TẢN MẠN VỀ DÂN TRÍ VÀ QUAN TRÍ

Chắc chắn sẽ có kẻ la ó khi ta nói thẳng vào một sự thật: trình độ dân trí của ta rất thấp. Một ông quan nói ra điều này sẽ bị chửi, vì không có cơ sở nào nói dân trí ta thấp khi chúng ta đã đào tạo ra hàng chục vạn giáo sư tiến sĩ và đang phổ cập đại học.

Ảnh: Báo Tiếng Dân

Tôi nói cũng có thể bị chửi, vì tôi là thầy giáo. Một thầy giáo nói dân trí thấp đã là xúc phạm dân.

Nhưng tôi nói có cơ sở. Một dân tộc hơn 90 triệu dân nhưng có thể chỉ có chưa tới một triệu người sống như một chủ thể người. Đa phần bị xỏ mũi, bị lôi kéo theo sợi dây của kẻ mạnh.

Hiển nhiên, dân trí thấp sẽ có thế mạnh khi một người, một nhóm người nào đó khuếch trương cách mạng bạo lực. Giống như đàn trâu ồ ạt tấn công đàn sư tử nếu ai đó biết thổi tù và kích thích cho đàn trâu xông lên. Nhưng thường sau khi đuổi được đàn sư tử thì đàn trâu lại bị chính kẻ điều khiển xỏ mũi.

 

Cách mạng bạo lực không làm cho dân trí khôn hơn mà càng ngu hơn, vì người dân rơi vào bẫy tự hào được xỏ mũi bởi kẻ chăn trâu mới. Khi ấy, nó trở thành đớn hèn cùng cực.

 

Trước hết, tôi muốn nói đến đội ngũ trí thức học thuật. Dù ta có hàng chục vạn giáo sư tiến sĩ nhưng chúng ta không có được đến vài trăm người có nhận thức độc lập và tư duy sáng tạo. Báo chí chỉ phanh phui vài ông thuộc phe củi ra đốt lò chứ lôi hết các công trình, các luận án, luận văn sẽ thấy đa số toàn xào đi nấu lại những gì đã có. Tư tưởng “thuật nhi bất tác” của Khổng vẫn được xem như là một sự lựa chọn an toàn cho học thuật Việt Nam. Từ thói quen xào nấu đến đạo văn là chuyện bình thường và trở nên phổ biến nếu chịu khó lôi hết các công trình trong kho ra mà kiểm tra!

Thứ đến là đội ngũ báo chí truyền thông. Chúng ta có trên 400 tờ báo, nhưng thông tin rất nghèo nàn, đến mức chỉ cần đọc một tờ báo là nắm hết cả trên 400 tờ báo. Đa số các báo rất ít chính kiến, gần như chỉ xào đi nấu lại một thông tin gốc nào đó. Bình thường thì không có chuyện gì, đến lúc vỡ trận thì cả đám cùng vỡ rồi cùng đồng loạt xin lỗi giống như một đàn con nít bị bố mẹ đánh đòn.

 

Không làm chủ được học thuật, không làm chủ được thông tin thì ắt không thể làm chủ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tại các đơn vị sự nghiệp nhà nước lẫn ngoài nhà nước, nhiều kẻ tham gia các cuộc họp, các hội nghị chưa bao giờ dám nói trái ý lãnh đạo một câu, dù họ thừa biết lãnh đạo sai lè. Đa số ngồi hóng hớt rồi biểu quyết theo lãnh đạo. Hình thức “dân chủ tập trung” thành hình thức một người nghĩ thay cho tất cả mọi người.

Trí thức mà không làm chủ được thì đừng hỏi dân đen ý thức làm chủ là làm gì.

 

Hậu quả là, không ở đâu như ở đất nước này, những tên tội phạm vẫn được bỏ phiếu vào ghế quốc hội, vẫn được “bổ nhiệm đúng quy trình” để leo cao chui sâu, lại được báo chí tán tụng ngợi ca hết lời trước khi quay ngược lại chỉ trích, phê phán nếu bị người ta biến thành củi khô củi tươi ném vào lò!

Dân nào quan nấy. Dân trí thấp thì quan trí hiển nhiên lùn tịt. Quan lùn tự xem mình là chân lý và cứ thế xỏ mũi dân đi đến địa ngục mà nó bảo là thiên đường.

Sự thật là nhiều thằng quan ăn nói rất ngu, nhưng dân vẫn vỗ tay rầm rầm. Đó là chưa tính có quá nhiều kẻ bưng bô làm cho thằng ngu ngộ nhận nó khôn hơn người và cứ thế ào ào chém gió!

Cuối cùng, tôi muốn nhấn vào cái chỗ tăm tối nhất của trình độ dân trí lẫn quan trí của ta. Đó là cái niềm tin vào vận hên xui rất đồng bóng. Khi trình độ hiểu biết thấp thì con người không làm chủ được mình và chỉ còn biết dựa vào kẻ khác. Một là dựa dẫm vào quyền lực “một người làm quan cả họ được nhờ”, cho nên người ta thi nhau vun vén cho anh em, dòng tộc, thậm chí cho một bè đảng. Hai là những kẻ có quyền lẫn không có quyền dựa dẫm vào một thứ quyền lực khác, đó là ma quỷ đội lốt thánh thần để cầu vận hên xui. Sự nguy hại này ở đây. Niềm tin đồng bóng làm cho dân lẫn quan đã ngu lại càng ngu thêm. Thật đáng báo động khi gần như toàn dân đang chạy theo vận hên xui để làm quan, làm tiền, làm một cách phạm pháp nhưng không sợ pháp luật trừng trị. Pháp luật bị vô hiệu hóa trước sức mạnh của tôn giáo đồng bóng.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, tại sao đã từng có không ít các vụ án tham nhũng bị đưa ra tòa xét xử, không ít các quan bị cách chức, bị kỷ luật mà vi phạm vẫn cứ vi phạm. Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân. Người ta nói đến tính không nghiêm minh của luật pháp, đến những kẻ liều lĩnh “hy sinh đời bố củng cố đời con”, kể cả nói đến tính chất độc tài toàn trị của hệ thống… Riêng tôi thấy có một nguyên nhân sâu sắc là dân trí thấp, mà dân trí thấp thì sinh ra mọi thứ trên kia, đúng như Tản Đà từng viết: “Chỉ bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó mới làm quan”. Quan chăn dân như chăn lợn thì quan muốn làm gì chẳng được khi đàn lợn chỉ biết kêu la khi hết cám!

Đa số dân sống theo cách coi nồi cám của mình là nhất thì thằng quan nào sợ dân mà chẳng ăn tộ vào, đến mức ăn lấn luôn cả phần cám của dân?

Cứ thử hỏi một thằng quan giàu có bất thường xem, rằng nó có sợ phạm pháp không? Nó sẽ bảo hên xui! Bởi vì tiền kiếm được trăm tỉ thì nó cũng đã đi cúng trên chục tỉ. Cúng đủ loại, từ ma quỷ dưới đất đến thánh thần trên trời… Mà đã cúng trên chục tỉ thì có bề trên bảo trợ, sợ đéo gì pháp luật?

Cụ Phan Chu Trinh và các cụ chủ trương cách mạng dân trí nhờ nhận ra điều này từ sớm, nhưng các cụ đã bất lực. Trong các cuộc cách mạng, cách mạng dân trí là khó khăn, phức tạp và lâu dài nhất, dù hiện nay người ta đang hô hào đến cách mạng 4.0!

FB Chu Mộng Long