Mạc Van Trang
Quan sát việc tu hành, cách ứng xử, lời nói của sư Minh Tuệ, tôi hiểu ra một số quan niệm của Ông được biểu hiện rất cụ thể. Những quan niệm và cách ứng xử ấy khác hẳn với người thế gian chúng ta. Cho nên đem quan niệm của người phàm vào phán xét Ông là trật hết. Không biết những điều tôi viết dưới đây có đúng chưa, nhưng cứ xin chia sẻ, có gì các bạn chỉnh sửa, bổ sung tiếp.
1. Lý tưởng
Ông Minh Tuệ luôn công khai nói: Ước nguyện của con là tu thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ai không tin có Phật A di đà, con phát nguyện tu thành A di đà… Thần tượng của con là Đức Phật Thích ca mâu ni, ngoài ra không có ai là thần tượng của con. Con chỉ tập học theo những lời đức Phật dạy…
Ông đã nung nấu, chọn lựa và nguyện hiến cả cuộc sống cho lý tưởng đó.
2. Con đường đến lý tưởng là tu 13 Hạnh đầu đà
Ông Minh Tuệ tu theo 13 Hạnh đầu đà từ 7 năm trước, chỉ một mình mình biết, một mình mình hay, không ai theo dõi, kiểm tra, đánh giá… Nhưng ông giữ giới cực kỳ nghiêm ngặt: Một mình đầu trần, chân đất, khất thực ngày một bữa, ba y, một bát, không nhận tiền, tối ngủ nghĩa địa, gốc cây…; nghĩa là sống tối giản, “vô sở hữu”, cứ như vậy bộ hành 3 lần rưỡi từ Nam ra Bắc và quay lại, qua 60 tỉnh, có mấy ai để ý đâu.
Đến giữa cuộc hành trình thứ 4, từ Thanh Hoá vào Nam, mới rộ tin và hàng nghìn người bám theo, gây nên chuyện bất ổn cho đường tu của ông. Từ tháng 6/2024, ông bị lực lượng an ninh đưa về Gia Lai và từ đó đường tu liên tục trắc trở. Nhiều người khuyên ông ẩn tu; có người nguyện xây cho ông Chùa to… Ông từ chối hết. Ông bảo, nếu ẩn tu thì chỉ tu cho một mình mình siêu thoát thôi. Ông kiên quyết, kiên định tu theo Hạnh đầu đà như đã phát nguyện.
(Có người phàm bảo, bao nhiêu người tu sung sướng, mà sao ông tu khổ cực vây?)
3. Giữ giới
Ông coi giữ Giới là quan trọng nhất. Có giữ Giới mới có Định, Tuệ. Khi hỏi ông về vị sư này, sư khác, ông bảo có biết, nhưng không dám nhận xét, vì muốn đánh giá ai, phải ở cùng họ ít nhất 6 tháng, xem người ấy có giữ giới không. Ông khuyên người thường, giữ Giới, bớt tham, sân, si, không sát, đạo, tà dâm, không nói láo là tốt đẹp rồi. Còn ông phải kham nhẫn, giữ 250 giới. Nhưng ông cũng nói con đang tập học đến đó. Ông cũng cho biết, có lúc sân, si, ái luyến… khởi lên thì phải giải thoát đi để tâm an định.
Giữ giới phải kham nhẫn vô cùng, người ta đánh mắng mình, làm nhục mình, không sân hận; nắng mưa, giá rét, muỗi đốt, răng đau, nhịn đói… phải bình thản vượt qua. Người ta bố thí cái gì, ăn cái đó, không chọn lựa…
Vì thế khi sư Vô Sanh chân đau, không đi bộ được, muốn về, sư Minh Tuệ bảo, tu phải xả bỏ áo quần đang mặc, khoác y phấn tảo, bỏ giày, đi chân đất… Không giữ giới được thì nên tự về đi, không phải tiễn, không ái luyến, sầu bi… (Anh Báu nói rất buồn, thương sư Vô Sanh, có ý nói sư Minh Tuệ thế đó!)
