Tháng Ba, nhớ về một người đã khuất

|

Chị Võ Hồng bị bắt rồi!” Tôi bước vào phòng, thông báo cho anh Hùng tin không vui này. Mặc dù đã tính xác suất anh chị em bị bắt rất cao, nhưng anh vẫn thẫn thờ, bước ra ngoài hiên đứng một lúc lâu.

Hôm đó là ngày 10 tháng Mười, 2010. Mới một ngày trước, ngay tại Hà Nội, anh em xuất hiện công khai để phổ biến mũ áo “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” và phổ biến lời kêu gọi “Vì Ngàn Năm Thăng Long, Chống Hiểm Hoạ Bắc Triều“. Hôm nay, chị Hồng bị bắt. Tôi biết trong đầu anh Hùng đang tính toán cách đối phó với tình huống này.

10 năm sau, hồi tưởng lại sự kiện này, tôi nhớ rõ từng phản ứng của anh Hùng, nhớ như in gương mặt những anh chị em chấp nhận rủi ro để cảnh báo “Họa Bắc Triều” mà lúc đó, nhiều người Việt Nam vẫn chưa tin.

***

Chúng tôi đang ở Hà Nội, góc đường Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, để kêu gọi lòng yêu nước, sau một nghìn năm Thăng Long. Việc làm này là sự phối hợp cả trong lẫn ngoài nước. Bản thân tôi là người trong nước. Đất nước không phải là của riêng ai. Nên chúng tôi tin rằng những người có lương tri đều ủng hộ việc làm của chúng tôi.

“Giọng Nghệ” của Diệu vang vang trên làn sóng Chân Trời Mới, vào trưa ngày 9 tháng Mười, 2010. Người chiến hữu của tôi, chiến hữu Đặng Xuân Diệu, đang ở đầu sóng ngọn gió, để cùng với nhiều anh em khác, thực hiện một công tác chưa từng có, ngay tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Cũng tại vườn hoa này, cách đó không lâu, tôi đã cùng anh Hùng đội mưa đi dạo. Khi còn nhỏ, tôi nghe truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ và những trận mưa ngâu của Hà Nội. Nhưng hôm đó, tôi mới thấm thía nghĩa của mưa ngâu. Đi đến đâu, trời cũng đổ mưa. Anh Hùng nói “Tháng Bảy mưa ngâu mà ông.”

Sau một vòng, hai anh em bước lên bậc tam cấp, ngước nhìn tượng vua Lý Thái Tổ đẫm ướt trong mưa. “Theo tôi, địa điểm này tốt nhất cho công việc mà chúng ta muốn làm. Vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa tiện cho nhu cầu tiến thoái. Ông thấy sao?” anh Hùng nói. Tôi gật đầu “Vậy là cho tới luôn.” Một công việc hệ trọng vừa được chúng tôi quyết định trong cơn mưa ngâu Hà Nội.

Sau khi dạo các khu vực chung quanh vườn hoa, chúng tôi đến nhà hàng TX, để gặp Thành, một anh em Việt Tân ở Hà Nội. Nơi đây, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên với Thành, do “bất đồng ngôn ngữ”.

Thành hẹn với tôi “Chúng ta gặp nhau đúng 11g30 ở nhà hàng TX nhé. Anh lên tầng 2. Tôi chờ anh nơi có bàn nhìn xuống đường”. Chúng tôi đến đúng giờ. Trên lầu 2 chưa có ai. Chúng tôi ngồi chờ đến 12g, vẫn không thấy anh Thành. Sốt ruột, tôi gọi điện. Chuông reo nhiều lần, nhưng không ai trả lời. Thành là người rất đúng hẹn. Vậy là có vấn đề rồi. Chúng tôi trả tiền và đi ngay xuống lầu.

Đến lầu 1, tôi chợt thấy Thành ngồi gần cửa sổ nhìn xuống đường. Thành quay lại thấy tôi, vừa mừng vừa la “Tôi chờ các anh suốt buổi, sao đến muộn thế?” Tôi trả lời “Tụi tôi cũng chờ anh cả tiếng trên lầu 2, như anh dặn. Sao anh ngồi đây?” Thành ngạc nhiên “Tầng 2 là ở đây. Trên đó là tầng 3!”

