Tỷ phú Elon Musk” đã cứu Ukraine trên mặt trận truyền thông

Starlink, một hệ thống liên lạc vệ tinh thuộc sở hữu SpaceX của tỷ phú Elon Musk, đã giữ một vai trò chiến lược trong cuộc chiến tự vệ thành công của Ukraine chống lại lực lượng xâm lược Nga lớn gấp bội trong 7 tháng qua.
Tại sao Starlink lại có tầm quan trọng như vậy?
 
Sau khi quân Nga phá hủy hệ thống liên lạc Internet hiện hữu ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, Starlink đã giúp Ukraine nối kết:
 
1/ Người lính với bộ chỉ huy quân sự của họ, nắm bắt tình hình, chống trả lại những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền láo khoét của kẻ địch, thông tin liên lạc về nơi ẩn trú hoặc tình hình của quân địch, tấn công làm suy yếu tinh thần của quân Nga, thậm chí dùng cả disinformation để lừa Nga qua mưu kế “dương đông, kích tây”…
Binh lính Ukraine không chỉ dùng Starlink cho mục đích quân sự. Oleksiy cùng những người khác trong lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine còn sử dụng nó để thông báo an toàn qua các tin nhắn mã hóa cho bạn bè, gia đình sau khi mạng di động bị tổn thất nghiêm trọng vài tuần trước trong một trận pháo kích lớn. Khi rảnh rỗi, họ cũng cập nhật tin tức chiến sự mới nhất qua kết nối Internet của Starlink và đôi khi chơi game “Call of Duty” trên smartphone khi trú ẩn trong boongke và chờ lệnh.
 
2/ Chính phủ Ukraine và người dân có thể liên lạc bình thường với nhau qua Starlink để giúp đỡ và phối hợp hành động, thông báo những vùng chiến nguy hiểm, nâng đỡ tinh thần chịu đựng và kiên cường chiến đấu của dân, quân. Người dân liên lạc với gia đình, bạn bè…, nắm bắt tình hình chiến sự, và gởi thẳng những tin tức, hình ảnh chiến tranh từ hiện trường tới thế giới để nói lên sự độc ác của quân đội Nga, chụp hình các tội phạm chiến tranh, tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới...
 
3/ Chính phủ, truyền thông và nhân dân Ukraine duy trì khả năng thông tin qua lại với thế giới để kêu gọi sự hỗ trợ và chống lại những luồng tin xuyên tạc cùng nỗ lực cô lập Ukraine của Putin. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, đã thường xuyên cập nhật hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội của mình qua Starlink, họp báo và họp mặt Zoom với các nhà lãnh đạo thế giới, nói chuyện trước quốc hội của nhiều quốc gia, trước Hội Đồng Bảo An và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc…
 
Hai ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu (24/2/2022), vào ngày 26 tháng 2, Mykhailo Fedorov - Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine - đã tweet trực tiếp cho ông Musk yêu cầu khẩn cấp gởi thiết bị Starlink. Hai ngày sau đó, lô hàng đầu tiên đã xuất hiện. Sáu ngày sau (1/3/2022), hệ thống Starlink với 500 trạm đã hoạt động ngon lành khắp nước. Hiện đang có 11,000 trạm hoạt động tại Ukraine.
 
Starlink có gì đặc biệt?
 
Không giống như các vệ tinh truyền thống có quỹ đạo cao quay quanh quỹ đạo hàng ngàn dặm bên trên trái đất, Starlink bay lơ lửng ở một điểm trên mặt đất và chiếu tín hiệu vô tuyến xuống; thế hệ mới của vệ tinh quỹ đạo thấp dựa vào nhiều vệ tinh khác hoạt động trong một chòm sao.
 
Cấu hình đó khiến việc cắt đứt mạng Internet trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là vô phương, vì kẻ tấn công sẽ phải xác định chính xác tất cả các vệ tinh, cùng một lúc, để làm tê liệt toàn bộ hệ thống.
Starlink của Musk - dựa trên một cụm vệ tinh có kích thước bằng một cái bàn, bay ở tầm thấp khoảng 130 dặm phía trên Ukraine, và chiếu xuống nguồn truy cập internet tốc độ cao - đã trở thành một cứu cánh bất ngờ cho đất nước này, cả trên chiến trường và trong cuộc chiến giành dư luận.
 
Các chuyên gia đánh giá hệ thống vệ tinh Starlink của ông Musk đã chứng minh sự hữu hiệu, nhặm lẹ hơn hẳn hệ thống broadband hiện tại, dễ bảo toàn an ninh và chống lại tấn công mạng của Nga qua những mật mã có thể thay đổi nhặm lẹ, và đây sẽ là cứu cánh của bất kỳ cuộc giao tranh quân sự hiện đại nào. Sự thiết lập hệ thống Starlink trong chớp mắt ở Ukraine cũng là một điều đáng ngưỡng mộ.
 
Ts Trần Diệu Chân
Lược dịch theo bản tin ngày 8/6/2022 của Politico