Lý luận của Donald Trump
Như một ngẫu nhiên mỉa mai, Thứ Năm mùng tám Tháng Ba, khi 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP chính thức ký kết Hiệp ước được thêm tên là TPP Toàn diện và Cấp tiến (CPTPP) thì cái xứ bỏ cuộc chơi là Hoa Kỳ lại phát pháo lệnh vào thành trì của tự do mậu dịch với hai sắc lệnh Tổng thống đòi nâng thuế nhập nội cho thép (25%) và nhôm (10%).
Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế nhôm nhập cảng - Ảnh của Bloomberg
Chính quyền Trump có vẻ đang lùi về chính sách bảo hộ mậu dịch (protectionism) và khai chiến với các nước. Đa số báo chí đều tường thuật như vậy. Nhưng sai! Sự thể nó rắc rối hơn thế.
Chúng ta nên đi lại từ đầu….
Hai Tổng thống, Cộng Hòa George W. Bush rồi Dân Chủ Barack Obama, đều ủng hộ Hiệp ước TPP từ sáng kiến của bốn nước mở đầu (Singapore, New Zealand, Chile và Brunei) và khai triển thành một dự án lớn từ năm 2008. Nhưng khi việc thương thảo hoàn thành vào năm 2015 thì Quốc hội không phê chuẩn như Tổng thống Obama yêu cầu. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, cả hai ứng cử viên dẫn đầu là Hillary Clinton và Donald Trump cũng đều chống văn kiện này. Sau khi đắc cử và nhậm chức, Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước TPP như đã hứa hẹn khi tranh cử.
Lý luận của Trump khi ấy là hoài nghi mọi cam kết quốc tế vì có hại hơn là có lợi. Bên cánh tả cho là thỏa thuận đó chỉ có lợi cho các tổ hợp đa quốc và làm các nước nghèo bị thiệt hại. Người khác thì cho rằng các hiệp định quốc tế ấy khiến việc làm được chuyển qua các nước có nhân công rẻ, giúp các tập đoàn đa quốc kiếm lời to, nhưng lại làm công nhân của các nước giàu có bị thiệt hại. Điều ly kỳ là đảng Cộng Hòa xưa nay cổ võ tự do mậu dịch cũng tỏ vẻ ngờ vực mà người hoài nghi tự do mậu dịch (khi xưa còn chống Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA) là Barack Obama thì đảo ngược lập trường và ủng hộ TPP.
Nhìn ngược về lịch sử - khỏi lên tới Adam Smith, Frédéric Bastiat, David Ricardo - chúng ta nên nhớ tự do mậu dịch (hay ngoại thương không đánh thuế nhập nội và hạn ngạch nhập cảng) chỉ chiếm ưu thế sau Thế chiến II thôi. Trước đó, bảo hộ mậu dịch là chánh sách phổ biến của các nước. Sau này, trong 60 năm, các hiệp định tự do song phương (giữa hai nước) hay đa phương (giữa nhiều nước) mới mọc như nấm sau cơn mua.
Thật ra tự do mậu dịch như giải pháp lý tưởng cho thiên hạ là hiện tượng mới. Trước đó, chế độ bảo hộ để bảo vệ kỹ nghệ và việc làm nội địa lại phổ biến hơn - mà cũng đem lại tăng trưởng và phát triển cho các nước Âu-Mỹ.
Lý tưởng tự do mậu dịch được nhiều trường phái kinh tế đề cao vì mở vòng giao dịch giữa các nước sẽ giúp từng quốc gia tìm ra lợi thế tương đối của mình để sản xuất mặt hàng có lợi nhất và nếu mọi người đều có thể mua hàng rẻ hơn, về dài thì ai cũng có lợi. Đó là về lý thuyết. Thực tế lại như ca dao của ta: “lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”.
Chỉ vì “về dài thì ai cũng chết” (Keynes), mà “bàn tay vô hình” (Adam Smith) lại chậm cử động. Trong môi trường cạnh tranh mở rộng, nhiều doanh nghiệp và công nhân khó tìm ra lợi thế tương đối mà còn bị đào thải, mất việc, hay phải nhận lương thấp hơn. Tìm việc mới ở tuổi 30 thì dễ, chứ ở tuổi 50 lại khó hơn, và họ cần được bảo vệ.
Vì kinh tế cũng là chính trị, các chính trị gia sẽ ra sức bảo vệ họ, để kiếm phiếu.
Giải pháp kinh tế cho việc bảo vệ đó là hàng rào nhập nội. Giải pháp chính trị cho việc bảo vệ là lá phiếu cử tri hay hậu thuẫn của “quần chúng nhân dân lao động”.