Qua lại với Thành một lúc, tôi mới hiểu sự lầm lẫn tai hại giữa chúng tôi, kẻ bắc kỳ chính cống là Thành và dân nam kỳ rặc là tôi. Tầng 1 của Thành là tầng trệt của tôi. Tầng 1 của tôi là tầng 2 của Thành. Sau khi vỡ lẽ, chúng tôi ôm bụng cười một lúc, rồi cụng ly mừng hội ngộ.

***

Anh Hùng là người cẩn trọng, được anh em giao trách nhiệm điều động. Anh thiết lập danh sách tất cả sinh hoạt được tổ chức trong ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Anh mua được một hồ sơ liệt kê các chốt kiểm soát của công an chung quanh khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, giờ giấc thay trực… Tôi vô cùng thán phục “Ở đâu mà ông có của quí này?” Anh Hùng vuốt râu mép, cười đắc chí “Trong guồng máy này, có tiền, cái gì ông cũng có thể mua được, huống chi là cái hồ sơ tầm thường này.”

Nhờ các dữ kiện đó, chúng tôi lên một kế hoạch khá tỉ mỉ: Giờ xuất phát, giờ bắt đầu phát mũ áo, khi nào đọc lời kêu gọi và sau cùng, thời điểm rút, rút về đâu, trước khi công an đến.

Buổi trưa, mọi sinh hoạt đều tạm ngừng. Công an bỏ chốt đi ăn. Công viên Lý Thái Tổ chỉ còn lại dân tứ phương đổ về tham dự lễ hội. Họ trải khăn, chiếu trên bãi cỏ để ăn trưa.

Toán công tác căng biểu ngữ “Vì Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều”, cùng lúc, anh chị em túa ra khắp công viên, vừa tặng mũ áo, vừa giải thích hiểm họa Bắc Triều và những hành động bá quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa, trên vịnh Bắc Bộ… hôm 9/10/2010 tại công viên Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu của Việt Tân

“Go!” Anh Hùng vừa bật đèn xanh, tấm biểu ngữ “Vì Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều” đã được căng ra. Anh chị em túa ra khắp công viên, vừa tặng mũ áo, vừa giải thích hiểm họa Bắc Triều và những hành động bá quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa, trên vịnh Bắc Bộ…

Người đến xin áo mũ mỗi lúc một đông. Có một số du khách, trong đó có một ký giả Reuters, đến xem và hỏi thăm. Chị Võ Hồng trả lời phỏng vấn chớp nhoáng. Một giờ sau, cuộc phỏng vấn này được Reuters đánh đi khắp thế giới.

“… Hôm nay, ngày 9 tháng Mười năm 2010, từ trái tim của đất nước, đảng Việt Tân trân trọng lên tiếng: Vì Ngàn Năm Thăng Long, Chống Hiểm Họa Bắc Triều…” Tiếng Cần đọc lời kêu gọi vang vang. Tôi nhìn sang anh Hùng. Mắt anh long lanh vì xúc động.

Bản Lên Tiếng “Vì Ngàn Năm Thăng Long, chống Hiểm Họa Bắc Triều” của đảng Việt Tân được tuyên đọc và phân phát tại công viên Lý Thái Tổ, Hà Nội hôm 9/10/2010. Ảnh: Tư liệu của Việt Tân

Có tin báo công an đang đến. Cần đang đọc những câu cuối cùng “…Bảo vệ nước Việt là trách nhiệm của toàn thể con dân Việt. Hãy cùng nắm tay nhau để bảo vệ Tổ Quốc…” Cần vừa dứt, tiếng anh Hùng đã vang lên trên hệ thống liên lạc. Anh ra chỉ thị anh em rút.

Công an đến rất nhanh. Chúng túa ra vây hết những ai còn ở công viên, giữ những người có áo mũ màu xanh. Nhiều công an khác chạy theo hướng anh em đang rút. Một cuộc rượt đuổi bắt đầu.

