SỰ YÊN LẶNG CỦA PHẦN TRANH LUẬN

Tại phiên toà phúc thẩm vụ án bà Trần Thị Nga, bà Nga rất điềm tĩnh trả lời và cũng đối đáp tốt những câu hỏi hoặc một số quan điểm của Hội đồng xét xử (gồm 3 thẩm phán cao cấp) cũng như Kiểm sát viên (một kiểm sát viên cao cấp).

Tại phần xét hỏi, tôi làm rõ việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra về thu thập dữ liệu điện tử đối với những nhân chứng chứng kiến việc bắt người trực tiếp ngày 21/01/2017 tại nhà bà Nga. Hai nhân chứng đã khẳng định việc máy tính vẫn được cắm trực tiếp với nguồn điện và các điều tra viên còn tự kết nối máy in để in ra 76 tệp (files) tài liệu từ trong máy ra và coi đó là chứng cứ. Điều này lại hiển nhiên được ghi rõ trong bản Kết luận điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát.

Tôi hỏi 3 người dân (có mặt tài phiên toà phúc thẩm) với vai trò là những người (trong số 09 người) có đơn tố cáo bà Nga về các hành vi nói xấu, chửi bới đảng, các lãnh đạo và công an tỉnh, rằng họ có tin vào những gì bà Nga nói không? Và những người dân mà các vị là đại diện tổ dân phố họp có tin vào những gì bà Nga tuyên truyền không? Họ trả lời dõng dạc là hoàn toàn không tin.


Tại phần tranh luận. Tôi đưa ra ba luận điểm cơ bản cần phải giải quyết cả về mặt học thuật lẫn mặt tố tụng về thẩm quyền giám định cũng như thủ tục xác lập chứng cứ.

Thứ nhất, về mặt nội dung: cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã dùng kết luận giám định (về mặt tư tưởng) của các giám định viên để kết luận về mặt khách quan của tội phạm (tức các hành vi được liệt kê để cấu thành một tội nào đó trong điều luật). Vậy nghĩa là chính các giám định viên này đã thay mặt toàn bộ các cơ quan tiến hành tố tụng để “kết tội” về hành vi của bị cáo. Vậy là lầm lẫn về mặt luật nội dung và chức năng của các cơ quan tố tụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự. Và luận cứ này không hiểu vì sao lại không được ghi vào trong Biên bản phiên toà sơ thẩm (thiếu sót nghiêm trọng).

Thứ hai, về thẩm quyền giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông: theo Điều 2 Nghị định 17/2017/NĐ-CP thì không quy định về thẩm quyền của Bộ TTTT trong vấn đề giám định tư pháp. Duy chỉ có quy định về thẩm quyền trong việc quản lý “an toàn thông tin”. Còn hành vi đang xét trong vụ án này thì thuộc về một khái niệm pháp lý khác đó là “an ninh thông tin” nêu tại Điều 3 mục 24 Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Và tại Điều 39 Nghị định này thì quy định rõ thẩm quyền xử lý các vi phạm về an ninh thông tin thì do Bộ Công an giải quyết. Tiếp nữa, Điều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BTTTT đã nêu rõ mọi giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phải dựa vào Quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này và cac văn bản pháp luật có liên quan đến đối tượng cần giám định. Tuy nhiên, các kết luận giám định lại được đưa ra là do hoàn toàn ý chí chủ quan của các giám định viên mà không hề căn cứ vào bất cứ văn bản pháp lý nào. Vậy nó vi phạm nghiêm trọng về căn cứ giám định nên những kết luận này không thể sử dụng làm căn cứ kết tội.