Khi anh Báu trở lại gặp sư Minh Tuệ, muốn đi theo đoàn, ông nói, hỗ trợ đã có người khác thay rồi; bây giờ Thầy Báu muốn đi cũng phải xuất gia tu hành, tập học giữ 250 giới; nếu không, đi theo đoàn với tư cách người quan sát, hay YouTuber thì tốt đẹp. (Chắc vì thế nên anh Báu mới hỏi xoáy về 250 giới…).
4. Khiêm tốn xưng Con
Ông khiêm tốn tột cùng, xưng Con với mọi người, già trẻ, lớn bé. Ông không nhận là sư, mặc áo vàng, mang bình bát như các sư, vì chưa xứng với cảnh giới đó (mặc dù vậy, cứ gọi ông là sư cho tiện xưng hô); ông không nhận mình là sư phụ, mà gọi các “sư nhỏ” là “sư phụ”: Con có phải là sư phụ của họ đâu, họ có là học trò của con đâu, chỉ là bạn đồng tu, có duyên thì cùng đi tập học với nhau, hết duyên thì tự ra đi…
Thậm chí ông còn tự nhận, mình hèn mạt, thấp kém nhất xã hội, ngày ngày đi ăn xin, chịu sỉ nhục… Ông còn coi mình như con gà, con chó, con bò, con nai…Ông bảo đàn bò đi lại có con trâu vào không hợp; đàn hươu đi lại có con sói vào thì sao ổn…
5. Tự do
Bản chất của tu 13 Hạnh đầu đà là Tự do: Không ở một nơi quá ba ngày, không ngủ ở một nơi quá ba đêm; đi lang thang khất thực, ai cho gì ăn nấy, không ai cho thì nhịn, ăn lá cây, uống nước sông, suối; không xác định thời gian phải đi đến nơi; có duyên gặp ai là hoan hỉ trò chuyện, ai hỏi gì cũng nói thật, biết thì nói, không biết thì bảo không biết; không chịu sự chỉ đạo, tổ chức, sắp xếp của ai cả; không thuộc về bất kỳ một tổ chức nào; ai thấy vui, có duyên thì cùng đi tu tập cùng nhau; không mời gọi ai, không xua đuổi ai cả.
Có người hỏi, người ta muốn Thầy nhập quốc tịch Mỹ thì tự do đi được nhiều nước, thầy nghĩ sao? Ông nói, con không muốn quốc tịch nào cả, con chỉ muốn được tự do đi lại, tu tập, không vi phạm pháp luật của nước sở tại là được. Quốc tịch mà không được tự do thì quốc tịch làm gì! Ông cũng bày tỏ đến Ấn Độ rồi có duyên thì đi châu Âu, châu Phi, châu Úc…
Ông quan niệm để mọi người gặp gỡ, tự do trò chuyện, phỏng vấn, không phân biệt họ là ai cả. Ông bảo, ai muốn chụp hình, live stream là quyền của họ, họ thấy việc đó hạnh phúc thì họ cứ làm, chỉ tránh quay những lúc sinh hoạt riêng tư. Cứ để mọi người tự nhiên, tự do làm gì tốt đẹp, không vi phạm pháp luật là được. Ai vi phạm thì người đó chịu trách nhiệm. Không cần ai bảo vệ mình cả, mình tự bảo vệ mình bằng Giới luật.
Anh báu bảo, để tự do thì như cái chợ à? Ông bảo, còn hơn cái chợ ấy chứ. Anh Báu bảo, phải bảo vệ Thầy. Ông bảo, không cần ai bảo vệ. Anh Báu bảo vệ anh Báu có được không? Anh Báu bảo, có một nữ Phật tử cứ “đeo bám”, xử lý thế nào, ông bảo, không xử lý người ta, mình chỉ tự xử lý mình thôi…
(Đó chính là điểm trái ngược với tư duy công an của anh Báu và rất nhiều người ủng hộ anh Báu…).
