Sao đảng không ‘giỗ đầu’ Trần Đại Quang?

Đại tướng - Chủ tịch nước Trần Đại Quang luc sinh thời
 
An Viên - (VNTB) |

 Khi Đại tướng Quân đội Nhân Dân Việt Nam mất, báo chí rầm rộ đưa tin, và ngày giỗ đầu của ông Đại tướng (4/10), đã được báo chí truyền tin một cách trân trọng. Trong khi báo chí nước ngoài nhân dịp đó đánh giá lại di sản mà ông Đại tướng để lại.


 
Tương tự, hai trường hợp tiếp theo được báo chí đưa tin và nhân dịp lễ giỗ đầu để tưởng nhớ là ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), với ngôn từ ‘nhớ thương’.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai nguyên Thủ tướng là người xác lập những nền móng cơ bản cho việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và đưa nền kinh tế Việt Nam vào một phần quỹ đạo phát triển của kinh tế thế giới. Tính chất ‘hữu ích’ của những quyết định từ ba nhân vật này được cho là góp phần khép cửa chiến tranh và mở cửa nền kinh tế, từng bước đưa quốc gia thoát nghèo.
 
Chính vì vậy, ngôn ngữ ‘Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân’ phần nào phản ánh đúng vị trí của chính họ.
 
Giỗ đầu – nghi thức người Việt nhằm tưởng nhớ đến người đã qua đời, thể hiện sự thương xót và thành kính của người đang sống với người đã khuất.
 
Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất vào ngày 21/9/2018. Nhưng điều kỳ lạ là trong ngày giỗ đầu của người từng đứng đầu Bộ Công an, đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước lại không hề được báo chí nhắc đến.
 
Không có bất kỳ một ‘giỗ đầu Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang’ nào trên báo chí chính thống. Chỉ có ‘giỗ đầu’ do VOA, RFA, hay trang fanpage Việt Tân ghi lại chuyến thăm của nhà văn Tạ Duy Anh trong bài viết ‘đi xem mộ Trần Đại Quang’. Và mục đích chuyến đi không phải là để ‘viếng’, mà thuần túy chi là ‘xem mộ’, và để ‘thỏa mãn vì đã xác minh được một sự thật’.
 
Nén hương trầm cho người mất từng một thời thét ra lửa giờ đây chỉ còn quanh quẩn người trong gia đình. Những ‘đồng chí’ từng một thời trong bộ máy chính quyền dường như đã tìm cách quên nhanh người đã khuất, và sự tồn tại qua nhắc lại với ngôn ngữ thương cảm trên báo chí đã không còn nữa, kể từ sau ngày hạ huyệt.
 
Tương tự như ‘Đại tướng Trần Đại Quang’, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ngoài những tin cũ về ‘quốc tang trong 2 ngày’, về ‘hình ảnh xúc động tại lễ tang’, thì tuyệt đối, đã không thấy bất kỳ một tin bài nào được đăng trang trọng trên báo chính thống về ‘giỗ đầu’ của ông.
 
Hai con người, hai thế hệ nhưng lại cùng một số phận. Và khi người dân nhắc đến, họ thường nghĩ về sự tham nhũng và bạo quyền. Dù rằng, ‘chết là hết’, nhưng những vết nhơ trong thời kỳ lãnh đạo và chỉ đạo vẫn còn tồn tại, trong sự chỉ trích của người đời.
 
Quyền cao – chức trọng giờ đây cũng chỉ là một khái niệm mang tính hời hợt và lụi tàn, trong khi vinh danh và nhắc lại bằng sự thương cảm trở nên đáng giá.
 
Khi xã hội càng phát triển, các luồng thông tin ngày càng đa chiều, thì những nhà lãnh đạo cộng sản càng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện ‘thần thoại hóa’ cuộc đời của mình, và tự tìm cách ngự phong thần thánh đối với bản thân mình. Bởi người dân đã có nhận định của họ, thương cảm của họ, không phải bằng những bài viết tuyên truyền chính thống, mà chính là những suy nghĩ độc lập dựa trên đánh giá thực tế những gì mà những nhà lãnh đạo đã làm được cho nước, cho dân.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, hai lãnh đạo Chính phủ là ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải xác lập cơ sở trong nền kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bình quân 7% năm. Và hiện tại, người dân kỳ vọng một lãnh đạo thế hệ mới phải mở bằng được nền kinh tế thị trường đầy đủ và xác lập dân quyền trong nước và quyền tự chủ quốc gia. Ba yếu tố làm nên sự tự chủ và thịnh vượng bền vững cho quốc gia Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ liền hai chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước – đảng đang là một con người như vậy. Ông chịu nhiều sự chỉ trích về sự ‘cổ hủ, giáo điều’, nhưng cũng không ít khen tặng về ‘quyết tâm chống tham nhũng và làm sạch đảng’. Thế nhưng, tương lai của đất nước này lại không nằm ở ‘chỉnh đốn đảng’, mà lại nằm ở đổi mới đảng, trong đó, triệt thoái quyền lực độc tài để trị tha hóa quyền lực; xác lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để trị ‘lỗ theo kế hoạch’, và dân quyền hóa để xác lập quyền giám sát và làm chủ nhân dân.
 
Đó không chỉ là tầm nhìn bền vững cho quốc gia, giúp chống lại tệ tham nhũng, quan liêu và sự trì trệ trong phát triển kinh tế, mà nó còn đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào ngôi đền, nơi mà người dân có thể tưởng niệm ông vào mỗi dịp giỗ về.
 
‘Dân không thờ sai ai bao giờ’, hay ‘dân không chọn thờ nhầm người bao giờ’ nếu như người đó tạo được dấu ấn cho chính quốc gia, dân tộc này thay vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của chính đảng. Bởi lẽ, cho đến nay, quan điểm ‘Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác’ chỉ là một câu nằm ở cõi mộng.
 
Do vậy, khi thuế phí gia tăng trong tương lai – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng; khi người công nhân phải ăn bữa cơm không dành cho người – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng; khi quốc gia bị lâm nguy vì chính quyền Trung Quốc – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng; khi Việt Nam mất cơ hội nâng cấp quan hệ với Mỹ - đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng; và khi quốc gia mất cơ hội vàng trong phát triển kinh tế - con người và xã hội thì đó hoàn toàn là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng.
 
Ông Nguyễn Phú Trọng đang ‘cai trị’ quốc gia trong thời điểm mà thách thức và cơ hội đang xen nhau, và lựa chọn của ông sẽ đánh dấu việc, Việt Nam sẽ tồi tệ hay tốt đẹp lên.
 
Bài học ‘giỗ đầu’ của Đại tướng Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn còn đó, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự lắng nghe?