So sánh khủng hoảng tên lửa Cuba và Triều Tiên

Ngày 02/01/2017, Tổng thống đắc cử Donald Trump, khi nhắc đến nỗ lực của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển một loại vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ, đã đảm bảo với những người theo dõi Twitter của ông rằng, “Điều đó sẽ không xảy ra!”. Nhưng nó đã xảy ra.

Ngày 4 tháng 7 – Quốc khánh Mỹ – Bắc Triều Tiên đã tặng cho người Mỹ một món quà sinh nhật không mong muốn – họ đã thành công trong việc thử Hwasong-14, một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà theo lời các nhà phân tích thì có khả năng chạm đến Alaska. Tất cả công việc phải làm còn lại chỉ là thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể lắp được vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) – một cột mốc có thể đạt được trong vài năm tới.

Vụ thử tên lửa ICBM mới nhất của Bắc Triều Tiên đã thay đổi hoàn toàn cục diện ngoại giao và chiến tranh ở Châu Á, và có thể là cả thế giới, vì cuộc thử nghiệm này đồng nghĩa với một rủi ro (chiến tranh) hạt nhân mới chỉ xảy ra một lần trong lịch sử với Liên Xô vào năm 1962. Trên thực tế, chúng ta hiện nay đang chứng kiến sự lặp lại từ từ của Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo quốc gia của ngày hôm nay có thể có được tầm suy nghĩ chiến lược như trước kia – điều đã cho phép Tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định tháo ngòi nổ mối đe dọa ở Cuba.

Khủng hoảng Tên lửa Cuba bắt đầu vào ngày 16/10/1962 khi Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đưa cho Tổng thống Kennedy xem những bức ảnh cho thấy Liên Xô, lúc đó do Nikita Khrushchev lãnh đạo, đã triển khai tại Cuba, chỉ cách Florida 145 km (90 dặm), những tên lửa đạn đạo có khả năng phóng vũ khí hạt nhân vào các thành phố lớn của Mỹ. Bỗng nhiên, cả thế giới bị đặt bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân mà hậu quả có thể là sự hủy diệt toàn cầu.


Castro – Kennedy – Khrushchev

Kennedy đã nhanh chóng bàn luận các khả năng hành động có thể với các chuyên gia và cố vấn chủ chốt. Những cuộc nói chuyện này đã được bí mật ghi âm (chỉ Kennedy và có thể là cả em trai của ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, biết điều này). Nội dung các cuộc bàn luận đã được công khai 35 năm sau đó trong cuốn The Kennedy Tapes,  minh họa tuyệt vời cho việc lý thuyết trò chơi đã được áp dụng như thế nào.

Để đảm bảo tên lửa của Liên Xô sẽ được gỡ bỏ khỏi Cuba, Mỹ đã cân nhắc 2 chiến lược chính: phong tỏa Cuba bằng hải quân hoặc một cuộc không kích. Áp dụng lý luận lý thuyết trò chơi vào trường hợp này, Kennedy nhận ra sự cần thiết phải đặt mình vào vị trí của đối thủ – và khả năng là đối thủ của ông cũng đang làm điều tương tự. Ông cũng cân nhắc những kinh nghiệm trước đó về chiến lược nguyên tử từ những chuyên gia lý thuyết trò chơi bậc nhất thời đó, bao gồm Thomas Schelling, người sau này đã được trao giải Nobel. Kennedy nhận thức rõ ràng về những hậu quả mà hành động của ông có thể gây ra. Và ông cũng hiểu rằng, đôi khi, thỏa hiệp là lựa chọn tốt hơn thay vì cố gắng giành chiến thắng hoàn toàn.

Để tận dụng lợi thế là người hành động trước (Liên Xô không biết rằng một báy bay trinh thám của Mỹ đã chụp được hình các tên lửa), Kennedy và các cố vấn của ông đã giữ bí mật mối đe dọa trong 6 ngày và chỉ tiết lộ khi họ đã sẵn sàng hành động. Ngày 22 tháng 10, Kennedy tuyên bố phong tỏa đường biển đối với Cuba.

Nhận thấy rủi ro tiếp tục leo thang căng thẳng, Liên Xô đã đáp trả bằng cách đưa ra một đề nghị thỏa hiệp. Cuối cùng, Mỹ đã đồng ý gỡ bỏ tên lửa của họ ra khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và Italy, đổi lại việc Liên Xô sẽ gỡ bỏ các tên lửa ra khỏi lãnh thổ Cuba. Không bên nào giành chiến thắng hoàn toàn, nhưng cũng không bên nào chịu rủi ro bị hủy diệt hoàn toàn.


