Tại sao ta hèn?

 
1. Chúng ta hay nói (và là nói sự thật) rằng dân ta hèn, giáo viên ta hèn… Nhưng đã bao giờ ta thật sự đi tìm nguyên nhân?
 
Người Việt đã bị đàn áp cả ngàn năm nay, đàn áp một cách tổng thể, xuyên suốt, trường kỳ. Nó làm thành một thứ “căn tính dân tộc”, sâu gốc bền rễ; đến lượt mình, nó lại quay ngược để kìm hãm đời sống và tiến trình văn minh, trói buộc cả đất nước trong tình trạng trì trệ, mốc meo, nổi váng…
 
Bắt đầu là từ cái mô hình gia đình gia trưởng. Cha mẹ Việt đã khuất phục con em mình từ trong trứng nước bằng các tiêu chuẩn của “ngoan”, “nghe lời”; họ sắp đặt và áp đặt đứa con gần như suốt đời. Tất cả những “phản ứng” của con cái sẽ bị quy về “láo”, “hỗn”, thậm chí là “mất dạy”. Không được trái lời cha mẹ. Ông bố trong nhà như một vị vua, như lãnh chúa uy nghi và bất khả xâm phạm. Từ ông bố ấy, những chiếu chỉ sẽ được ban ra cho các thần dân bên dưới, và kẻ phải phục tùng tuyệt đối chính là vợ con ông ta. Đến lượt người vợ, vì những áp chế của ông chồng mà dồn những ẩn ức vào đứa đó – nó phải chịu hai tầng áp bức trực tiếp và cả một tầng gián tiếp nữa là ông bà, họ tộc. Trùng trùng điệp điệp…
 
Cái này lại có nguyên nhân từ trong “tư tưởng Nho giáo”, cái Nho giáo mà Phan Châu Trinh gọi là nửa mùa, là thứ hủ Nho do bọn chuyên chế và những bạo chúa bịa ra. “Chân Nho giáo” không có những thứ ấy.
 
Mọi nghĩ suy và cá tính của đứa trẻ sẽ bị triệt tiêu từ trong trứng nước. Ngay lúc còn sống trong gia đình mình, nó đã bị biến thành một sản phẩm của người khác bằng một đường lối thô bạo; từ sự phụ thuộc, nó hình thành tâm lý nô lệ và trở thành con người nô lệ từ trong nhân cách.
Ngày nay, những sự áp đặt của cha mẹ lên con cái đã ít dần, nhưng bên cạnh những “trói buộc nguyên thủy” chi phối đứa con thì nó lại đang chuyển dần sang sự thả nổi mà không có được những nền tảng của các giá trị văn minh. Tình trạng này phơi bày một bức tranh đầy bi kịch: những đứa trẻ hoang mang và mất định hướng; những đứa trẻ “nổi loạn” và bế tắc. Nhưng dù nổi loạn thì chúng cũng không thể thoát khỏi dòng chảy của một cơn lũ trong thời buổi suy kiệt các chuẩn tắc và giá trị, chúng bị cuốn đi…
 
2. Cùng với mô hình gia đình gia trưởng là xã hội chuyên chế đã một lần nữa thiết định lên đứa trẻ một tầng cai trị khác, rộng lớn, vô hình nhưng thảm khốc. Bắt đầu từ nhà trường với lối “giáo dục” nhồi nhét, với bạo lực tinh thần có tính cưỡng bách từ những quy định làm triệt tiêu con người cá nhân; những đứa trẻ vì thế bị đẩy đến một nỗi thống khổ của việc phải gồng lên để thích nghi bằng cách tự mình “kiểm duyệt” thiên tính. Đây là một cú đánh chí mạng của giáo dục VN vào con người để biến nó thành những hình nhân vô sắc vô vị hoặc những kẻ phá bỉnh rồ dại.
 
Khi lớn lên, bước vào môi trường làm việc và sinh tồn, vì luôn chịu sự “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” của một cá nhân được “bảo kê” bởi một thế lực “trăm tay ngàn mắt” luôn sẵn sàng đập bẹp tất cả mọi cá tính và sự sáng tạo cùng những tiếng nói cuối cùng của lương tri; những con người ấy một lần nữa bị gột sạch ý chí và năng lượng sống. Họ buộc phải ngoan và hèn đi để sống. Tất cả những gì là thiêng liêng để định hình CON NGƯỜI đều phải bị từ khước; và từ đó họ sẽ tìm lý lẽ để tự an ủi trong những sự ngụy biện để sống một đời thảm hại nhưng đầy cao ngạo.
 
Hai cú đánh (chuyên chế gia đình và chuyên chế chính trị) đã dồn tổng lực làm nên sự hủy diệt tận gốc không những tư duy độc lập mà còn cả ý chí tự do và dũng khí làm người. Con người không hèn đi mới là chuyện lạ.
 
3. Chúng ta phê phán chế độ độc tài toàn trị, nhưng hãy cẩn thận, vì có thể chính ta cũng đang thi hành một đường lối tương tự trong gia đình của mình. Đường lối ấy thường nhân danh lòng tốt và sự yêu thương để làm lý lẽ. Cái tốt đối với ta chưa hẳn là tốt với người khác, đừng nhân danh! Hi vọng và mong mỏi của ta nhiều khi trở thành gánh nặng mà ta đã đặt lên vai đứa trẻ từ khi nào không hay. Không gì khổ nhọc bằng việc phải mang vác giấc mơ của người khác.
 
Xã hội chuyên chế là mô hình có tính hủy diệt ghê gớm nhất trong lịch sử nhân loại đối với nhân tính. Nó cần phải được tống tiễn khỏi loài người nếu chúng ta còn mong muốn bất cứ điều gì tốt đẹp trên mặt đất này. Công việc ấy (tống tiễn nó) không phải của riêng ai cả, nó thuộc về trách nhiệm của tất cả chúng ta – cái cộng đồng đau khổ này. Tuy nhiên, không thể đổ đầu mà chia phần, vì mỗi tầng lớp có ưu thế riêng. Người trí thức phải chịu trách nhiệm chính trong công cuộc gian nan này bằng cách thức tỉnh cộng đồng của mình. Tự do không miễn phí bao giờ, một sự trả giá bao giờ cũng là điều hiển nhiên.
 
Những ai còn hi vọng về một tương lai tươi sáng mà vẫn muốn được an toàn tuyệt đối thì đó là gì nếu không phải là sự hèn nhát và ngụy biện?
 
Cuối cùng, một quy luật phổ quát mà chúng ta cần thấu hiểu: môi trường sống làm nên con người. Bài học sẽ là, phải cải tạo môi trường chứ không thể ở giữa bãi rác mà đi lựa một chỗ ít hôi thối nhất để đứng và gọi đó là thành công được. Công việc, bao giờ cũng thế, có thể sẽ phải bắt đầu từ một thiểu số, cái thiểu số đã nhìn thấu bản chất của vấn đề và biết con đường cho sự đổi thay. Phải chung tay dọn cái bãi rác kia nếu chúng ta còn nghĩ về tương lai của mình và con cháu mình.