Nắng trưa gay gắt, rất ít người đi bộ, nên tiếng chân thình thịch trên đường hòa với tiếng quát tháo, tiếng còi lanh lãnh của công an, khiến không khí Hà Nội trở nên ngột ngạt. Xe cộ ngừng lại, mọi người nhìn quanh dáo dác xem chuyện gì đang xảy ra.

Nhờ nhóm X rành rẽ mọi ngõ ngách Hà Nội tìm cách đánh lạc hướng, những anh em khác rút êm về địa điểm an toàn. Nhóm X cùng cắt được đuôi, rời Hà Nội.

Không bắt được ai, công an mở cuộc trấn lột tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Những ai còn trên người mũ áo xanh in hàng chữ “Ngàn Năm Thăng Long, Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam” đều bị buộc cởi ra giao cho công an. Có người phản đối, vì yêu nước không có tội. Nhưng vô ích. Đám công an lạnh lùng đi tịch thu hết để làm tang chứng. Tuy nhiên, số mũ áo tịch thu được rất ít, vì nhiều người đã rời vườn hoa trước khi công an đến.

Tối hôm đó, lần đầu tiên toàn bộ toán công tác Thăng Long gặp nhau. Có người mới biết nhau. Có người biết nhau trên mạng đã lâu, lần đầu gặp mặt. Anh ở trong, tôi ở ngoài, nhưng hình như có một sợi dây thiêng liêng vô hình, đã cột họ lại với nhau từ lâu. Nên vừa gặp, đã thấy thân thiết vô cùng. Những cái bắt tay thật chặt. Những vòng tay ghì siết đậm tình chiến hữu. Tối hôm đó, trong ngoài như một. Anh em cụng ly mừng chiến thắng. Anh em cười nói hả hê, để xả hết mọi hồi hộp, căng thẳng trong mấy ngày qua, mặc cho ngày mai ra sao.

Ở một nơi xa hơn nửa vòng trái đất, anh Hùng và tôi không thể cười nói hả hê như vậy. Chúng tôi cũng chưa thể cụng ly ăn mừng chiến thắng. Vì cam go vẫn còn trước mặt. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao mọi anh chị em đều trở về bình an. Chúng tôi phải thay đổi mọi dự trù lúc đầu, vì cuộc phỏng vấn bất ngờ của Reuters và tên tuổi chị Hồng đã công khai.

Ngày hôm sau 10/10, anh em đều an toàn về nhà. Chỉ có chị Võ Hồng là bị kẹt lại. Nhưng Hà Nội đã tính toán sai. Việc giam giữ vô cớ chị Võ Hồng khiến cả thế giới quan tâm đến sự kiện vườn hoa Lý Thái Tổ. Nội dung lời kêu gọi “chống hiểm họa Bắc Triều” của Việt Tân được nhiều cơ quan truyền thông đề cập đến. Tại Úc, cuộc đấu tranh đòi tự do cho chị Võ Hồng đã bung lên mạnh mẽ. 10 ngày sau, chị Võ Hồng trở về trong sự vui mừng của gia đình và bạn hữu.

Có thể nói trong vụ Ngàn Năm Thăng Long 2010, Hà Nội đã thua cả chì lẫn chài.

Còn gì đau đớn hơn khi “kẻ thù số một” của họ, Việt Tân, công khai xuất hiện giữa thủ đô Hà Nội, ngay trong ngày cả nước mừng Thăng Long Ngàn Tuổi. Không những vậy, lời kêu gọi “chống hiểm họa Bắc Triều” của Việt Tân được tuyên đọc ngay tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có ký giả Reuters. Chưa hết, tất cả anh em tham dự sự kiện này đều bình an trở về. Người bị bắt là chị Võ Hồng cũng phải thả sau 10 ngày giam giữ. Còn gì bẻ mặt hơn cho công an Việt Nam?

Đúng như lời Diệu nói trên đài Chân Trời Mới trưa ngày 9/10/2010, “chiến thắng” vườn hoa Lý Thái Tổ là thành quả của nhiều anh em trong và ngoài nước. Hầu hết là những anh em âm thầm trong bóng tối, trong đó có anh Hùng, anh Đặng Quí Hùng. Trước 75, anh là một sĩ quan trong quân đội. Sau 75, anh tham gia Việt Tân.