Thực tế khác là mọi người đều nhìn vào tự do hay bảo hộ mậu dịch từ quyền lợi riêng. Họ ủng hộ những gì có lợi mà mối lợi ấy cũng thay đổi chứ không cố định bất biến. Khi hoàn cảnh thay đổi thì lập trường hay chủ trương của người ta cũng vậy.
Sau Thế chiến II, đa số có thể đề cao tự do mậu dịch và hiện tượng toàn cầu hóa.
Nhưng từ năm 2008, sự tình đã đổi thay với vụ khủng hoảng và nạn Tổng suy trầm. Nhiều người thấy lợi bất cập hại trong tự do mậu dịch nên hoài nghi các hiệp ước quốc tế, trào lưu toàn cầu hóa, và các đảng phái chính trị truyền thống đều rơi rụng. Âu Châu gặp hiện tượng đó và nhiều nước lặng lẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ.
Là quốc gia ít lệ thuộc vào xuất cảng và có sản lượng kinh tế dẫn đầu thế giới, Hoa Kỳ cũng thấy mệt mỏi. Điều ấy mới giải thích chuyện bất ngờ là Donald Trump đắc cử Tổng thống.
Ngày nay, ông đang đặt lại vấn đề như đã hứa hẹn.
Là doanh gia tốt nghiệp trường Wharton, Trump không thể không biết lý luận kinh tế cổ điển tới những trường phái tả hữu gần đây. Nhưng ông chẳng thiên về lý thuyết mà nhào vào thực tế.
Thực tế riêng thì doanh gia Donald Trump kiếm lợi nhờ tự do mậu dịch. Thực tế chung thì ít ai nói tới: Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về khu vực chế biến từ 60 năm trước, vào thập niên 1960. Nhưng sau đó, quốc gia thịnh vượng và dân chủ nhất lại lặng lẽ tụt hậu, và tụt mạnh nhất sau khi Richard Nixon nối vòng tay lớn với Bắc Kinh nhằm làm suy yếu Liên bang Xô viết. Kể từ đó, Trung Quốc ra khỏi sự cô lập và áp dụng chủ trương kinh tế “trọng thương”, mercantilism, thực chất là lý tài.
Adam Smith nổi danh hoàn vũ từ khi đả kích phái trọng thương (năm 1776 với cuốn The Wealth of Nations) và đề cao lý luận sẽ thành cốt tủy của tư bản thị trường. Khi Hoa Kỳ phát huy chủ nghĩa đó, nhiều quốc gia có lợi, nhưng cái thiệt cho nước Mỹ lại xuất hiện chậm rãi hơn, và từ dưới lên mà ở trên đỉnh tháp các lý thuyết gia về kinh tế lại không biết. Hoặc không cần biết.
Đấy là chuyện thất nghiệp vì cạnh tranh không nổi ở tuổi 50 trong một thế giới đổi thay quá nhanh! Vụ khủng hoảng năm 2008 vẫn không đánh thức nhiều người. Vì ngoài Trung Quốc nổi tiếng gian manh, lãnh đạo nhiều xứ khác cũng áp dụng chủ nghĩa trọng thương để kín đáo bảo vệ doanh nghiệp, công nhân và lá phiếu của họ nhờ hệ thống luật lệ hành chánh, kể cả Đức, dẫn đầu kinh tế Liên Âu.
Đứng sau Trung Quốc nên được che khuất, nhiều nước ra sức bảo vệ quyền lợi riêng trên lưng Hoa Kỳ là quốc gia có sức sản xuất và tiêu thụ cao nhất mà cũng ít lệ thuộc vào xuất cảng như các nền kinh tế kia. Vì vậy, từ năm 1975 và nhất là từ 1992 trở về sau, Hoa Kỳ bị nhập siêu nặng và càng ngày càng nhiều. Xứ nào được xuất siêu nhiều nhất thì cũng có chánh sách trọng thương hiệu quả nhất.
Đi từ thực tế, Donald Trump có thể kết luận rằng các hiệp ước mậu dịch lại gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Vì sao? Vì các hiệp định ấy là kết quả thương thuyết của những kẻ ít hiểu biết về kinh doanh, về đời sống thật và của những người ghét Mỹ, từ Âu sang Á!
Ta hãy nhìn vào thực tế đó.
Hoa Kỳ sản xuất chừng 26-27% sản lượng toàn cầu, sau đó là Tầu (16%), Nhật (hơn 6,5%), Đức (gần 5%), v.v… Ngần ấy đại gia kinh tế toàn cầu đều muốn bán hàng cho Mỹ nên về nguyên tắc thì Hoa Kỳ chiếm thế mạnh trong khi xuất cảng chỉ chiếm 12% của Tổng sản lượng. Các nước cần bán cho Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần bán cho họ. Vậy mà họ lại chiếm lợi thế mậu dịch qua các hiệp định ông Trump cho là tào lao và bất lợi!
