Mẹ Nấm, tù nhân chính trị được "đặc xá" gần nhất.
Tội chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng được xét đặc xá” – một trong những nội dung mang tính ‘đột phá’ của Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) – đã được đưa ra Quốc hội để thảo luận vào ngày 7/11/2018.
Một nội dung ‘đột phá’
‘Đột phá’ là từ ngữ rất thường được giới quan chức và tuyên giáo Việt Nam sử dụng như một cách ‘tự sướng’ và lên dây cót tinh thần ngay trong hoàn cảnh chẳng có gì đáng tự hào.
Theo dự thảo này: “để đảm bảo đồng bộ với các Luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật quy định đối với một số tội mà Bộ Luật hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì nay vẫn có thể được đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án dài hơn so với các tội danh khác. Đó là các tội liên quan đến phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế- xã hội, tội phá hoại chính sách đại đoàn kết, tội làm-tàng trữ -phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội phá hoại an ninh, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân… Với những người phạm các tội danh trên, phải chấp hành ít nhất ½ thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”.
Đây là lần đầu tiên từ khi Luật Đặc xá được thông qua vào tháng Mười Một năm 2007, luật này mới được bổ sung cơ chế đặc xá cho những tù chính trị ‘phạm tội an ninh quốc gia’ mà giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và nhiều người dân gọi là tù nhân lương tâm.
Dạng tù nhân chính trị trên thường gồm những nhà hoạt động nhân quyền (khái niệm của nhà cầm quyền là ‘quyền con người’) bị chính quyền quy chụp vào tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’, ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’, ‘phá hoại đoàn kết dân tộc’, ‘gây rối an ninh’ và không ít trường hợp bị xem là ‘lật đổ chính quyền’. Trong số tù nhân chính trị, có cả những người dân không thuộc giới đấu tranh nhân quyền mà chỉ hoạt động phản đối thảm họa ô nhiễm môi trường và những dân oan đất đai phản đối nạn cướp đất nhưng cũng bị nhà cầm quyền bắt bớ và quy chụp các tội danh chính trị.
Vậy vì sao đã hơn 10 năm tồn tại, Luật Đặc xá mới bổ sung nội dung đặc xá cho tù chính trị, trong khi trước đó hoàn toàn không có nội dung này?
Lịch sử của ‘nhu cầu đối ngoại’
Trước đó, đã chỉ có Điều 21 của Luật đặc xá quy định “trường hợp đặc biệt, cụ thể, để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước” thì Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt này.
Nhưng trong thực tế, hoàn toàn chưa có biểu hiện và thậm chí chưa có dấu hiệu nào cho thấy Điều 21 của Luật Đặc xá được áp dụng cho ‘nhu cầu đối nội’, với lý do hết sức độc trị là một nhà nước công an toàn trị hoàn toàn chưa hề có ý muốn thả tù chính trị để đối thoại với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và với người dân, hay thậm chí để mị dân. Vì thế, đã chưa có bất kỳ trường hợp tù nhân lương tâm nào được đặc xá do nhu cầu đối thoại hay thương lượng về những điều kiện nhân quyền và an sinh xã hội.
Chỉ có một số ít tù nhân chính trị được phóng thích, chứ không phải áp dụng hình thức đặc xá, do ‘nhu cầu đối ngoại của đảng và nhà nước’.
Sau mốc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 và đặc biệt là mốc Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ được ký kết vào năm 2001, chính quyền Việt Nam đã trả tự do nhỏ giọt trước thời hạn tù cho một ít tù nhân chính trị, và cũng chính thức khởi động một chủ trương ngầm ‘đổi tù nhân chính trị lấy lợi ích thương mại’.
Tuy nhiên, chủ trương ngầm trên chỉ hiện ra một cách thật sự lộ liễu và bất cần sĩ diện lẫn liêm sỉ vào năm 2014, khi các trại giam tối đen và dơ bẩn của Bộ Công an phải mở toang để trả tự do cho đến 12 tù nhân lương tâm, trong đó một số người bị tống xuất đi Mỹ, nằm trong chiến dịch trao đổi tù nhân chính trị lấy một lợi ích thương mại rất cụ thể vào năm đó là Hiệp định TPP.