Anh Hùng và tôi quen nhau rất lâu và có nhiều kỷ niệm. Trên chiếc xe Volkswagen cũ kỹ của anh, chúng tôi từng đi nát các con đường ở Âu Châu, để gầy dựng cơ sở, vận động đấu tranh.

Anh Đặng Quí Hùng (phải) cùng cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Tư liệu của Việt Tân

Chúng tôi có những đêm không ngủ, trên những lối mòn lầy lội ở vùng biên giới, hay nằm chịu rệp cắn trên các chuyến xe xuyên Việt. Chúng tôi đi trong mưa ngâu Hà Nội để quyết định địa điểm Việt Tân công khai xuất hiện, rồi vừa phấn khởi, vừa hồi hộp khi cùng chỉ huy “trận đánh đẹp” vào tháng 10/2010.

Sau cùng, kỷ niệm chúng tôi gặp nhau lần cuối, bàn tay xương gầy của anh nắm chặt lấy tay tôi dặn dò đủ chuyện, trước khi qua đời.

Hôm đó là một buổi trưa cuối tháng 2 năm 2016. Anh nắm tay tôi nói “Tôi vô cùng áy náy, vì không còn có thể cùng ông đi tiếp được nữa, ông Đức ơi!” Anh rớt nước mắt khi nói những lời này. Tôi cũng vậy. Mặc dù tôi cố gắng bình tĩnh để trấn an anh, nhưng nước mắt cứ chảy dài. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh và tôi cùng rớt nước mắt, khi cả anh và tôi đều linh cảm là chúng tôi sắp sửa chia tay vĩnh viễn.

Không đầy một tháng sau, anh ra đi vì bạo bệnh. Ra đi không có gì hối tiếc, vì cuộc đời của anh là hai chữ “Phục Vụ”. Trước 75, anh tình nguyện phục vụ trong quân đội để bảo vệ đất nước. Sau 75, anh tham gia Việt Tân để phục vụ cho lý tưởng canh tân Việt Nam. Anh âm thầm về nước nhiều lần để “đồng cam cộng khổ” với anh em quốc nội, như anh thường nói mỗi khi trở về. Anh từng bị bắt, bị đánh, bị biệt giam. Nhưng công an không cạy miệng anh được nửa chữ. Anh lo toan mọi việc lớn nhỏ của tổ chức và đặc biệt là trách nhiệm nhiều công tác lớn tại Việt Nam, như vụ “Ngàn Năm Thăng Long”.

Anh Đặng Quí Hùng cùng bé Lucas và LS Lê Thị Công Nhân. Ảnh: Tư liệu của Việt Tân

Trong nhiều năm làm việc với anh, tôi chưa bao giờ nghe anh than mệt. Chưa bao giờ nghe anh nói đến hai chữ “bỏ cuộc”. Nhưng buổi trưa hôm đó, lần đầu tiên anh nói đến bỏ cuộc, vì “số trời khó cãi!”

Tôi biết anh rất đau đớn khi nói đến “bỏ cuộc”. Nhưng đúng như anh nói, số trời khó cãi. Chúng ta đều vô cùng nhỏ bé trước đất trời bao la và sự mầu nhiệm của sinh tử.

Tuy nhiên, trời không bao giờ phụ người có lòng. Tấm lòng của anh đối với đất nước, đối với tổ chức và đối với anh em cũng bao la như đất trời.

Anh đã bỏ cuộc và nằm xuống, nhưng tấm lòng của anh luôn hiện hữu, luôn trải rộng và đang là sự kích thích để nhiều anh chị em dấn thân mạnh mẽ hơn trên con đường phục vụ tổ quốc và dân tộc.

Một ngày tháng 3, để nhớ về anh Đặng Quí Hùng

Nguyễn Ngọc Đức
https://viettan.org/thang-ba-nho-ve-mot-nguoi-da-khuat/
 

PS. Các bạn có thể xem lại đoạn video tóm lược vụ Việt Tân xuất hiện tại Hà Nội ngày 9/10/2010 trong dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010-2010):