Đi từ dưới đáy lên, Donald Trump không thích lối phân công lao động kỳ cục ấy. Quần chúng ở dưới khoái ông, giới trí thức và các phần tử ưu tú ở trên thì rất ghét.
Còn báo chí thông ngôn thì chưa biết nếp tẻ mà chỉ biết dịch, và còn dịch sai!
Đây nhé: Hoa Kỳ chỉ nhập 2% lượng thép tiêu thụ từ Trung Quốc là xứ sản xuất phân nửa lượng thép của toàn cầu và đang bán ra thép ế với giá bèo. Hoa Kỳ nhập thép từ đâu là nhiều nhất? Canada 16%, Brazil 13%, Nam Hàn 13% và Mexico 9%. Nhưng hai láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico không sản xuất thép thô, mà lợi dụng kẽ hở của NAFTA để dùng thép Tầu đánh vào đầu Mỹ!
Vì vậy Trump giở đòn ly gián: không áp thuế cho thép Canada và Mexico mà đàm phán lại trong khuôn khổ NAFTA. Nôm na là Bắc Kinh mất hai mối gian! Và Trump ráo riết tróc nã chánh sách lý tài của Trung Quốc khi trích dẫn doanh gia Elon Musk về giá thuế nhập khẩu xe hơi của Bắc Kinh là 25%, của Mỹ là 2%!
Nhìn qua Âu Châu cũng thế. Các nước Liên Âu và cả Vương quốc Anh vào năm 2016 đều áp thuế trên thép và nhôm còn cao hơn mức thuế vừa qua của Trump. Mà chẳng ai nói tới, có khi vì ếch biết.
Nếu các nước Âu Châu đòi trả đũa thì cuộc chiến mậu dịch Âu-Mỹ sẽ sớm tàn mà tràn sang quan hệ giữa Âu với Tầu! Chỉ vì một thực tế khác mà ít ai nhìn ra hay nói tới: Hoa Kỳ có thuế suất nhập nội thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Các nước kia không được như vậy nên sẽ đánh nhầu với nhau
Một quốc gia ít cần bán hàng cho thiên hạ mà lại hạ hàng rào quan thuế thấp ngang tầm cỏ cho các nước bán hàng vào Mỹ. Trump đòi đổi luật chơi và bàn riêng với từng quốc gia, như sẽ linh động bẻ đũa từng chiếc.
Cuối cùng, xin nói về “công nhân Mỹ”, ít ra trong ngành thép.
Đấy không là giới thất học. Đa số đều có hai năm cao đẳng sau trung học, nhiều người qua bốn năm và tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư. Máy móc họ sử dụng hàng ngày là loại thiết bị cao cấp về kỹ thuật. Họ không dốt nát tin vào chính khách và giới trí thức cứ đề cao tự do mậu dịch mà nhìn vào thực tế của gia đình, con cái. Họ đã muốn xoay trở để tìm nghề khác việc khác, mà ra khỏi nhà là đụng vào hàng rào luật lệ do các chính khách đề ra. Họ cũng biết rằng các nước khác đều nói tới tự do mậu dịch và toàn cầu hóa, hay bảo vệ môi sinh trong lành mà chẳng hề áp dụng, và còn khai gian nói láo.
Đứng đầu mà không duy nhất, chính là Trung Quốc!
Sau gần một năm yêu cầu Bộ Thương mại và Đại sứ Thương mại nghiên cứu sự lợi hại của tự do mậu dịch đối với an ninh (khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962), Donald Trump đi vào giai đoạn quyết định và có vẻ như đang khai chiến “toàn phương vị”, với mọi quốc gia đối tác. Ông ta không đơn giản như vậy mà cứ ra vẻ khật khùng dương Đông kích Tây và tạo ra cái thế thương thảo tinh vi hơn!
Sau cùng, do quyết định về nhôm thép, ông làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế là Gary Cohn phật ý vì đề cao tự do mậu dịch và từ chức hôm Thứ Ba mùng sáu. Mọi người bèn kết luận là phe bảo hộ mậu dịch thắng thế. Sự thật không đơn giản như vậy. Gary Cohn có thể trở lại trong một vai trò khác vì Donald Trump cần và dùng ý kiến của cả hai phe, trong từng trường hợp lâm chiến.
Và trận chiến mậu dịch không nhắm vào các đồng minh về an ninh như Nhật hay Úc hoặc Nam Hàn mà nhắm vào một đối thủ trên cả hai trận tuyến an ninh và kinh tế, là Trung Quốc.
Sau phát pháo lệnh vừa qua, chúng ta sẽ còn phải theo dõi trận đánh này….
FB Xuan Nguyen