Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn độc lập và là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ từng nói, một chính phủ cai trị ít nhất là một chính phủ tốt nhất (The government that governs least governs best). Đó là phương châm chính trị của ông và là nguyên tắc căn bản của xã hội tự do. Ông là một người Mỹ vĩ đại được cụ Hồ rất ngưỡng mộ, cụ đã lấy lời ông trong Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ để mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Ông còn là người vô cùng dị ứng với nợ công, có thể nói ông là kẻ thù không đội trời chung với chúng.
Jefferson cho rằng con cái chúng ta sinh ra là được tự do. Tự do là món quà tự nhiên của tạo hóa chứ không phải là từ ông bà cha mẹ chúng ban cho, bởi vậy chúng phải được trưởng thành, được lao động và được hưởng những thành quả trọn vẹn của chúng, chúng có quyền không chịu trách nhiệm về những gánh nặng mà ông bà cha mẹ chúng để lại. Theo ông, một quốc gia mà dồn nợ công cho thế hệ sau phải trả là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Trong bức thư gửi James Madison (người sau này là tổng thống thứ 4 của Mỹ) vào năm 1789, Jefferson nói rõ: “Trái đất là thuộc sở hữu toàn vẹn của mỗi thế hệ trong suốt thời gian tồn tại của thế hệ đó. Thế hệ thứ hai phải được tiếp nhận trái đất không nợ nần và các gánh nặng để lại từ thế hệ thứ nhất, các thế hệ tiếp theo cũng sẽ tương tự như vậy. Nếu như thế hệ thứ nhất nhồi vào nó một khoản nợ (mà các ông ấy không chịu trả) thì trái đất sẽ thuộc về những người đã chết, không còn là của những người đang sống nữa. Bởi vậy, không một thế hệ nào được ký những hợp đồng vay nợ lớn hơn khả năng mà chính thế hệ mình phải trả”.
Trước, trong và sau khi làm Tổng thống, Jefferson luôn luôn đau đáu với nợ. Ông hối tiếc là đã không kịp sửa một điều khoản trong Hiến pháp nhằm giới hạn quyền vay nợ của Chính phủ, cho nên ông luôn luôn nhấn mạnh sự miễn trừ đối với các khoản nợ của thế hệ trước phải được coi là “quyền tự nhiên” của con người. Trong thư gửi thượng nghị sĩ John Wayles Eppes, ông viết : “Quyền tự nhiên được miễn trừ các món nợ của những thế hệ trước là sợi cương kiềm chế chiến tranh và tình trạng nợ nần. Bởi vì kể từ khi có lý thuyết hiện đại về sự tồn tại vĩnh viễn của nợ (công), trái đất đẫm máu và nhân loại bị đè bẹp trong những gánh nặng chất chồng”. Trong bức thư gửi triết gia A.L.C. Destutt de Tracy, một người bạn Pháp của ông, Jefferson nhắc lại: “Bổn phận của mỗi thế hệ là phải trả được món nợ của chính mình khi đang còn sống. Đó là một nguyên tắc mà nếu làm được thì sẽ giảm một nửa các cuộc chiến tranh trên thế giới” (Các trích dẫn lời Jefferson được lấy từ loạt bài “Nợ công trong vòng xoáy lịch sử” của tôi đăng trên Thanh Niên, 2014)
Ngày nay, nợ công được giới trí thức nâng thành lý luận, chui vào các học thuyết kinh tế, rúc vào vào các định chế quốc gia, nhồi nhét vào đầu óc người dân lương thiện, biến đất nước thành một biển nợ sóng sau đè sóng trước, vĩnh viễn không bao giờ trả xong. Bi kịch là thứ lý luận bất lương này không ai chống lại được, vì nó được coi là văn minh, là thông lệ quốc tế.
Mỗi năm các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua “chỉ tiêu” bội chi ngân sách trên dưới 5% GDP, tức là chấp nhận vay một lượng tiền khổng lồ bằng 5% giá trị tổng sản phẩm trong nước để bổ sung vào nguồn thu từ thuế, vốn cũng đã rất nặng nề. Khoản vay nợ này không chỉ dùng để duy trì “sức ăn” của bộ máy nhà nước miệng thì nói giảm nhưng thực tế lại phình to ra mà còn để xây dựng những trụ sở oai phong hoành tráng từ xã đến trung ương, cung phụng những chiếc xe hơi sang trọng, vé máy bay hạng VIP, phục vụ cho những chuyến đi nước ngoài của công chức nói là đi làm việc nhưng thực chất là đi du hí, nuôi một hệ thống đoàn thể và tổ chức xã hội khổng lồ suốt ngày nói lý. Một phần của khoản vay này dùng để “đầu tư phát triển”, nhưng ai có thể biết trong đó có mấy chục phần trăm mang ra chia chác ? Có những khoản vay khổng lồ để làm những dự án trơi đời ai nhìn cũng phẫn nộ như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông…
Và tất cả những người ký vay tiền đều trốn nợ, nhiệm kỳ trước đẩy cho nhiệm kỳ sau và đổ hết gánh nặng lên đầu người dân, người đang sống và cả những đứa trẻ chưa ra đời./.