Từ khi anh Báu đi, quả là không khí rất tự do, thoải mái, tự nhiên, đúng là “còn hơn cái chợ”. Cảnh sát Thái Lan phải hai lần kiểm tra giấy tờ và uốn nắn đám YouTubers… Nhưng cảnh sát Thái khác Việt Nam, họ chỉ chấn chỉnh ai bám theo sư, vi phạm trật tự thì xử lý, còn đoàn sư 16 người vẫn tu hành như thường.
Anh Hà có mời một Công ty Luật sư bảo trợ cho đoàn, ai cũng thấy hay quá, nhưng sư Minh Tuệ từ chối. Sư chỉ hỏi rất kỹ về pháp luật Thái Lan để mình thực hiện cho đúng, chứ không cần bảo trợ… Rồi mọi chuyện vẫn tốt đẹp.
6. Từ bi
Lòng từ bi của sư Minh Tuệ là vô lượng. Ông cố gắng không giẫm lên cỏ cây, con sâu, cái kiến; ông không đọc chú Đại bi khi ngủ ở nhà hoang, gốc cây, nghĩa địa để xua đuổi tà ma cho mình an ổn, vì mình ở nhờ người ta sao lại làm người ta kinh động; trái lại ông còn niệm cho những linh hồn ẩn khuất đâu đó được siêu thoát…
Nhiều sư đi theo Ông thành một “Tăng đoàn”, có người bảo tu gì mà kéo một lũ trên nước người ta; kẻ xấu nói, thế lực phản động xúi ông lập Giáo phái riêng… Ông nói, mình có bình nước, nhiều người khát nước, mình có chia cho mọi người cùng uống hay giấu đi, uống một mình?
Ông có cái gì, ai xin cũng cho. Ông bảo, ai muốn lấy nội tạng của con, thì cho con 10 ngày để thanh lọc cơ thể rồi hãy lấy… Ông bảo người ta từ khắp nơi xa xôi đến, muốn chụp tấm hình với mình thì hoan hỉ chụp cho người ta vui. Ông biết Myanmar có chiến tranh, nhưng càng muốn đến đó bất chấp hiểm nguy, có thể hy vọng đem lại hoà bình…
7. Bình đẳng
Ông quan niệm mọi người đều bình đẳng: Ai cũng như bố mẹ, anh em Con. Các sư đi tập học đều bình đẳng, họ đều là “sư phụ” của con. Ai đến giúp con đều tốt đẹp. Anh Báu đến trước thì nhận anh Báu, không có anh Báu thì có người khác… Ông không cần biết ai là Việt cộng, Việt tân, Việt gian, ai là bên ta, bên địch, ai xấu, tốt… Tất cả đều bình đẳng. Bất kỳ ai có duyên thì gặp gỡ hoan hỉ trò chuyện, phỏng vấn…
Ông coi việc giúp nhau là bình đẳng: Người ta giúp con thì người ta được Phước; con biết ơn thì con tu tập tinh tấn. Nhiều người nói ông Minh Tuệ vô ơn anh Báu, nhưng không biết rằng, nhờ giúp ông mà anh Báu vừa có tiếng vừa có miếng. Vậy ai ơn ai? Bình đẳng cả. Làm ơn rồi trách người ta vô ơn là tự mình làm mất Phước của mình.
8. Hạnh phúc
Người phàm chúng ta coi hạnh phúc là phấn đấu giàu sang, vợ đẹp, con khôn, xe hơi nhà lầu, công danh để đời… Đó là lẽ thường tình của thế gian. Nhưng sư Minh Tuệ coi, buông bỏ mọi thứ, không có gì cả, sống tối giản để được tự do tu tập theo Lý tưởng là Hạnh phúc. Hạnh phúc từng giây phút trên con đường đến Lý tưởng; do vậy nếu con đường ấy bị cản trở, bế tắc, tôi nghĩ, ông sẽ chết!
9. Trí tuệ
Người thường, nghe sư Minh Tuệ nói, thấy lời lẽ quê mùa, mộc mạc, có người còn bảo “ngô nghê”, chả có gì là giáo lý Phật pháp thâm sâu như các sư vẫn giảng. Người hiểu Phật pháp thì bảo những lời giản dị ấy chính là Phật pháp nguyên thủy, đố ai bắt bẻ, ông nói sai Phật pháp chỗ nào?
