Bài viết hoàn toàn vô tư, không nhằm chi trích một cá nhân ai. Không nhằm tố cáo tội lỗi. Bởi trong đó có thể còn là một phần của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta. Nhiều khi số phận đun đẩy chúng ta phải chịu sự đắng cay như vậy. Có điều mình đọc được, nghe được để phòng tránh chút nào mà thôi.
 
Bởi số phận của mỗi chúng ta đã được an bài. Và trên đời này cũng không ai mười phân vẹn mười. Tùy theo trường hợp, mà thay vì chúng ta ác cảm, căm ghét họ, thì hãy yêu thương họ. Bởi chúng ta là những con người.
 
Cái đáng trách vẫn là nền tảng giáo dục nuôi dưỡng và đào tạo tại Việt Nam. Chúng ta mong một ngày nào đó con người Việt trở nên sáng láng, không còn là kẻ sống vong bản ngay chính trên Quê hương của mình như bây giờ./.
 
Nguyễn Doãn Đôn