Lần thứ hai, phải chạy lại hàng tít này: “Tại sao chống Formosa lại là chống nhà nước?”.
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm, Trần Thị Nga 9 năm, Nguyễn Văn Hoá 7 năm. Và phiên toà hôm nay vừa xong: 14 năm với Hoàng Đức Bình, 2 năm với Nguyễn Nam Phong.
Họ làm gì?
Họ chống Formosa.
Nhưng tại sao chống Formosa, lại là “chống nhà nước”?
Tại sao kẻ đầu độc môi trường, huỷ hoại đại dương, phá tan nền kinh tế và cướp đi cuộc sống mưu sinh của hàng chục triệu đồng bào, lại được bảo vệ, được tự do kinh doanh. Trong khi những công dân lên tiếng phản đối hành vi huỷ hoại tàn độc đó lại bị coi là phạm tội?
Kết án một người lên tiếng chống Formosa, coi hành vi chống Formosa là “chống nhà nước”, thì nhà nước ấy, chính phủ ấy đã mặc nhiên thừa nhận họ là nhà nước của Formosa, chứ không phải nhà nước của nhân dân.
“Lợi ích nhà nước”, khái niệm bị xâm hại đặt ra trong những vụ án này, đúng ra cũng phải là lợi ích của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hoá, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, và hàng chục triệu cư dân ven biển, chứ sao lại là lợi ích của Formosa?
Đã bao lần tôi tự hỏi: thật ra, toà án đang nhân danh gì, chẳng lẽ lại nhân danh Formosa để kết tội công dân mình?
Bao người vì Formosa mà bị bắt. Bao bản án nặng nề tàn độc nhắm vào những công dân lên tiếng phản đối Formosa. Từ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hoá, đến Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong.
Rồi sẽ là ai tiếp, tôi, hay chính các bạn?
Biết là lên tiếng sẽ tù đày. Nhưng “nếu bạn im lặng, rồi ai sẽ nói?”- (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Chẳng lẽ, lại để thế hệ cháu con ta, đợi những bé Nấm - Gấu lớn lên mới phá gông cùm cứu mẹ?
Khi đó thì có cứu được không, hay Formosa đã nhuốm đen hết tổ quốc của mình.