Đó chính là ‘nhu cầu đối ngoại’ của ‘đảng và nhà nước ta’.
Nhưng như một quy luật của nhà nước độc trị, ngay khi đã được thỏa mãn về lợi ích thương mại (Việt Nam tham gia vào WTO năm 2007) hoặc khi đã không còn hy vọng vào lợi ích thương mại đó nữa (Việt Nam thất vọng vì Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017), cơ chế bắt bớ lại tái diễn một cách lồng lộn, hung dữ và đặc biệt xấu tính.
Ngay sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, ‘nhu cầu đối ngoại’ lập tức biến mất, cũng chẳng còn quan chức hay đại biểu quốc hội nào thèm ngó ngàng đến việc sửa đổi Luật Đặc xá liên quan đến điều khoản này hay bổ sung đặc xá cho các tội danh an ninh quốc gia.
Chỉ từ giữa năm 2018, khi xuất hiện cùng lúc hai tín hiệu khả thi của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – còn gọi là TPP – 11 không có Mỹ) và bắt đầu có triển vọng ký kết EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu), kéo theo những ràng buộc về việc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, nội bộ đảng Cộng sản mới lấp ló lôi Luật Đặc xá từ ngăn kéo ra bàn lại.
Trong 10 tháng đầu của năm 2018, đã có 3 trường hợp tù nhân chính trị được ‘đặc xá’ do ‘nhu cầu đối ngoại’ là Đặng Xuân Diệu – thành viên đảng Việt Tân – bị tống xuất sang Pháp vào tháng 1/2018, đến tháng 6/2018 là Nguyễn Văn Đài – bị tống xuất sang Đức, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tống xuất sang Mỹ vào tháng 10/2018.
Nhưng con số phải trả tự do ấy vẫn còn quá ít. Quá ít so với báo cáo thống kê của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và các tổ chức nhân quyền quốc tế về hơn 200 tù nhân chính trị đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
Từ ‘đặc xá’ không chính thức đến đặc xá chính thức
Chỉ từ giữa năm 2018, qua trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã thụ án đến 9 trong số 16 năm tù giam của bản án cực kỳ bất công và khắc nghiệt đối với ông, người ta mới biết chính quyền và công an Việt Nam đã bắt đầu gợi ý với ông Thức về ‘đặc xá’ một cách chính thức, nhưng với điều kiện Trần Huỳnh Duy Thức không được ở Việt Nam mà sẽ bị tống xuất ra nước ngoài như một dạng lưu vong chính trị. Thức đã thẳng thừng và kiên định lắc đầu trước lời đề nghị trơ tráo đó.
Sau ngày quốc khánh Việt Nam 2/9 năm 2018 và đặc biệt là sau Hội nghị trung ương 8 vào tháng Mười mà đã chứng kiến hai cái ghế tổng bí thư và chủ tịch nước được ‘thu về một mối’, đã xuất hiện tín hiệu rõ ràng hơn hẳn về sửa Luật Đặc xá liên quan đến nội dung ‘tội danh an ninh quốc gia’.
Đó cũng là khoảng thời gian mà hai hiệp định CPTPP và EVFTA đang tiến vào giai đoạn nước rút về thủ tục pháp lý.
Trong thực tế, ‘nhu cầu đối ngoại’ của ‘đảng và nhà nước ta’ chưa bao giờ khẩn thiết như lúc này – bối cảnh mà nợ nước ngoài đã vọt đến hơn 200 tỷ USD, ngân sách hộc rỗng và lâm vào cảnh vỡ nợ, gần hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã gần như cạn kiệt và các nguồn ‘ngoại viện’ như viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đã trở nên ngàn trùng xa cách tầm với của đảng…