Donald Trump – Tập Cận Bình – Kim Jong-un

Khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên yêu cầu một tư duy chiến lược tương tự. Việc liệu các đối thủ của Bắc Triều Tiên có phát triển được các loại vũ khí mạnh hơn hay không không còn là điều quan trọng. Khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã phát triển đầy đủ đến mức những đe dọa tiến hành hành động quân sự, hay thậm chí là cả một cuộc tấn công, cũng sẽ không mang đến kết quả mong muốn – rằng Bắc Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Một phần lý do là bởi, không giống như Khủng hoảng tên lửa Cuba, Khủng hoảng Bắc Triều Tiên là một trò chơi giữa (ít nhất là) ba bên. Giống như Mỹ, Trung Quốc – người hàng xóm, đồng minh thân cận, và là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, cũng có lợi ích trong đó.

Nếu Mỹ và các đồng minh tấn công Bắc Triều Tiên, Trung Quốc – đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên – rất có thể sẽ lập tức bảo vệ người láng giềng Đông Bắc Á của họ. Và Trung Quốc có khả năng đẩy cuộc chiến leo thang vượt ra khỏi khu vực Châu Á.

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc được cho là nên sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc Bắc Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng ta không thể chắc rằng Trung Quốc có khả năng – hay kể cả mong muốn – để làm điều đó. Trung Quốc sợ rằng nếu việc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân rốt cuộc sẽ dẫn đến sự thống nhất hai miền Triều Tiên, 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc sẽ hiện diện ở ngay cửa ngõ Trung Quốc.

Về phía Bắc Triều Tiên, các lãnh đạo quốc gia này biết rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với tự sát. Họ ghi nhớ trong đầu số phận của các quốc gia như Iraq, Libya và Ukraine. Vì vậy, giống như năm 1962, cần phải có một giải pháp chiến lược. Tuy nhiên, không giống như năm 1962, giải pháp không nằm ở một sự đánh đổi duy nhất, bởi Bắc Triều Tiên đang sở hữu năng lực hạt nhân lớn và không dễ dàng gì từ bỏ điều đó trong một lần thỏa hiệp.

Thay vào đó, như Rajan Menon và những người khác đã gợi ý, các bên cần theo đuổi giải pháp tiệm tiến. Bắc Triều Tiên có thể đảo ngược chương trình hạt nhân của mình ở một mức độ nhất định, trong khi Mỹ cũng sẽ rút một lượng nhất định quân đội của mình ra khỏi Hàn Quốc. Ngay khi 2 bên đạt được cột mốc đó, họ có thể tiếp tục tiến sang những bước tiếp theo, và cứ tuần tự như thế. Cũng có thể cần cả đảm bảo rằng nếu bán đảo Triều Tiên cuối cùng được thống nhất thì quân đội Mỹ sẽ không được đồn trú tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên.

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên không phải là một trò chơi “diều hâu-bồ câu” (hawk-dove game) hay trò chơi gà (game of chicken) cổ điển [1] – lý thuyết mà Bertrand Russell đã sử dụng để phân tích chiến lược nguyên tử. Ở trò chơi này, bên hiếu thắng sẽ chiến thắng. Các bên trong trò chơi hạt nhân Bắc Triều Tiên phải theo đuổi việc xuống thang dần dần, cụ thể là nhượng bộ lẫn nhau. Mỹ có thể không thích ý tưởng phải rút quân một phần khỏi một khu vực chủ chốt như Đông Bắc Á, nhưng họ không nên quên điều mà Kennedy đã biết: không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nguồn: Kaushik Basu, “The North Korean Missile Crisis”, Project Syndicate, 11/07/2017. Biên dịch: Trần Thị Ngọc Thúy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Kaushik Basu, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới, là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Cornell và là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The North Korean Missile Crisis

—————

[1] Hawk-dove game hay game of chicken là một mô hình xung đột trong lý thuyết trò chơi. Nguyên tắc của trò chơi này là dù hai người chơi đều có lợi ích khi một bên nhượng bộ, nhưng lựa chọn tối ưu của mỗi người chơi phụ thuộc vào những gì đối thủ của mình đang làm: Nếu đối thủ xuống nước thì mình nên cứng rắn, còn nếu đối thủ cứng rắn thì mình nên xuống nước. Từ “gà” (chicken) xuất phát từ trò chơi mà trong đó hai lái xe chuẩn bị đâm thẳng vào nhau, và một bên phải bẻ lái nếu không hai bên sẽ cùng chết trong tai nạn. Nhưng nếu một lái xe bẻ lái trong khi người kia không làm như vậy thì người bẻ lái bị gọi là “gà”, nghĩa là “kẻ hèn nhát/ nhát gan” (NBT).