Thứ ba, về thủ tục xác lập và thu thập chứng cứ: về hai kết luận giám định của Bộ TTTT, ngoài việc đã vi phạm vào luận cứ thứ nhất được nêu ở trên, thì về việc giám định đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Nguồn chứng cứ đầu tiên do Sở TTTT tỉnh Hà Nam tự ý tải trên mạng về và cóp vào đĩa rồi gửi sang cho cơ quan điều tra gồm 11 video clip với tiêu đề cụ thể. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra thu thập 11 video clip tại máy tính của bà Nga (đã vi phạm Điều 5 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC về trình tự thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử), là với các tiêu đề khác với 11 clip do Sở TTTT cung cấp. Nên hai nguồn chứng cứ này có đồng nhất là một hay không thì lại không được giám định, và tất cả những video clip này cũng không được giám định về tính nguyên vẹn, liên tục của chứng cứ. Vậy một loạt các vi phạm tố tụng nghiêm trọng như vậy thì có thể coi những thứ đó là chứng cứ không khi không đảm bảo (vi phạm) 2 thuộc tính quan trọng của chứng cứ là khách quan và hợp pháp theo Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự?!

Với Điều 31 khoản 1 Hiến pháp quy định, không ai bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh bằng trình tự luật định và có bản án kết tội của toà án có hiệu lực pháp luật. Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định, mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật này. Điều 10 quy định nguyên tắc xác định sự thật vụ án, ở đó nêu rõ các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng mọi biện pháp, chứng cứ hợp pháp để xem xét và giải quyết toàn diện, khách quan vụ án. Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định toà án chỉ nghị án và tuyên án dựa vào những gì được thẩm tra, xem xét tại phiên toà.

Dựa vào những luận cứ nêu trên, căn cứ Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Thêm nữa, vấn đề quyền được tự bào chữa của bị cáo vẫn chưa được đảm bảo khi chưa được toà án tạo điều kiện cho tiếp cận hồ sơ mà lại giải thích cho bị cáo rằng bị cáo đã có luật sư bào chữa và thông qua luật sư để tiếp cận tài liệu vụ án. Tuy nhiên, Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 11 Bộ luật TTHS cũng quy định các cơ quan tiến hành tố tung phải đảm bảo quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Và không được đồng nhất giữa quyền được tự bào chữa của bị can, bị cáo với quyền nhờ luật sư bào chữa. Hơn nữa, toà án, theo Hiến pháp, có trách nhiệm bảo vệ công lý, nên việc đảm bảo quyền đó của bị cáo là đúng đắn và hợp pháp. Nên không thể nói rằng luật không có quy định để phủ nhận quyền này của bị cáo. Riêng phần áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS để tăng nặng trách nhiệm trong bản án sơ thẩm, tôi đã nhận định rằng vị kiểm sát viên đang lầm lẫn về học thuật pháp lý vì hành vi tuyên truyền là hành vi cấu thành kéo dài, nên không thể coi 02 clip lấy trong máy ra sau 11 clip trước là phạm tội lần thứ 2. Nên cần phải xem xét lại việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Hơn nữa, việc bị cáo có các hành vi tuyên truyền đó cũng không hề suy suyển được niềm tin của những người dân (đã được xác nhận tại toà, cùng cả những người bị tạm giam cùng buồng với bị cáo Nga trong các bản khai), nên nó không thể làm giảm uy tín của nhà nước, không thể gây hoang mang trong nhân dân về niềm tin vào nhà nước. Đồng thời cũng đề nghị cơ quan điều tra và viện kiểm sát cần phải tách bạch rõ ràng hai chủ thể đó là Nhà nước CHXHCNVN và Đảng cộng sản Việt Nam, vì nội hàm (quy phạm) điều luật 88 là không có chủ thể đảng chính trị trong mặt cấu thành của tội phạm.

Tuy rằng vậy, vị đại diện viện kiểm sát đã không tranh luận (đối đáp lại) bất kỳ luận điểm nào trên đây của tôi. Theo Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự, tôi đề nghị Hội đồng xét xử đề nghị Kiểm sát viên phải đối đáp lại, nhưng tuyệt nhiên sau đó vị kiểm sát viên vẫn không đối tụng lại bất kể luận cứ nào mà tôi vừa yêu cầu.

Sau giờ nghị án. Án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên với 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Khi bị dẫn giải đi, bà Trần Thị Nga đã vỗ tay và nói rằng, bà không chống lại nhân dân và dân tộc Việt Nam!

Phiên toà kết thúc. Buổi chiều mờ tối.

Theo FB Luân Lê