Đã từ lâu rồi, chúng ta coi ngày 8/3 như “NGÀY LỄ TÔN VINH PHỤ NỮ” (dân dã gọi là ngày nịnh chị em). Chúng ta mải tặng quà, hú hí… mà quên dần đi tinh thần ngày 8/3, là ngày đấu tranh cho những người phụ nữ bị áp bức, bị ngược đãi, để giành lấy quyền sống, quyền làm người… Trên đất nước chúng ta còn biết bao nhiêu chị em nông dân mất đất thành dân oan tội nghiệp; hàng vạn chị em công nhân lao động trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu nhà trọ, thường ngộ độ thức ăn, không nơi gửi con, khô héo đời sống văn hóa, tinh thần; bao nhiêu phụ nữ và em gái bị bạo hành, buôn bán…
Những cái tồi tệ đó đáng là dịp được nêu lên trong ngày 8/3 để đòi được cải thiện, thì lại bị che lấp đi bởi những lời hào nhoáng tán tụng chị em… Đặc biệt một số chị em dấn thân đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền, Tiến bộ xã hội đang bị bắt bớ, giam cầm càng cần được quan tâm. Ngày 8/3 này đúng ra phải là ngày đấu tranh đòi tự do cho những chị em, như: Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga … được trở về với những đứa con thơ của các chị, đang khắc khoải ngày đêm khát khao mong ngóng mẹ.
LỊCH SỬ đây: Ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại TP New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên để đấu tranh cho quyền lợi công nhân...
50 năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ biểu tình trên đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn…Khẩu hiệu của họ là "BÁNH MÌ và HOA HỒNG" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. (Wikipedia).
Tinh thần ngày 8/3 là để đấu tranh cải thiện đời sống của những phụ nữ yếu thế trong xã hội, đã bị lu mờ dần, trở thành “ngày hội” của những người phụ nữ ưu thế, may mắn!
Vì vậy tôi xin lỗi, ngày 8/3 năm nay không chúc mừng và tặng hoa cho các bạn nữ, mà gửi lời cầu mong cho các chị em đang gặp bất hạnh, đủ sức lực và can đảm vượt qua nghịch cảnh!
6/3/2017
MVT
FB Mac Văn Trang