Năm 2024, chỉ mấy tháng ông nói chuyện, chia sẻ với mọi tầng lớp dân chúng trên dọc đường đi, mà nhà văn Hiền Mây “gỡ băng”, ghi chép lại thành cuốn “Hương bay ngược gió” 380 trang, NXB Đà Nẵng ấn hành. Rất tiếc cuốn sách toàn lời chân quê, mộc mạc của một người “Vô sản tuyệt đối” lại không được phát hành!? Trong cuốn sách đó chứa đựng biết bao trí tuệ Phật pháp gần với chân lý Đạo Phật.
Nếu sư Minh Tuệ ẩn tu, không được tự do gặp gỡ trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ với mọi người thì sao ông có thể hoằng pháp, bộc lộ được Trí tuệ?
Và năm 2025, những cuộc trò chuyện trả lời phỏng vấn của ông cũng vậy, toát lên bao nhiêu điều căn bản của Phật Pháp. Riêng cuộc đối thoại với anh Báu chiều ngày 8/2/2025, có người nói, đó là “cuộc đối thoại vĩ đại, sẽ đi vào lịch sử Phật giáo trường tồn”. Người hiểu Phật Pháp nói vậy.
Người phàm cho rằng ông Minh Tuệ nói ngây ngô, thấp kém hơn Tiến sĩ Báu!
10. Trò chơi của Nghiệp
Trong cuộc đối thoại với anh Báu như đã nói, ông Minh Tuệ nói một câu khiến bao người biết Phật pháp sửng sốt: “Chúng ta đều đang tham gia trò chơi của Nghiệp. Cùng vui vẻ cả thôi”.
Nghiệp hiểu nôm na là những hành động, lời nói, việc làm có chủ ý, thiện hay ác, sẽ đưa đến quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau. Nghiệp nói cho đầy đủ gọi là nghiệp quả báo ứng, nghiệp Nhân chúng ta đã gây ra thì nghiệp Quả phải đến, chỉ sớm hay muộn mà thôi…
Vậy tất cả chúng ta đang phán xét về sư Minh Tuệ cũng đang tham gia vào “trò chơi của Nghiệp” đó.
KẾT LUẬN
Sư Minh Tuệ nói, ông đang tập học theo lời Phật dạy, chưa là gì cả, không phải Thánh hay Phật: Mọi người đừng đảnh lễ Con, hãy đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng; khi nào con đạt Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác, bấy giờ con mới giảng Pháp, bây giờ chỉ biết gì thì chia sẻ thôi.
Nhưng có Linh mục Thiên chúa giáo coi Ông như chúa Giê-su; sư Minh Đạo tán thán Thầy Minh Tuệ như vị Phật; sư Giác Viên đã tu 60 năm, nay biết ơn Thầy Minh Tuệ xuất hiện. Ông từ bên Mỹ về đảnh lễ và Pháp thoại với sư Minh Tuệ, sau đó nói với các YouTubers: “Thầy Minh Tuệ sáng hơn ánh mặt trời, soi sáng tận đáy lòng người… đem lại Hạnh phúc bình yên cho mọi người… Đây là Phật sống Việt Nam, cả thế giới chưa làm được”…
https://www.youtube.com/watch?v=6WQ8-1UP-T4
TS Thần học Jennie Uyen Chu nói, Thầy Minh Tuệ đã đạt đến Chánh đẳng, Chánh giác, nhưng Ngài khiêm cung, hạ mình thấp nhất để gần với chúng sinh…
Đối với sư Minh Tuệ, mọi sự yêu, ghét của người đời hay mọi sự đánh phá hung bạo, tàn ác của đám Ma Vương, Quỷ vương không hề lay chuyển được Thân kim cương và Tâm như núi của Ông. Tất cả chỉ là “Chúng ta đều đang tham gia trò chơi của Nghiệp”.